Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Nghị định 113/2009/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư

MỤC 1. GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG 30% VỐN NHÀ NƯỚC TRỞ LÊN

Điều 3. Theo dõi dự án đầu tư

1. Nội dung theo dõi dự án đầu tư của Chủ đầu tư

a. Cập nhật tình hình thực hiện dự án đầu tư: tiến độ thực hiện dự án; khối lượng thực hiện; chất lượng công việc; các chi phí; các biến động.

b. Cập nhật tình hình quản lý thực hiện dự án: lập kế hoạch triển khai; chi tiết hóa kế hoạch triển khai các nội dung quản lý thực hiện dự án; cập nhật tình hình thực hiện và điều chỉnh kế hoạch; cập nhật tình hình bảo đảm chất lượng và hiệu lực quản lý dự án;

c. Cập nhật tình hình xử lý, phản hồi thông tin: tình hình bảo đảm thông tin báo cáo; tình hình xử lý thông tin báo cáo; tình hình và kết quả giải quyết các vướng mắc, phát sinh;

d. Kịp thời báo cáo và đề xuất các phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề vượt quá thẩm quyền.

2. Nội dung theo dõi dự án đầu tư của người có thẩm quyền quyết định đầu tư

a. Theo dõi tình hình thực hiện chế độ báo cáo của Chủ đầu tư; kiểm tra tính đầy đủ, cập nhật và tính chính xác của các thông tin theo dõi dự án đầu tư cho Chủ đầu tư cung cấp;

b. Tổng hợp tình hình thực hiện dự án đầu tư: tiến độ thực hiện, tình hình giải ngân, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo vệ môi trường; các khó khăn, vướng mắc chính ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án;

c. Phản hồi và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền;

d. Theo dõi việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý của Chủ đầu tư;

đ. Kịp thời báo cáo và đề xuất các phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề vượt quá thẩm quyền theo quy định.

3. Nội dung theo dõi dự án đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư.

a. Theo dõi tình hình thực hiện chế độ báo cáo của người quyết định đầu tư và Chủ đầu tư theo quy định;

b. Tổng hợp tình hình thực hiện dự án: tiến độ thực hiện, tình hình giải ngân, công tác đấu thầu; các khó khăn, vướng mắc chính ảnh hưởng đến dự án;

c. Phản hồi và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền;

d. Theo dõi việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý của Chủ đầu tư, của người quyết định đầu tư liên quan đến dự án;

đ. Kịp thời báo cáo và đề xuất các phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề vượt quá thẩm quyền.

Điều 4. Kiểm tra dự án đầu tư

1. Chế độ kiểm tra dự án đầu tư

a. Chủ đầu tư tự tổ chức kiểm tra thường xuyên dự án đầu tư do mình làm Chủ đầu tư.

b. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư:

Tổ chức kiểm tra dự án đầu tư do mình quyết định đầu tư ít nhất 01 lần đối với các dự án có thời gian thực hiện dài hơn 12 tháng;

Tổ chức kiểm tra các dự án đầu tư khi điều chỉnh dự án làm thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu, vượt tổng mức đầu tư từ 30% trở lên;

Các trường hợp kiểm tra khác khi cần thiết;

c. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định tổ chức kiểm tra dự án đầu tư theo kế hoạch hoặc đột xuất.

2. Nội dung kiểm tra dự án đầu tư của Chủ đầu tư

a. Kiểm tra toàn bộ các nội dung liên quan đến tổ chức thực hiện và quản lý dự án;

b. Việc chấp hành các quy định liên quan đến quản lý đầu tư của Ban quản lý dự án và các nhà thầu;

c. Năng lực quản lý thực hiện dự án của Ban quản lý dự án và các nhà thầu;

d. Phát hiện và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc và sai phạm trong quá trình thực hiện dự án; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện của Ban quản lý dự án, các nhà thầu.

3. Nội dung kiểm tra dự án đầu tư của người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

a. Việc chấp hành quy định về: đấu thầu; đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; sử dụng vốn đầu tư và các nguồn lực khác của dự án; bố trí vốn đầu tư, giải ngân, thanh toán; giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư dự án; nghiệm thu đưa dự án vào hoạt động; quản lý, vận hành dự án; bảo vệ môi trường, sinh thái;

b. Năng lực quản lý thực hiện dự án của Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án;

c. Phát hiện và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc và sai phạm trong quá trình thực hiện dự án; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện của Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án.

4. Nội dung kiểm tra dự án đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư

a. Việc chấp hành quy định về: lập, thẩm định, phê duyệt dự án; đấu thầu; đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; sử dụng vốn đầu tư và các nguồn lực khác của dự án; bố trí vốn đầu tư, giải ngân, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư; giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư dự án; nghiệm thu đưa dự án vào hoạt động; quản lý, vận hành dự án; bảo vệ môi trường, sinh thái.

b. Năng lực quản lý thực hiện dự án của cơ quan trực tiếp quản lý các Chủ đầu tư, Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án.

c. Phát hiện và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc và sai phạm trong quá trình thực hiện dự án; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện của cơ quan trực tiếp quản lý Chủ đầu tư, Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án.

Điều 5. Các trường hợp phải thực hiện đánh giá dự án đầu tư

1. Các dự án nhóm B trở lên phải thực hiện đánh giá ban đầu và đánh giá kết thúc dự án.

2. Các dự án có phân kỳ đầu tư theo giai đoạn, phải thực hiện đánh giá giữa kỳ khi kết thúc từng giai đoạn thực hiện.

3. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định thực hiện các loại đánh giá khác khi cần thiết, phù hợp với yêu cầu và điều kiện cụ thể của từng dự án.

Điều 6. Nội dung đánh giá dự án đầu tư

1. Đánh giá ban đầu:

a. Đánh giá công tác chuẩn bị, tổ chức, huy động các nguồn lực của dự án, bảo đảm thực hiện dự án đúng mục tiêu, tiến độ đã được phê duyệt;

b. Đánh giá những vướng mắc, phát sinh mới xuất hiện so với thời điểm phê duyệt dự án; những vướng mắc, phát sinh mới do yếu tố khách quan (như môi trường chính sách, pháp lý thay đổi, phải điều chỉnh dự án cho phù hợp với điều kiện khí hậu, địa chất …) hoặc do các yếu tố chủ quan (như năng lực, cơ cấu tổ chức quản lý thực hiện dự án, …);

c. Đề xuất các biện pháp giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh phù hợp với điều kiện thực tế.

2. Đánh giá giữa kỳ:

a. Đánh giá sự phù hợp của kết quả thực hiện dự án so với mục tiêu đầu tư;

b. Đánh giá mức độ hoàn thành khối lượng công việc đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch thực hiện dự án đã được phê duyệt;

c. Đề xuất các giải pháp cần thiết, kể cả việc điều chỉnh thiết kế, mục tiêu của dự án (nếu cần);

d. Các bài học kinh nghiệm rút ra từ việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án và quản lý thực hiện dự án.

3. Đánh giá kết thúc:

a. Đánh giá quá trình chuẩn bị đầu tư dự án;

b. Đánh giá quá trình thực hiện dự án: hoạt động quản lý thực hiện dự án; kết quả thực hiện các mục tiêu của dự án; các nguồn lực đã huy động cho dự án; các lợi ích do dự án mang lại cho những người thụ hưởng và những người tham gia; các tác động của dự án; tính bền vững và các yếu tố bảo đảm tính bền vững của dự án;

c. Các bài học rút ra sau quá trình thực hiện dự án và đề xuất các khuyến nghị cần thiết.

4. Đánh giá tác động:

a. Đánh giá thực trạng kinh tế - kỹ thuật vận hành của dự án;

b. Đánh giá tác động kinh tế - xã hội của dự án.

c. Đánh giá tác động môi trường, sinh thái của dự án;

d. Đánh giá tính bền vững của dự án;

đ. Các bài học thành công và thất bại của các khâu thiết kế - thực hiện - vận hành dự án.

5. Đánh giá đột xuất:

a. Xác định tình trạng và bản chất những phát sinh ngoài dự kiến;

b. Xác định các ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của những phát sinh đến việc thực hiện dự án, khả năng hoàn thành các mục tiêu của dự án;

c. Kiến nghị các biện pháp can thiệp, cơ quan thực hiện và thời hạn hoàn thành.

Điều 7. Tổ chức thực hiện đánh giá dự án đầu tư

1. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá ban đầu, giữa kỳ và kết thúc dự án đầu tư.

2. Người quyết định đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng kế hoạch hàng năm về đánh giá tác động, đánh giá đột xuất dự án đầu tư thuộc quyền quản lý của mình, phù hợp với quy mô, tính chất của dự án và khả năng kinh phí của cơ quan.

3. Các quyền tổ chức thực hiện đánh giá dự án đầu tư có thể tự thực hiện hoặc thuê chuyên gia, tổ chuyên gia, tổ chức tư vấn để đánh giá dự án đầu tư. Chi phí đánh giá dự án đầu tư do cơ quan thực hiện đánh giá đầu tư trả.

4. Trường hợp phải thuê tư vấn đánh giá dự án đầu tư thì các chuyên gia, tổ chuyên gia, tổ chức tư vấn đánh giá dự án đầu tư được thuê phải có đủ điều kiện năng lực.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về điều kiện năng lực của tổ chức và cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư.

Nghị định 113/2009/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư

  • Số hiệu: 113/2009/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 15/12/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: 28/12/2009
  • Số công báo: Từ số 597 đến số 598
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH