Hệ thống pháp luật

Điều 110 Nghị định 102/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai

Điều 110. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 22 như sau:

“Điều 22. Nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia

1. Phân tích đánh giá các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực

a) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, các nguồn tài nguyên và môi trường;

b) Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến việc sử dụng đất; phát triển đô thị và phát triển nông thôn;

c) Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, biến động sử dụng đất, kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia kỳ trước theo các loại đất quy định tại khoản 6 Điều này.

2. Tổng hợp, phân tích kết quả đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai, ô nhiễm đất, thoái hóa đất của cả nước và các vùng kinh tế - xã hội.

3. Dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch, gồm: biến động sử dụng nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp; khả năng khai thác đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng.

4. Xác định các quan điểm và mục tiêu sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch của nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

5. Định hướng sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch 10 năm, tầm nhìn từ 30 đến 50 năm gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất trên cơ sở tiềm năng đất đai đáp ứng nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

6. Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất đối với nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, trong đó xác định một số loại đất sau:

a) Đất trồng lúa;

b) Đất rừng phòng hộ;

c) Đất rừng đặc dụng;

d) Đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên;

đ) Đất quốc phòng;

e) Đất an ninh.

7. Đánh giá tác động của phương án phân bố và tổ chức không gian sử dụng đất đến kinh tế, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

8. Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất

a) Giải pháp bảo vệ, cải tạo đất, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu;

b) Xác định các nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất;

c) Giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng đất.

9. Xây dựng báo cáo quy hoạch sử dụng đất.

10. Xây dựng hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch sử dụng đất quốc gia bao gồm: Bản đồ hiện trạng sử dụng đất; bản đồ quy hoạch sử dụng đất; các bản đồ chuyên đề; trong đó tỷ lệ bản đồ số và bản đồ in tỷ lệ 1/1.000.000 - 1/100.000.

11. Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch sử dụng đất quốc gia vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

12. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia.”.

2. Sửa đổi khoản 7 Điều 28 như sau:

“7. Định hướng sử dụng đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện

a) Định hướng sử dụng đất theo không gian và chức năng sử dụng đất theo chỉ tiêu sử dụng đất do quy hoạch sử dụng đất quốc gia phân bổ và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đã được xác định; bảo đảm nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với tiềm năng đất đai của địa phương; phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển; quỹ đất đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao và nhà ở xã hội;

b) Sơ đồ định hướng phân vùng tổng hợp sử dụng đất;”.

3. Sửa đổi, bổ sung mục VII của Phụ lục III như sau:

“VII. NỘI DUNG LẬP, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT QUỐC PHÒNG, QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT AN NINH

1. Phân tích, đánh giá các yếu tố tác động đến sử dụng đất quốc phòng, sử dụng đất an ninh

a) Tác động từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước;

b) Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch; đề án có tác động, ảnh hưởng đến sử dụng đất quốc phòng, sử dụng đất an ninh;

c) Tác động của khoa học, công nghệ và ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu.

2. Phân tích, đánh giá các tác động của sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh

a) Tác động đến phát triển kinh tế - xã hội;

b) Tác động đến môi trường, đa dạng sinh học;

c) Tác động đến các hoạt động phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

3. Phân tích hiện trạng sử dụng đất quốc phòng, sử dụng đất an ninh kỳ trước.

4. Dự báo tiến bộ khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội tác động tới sử dụng đất quốc phòng, sử dụng đất an ninh; xác định nhu cầu sử dụng đất quốc phòng, sử dụng đất an ninh, yêu cầu về định mức sử dụng đất và dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất quốc phòng, sử dụng đất an ninh.

5. Xác định các quan điểm và mục tiêu sử dụng đất quốc phòng, sử dụng đất an ninh trong thời kỳ quy hoạch phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

6. Định hướng phân bố không gian và chỉ tiêu sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh

a) Định hướng sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh;

b) Xác định vị trí, diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đến từng vùng và đơn vị hành chính cấp tỉnh;

c) Xác định chỉ tiêu, định mức sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh;

d) Tổng hợp vị trí, diện tích hiện trạng sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh;

đ) Xác định vị trí, diện tích đất giao mới để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

e) Xác định vị trí, diện tích đất quốc phòng, đất an ninh chuyển giao cho địa phương để phát triển kinh tế - xã hội.

7. Phân kỳ quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh cho từng thời kỳ kế hoạch 05 năm.

8. Giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp về cơ chế, chính sách quản lý đất quốc phòng, đất an ninh;

b) Giải pháp về tài chính, đầu tư;

c) Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

9. Xây dựng báo cáo quy hoạch sử dụng đất, bản đồ, sơ đồ và cơ sở dữ liệu về quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh. Trong đó, bản đồ hiện trạng sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh; bản đồ quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh; bản đồ khu vực đất quốc phòng, đất an ninh giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ 1/100.000; bản đồ hiện trạng sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh của các khu vực trọng điểm; sơ đồ định hướng sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh của các khu vực trọng điểm, tỷ lệ 1/50.000.

10. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh.”.

4. Bãi bỏ nội dung quy hoạch sử dụng đất an ninh tại mục VIII của Phụ lục III.

Nghị định 102/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai

  • Số hiệu: 102/2024/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/07/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 931 đến số 932
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH