Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2008/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2008

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG TRƯỜNG HỢP CUỘC ĐÌNH CÔNG BẤT HỢP PHÁP GÂY THIỆT HẠI CHO NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại và hình thức bồi thường thiệt hại của tổ chức, cá nhân tham gia đình công gây thiệt hại cho người sử dụng lao động trong trường hợp cuộc đình công bị Toà án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 179 của Bộ luật Lao động được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 11 năm 2006 (sau đây viết tắt là Bộ luật Lao động).

Việc bồi thường thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 179 của Bộ luật Lao động được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức công đoàn, đại diện tập thể lao động, người lao động tham gia đình công gây thiệt hại cho người sử dụng lao động trong cuộc đình công bị Toà án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp.

2. Người sử dụng lao động.

Điều 3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại phải được bồi thường đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu.

2. Mức bồi thường thiệt hại được xác định trên cơ sở thiệt hại vật chất thực tế.

3. Tôn trọng, khuyến khích quyền tự định đoạt của các bên.

4. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, người lao động để duy trì và phát triển quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

5. Việc bồi thường được thực hiện bằng tiền, hiện vật hoặc bằng việc thực hiện một công việc.

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Điều 4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Tổ chức công đoàn cơ sở đã lãnh đạo cuộc đình công bị Toà án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp, gây thiệt hại cho người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

2. Trong trường hợp cuộc đình công do đại diện tập thể lao động lãnh đạo bị Toà án tuyên bố là bất hợp pháp, gây thiệt hại thì những người được cử làm đại diện cho tập thể lao động và những người lao động tham gia đình công phải chịu trách nhiệm cá nhân theo phần trong việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động.

Điều 5. Yêu cầu bồi thường thiệt hại

1. Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu tổ chức công đoàn quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này hoặc đại diện tập thể lao động và những người lao động tham gia đình công quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này phải bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp gây ra. Thời hạn yêu cầu là một năm, kể từ ngày quyết định của Toà án về tính bất hợp pháp của cuộc đình công có hiệu lực.

2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại được thể hiện bằng văn bản, bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Giá trị thiệt hại và các bằng chứng chứng minh giá trị thiệt hại;

b) Mức yêu cầu bồi thường;

c) Phương thức bồi thường;

d) Thời hạn thực hiện việc bồi thường.

3. Văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại và các tài liệu liên quan được gửi đến tổ chức công đoàn hoặc đại diện tập thể lao động đã lãnh đạo cuộc đình công, đồng thời gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi xảy ra cuộc đình công.

Điều 6. Xác định thiệt hại để bồi thường

Thiệt hại do cuộc đình công bất hợp pháp gây ra bao gồm tài sản của doanh nghiệp bị thiệt hại trực tiếp do việc ngừng sản xuất, kinh doanh vì lý do đình công. Trong trường hợp hai bên không nhất trí về giá trị thiệt hại thì có quyền yêu cầu tổ chức trung gian xác định giá trị thiệt hại. Chi phí xác định giá trị thiệt hại do bên yêu cầu thanh toán.

Điều 7. Mức yêu cầu bồi thường thiệt hại

Mức yêu cầu bồi thường thiệt hại được tính trên cơ sở xác định thiệt hại theo quy định tại Điều 6 Nghị định này. Mức bồi thường thiệt hại tối đa không vượt quá ba (03) tháng tiền lương, tiền công liền kề trước ngày đình công diễn ra theo hợp đồng lao động của những người lao động tham gia đình công.

Điều 8. Thương lượng mức bồi thường thiệt hại tại doanh nghiệp

1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu bồi thường thiệt hại, đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động tiến hành thương lượng về vấn đề bồi thường thiệt hại.

2. Yêu cầu tiến hành thương lượng được lập bằng văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm tiến hành thương lượng và được gửi cho người sử dụng lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động cấp tỉnh.

3. Trong thời hạn ba (03) ngày, kể từ khi nhận được yêu cầu tiến hành thương lượng, người sử dụng lao động phải tổ chức tiến hành phiên họp để thương lượng với đại diện Ban Chấp hành Công đoàn hoặc đại diện tập thể lao động. Trường hợp chưa thể tổ chức thương lượng được, người sử dụng lao động phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và có trách nhiệm xác định thời gian cho cuộc thương lượng tiếp theo.

4. Hai bên có quyền mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức công đoàn địa phương, đại diện người sử dụng lao động ở địa phương tham gia phiên họp thương lượng. Toàn bộ nội dung của phiên họp thương lượng phải được lập biên bản.

5. Trong trường hợp, hai bên nhất trí về mức bồi thường, cách thức bồi thường thiệt hại thì có trách nhiệm chấp hành, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Biên bản phiên họp thương lượng là cơ sở pháp lý xác định quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường thiệt hại.

Điều 9. Khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại

Người sử dụng lao động có quyền khởi kiện ra Toà án nhân dân cấp huyện nơi xảy ra cuộc đình công đòi bồi thường thiệt hại trong trường hợp:

1. Phía đại diện người lao động từ chối thương lượng;

2. Việc thương lượng không đạt kết quả;

3. Bên có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại không thực hiện đúng thỏa thuận cam kết về bồi thường thiệt hại.

Điều 10. Thực hiện bồi thường thiệt hại

1. Trường hợp tổ chức công đoàn cơ sở đã lãnh đạo cuộc đình công bị Toà án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động thì nguồn kinh phí bồi thường được lấy từ tài sản của tổ chức công đoàn cơ sở theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Trường hợp đại diện tập thể lao động lãnh đạo đình công bị Toà án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp thì đại diện tập thể lao động và những người lao động tham gia đình công phải chịu trách nhiệm theo phần đối với thiệt hại đã gây ra cho người sử dụng lao động.

Đối với người lao động tham gia đình công, việc bồi thường thiệt hại được khấu trừ dần vào tiền lương, tiền công hàng tháng của người đó. Mức khấu trừ tối đa của một lần là không quá 30% tiền lương, tiền công tháng theo hợp đồng lao động của người lao động.

Trường hợp người lao động chấm dứt quan hệ lao động trước khi hoàn thành nghĩa vụ bồi thường, phần bồi thường còn lại được tính là khoản nợ của người lao động đối với người sử dụng lao động.

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 12. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, VX (5b). A.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 11/2008/NĐ-CP về bồi thường thiệt hại trong trường hợp cuộc đình công bất hợp pháp gây thiệt hại cho người sử dụng lao động

  • Số hiệu: 11/2008/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/01/2008
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 101 đến số 102
  • Ngày hiệu lực: 24/02/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 01/03/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản