Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1045-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 09 năm 1956

NGHỊ ĐỊNH

ẤN ĐỊNH VIỆC KIỂM NGHIỆM HAY KIỂM DỊCH NHỮNG HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU CỦA QUỐC DOANH CŨNG NHƯ TƯ DOANH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Để bảo đảm phẩm chất quy cách hàng xuất khẩu của ta trên thị trường quốc tế cũng như hàng ta nhập khẩu, nhằm thực hiện trao đổi hàng hóa đúng với những hợp đồng đã ký kết giữa nước ta với nước ngoài.
Để thống nhất việc chứng nhận phẩm chất quy cách hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Tất cả những hàng hóa xuất nhập khẩu của Quốc doanh cũng như tư doanh thuộc loại hàng hóa phải kiểm nghiệm hay kiểm dịch do Bộ Thương nghiệp quy định, đều phải kiểm nghiệm hay kiểm dịch trước khi xuất nhập, trừ trường hợp được Bộ Thương nghiệp cấp giấy miễn kiểm nghiệm hay kiểm dịch. (Kiểm nghiệm nhằm kiểm tra về mặt quy cách phẩm chất hàng hóa, đề phòng những vụ pha trộn hàng xấu, hàng giả, kiểm dịch là để tránh tình trạng xuất nhập hàng có sâu bọ, vi trùng truyền nhiễm).

Điều 2. – Việc kiểm nghiệm và kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu do cơ quan Hải quan thuộc Bộ Thương nghiệp phụ trách. Cơ quan này căn cứ vào quy cách phẩm chất hàng hóa đã ghi trong hợp đồng mua bán giữa nước ta với nước ngoài, vào tình hình thực tế lúc giao nhận hàng, tình hình vận tải hàng, mà cấp giấy chứng nhận kiểm nghiệm và kiểm dịch, nếu xét thấy hàng hóa không đúng quy cách phẩm chất đã định trong hợp đồng, cơ quan này có quyền không cấp giấy chứng nhận và không cho phép xuất nhập.

Điều 3. – Cơ quan kiểm nghiệm hàng hóa được phép thu tiền phí tổn kiểm nghiệm, kiểm dịch và chứng nhận phẩm chất hàng hóa.

Điều 4. – Sau khi hàng đã kiểm nghiệm rồi, nếu bên mua hoặc bên bán không đồng ý với kết quả đã kiểm nghiệm thì có thể yêu cầu kiểm nghiệm lại.

Đối với kết quả kiểm nghiệm lần thứ hai, nếu vẫn không đồng ý thì có thể đề nghị Sở Hải quan Trung ương xét lại và quyết định lần cuối cùng.

Trường hợp người có hàng xin kiểm nghiệm nhiều lần nhưng kết quả vẫn không sai lệch thì mỗi khoản phí tổn về chậm trễ và kiểm nghiệm lại đều do người có hàng xin kiểm nghiệm chịu.

Điều 5. – Trong khi thi hành nhiệm vụ, nếu vì thiếu tinh thần trách nhiệm, nhân viên kiểm nghiệm sai lầm về kiểm nghiệm và chứng nhận phẩm chất hàng hóa làm trở ngại cho việc xuất hàng và do đó gây thiệt hại cho chủ hàng thì tùy lỗi nặng nhẹ mà bị thi hành kỷ luật đối với nhân viên đó, còn cơ quan kiểm nghiệm thì phải bồi thường cho chủ hàng. Nếu nhân viên kiểm nghiệm phạm sai lầm nghiêm trọng như ăn hối lộ hoặc làm hại đến uy tín và tài sản của Nhà nước thì có thể đưa truy tố trước tòa án.

Điều 6. – Nếu người xin kiểm nghiệm sửa chữa giấy tờ do cơ quan kiểm nghiệm cấp, hoặc sau khi hàng đã kiểm nghiệm rồi mà tự ý thay đổi số lượng hay phẩm chất hàng hoặc cố ý sửa chữa hay thủ tiêu giấy niêm phong của cơ quan kiểm nghiệm dán trên bao, kiện hàng thì cơ quan Hải quan có quyền xử phạt. Tiền phạt không được quá 20% giá trị hàng xin kiểm nghiệm.

Nếu chủ hàng đó có ý không tuân theo quyết định về xử phạt, hoặc không chịu nộp tiền phạt, thì có thể đưa truy tố trước tòa án.

Điều 7. – Những thủ tục và biện pháp cụ thể để thi hành nghị định này do Bộ Thương nghiệp quy định.

Điều 8. – Nghị định này thi hành kể từ ngày công bố.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 1045-TTg năm 1956 về ấn định việc kiểm nghiệm hay kiểm dịch những hàng hóa xuất nhập khẩu của quốc doanh cũng như tư doanh do Thủ Tướng ban hành.

  • Số hiệu: 1045-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 13/09/1956
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 30
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản