Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 116/2003/NĐ-CP về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước

Chương 3:

SỬ DỤNG VIÊN CHỨC

MỤC 1: BỐ TRÍ, PHÂN CÔNG CÔNG TÁC, CHUYỂN NGẠCH, NÂNG NGẠCH

Điều 25. Bố trí, phân công công tác

1. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp chịu trách nhiệm bố trí phân công công tác, giao nhiệm vụ cho viên chức và bảo đảm các chế độ chính sách, các điều kiện cần thiết để viên chức thực hiện nhiệm vụ.

2. Khi thực hiện việc phân công, bố trí công tác cho viên chức phải bảo đảm phù hợp giữa nhiệm vụ được giao với ngạch viên chức theo nguyên tắc: viên chức ở ngạch nào thì bố trí công việc phù hợp với ngạch đó.

3. Viên chức chịu trách nhiệm trước người đứng đầu đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức về kết quả và chất lượng thực hiện nhiệm vụ của mình; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo còn phải chịu trách nhiệm về việc thi hành nhiệm vụ của viên chức thuộc quyền quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Chuyển ngạch

1. Viên chức được giao nhiệm vụ mới mà nhiệm vụ đó không phù hợp với ngạch viên chức đang giữ thì phải chuyển ngạch viên chức sang ngạch tương đương phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ được giao.

2. Viên chức được chuyển ngạch phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch được chuyển.

3. Đơn vị sử dụng viên chức khi chuyển ngạch cho viên chức phải thành lập Hội đồng kiểm tra để sát hạch về trình độ, năng lực của viên chức. Nếu viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch mới, thì đơn vị sử dụng viên chức ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức bổ nhiệm.

4. Hội đồng kiểm tra có 05 hoặc 07 thành viên, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là người phụ trách công tác tổ chức cán bộ của đơn vị;

c) Các ủy viên Hội đồng là viên chức lãnh đạo bộ phận chuyên môn và một số viên chức có năng lực, trình độ nghiệp vụ công tác ở cùng ngạch hoặc ngạch cao hơn (Chủ tịch Hội đồng phân công một trong số các Uỷ viên kiêm Thư ký Hội đồng).

5. Hội đồng kiểm tra có nhiệm vụ sau đây:

a) Xem xét các văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của ngạch mới, văn bản đánh giá nhận xét quá trình công tác;

b) Phỏng vấn viên chức chuyển ngạch về hiểu biết, nhận thức về chính trị, xã hội;

ưc) Kiểm tra người chuyển ngạch về chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu nhiệm vụ của ngạch;

d) Hội đồng kiểm tra họp đánh giá kết quả, nếu xét thấy viên chức đạt yêu cầu thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức bổ nhiệm vào ngạch.

6. Khi xét chuyển ngạch không được kết hợp nâng bậc lương, nâng ngạch.

Điều 27. Nâng ngạch, nâng bậc lương

1. Viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vị trí công tác phù hợp với ngạch và còn ngạch trên trong cùng ngành chuyên môn thì có thể được nâng ngạch.

2. Việc nâng ngạch cho viên chức phải thông qua kỳ thi nâng ngạch, đối với ngành nghề đặc biệt có thể thực hiện xét nâng ngạch theo quy định.

3. Viên chức lập thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ thì được nâng ngạch, nâng bậc lương trước thời hạn quy định.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể việc xét nâng ngạch đối với ngành nghề đặc biệt, việc nâng ngạch, nâng bậc lương trước thời hạn.

Điều 28. Tổ chức thi nâng ngạch

Hàng năm, căn cứ vào cơ cấu ngạch viên chức, cơ quan được giao quyền tổ chức thi nâng ngạch xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu thi nâng ngạch gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức để thống nhất với Bộ Nội vụ về kế hoạch và chỉ tiêu dự thi.

Điều 29. Cử viên chức dự thi nâng ngạch

1. Việc xét cử viên chức dự thi nâng ngạch phải căn cứ vào nhu cầu của cơ quan, vị trí công tác của viên chức đồng thời căn cứ vào phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực, khả năng phát triển, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của viên chức.

2. Viên chức tham gia thi nâng ngạch phải đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch dự thi, có đủ văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, đạt hệ số lương tối thiểu quy định đối với từng ngạch dự thi và các điều kiện cần thiết khác theo quy định của ngạch dự thi và được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp cử tham dự kỳ thi.

Điều 30. Hội đồng thi nâng ngạch

1. Khi tổ chức thi nâng ngạch, cơ quan được giao quyền tổ chức thi nâng ngạch phải thành lập Hội đồng thi nâng ngạch có 05 hoặc 07 thành viên, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan được giao quyền tổ chức thi nâng ngạch;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là người phụ trách công tác tổ chức cán bộ của cơ quan được giao quyền tổ chức thi nâng ngạch;

c) Các ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị của cơ quan được giao quyền tổ chức thi nâng ngạch;

d) ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là viên chức phụ trách công tác tuyển dụng và nâng ngạch của cơ quan được giao thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch.

2. Giúp việc cho Hội đồng tuyển dụng có Ban coi thi, Ban chấm thi.

Điều 31. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng thi nâng ngạch

Hội đồng thi nâng ngạch hoạt động theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số, có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Thông qua và công bố công khai kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch; thể lệ, quy chế thi; tiêu chuẩn và điều kiện dự thi; hồ sơ cần thiết của người dự thi; môn thi, hình thức thi; thời gian và địa điểm thi;

2. Tổ chức việc ra đề thi; thành lập Ban coi thi, Ban chấm thi;

3. Tiếp nhận và xét hồ sơ dự thi; công bố danh sách những người đủ điều kiện và tiêu chuẩn dự thi;

4. Chỉ đạo và tổ chức kỳ thi (coi thi, chấm thi) theo đúng quy chế; báo cáo kết quả thi lên cấp có thẩm quyền để xem xét và ra quyết định công nhận kết quả kỳ thi; công bố kết quả nâng ngạch;

5. Giải quyết khiếu nại của người dự thi nâng ngạch.

Điều 32. Cách tính điểm và xác định trúng tuyển trong kỳ thi nâng ngạch

1. Mỗi phần thi được chấm theo thang điểm 100.

2. Người trúng tuyển trong kỳ thi là người phải thi đủ các môn thi, có số điểm của mỗi phần thi đạt từ 55 điểm trở lên.

Điều 33. Chứng nhận ngạch và bổ nhiệm vào ngạch

1. Căn cứ vào kết quả kỳ thi, cơ quan được giao quyền tổ chức thi nâng ngạch đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý ngạch viên chức cấp giấy chứng nhận ngạch cho viên chức.

2. Căn cứ vào giấy chứng nhận ngạch, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm ngạch và xếp lương cho viên chức vào ngạch dự thi theo quy định.

MỤC 2: ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

Điều 34. Đào tạo, bồi dưỡng viên chức

1. Cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức có trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch và tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn và nâng cao trình độ, năng lực của viên chức.

2. Đơn vị sử dụng viên chức phải tạo điều kiện để viên chức được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực theo tiêu chuẩn chức danh chuyên môn nghiệp vụ của ngạch viên chức và theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.

MỤC 3: ĐIỀU ĐỘNG, BỔ NHIỆM VIÊN CHỨC GIỮ CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO, MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC, LUÂN CHUYỂN, BIỆT PHÁI

Điều 35. Điều động viên chức

1. Việc điều động viên chức phải căn cứ vào trình độ, năng lực của viên chức và nhu cầu công tác.

2. Khi điều động viên chức sang vị trí công tác có chuyên môn nghiệp vụ khác, cơ quan sử dụng và quản lý viên chức phải đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chuyển ngạch viên chức sang ngạch tương đương phù hợp.

3. Khi điều động viên chức sang đơn vị sự nghiệp khác, đơn vị sự nghiệp tiếp nhận viên chức phải ký lại hợp đồng làm việc, bố trí và phân công nhiệm vụ cho viên chức. Nếu vị trí công tác có chuyên môn nghiệp vụ khác với ngạch viên chức đang giữ thì phải đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chuyển ngạch viên chức sang ngạch phù hợp.

4. Những cán bộ, công chức thuộc đối tương quy định tại điểm a, b, c, đ, e và g khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003, được cơ quan có thẩm quyền điều động về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, khi bổ nhiệm vào ngạch viên chức phải căn cứ vào vị trí công tác và tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm vào ngạch thực hiện như việc chuyển ngạch quy định tại Điều 26 Nghị định này.

Điều 36. Bổ nhiệm viên chức giữ chức vụ lãnh đạo

1. Việc bổ nhiệm viên chức giữ chức vụ lãnh đạo được thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp, tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí lãnh đạo, thực hiện theo thẩm quyền và trình tự thủ tục quy định về bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo.

2. Việc bổ nhiệm viên chức giữ chức vụ lãnh đạo được thực hiện theo thời hạn, khi hết thời hạn giữ chức vụ phải được xem xét để bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại.

3. Viên chức được bổ nhiệm giữ chức vụ đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp, thì được người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp đó ký hợp đồng làm việc. Thời hạn hợp đồng làm việc tương ứng với thời hạn được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo.

4. Viên chức được bố trí sang công tác khác hoặc được bổ nhiệm chức vụ mới thì đương nhiên thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm.

Điều 37. Miễn nhiệm chức vụ lãnh đạo

Viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, được cấp có thẩm quyền xem xét cho miễn nhiệm và bố trí công tác khác không chờ hết thời hạn bổ nhiệm trong các trường hợp sau đây:

1. Do nhu cầu công tác;

2. Do sức khoẻ không bảo đảm;

3. Do không hoàn thành nhiệm vụ;

4. Do vi phạm kỷ luật nhưng chưa đến mức bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức.

Điều 38. Viên chức giữ chức vụ lãnh đạo xin từ chức

1. Viên chức lãnh đạo xin từ chức, phải làm đơn gửi người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức, người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức xem xét, quyết định.

2. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ khi nhận được đơn từ chức, đơn vị sự nghiệp phải xem xét để quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định.

3. Khi đơn từ chức chưa được chấp thuận thì viên chức giữ chức vụ lãnh đạo vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.

4. Viên chức giữ chức vụ lãnh đạo sau khi từ chức được bố trí công tác khác.

Điều 39. Luân chuyển viên chức

1. Việc luân chuyển viên chức chỉ thực hiện đối với các đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước cấp toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên và được áp dụng trong các trường hợp sau:

a) Thực hiện việc tăng cường, bổ sung cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;

b) Luân chuyển giữa trung ương và địa phương, giữa các cơ quan, các ngành, các lĩnh vực theo quy hoạch.

2. Những cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b, c, đ, e và g khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003, được cơ quan có thẩm quyền quyết định luân chuyển về giữ chức vụ lãnh đạo tại đơn vị sự nghiệp thì khi bổ nhiệm vào ngạch viên chức phải căn cứ vào vị trí công tác và tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm vào ngạch thực hiện như việc chuyển ngạch quy định tại Điều 26 Nghị định này.

3. Viên chức được luân chuyển về làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo ngoài việc áp dụng các chính sách ưu đãi còn được hưởng một số chính sách khuyến khích khác theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 40. Biệt phái viên chức

1. Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức cử biệt phái viên chức đến làm việc có thời hạn ở một cơ quan, tổ chức, đơn vị khác. Thời hạn cử biệt phái mỗi lần không quá ba năm.

2. Việc cử biệt phái viên chức chỉ thực hiện đối với các đơn vị sự nghiệp do nhà nước cấp toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên và trong các trường hợp sau:

a) Do có những nhiệm vụ đột xuất, cấp bách mà chưa thể thực hiện việc điều động viên chức;

b) Do có những công việc chỉ cần giải quyết trong một thời gian nhất định.

3. Đơn vị sự nghiệp tiếp nhận viên chức biệt phái phải ký lại hợp đồng làm việc, bố trí, phân công nhiệm vụ cho viên chức biệt phái. Thời hạn hợp đồng tương ứng với thời gian biệt phái. Đơn vị nhận viên chức biệt phái có trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi khác của viên chức đến biệt phái.

4. Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận, ký lại hợp đồng làm việc, phân công công tác cho viên chức hết thời gian biệt phái.

5. Viên chức được cử biệt phái đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 41. Chấm dứt hợp đồng làm việc theo nguyện vọng của viên chức

1. Viên chức khi có nguyện vọng chấm dứt hợp đồng làm việc thì phải gửi đơn đề nghị trước 30 ngày cho người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi nhận được đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng làm việc, người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức để ra quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc và tiến hành các thủ tục cần thiết như chuyển giao hồ sơ lý lịch, giấy thôi trả lương, xác nhận bảo hiểm xã hội đối với viên chức.

MỤC 4: ĐÁNH GIÁ VIÊN CHỨC

Điều 42. Mục đích đánh giá viên chức

Đánh giá viên chức để làm rõ năng lực, trình độ, kết quả công tác, phẩm chất đạo đức làm căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với viên chức.

Điều 43. Căn cứ và trình tự đánh giá

1. Khi đánh giá viên chức phải căn cứ vào nhiệm vụ được phân công, kết quả hoàn thành nhiệm vụ và phẩm chất đạo đức của viên chức.

2. Việc đánh giá viên chức được tổ chức hàng năm và thực hiện vào cuối năm hoặc cuối kỳ công tác theo trình tự sau: viên chức tự nhận xét công tác; tập thể nơi viên chức làm việc tham gia góp ý và ghi phiếu phân loại; người đứng đầu đơn vị sử dụng trực tiếp đánh giá viên chức và tham khảo ý kiến góp ý và phân loại của tập thể để tổng hợp và xếp loại viên chức; thông báo ý kiến đánh giá đến từng viên chức.

3. Viên chức có quyền được trình bày, bảo lưu ý kiến tự đánh giá nhưng phải chấp hành ý kiến kết luận của lãnh đạo đơn vị.

4. Việc đánh giá viên chức biệt phái do đơn vị sử dụng viên chức thực hiện. Văn bản đánh giá viên chức biệt phái được gửi về cơ quan, đơn vị cử biệt phái để lưu vào hồ sơ cá nhân.

5. Tài liệu đánh giá viên chức được lưu giữ trong hồ sơ viên chức.

Điều 44. Đánh giá viên chức giữ chức vụ lãnh đạo

Việc đánh giá viên chức giữ chức vụ lãnh đạo được thực hiện theo phân cấp quản lý. Ngoài những nội dung nêu tại Điều 43 Nghị định này, khi đánh giá viên chức giữ chức vụ lãnh đạo còn phải căn cứ vào kết quả hoạt động của đơn vị và trách nhiệm của viên chức giữ chức vụ lãnh đạo.

Nghị định 116/2003/NĐ-CP về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước

  • Số hiệu: 116/2003/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/10/2003
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 14/10/2003
  • Số công báo: Số 166
  • Ngày hiệu lực: 29/10/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH