Hệ thống pháp luật

Điều 3 Nghị định 11/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người nộp ngân sách nhà nước: là các đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế, lệ phí, phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

2. Đối tượng thụ hưởng: là các tổ chức, cá nhân hưởng tiền từ các khoản thanh toán của Kho bạc Nhà nước.

3. Nộp ngân sách nhà nước theo phương thức điện tử: là hình thức nộp ngân sách nhà nước thông qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế (cơ quan Thuế hoặc cơ quan Hải quan) hoặc Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc qua các dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và các quy định pháp luật khác có liên quan.

4. Đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước: là đơn vị dự toán ngân sách được giao trực tiếp quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (bao gồm cả chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; đơn vị mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước).

5. Đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước: là các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế có giao dịch với Kho bạc Nhà nước và người nộp ngân sách nhà nước.

6. Các đơn vị, tổ chức thuộc đối tượng mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước: là các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước và các đơn vị, tổ chức khác được phép mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo chế độ quy định.

7. Ngân hàng phục vụ: là ngân hàng được người sử dụng (chủ dự án) lựa chọn cho các dự án vay ODA, vốn vay ưu đãi theo điều kiện thị trường, căn cứ danh sách và ý kiến về ngân hàng đủ điều kiện làm ngân hàng phục vụ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định.

8. Chứng từ nộp ngân sách nhà nước: là bảng kê nộp thuế; giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước; các chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của đơn vị tại Kho bạc Nhà nước; biên lai thu thuế, phí, lệ phí, thu phạt vi phạm hành chính; chứng từ giao dịch của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nơi người nộp ngân sách nhà nước làm thủ tục nộp tiền; chứng từ chứng nhận nộp tiền vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Chứng từ nộp ngân sách nhà nước được thể hiện dưới dạng chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử; được sử dụng khi người nộp ngân sách nhà nước làm thủ tục nộp tiền hoặc khi Kho bạc Nhà nước, cơ quan thu, ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cấp cho người nộp ngân sách nhà nước.

9. Chứng từ chuyển tiền: là lệnh thanh toán bằng văn bản giấy hoặc dữ liệu điện tử do các đơn vị giao dịch lập để đề nghị Kho bạc Nhà nước thực hiện trích tài khoản của mình để chi trả cho đối tượng thụ hưởng.

10. Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước: là trang thông tin điện tử, nơi cung cấp các dịch vụ hành chính công thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước cho các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước trên môi trường mạng. Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước đặt trên mạng internet tại địa chỉ http://vst.mof.gov.vn/ và được tích hợp với Cổng dịch vụ công Bộ Tài chính theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

11. Cam kết chi: là việc các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước cam kết sử dụng dự toán chi ngân sách thường xuyên được giao hàng năm (có thể một phần hoặc toàn bộ dự toán được giao trong năm) hoặc kế hoạch vốn đầu tư được giao hàng năm (có thể một phần hoặc toàn bộ kế hoạch vốn được giao trong năm) để thanh toán cho hợp đồng đã được ký giữa đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước với nhà cung cấp.

12. Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng: là bảng kê chi tiết tên, số tiền được hưởng, số tài khoản tại ngân hàng (trường hợp chi trả cho đối tượng thụ hưởng qua tài khoản tại ngân hàng) và nội dung thanh toán cho đối tượng thụ hưởng là các khoản chi cho cá nhân được quy định tại Điều 7 Nghị định này.

13. Thanh toán trước, kiểm soát sau: là hình thức thanh toán áp dụng đối với một số khoản chi ngân sách nhà nước; trong đó, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thanh toán ngay sau khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ theo quy định; việc kiểm soát chi và xử lý kết quả kiểm tra được Kho bạc Nhà nước thực hiện sau khi đã thanh toán khoản chi.

14. Bản gốc văn bản, bản chính văn bản, bản sao y bản chính:

a) Bản gốc văn bản (sau đây gọi là bản gốc): là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản được cơ quan, tổ chức ban hành và có chữ ký trực tiếp của người có thẩm quyền.

b) Bản chính văn bản (sau đây gọi là bản chính): là những giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu, cấp lại, cấp khi đăng ký lại hoặc những giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

c) Bản sao y bản chính: là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của văn bản, được thực hiện từ bản chính và được trình bày theo thể thức quy định tại Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về công tác văn thư.

Trường hợp giao dịch điện tử, hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước là chứng từ điện tử trong hoạt động tài chính theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính và được ký số theo quy định của pháp luật về chữ ký số hoặc được thực hiện các biện pháp khác đảm bảo giá trị pháp lý của bản gốc theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 165/2018/NĐ-CP.

Nghị định 11/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước

  • Số hiệu: 11/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 20/01/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 163 đến số 164
  • Ngày hiệu lực: 16/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH