Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 105/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

Chương 4:

XỬ LÝ XÂM PHẠM BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH

Điều 28. Xác định giá trị hàng hoá vi phạm

1. Hàng hoá vi phạm:

a) Hàng hoá vi phạm theo quy định tại khoản 4 Điều 214 của Luật Sở hữu trí tuệ là phần (bộ phận, chi tiết) của sản phẩm có chứa yếu tố xâm phạm có thể lưu hành như một sản phẩm độc lập (sau đây gọi là hàng hóa xâm phạm);

b) Trường hợp không thể tách rời yếu tố xâm phạm thành phần sản phẩm độc lập theo quy định tại điểm a khoản này thì hàng hoá xâm phạm là toàn bộ sản phẩm chứa yếu tố xâm phạm.

2. Giá trị hàng hoá xâm phạm quy định tại khoản 4 Điều 214 của Luật Sở hữu trí tuệ do cơ quan xử lý xâm phạm xác định tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm, dựa trên các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:

a) Giá niêm yết của hàng hoá xâm phạm;

b) Giá thực bán của hàng hoá xâm phạm;

c) Giá thành của hàng hoá xâm phạm (nếu chưa được xuất bán);

d) Giá thị trường của hàng hoá tương đương có cùng chỉ tiêu kỹ thuật, chất lượng.

3. Giá trị hàng hóa xâm phạm được tính theo phần (bộ phận, chi tiết) sản phẩm xâm phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này hoặc tính theo giá trị của toàn bộ sản phẩm xâm phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

4. Trường hợp việc áp dụng các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này không phù hợp hoặc giữa cơ quan xử lý xâm phạm và cơ quan tài chính cùng cấp không thống nhất về việc xác định giá trị hàng hoá xâm phạm thì việc định giá do hội đồng xác định giá trị hàng hoá xâm phạm quyết định.

Việc thành lập, thành phần, nguyên tắc làm việc của hội đồng xác định giá trị hàng hoá xâm phạm thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 29. Xử lý hàng hoá xâm phạm

1. Đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó thì cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm áp dụng một trong các biện pháp sau đây:

a) Phân phối không nhằm mục đích thương mại hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại theo quy định tại Điều 30 của Nghị định này;

b) Tiêu huỷ theo quy định tại Điều 31 của Nghị định này;

c) Buộc chủ hàng, người vận chuyển, người tàng trữ loại bỏ các yếu tố xâm phạm và đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh là hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu, tái xuất đối với hàng hoá nhập khẩu là hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu; nếu không loại bỏ được yếu tố xâm phạm khỏi hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó thì áp dụng biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Đối với hàng hoá nhập khẩu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về chỉ dẫn địa lý, hàng hoá sao chép lậu thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan xử lý xâm phạm áp dụng biện pháp buộc loại bỏ yếu tố xâm phạm và biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Đối với hàng hoá xâm phạm mà không phải là hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó, thì cơ quan xử lý xâm phạm áp dụng các biện pháp buộc chủ hàng, người vận chuyển, người tàng trữ hàng hoá loại bỏ yếu tố xâm phạm khỏi hàng hoá và áp dụng các biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Đối với hàng hoá nhập khẩu là hàng hoá xâm phạm mà không phải là hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó, thì cơ quan xử lý xâm phạm áp dụng biện pháp thích hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

3. Nguyên liệu, vật liệu, phương tiện có chức năng duy nhất nhằm tạo ra, khai thác thương mại hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, hàng hoá xâm phạm hoặc thực tế chỉ được sử dụng duy nhất cho mục đích đó thì bị coi là nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, hàng hóa xâm phạm.

4. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan xử lý xâm phạm quyết định áp dụng các biện pháp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này hoặc biện pháp khác, nếu xét thấy thích hợp. Trong quá trình ra quyết định xử lý xâm phạm cơ quan xử lý có thể xem xét đề nghị của các bên liên quan về việc xử lý xâm phạm.

Điều 30. Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại

1. Việc buộc phân phối hoặc buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, hàng hoá xâm phạm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Hàng hoá có giá trị sử dụng;

b) Yếu tố xâm phạm đã được loại bỏ khỏi hàng hoá;

c) Việc phân phối, sử dụng không nhằm thu lợi nhuận và không ảnh hưởng một cách bất hợp lý tới việc khai thác bình thường quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, trong đó ưu tiên mục đích nhân đạo, từ thiện hoặc phục vụ lợi ích xã hội;

d) Người được phân phối, tiếp nhận để sử dụng không phải là khách hàng tiềm năng của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng áp dụng đối với nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, hàng hóa xâm phạm.

Điều 31. Buộc tiêu huỷ

Biện pháp buộc tiêu huỷ hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, hàng hoá xâm phạm, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó được áp dụng trong trường hợp không hội đủ các điều kiện để áp dụng biện pháp buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại quy định tại Điều 30 của Nghị định này.

Điều 32. Tịch thu

Biện pháp tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

1. Trong trường hợp cấp thiết để bảo đảm chứng cứ không bị tiêu huỷ, tẩu tán, thay đổi hiện trạng hoặc ngăn ngừa khả năng dẫn đến hành vi xâm phạm tiếp theo.

2. Tổ chức, cá nhân xâm phạm không có khả năng, điều kiện để loại bỏ yếu tố xâm phạm khỏi hàng hoá hoặc cố tình không thực hiện yêu cầu loại bỏ yếu tố xâm phạm khỏi hàng hoá hoặc không thực hiện các biện pháp khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm.

3. Hàng hoá không xác định được nguồn gốc, chủ hàng nhưng có đủ căn cứ để xác định hàng hoá đó là hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ.

Điều 33. Các biện pháp hành chính khác và thẩm quyền, thủ tục xử phạt

Các hình thức xử phạt hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả khác, thẩm quyền, thủ tục xử phạt đối với hành vi xâm phạm được áp dụng theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

Nghị định 105/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

  • Số hiệu: 105/2006/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 22/09/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 06/10/2006
  • Số công báo: Từ số 11 đến số 12
  • Ngày hiệu lực: 21/10/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH