Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Nghị định 10/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về biện pháp phòng vệ thương mại

Mục 1. BÁN PHÁ GIÁ VÀ TRỢ CẤP

Tiểu mục 1. BÁN PHÁ GIÁ

Điều 16. Phương pháp xác định giá thông thường

1. Trường hợp hàng hóa tương tự được bán trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu với khối lượng, số lượng đáng kể, giá thông thường là giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự đang được bán trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu theo điều kiện thương mại thông thường quy định tại Điều 17 của Nghị định này.

2. Trong trường hợp không có hàng hóa tương tự được bán trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu hoặc trong trường hợp việc bán trong nước đó không cho phép việc so sánh hợp lý do điều kiện đặc biệt của thị trường đó hoặc do hàng hóa tương tự được bán trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu với khối lượng, số lượng không đáng kể thì giá thông thường được xác định theo một trong các cách sau đây:

a) Giá xuất khẩu của hàng hóa tương tự sang một nước thứ ba thích hợp với điều kiện giá xuất khẩu đó mang tính đại diện;

b) Cơ quan điều tra tự xây dựng dựa trên giá thành hợp lý của hàng hóa cộng thêm các chi phí hợp lý khác và lợi nhuận ở mức hợp lý dựa trên từng công đoạn từ khâu sản xuất đến lưu thông trên thị trường của nước xuất khẩu hoặc nước thứ ba.

3. Khối lượng, số lượng hàng hóa tương tự được bán trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu quy định tại khoản 1 Điều này được coi là đáng kể nếu chiếm ít nhất 5% tổng khối lượng, số lượng hàng hóa bị điều tra xuất khẩu sang Việt Nam. Cơ quan điều tra có thể xem xét tỷ lệ thấp hơn với điều kiện có chứng cứ cho thấy tỷ lệ đó vẫn đủ lớn để tiến hành so sánh một cách hợp lý.

Điều 17. Điều kiện thương mại thông thường

Hàng hóa tương tự được coi là bán trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu theo điều kiện thương mại thông thường trừ các trường hợp sau đây:

1. Các giao dịch bán hàng hóa tương tự trên thị trường nội địa nước xuất khẩu, hoặc giao dịch xuất khẩu sang thị trường nước thứ ba có giá bán thấp hơn chi phí sản xuất trong một khoảng thời gian ít nhất là 06 tháng và khối lượng, số lượng này ít hơn 20% tổng khối lượng, số lượng bán hàng trong nước hoặc xuất khẩu sang thị trường nước thứ ba;

2. Các giao dịch bán hàng hóa tương tự trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu hoặc giao dịch xuất khẩu sang thị trường nước thứ ba được thực hiện giữa các bên có mối quan hệ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này và giá bán giữa các bên này không phản ánh giá thị trường;

3. Các giao dịch bán hàng hóa tương tự trên thị trường nội địa nước xuất khẩu hoặc các giao dịch xuất khẩu sang thị trường nước thứ ba được thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận bù trừ.

Điều 18. Phương pháp xác định giá xuất khẩu

1. Giá xuất khẩu là giá bán của hàng hóa bị điều tra được xuất khẩu sang Việt Nam dựa trên các chứng từ giao dịch hợp pháp.

2. Trong trường hợp không có giá xuất khẩu hoặc có chứng cứ cho thấy giá xuất khẩu không đáng tin cậy, Cơ quan điều tra xác định giá xuất khẩu theo một trong các cách sau đây:

a) Giá xuất khẩu được xây dựng dựa trên giá bán lại cho khách hàng độc lập đầu tiên. Khách hàng độc lập đầu tiên được hiểu là khách hàng không có mối quan hệ với nhà sản xuất, xuất khẩu có liên quan quy định tại Điều 5 của Nghị định này;

b) Giá xuất khẩu được xây dựng trên các cơ sở hợp lý khác.

3. Giá xuất khẩu được coi là không đáng tin cậy theo quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp nhà sản xuất, xuất khẩu, nhà nhập khẩu hoặc bên thứ ba có mối quan hệ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này hoặc có các thỏa thuận về bù trừ.

Điều 19. Điều chỉnh giá thông thường, giá xuất khẩu

Khi xác định biên độ bán phá giá, Cơ quan điều tra xem xét các điều chỉnh sau đây:

1. Điều chỉnh giá thông thường và giá xuất khẩu về cùng một khâu của quá trình lưu thông hàng hóa;

2. Điều chỉnh giá thông thường và giá xuất khẩu về cùng thời điểm tính toán hoặc tại các thời điểm tính toán gần nhau nhất;

3. Điều chỉnh giá thông thường và giá xuất khẩu khi có những khác biệt về thuế, điều kiện bán hàng, cấp độ thương mại, khối lượng, đặc tính vật lý và các yếu tố khác mà Cơ quan điều tra cho là phù hợp;

4. Khi chuyển đổi tiền tệ, Cơ quan điều tra sử dụng tỷ giá hối đoái tại thời điểm bán hàng, trừ trường hợp giao dịch bán hàng xuất khẩu theo hợp đồng kỳ hạn, tỷ giá hối đoái là tỷ giá quy định của hợp đồng kỳ hạn. Trong trường hợp có sự biến động tỷ giá, Cơ quan điều tra tiến hành điều chỉnh biến động về tỷ giá phù hợp trong thời kỳ điều tra;

5. Các điều chỉnh khác mà Cơ quan điều tra thấy phù hợp.

Điều 20. Phương pháp xác định biên độ bán phá giá

1. Biên độ bán phá giá được xác định dựa trên mức chênh lệch giữa giá thông thường với giá xuất khẩu theo quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 18 và Điều 19 của Nghị định này.

2. Biên độ bán phá giá được xác định theo một trong các cách sau đây:

a) So sánh giữa giá trị bình quân gia quyền của giá thông thường với giá trị bình quân gia quyền của giá xuất khẩu;

b) So sánh giữa giá thông thường với giá xuất khẩu trên cơ sở từng giao dịch;

c) So sánh giữa giá trị bình quân gia quyền của giá thông thường với giá xuất khẩu trên cơ sở từng giao dịch với điều kiện tồn tại sự khác biệt đáng kể của giá xuất khẩu giữa những người mua, khu vực địa lý và thời điểm xuất khẩu.

3. Cơ quan điều tra phải xác định biên độ bán phá giá riêng đối với hàng hóa bị điều tra của từng nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Trong trường hợp số lượng Bên bị yêu cầu quá lớn hoặc chủng loại hàng hóa bị điều tra quá lớn, Cơ quan điều tra có thể giới hạn phạm vi điều tra bằng phương pháp chọn mẫu được quy định tại Điều 36 của Nghị định này để xác định biên độ bán phá giá.

5. Trong trường hợp Cơ quan điều tra giới hạn phạm vi điều tra theo quy định tại khoản 4 Điều này, biên độ bán phá giá được áp dụng như sau:

a) Biên độ bán phá giá riêng áp dụng đối với hàng hóa bị điều tra của từng nhà sản xuất, xuất khẩu được chọn mẫu và hợp tác với Cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra;

b) Biên độ bán phá giá riêng áp dụng đối với hàng hóa bị điều tra của nhà sản xuất, xuất khẩu được chọn mẫu nhưng không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ với Cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra;

c) Biên độ bán phá giá riêng áp dụng đối với hàng hóa bị điều tra của nhà sản xuất, xuất khẩu không được chọn mẫu nhưng tự nguyện tham gia và hợp tác với Cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra;

d) Biên độ bán phá giá áp dụng đối với hàng hóa bị điều tra của các nhà sản xuất, xuất khẩu còn lại.

Tiểu mục 2. TRỢ CẤP

Điều 21. Tính riêng biệt của trợ cấp

1. Trợ cấp quy định tại Điều 84 của Luật Quản lý ngoại thương được coi là mang tính riêng biệt khi trợ cấp chỉ áp dụng riêng cho tổ chức, cá nhân hoặc ngành sản xuất nhất định hoặc trợ cấp chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân hoặc ngành sản xuất trong khu vực địa lý nhất định của nước bị điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp.

2. Tính riêng biệt của trợ cấp được xác định như sau:

a) Có sự hạn chế rõ ràng cho một hoặc một nhóm các tổ chức, cá nhân hoặc cho một hoặc một nhóm ngành sản xuất nhất định được hưởng trợ cấp;

b) Các tiêu chuẩn, điều kiện hưởng trợ cấp mang tính khách quan được quy định trong các văn bản pháp luật nhưng không được mặc nhiên áp dụng trên thực tiễn;

c) Có sự hạn chế rõ ràng cho các tổ chức, cá nhân trong một vùng địa lý nhất định;

d) Trong trường hợp trợ cấp không mang tính riêng biệt theo quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này, Cơ quan điều tra vẫn có thể xác định tính riêng biệt dựa trên việc xem xét các yếu tố bao gồm số lượng giới hạn các doanh nghiệp được hưởng trợ cấp, sự phân bổ mức trợ cấp không cân xứng và cách thức cơ quan có thẩm quyền cấp trợ cấp.

3. Các trợ cấp theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 85 của Luật Quản lý ngoại thương được xem là các trợ cấp mang tính riêng biệt.

Điều 22. Phương pháp xác định giá trị trợ cấp

1. Phương pháp xác định giá trị trợ cấp được quy định như sau:

a) Trong trường hợp trợ cấp là một khoản cấp không hoàn lại thì giá trị trợ cấp được tính trên cơ sở giá trị thực tế cấp cho tổ chức, cá nhân được hưởng;

b) Trong trường hợp trợ cấp dưới hình thức một khoản vay được thực hiện bởi chính phủ hoặc tổ chức công thì giá trị trợ cấp được tính trên cơ sở chênh lệch giữa mức lãi suất phải trả cho khoản vay đó theo điều kiện thị trường và mức lãi suất mà tổ chức, cá nhân thực tế phải trả cho khoản vay đó;

c) Trong trường hợp trợ cấp dưới hình thức chính phủ hoặc tổ chức công bảo lãnh vay thì giá trị trợ cấp được xác định trên cơ sở phần chênh lệch giữa mức lãi suất phải trả trong trường hợp không được bảo lãnh và mức lãi suất thực tế phải trả khi được bảo lãnh;

d) Trong trường hợp trợ cấp dưới hình thức chính phủ hoặc tổ chức công chuyển vốn trực tiếp hoặc chuyển giao cổ phần thì giá trị trợ cấp được xác định trên cơ sở vốn thực tế mà doanh nghiệp được nhận;

đ) Trong trường hợp trợ cấp dưới hình thức chính phủ hoặc tổ chức công mua hàng hóa, dịch vụ với giá cao hơn giá thị trường cho tổ chức, cá nhân thì giá trị trợ cấp được xác định trên cơ sở phần chênh lệch giữa giá thị trường với giá thực tế mà chính phủ hoặc tổ chức công phải trả cho hàng hóa, dịch vụ đó;

e) Trong trường hợp trợ cấp dưới hình thức chính phủ hoặc tổ chức công cung cấp hàng hóa, dịch vụ thấp hơn giá thị trường cho tổ chức, cá nhân thì giá trị trợ cấp được xác định trên cơ sở phần chênh lệch giữa giá thị trường với giá bán ra thực tế của chính phủ hoặc tổ chức công cho tổ chức, cá nhân;

g) Trong trường hợp trợ cấp dưới hình thức chính phủ hoặc tổ chức công bỏ qua hoặc không thu các khoản thu mà tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải nộp thì giá trị trợ cấp được xác định trên cơ sở khoản chênh lệch giữa khoản tiền phải nộp theo quy định pháp luật với khoản tiền mà tổ chức, cá nhân thực sự nộp.

2. Giá trị trợ cấp được cấp dưới hình thức khác sẽ được tính một cách công bằng, hợp lý và không trái với thông lệ quốc tế.

Nghị định 10/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về biện pháp phòng vệ thương mại

  • Số hiệu: 10/2018/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 15/01/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 03/02/2018
  • Số công báo: Từ số 297 đến số 298
  • Ngày hiệu lực: 15/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH