Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2001/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 2 năm 2001

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 07/2001/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 02 NĂM 2001 VỀ ĐẠI HỌC QUỐC GIA

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Căn cứ Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Đại học Quốc gia là trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao.

Đại học Quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy.

Điều 2. Đại học Quốc gia có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; là đầu mối được giao các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm.

Điều 3. Đại học Quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo; của các Bộ, ngành khác và ủy ban nhân dân địa phương nơi Đại học Quốc gia đặt địa điểm, trong phạm vi chức năng theo quy định của Chính phủ và phù hợp với pháp luật.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Đại học Quốc gia gồm có :

1. Các đơn vị thành viên:

a) Các trường đại học;

b) Các viện nghiên cứu khoa học và công nghệ.

2. Các đơn vị trực thuộc:

a) Các khoa;

b) Các trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ;

c) Các đơn vị phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng.

3. Văn phòng và một số Ban chức năng giúp việc Giám đốc Đại học Quốc gia.

4. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, sáp nhập, chia tách và giải thể các đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 5. Đại học Quốc gia có Hội đồng Đại học Quốc gia, cơ cấu thành viên của Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Hội đồng Đại học Quốc gia quyết nghị tập thể về : chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của Đại học Quốc gia, về tổ chức và quy chế hoạt động của các đơn vị thành viên, các khoa và trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ trực thuộc phù hợp với Quy chế về tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Điều 6. Đại học Quốc gia có Giám đốc và các Phó Giám đốc. Giám đốc và Phó Giám đốc Đại học Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Giám đốc Đại học Quốc gia là đại diện pháp nhân, chịu trách nhiệm về tất cả các mặt hoạt động của Đại học Quốc gia; tổ chức thực hiện các quyết nghị của Hội đồng Đại học Quốc gia; quyết định việc thành lập, sáp nhập, chia tách và giải thể các đơn vị quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 4 của Nghị định này theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia.

Điều 7. Căn cứ các quy định của Nghị định này, Thủ tướng Chính phủ Quyết định việc thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các Đại học Quốc gia; ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia.

Điều 8. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ Nghị định số 97/CP ngày 10 tháng 12 năm 1993 của Chính phủ về việc thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội, Nghị định số 16/CP ngày 27 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ về việc thành lập Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 9. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Đại học Quốc gia chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 07/2001/NĐ-CP về Đại học Quốc gia

  • Số hiệu: 07/2001/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/02/2001
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 16/02/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản