Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1056-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 09 năm 1956

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH NHỮNG NGUYÊN TẮC VỀ VIỆC THU THUẾ NÔNG NGHIỆP Ở MIỀN NÚI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Sắc lệnh số 40-SL ngày 15-7-1951 ban hành điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ tháng 3-1956 về việc quy định một chế độ nông nghiệp thích hợp với đồng bào miền núi;
Căn cứ tình hình ruộng đất, tình hình sinh hoạt của nhân dân ở miền núi.
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Tài chính

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay quy định những nguyên tắc sau đây về việc thu thuế nông nghiệp ở miền núi, nhằm mục đích giảm nhẹ đóng góp của nông dân, đơn giản cách tính thuế, phát triển sản xuất, đồng thời hợp với yêu cầu xây dựng các khu tự trị.

Điều 2. – Thuế nông nghiệp ở miền núi đánh vào hoa lợi ruộng đất và hoa lợi nương rẫy.

Hoa lợi ruộng đất chịu thuế theo một biểu thuế lũy tiến.

Hoa lợi nương rẫy chịu thuế theo một thuế suất riêng.

Mỗi nhân khẩu nông nghiệp được trừ 100 ki-lô thóc không phải chịu thuế.

Điều 3. – Biểu thuế đánh vào hoa lợi ruộng đất, gồm cả chính tang và phụ thu, định như sau:

Bậc

Hoa lợi bình quân 1 nhân khẩu nông nghiệp

(đã trừ 100 ki-lô thóc)

Thuế suất

1

Từ 1 ki-lô thóc đến 100 ki-lô thóc

15%

2

Từ 101 ki-lô thóc đến 200 ki-lô thóc

17%

3

Từ 201 ki-lô thóc đến 300 ki-lô thóc

19%

4

Từ 301 ki-lô thóc đến 400 ki-lô thóc

21%

5

Từ 401 ki-lô thóc đến 500 ki-lô thóc

23%

6

Từ 501 ki-lô thóc đến 600 ki-lô thóc

25%

7

Từ 601 ki-lô thóc đến 700 ki-lô thóc

27%

8

Từ 701 ki-lô thóc đến 800 ki-lô thóc

29%

9

Từ 801 ki-lô thóc đến 900 ki-lô thóc

32%

10

Từ 901 ki-lô thóc trở lên……………….

35%

Điều 4. – Thuế nông nghiệp về nương rẫy đánh vào số thu hoạch thực tế hàng năm của nương rẫy, sau khi trừ cho mỗi nhân khẩu nông nghiệp 100 ki-lô thóc. Thuế suất định là 10%.

Điều 5. – Đối với những nông hộ vừa làm ruộng, vừa làm nương, mỗi nhân khẩu nông nghiệp cũng chỉ được trừ 100 ki-lô thóc không phải chịu thuế. Số 100 ki-lô thóc được miễn thuế trừ trước tiên vào hoa lợi ruộng đất; nếu hoa lợi ruộng đất không đủ để trừ thì trừ thêm vào hoa lợi nương rẫy.

Điều 6. – Để khuyến khích nhân dân làm lâu năm trên một đám nương rẫy, đồng thời để bảo vệ rừng, việc thu thuế phải làm theo mấy điều sau đây:

- Năm đầu, đánh thuế trên toàn bộ số thu hoạch của đám nương rẫy;

- Năm thứ hai, thu hoạch mười phần, chỉ đánh thuế vào tám phần, miễn thuế hai phần.

- Từ năm thứ ba trở đi, thu hoạch mười phần, chỉ đánh thuế vào năm phần, miễn thuế năm phần.

Điều 7. – Thuế nông nghiệp chỉ đánh vào những nương rẫy trồng lúa và trồng ngô. Nương rẫy trồng các thứ hoa màu khác như khoai, sắn, đỗ, hồng, lạc, rừng v .v… đều được miễn thuế.

Điều 8. – Những đất đai dưới đây được chiếu cố:

- Ruộng bậc thang, ruộng thụt, thuế chỉ đánh vào 80% sản lượng thường năm.

- Thổ canh hốc đá và sườn núi dốc, trước đánh thuế theo thổ canh, nay coi như nương rẫy làm năm đầu để đánh thuế,

- Rẫy hốc đá (đem đất nơikhác lên núi đá để trồng) được miễn thuế.

- Vườn ở chung quanh nhà, hồ ao, dù có thu hoặc hoa lợi, cũng được miễn thuế.

Điều 9. – Trường hợp phát canh và lĩnh canh, người chủ ruộng và người cày cấy cùng chịu thuế, mỗi bên thu hoạch bao nhiêu chịu thuế bấy nhiêu (không tăng 25% về người phát canh và giảm 25% về người lĩnh canh như trước).

Điều 10. – Đối với ruộng đất tôn giáo (ruộng đất nhà chùa, nhà chung v.v…) thuế 8% sản lượng thường năm. Trường hợp phát canh, lĩnh canh, thuế cũng chỉ thu 8% sản lượng thường năm. Số thuế trên do người chủ ruộng nộp cả, hay người cày cấy nộp cả, hai bên thương lượng rồi báo cáo với Ủy ban Hành chính xã trước khi lập sổ thuế.

Điều 11. – Đối với ruộng đất sử dụng có tính chất công cộng như ruộng dự trữ, ruộng phe, giáp, họ, ruộng giao cho các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ cày cấy để gây quỹ v.v… thuế thu 10% sản lượng thường năm.

Điều 12. – Những ruộng đất bị thiệt hại vì thiên tai như hạn, lụt, sâu bọ v.v… tùy theo thiệt hại nhiều hay ít, được miễn thuế hay giảm thuế như sau:

- Thiệt hại từ trên 1/6 đến ½ hoa lợi chịu thuế tỷ lệ số thuế được giảm bằng tỷ lệ số thiệt hại.

- Thiệt hại từ trên 1/2 đến 2/3 hoa lợi chịu thuế: được giảm ¾ số thuế.

- Thiệt hại từ trên 2/3 hoa lợi chịu thuế trở lên: được miễn hẳn thuế.

Điều 13. – Căn cứ vào nghị định này, Ủy ban Hành chính các khu tự trị sẽ ban hành điều lệ chi tiết để áp dụng cho thích hợp với tình hình địa phương mình.

Đối với những tỉnh, huyện, miền núi chưa thành lập khu tự trị, Bộ Tài chính có trách nhiệm ban hành điều lệ chi tiết để thi hành nghị định này.

Điều 14. – Bộ Tài chính, Ủy ban Hành chính các khu tự trị, Ủy ban Hành chính các Liên khu 3, 4 Ủy ban Hành chính Khu Hồng quảng, Ban cán sự Lào, Hà yên, Ủy ban Hành chính các tỉnh Phú thọ và Bắc giang chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 1056-TTg năm 1956 quy định những nguyên tắc về việc thu thuế nông nghiệp ở miền núi do Thủ Tướng ban hành.

  • Số hiệu: 1056-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 22/09/1956
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 29
  • Ngày hiệu lực: 07/10/1956
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản