Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam

Chương II

QUẢN LÝ GỖ NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU

Mục 1. QUẢN LÝ GỖ NHẬP KHẨU

Điều 4. Quy định chung về quản lý gỗ nhập khẩu

1. Gỗ nhập khẩu phải bảo đảm hợp pháp, được làm thủ tục nhập khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan.

2. Quản lý gỗ nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở áp dụng biện pháp quản lý rủi ro để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm gỗ nhập khẩu hợp pháp, đồng thời khuyến khích, tạo thuận lợi đối với tổ chức, cá nhân tuân thủ pháp luật.

3. Gỗ nhập khẩu được quản lý rủi ro theo các tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực hoặc không tích cực, loại gỗ thuộc loại rủi ro hoặc không thuộc loại rủi ro quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định này.

4. Chủ gỗ nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung sau:

a) Nguồn gốc hợp pháp của gỗ nhập khẩu theo các quy định pháp luật có liên quan của quốc gia nơi khai thác gỗ;

b) Tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về cung cấp thông tin theo tiêu chí đánh giá vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam quy định tại Điều 5 Nghị định này và tiêu chí xác định loại gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam quy định tại Điều 6 Nghị định này;

c) Trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 của Nghị định này: Cung cấp hồ sơ, thực hiện kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 của Nghị định này, chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ và thông tin kê khai.

5. Quy định về hồ sơ khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu gỗ nhập khẩu:

a) Trường hợp chủ gỗ nhập khẩu bán toàn bộ hoặc một phần lô hàng gỗ nhập khẩu cho một hay nhiều chủ gỗ khác: Chủ gỗ nhập khẩu lập bảng kê gỗ trích từ bảng kê gỗ nhập khẩu, sao hồ sơ gỗ nhập khẩu và ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) giao cho chủ gỗ mua và lưu hồ sơ gốc gỗ nhập khẩu;

b) Trường hợp chủ gỗ mua tại điểm a khoản này bán toàn bộ hoặc một phần lô hàng gỗ nhập khẩu cho chủ gỗ khác: Chủ gỗ bán lập bảng kê gỗ trích từ bảng kê mua trước đó, sao hồ sơ gỗ nhập khẩu và ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) giao cho chủ gỗ mua và lưu giữ bản sao;

c) Trường hợp bán gỗ nhập khẩu cho chủ gỗ tiếp theo: Chủ gỗ bán thực hiện theo quy định tại điểm b khoản này;

d) Trường hợp chuyển giao quyền sở hữu bằng các hình thức khác: Thực hiện theo quy định tại các điểm a hoặc điểm b hoặc điểm c khoản này.

Điều 5. Tiêu chí xác định và thẩm quyền công bố quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam

1. Quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam khi bảo đảm một trong các tiêu chí sau:

a) Có Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp và cấp giấy phép FLEGT đang vận hành;

b) Có quy định pháp luật quốc gia về trách nhiệm giải trình tính hợp pháp của gỗ cho toàn bộ chuỗi cung ứng từ quốc gia nơi khai thác phù hợp với Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam;

c) Có chỉ số hiệu quả Chính phủ từ 0 trở lên theo xếp hạng gần nhất trước đó của Ngân hàng thế giới về chỉ số quản trị toàn cầu (WGI); có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thực thi CITES được xếp loại I do ban thư ký CITES công bố và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Quốc gia đã ký Hiệp định song phương với Việt Nam về gỗ hợp pháp hoặc Quốc gia có hệ thống chứng chỉ gỗ quốc gia được Việt Nam công nhận là đáp ứng tiêu chí gỗ hợp pháp theo quy định tại Nghị định này.

2. Quốc gia thuộc vùng địa lý không tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam khi không đáp ứng tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Thẩm quyền công bố Danh sách quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam: Căn cứ tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan để thống nhất và chịu trách nhiệm công bố Danh sách quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam cho từng thời kỳ theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Danh sách quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam được công bố trên trang thông tin điện tử: www.kiemlam.org.vn.

Điều 6. Tiêu chí xác định và thẩm quyền công bố loại gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam

1. Gỗ thuộc loại rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam nếu thuộc một trong các tiêu chí sau:

a) Gỗ thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là Phụ lục CITES);

b) Gỗ thuộc Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA, Nhóm IIA; Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Gỗ lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam;

d) Gỗ có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng tại quốc gia khai thác hoặc buôn bán trái phép do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành có liên quan và tổ chức được quy định trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên xác định.

2. Gỗ không thuộc loại rủi ro khi không thuộc các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Thẩm quyền công bố loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan cập nhật và công bố danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam; định kỳ 6 tháng một lần vào ngày 30 tháng 6 và ngày 31 tháng 12 hằng năm.

Danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam được công bố trên trang thông tin điện tử: www.kiemlam.org.vn bao gồm tên khoa học, tên thương mại tiếng Việt, tiếng Anh (nếu có).

Điều 7. Hồ sơ gỗ nhập khẩu

Khi làm thủ tục Hải quan đối với lô hàng gỗ nhập khẩu, ngoài bộ hồ sơ Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan, chủ gỗ nhập khẩu phải nộp cho cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai các tài liệu sau:

1. Bản chính bảng kê gỗ nhập khẩu do chủ gỗ lập theo Mẫu số 01 hoặc Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Một trong các tài liệu sau:

a) Trường hợp gỗ thuộc Phụ lục CITES: Bản sao giấy phép CITES xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu cấp; Bản sao giấy phép CITES nhập khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp;

b) Trường hợp gỗ nhập khẩu từ quốc gia đã ký kết Hiệp định gỗ hợp pháp với EU và đang vận hành hệ thống cấp phép FLEGT: Bản sao giấy phép FLEGT xuất khẩu do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp;

c) Trường hợp lô hàng gỗ nhập khẩu không thuộc quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này: Bảng kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu theo Mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Mục 2. QUẢN LÝ GỖ XUẤT KHẨU

Điều 8. Quy định chung về quản lý gỗ xuất khẩu

1. Gỗ xuất khẩu phải bảo đảm hợp pháp, được làm thủ tục xuất khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan.

2. Gỗ xuất khẩu được quản lý theo loại gỗ, thị trường xuất khẩu và trên cơ sở kết quả phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ.

3. Gỗ xuất khẩu phải có giấy phép CITES hoặc giấy phép FLEGT hoặc bảng kê gỗ theo quy định tại Nghị định này.

4. Lô hàng gỗ xuất khẩu đã được cấp phép FLEGT được ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan.

Điều 9. Xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu

1. Đối tượng xác nhận: Lô hàng gỗ xuất khẩu của chủ gỗ không phải là doanh nghiệp Nhóm I.

Lô hàng gỗ có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng trong nước xuất khẩu sang thị trường ngoài EU thì không cần xác nhận.

2. Cơ quan xác nhận: Cơ quan Kiểm lâm sở tại.

3. Hồ sơ đề nghị xác nhận nguồn gốc gỗ xuất khẩu, bao gồm:

a) Bản chính đề nghị xác nhận nguồn gốc gỗ xuất khẩu theo Mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản chính bảng kê gỗ xuất khẩu do chủ gỗ lập theo Mẫu số 05 hoặc Mẫu số 06 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Bản sao hồ sơ gỗ nhập khẩu theo quy định tại Điều 7 Nghị định này hoặc bản sao hồ sơ nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

4. Cách thức gửi hồ sơ: Chủ gỗ gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp hoặc hòm thư điện tử.

5. Trình tự thực hiện:

a) Chủ gỗ gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này tới cơ quan Kiểm lâm sở tại. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan Kiểm lâm sở tại có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ gỗ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan Kiểm lâm sở tại có trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp hoặc bằng văn bản cho chủ gỗ để hoàn thiện hồ sơ;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan Kiểm lâm sở tại hoàn thành việc kiểm tra thực tế lô hàng gỗ xuất khẩu theo quy định tại khoản 6 Điều này và xác nhận bảng kê gỗ. Trường hợp không xác nhận bảng kê gỗ, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản kiểm tra, cơ quan Kiểm lâm sở tại thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Kiểm tra lô hàng gỗ xuất khẩu:

a) Thời điểm kiểm tra: Trước khi xếp lô hàng gỗ vào phương tiện vận chuyển để xuất khẩu;

b) Địa điểm kiểm tra: Tại kho, bãi nơi cất giữ lô hàng gỗ theo đề nghị của chủ gỗ;

c) Nội dung kiểm tra: Đối chiếu hồ sơ do chủ gỗ lập với khối lượng, trọng lượng, số lượng, quy cách, loại gỗ, nguồn gốc gỗ được kiểm tra; xác minh tính hợp pháp của lô hàng gỗ; lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 07 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và xác nhận bảng kê gỗ;

d) Mức độ kiểm tra thực tế: Kiểm tra thực tế 20% lô hàng gỗ; trường hợp có thông tin vi phạm thì công chức Kiểm lâm báo cáo, đề xuất thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm sở tại quyết định tăng tỷ lệ kiểm tra và gia hạn thời gian kiểm tra, thời gian gia hạn tối đa không quá 02 ngày. Thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Điều 10. Hồ sơ gỗ xuất khẩu

Khi làm thủ tục Hải quan đối với lô hàng gỗ xuất khẩu, ngoài bộ hồ sơ Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan, chủ gỗ phải nộp cho cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai một trong các chứng từ sau:

1. Trường hợp gỗ thuộc Phụ lục CITES: Bản chính hoặc bản sao bản điện tử giấy phép CITES xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp.

2. Trường hợp gỗ không thuộc Phụ lục CITES:

a) Lô hàng gỗ xuất khẩu sang thị trường EU: Bản chính hoặc bản sao bản điện tử giấy phép FLEGT;

b) Lô hàng gỗ xuất khẩu sang thị trường ngoài EU:

Trường hợp chủ gỗ là doanh nghiệp Nhóm I: Bản chính bảng kê gỗ xuất khẩu do chủ gỗ lập.

Trường hợp chủ gỗ không phải là doanh nghiệp Nhóm I: Bản chính bảng kê gỗ xuất khẩu do chủ gỗ lập có xác nhận của cơ quan Kiểm lâm sở tại theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

3. Trường hợp chủ gỗ đã hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu lô hàng, nhưng ủy thác cho doanh nghiệp khác để xuất khẩu thì ngoài một trong các chứng từ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này, doanh nghiệp nhận ủy thác để xuất khẩu phải gửi kèm theo bản sao hợp đồng ủy thác.

Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam

  • Số hiệu: 102/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/09/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 15/09/2020
  • Số công báo: Từ số 873 đến số 874
  • Ngày hiệu lực: 30/10/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH