Hệ thống pháp luật

Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ được hiểu như sau:

1. Loài dùng để chỉ một loài, một phân loài hoặc một quần thể động vật, thực vật cách biệt về địa lý.

2. Loài lai là kết quả giao phối hay cấy ghép hai loài hoặc hai phân loài động vật hoặc thực vật với nhau. Trong trường hợp loài lai là kết quả giao phối hay cấy ghép giữa hai loài được quy định trong các Nhóm hoặc Phụ lục khác nhau, loài lai đó được quản lý theo loài thuộc Nhóm hoặc Phụ lục mức độ bảo vệ cao hơn.

3. Giấy phép CITES, chứng chỉ CITES do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, tái nhập khẩu, nhập nội từ biển hợp pháp mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES; xuất khẩu mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Nghị định này và không thuộc Danh mục các loài thuộc Phụ lục CITES.

4. Phụ lục CITES bao gồm:

a) Phụ lục I là những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng, bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại;

b) Phụ lục II là những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có thể sẽ bị tuyệt chủng, nếu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật những loài này khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại không được kiểm soát;

c) Phụ lục III là những loài động vật, thực vật hoang dã mà một quốc gia thành viên CITES yêu cầu các quốc gia thành viên khác hợp tác để kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu vì mục đích thương mại.

5. Bộ phận của động vật, thực vật hoang dã nguy cấp là bất kỳ thành phần nào (như da, vỏ, rễ) ở dạng thô hay đã qua sơ chế (như bảo quản, làm bóng...) có khả năng nhận dạng được của loài đó.

6. Dẫn xuất của các loài động vật, thực vật là toàn bộ các dạng vật chất được lấy ra từ động vật, thực vật như: Máu, dịch mật của động vật; nhựa, tinh dầu lấy ra từ thực vật; hoặc là các phần của động vật, thực vật đã được chế biến như là thuốc, nước hoa, đồng hồ, túi xách...

7. Mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp bao gồm động vật, thực vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài đó.

8. Động vật rừng thông thường là các loài động vật rừng thuộc các lớp thú, chim, bò sát, lưỡng cư và không thuộc: Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ ban hành hoặc Danh mục các loài thuộc Phụ lục CITES; Danh mục động vật được nuôi, thuần hoá thành vật nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.

9. Khai thác mẫu vật loài động vật, thực vật là hoạt động lấy mẫu vật loài động vật, thực vật hoang dã trong môi trường tự nhiên.

10. Vì mục đích thương mại là bất kỳ hoạt động giao dịch nào đối với mẫu vật loài động vật, thực vật hoang dã nhằm mục đích lợi nhuận.

11. Không vì mục đích thương mại là các hoạt động phục vụ ngoại giao; nghiên cứu khoa học; trao đổi giữa các vườn động vật, vườn thực vật, bảo tàng; triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm; biểu diễn xiếc; trao đổi, trao trả mẫu vật giữa các Cơ quan quản lý CITES.

12. Vườn động vật là nơi sưu tập, nuôi giữ các loài động vật hoang dã nhằm mục đích trưng bày, nhân giống, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học.

13. Vườn thực vật là nơi sưu tập, chăm sóc các loài thực vật hoang dã phục vụ mục đích trưng bày, nhân giống, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học.

14. Nhập nội từ biển là hoạt động đưa vào lãnh thổ Việt Nam mẫu vật loài động vật, thực vật hoang dã quy định tại Phụ lục CITES được khai thác từ vùng biển không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào.

15. Tái xuất khẩu là xuất khẩu mẫu vật đã nhập khẩu trước đó.

16. Môi trường có kiểm soát là môi trường có sự quản lý của con người nhằm tạo ra những loài thuần chủng hoặc những cây lai, con lai. Môi trường có kiểm soát phải đảm bảo các điều kiện để ngăn ngừa sự xâm nhập hoặc phát tán của động vật, thực vật, trứng, giao tử, hợp tử, hạt, mầm, gen, dịch bệnh ra ngoài hoặc vào trong môi trường đó.

17. Cơ sở nuôi, cơ sở trồng, bao gồm: Cơ sở nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và/hoặc loài động vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES và/hoặc loài động vật rừng thông thường; cơ sở trồng cấy nhân tạo loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và/hoặc loài thực vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES không vì mục đích thương mại hoặc vì mục đích thương mại.

18. Nuôi sinh trưởng là hình thức nuôi giữ con non, trứng của các loài động vật hoang dã khai thác từ tự nhiên để nuôi lớn, cho ấp nở thành các cá thể con trong môi trường có kiểm soát.

19. Nuôi sinh sản là hình thức nuôi giữ động vật hoang dã để sản sinh ra các thế hệ kế tiếp trong môi trường có kiểm soát.

20. Trồng cấy nhân tạo là hình thức trồng, cấy từ hạt, mầm, hợp tử, ghép cành hoặc các cách nhân giống khác thực vật hoang dã trong môi trường có kiểm soát.

21. Nguồn giống sinh sản là cá thể động vật ban đầu hợp pháp được nuôi trong cơ sở nuôi sinh sản để sản xuất ra các cá thể thế hệ kế tiếp.

22. Thế hệ F1 gồm các cá thể được sinh ra trong môi trường có kiểm soát, trong đó có ít nhất bố hoặc mẹ được khai thác từ tự nhiên.

23. Thế hệ F2 hoặc các thế hệ kế tiếp gồm các cá thể được sinh ra trong môi trường có kiểm soát bởi cặp bố, mẹ thế hệ F1 trở đi.

24. Vật dụng cá nhân, vật dụng hộ gia đình có nguồn gốc động vật, thực vật hoang dã là mẫu vật có nguồn gốc hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình. Mẫu vật sống không được coi là vật dụng cá nhân, vật dụng hộ gia đình.

25. Mẫu vật đồ lưu niệm là vật dụng cá nhân, vật dụng hộ gia đình có được ngoài quốc gia thường trú của chủ sở hữu mẫu vật. Động vật sống không được coi là mẫu vật đồ lưu niệm.

26. Mẫu vật săn bắt là mẫu vật có được từ các hoạt động săn bắt hợp pháp.

27. Mẫu vật tiền Công ước là mẫu vật có được trước ngày loài đó được quy định tại các Phụ lục CITES hoặc trước khi quốc gia thành viên gia nhập, trong các trường hợp sau:

a) Mẫu vật được đưa ra khỏi nơi sinh sống tự nhiên của chúng;

b) Mẫu vật được sinh ra trong môi trường có kiểm soát;

c) Chủ sở hữu có quyền sở hữu hợp pháp đối với mẫu vật.

28. Quốc gia thành viên CITES là quốc gia mà ở đó CITES có hiệu lực.

Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp

  • Số hiệu: 06/2019/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 22/01/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 163 đến số 164
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH