Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 1 năm 1995

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 04/CP NGÀY 16 THÁNG 1 NĂM 1995 BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự ngày 19 tháng 5 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1. - Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Điều 2. - Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3. - Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

QUY CHẾ
BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 04/CP ngày 16 tháng 1 năm 1995 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Công trình quốc phòng và khu quân sự trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được đăng ký, phân loại, xác định địa giới và thống nhất quản lý của Chính phủ.

Điều 2.- Căn cứ vào tính chất, mục đích sử dụng, công trình quốc phòng và khu quân sự được phân ra bốn loại:

1/ Loại 1: Các công trình quốc phòng và khu quân sự đặc biệt quan trọng thể hiện nhiệm vụ chiến lược quốc phòng hoặc có tính chất quyết định trong việc bảo vệ và phát huy hiệu quả cao trong chiến đấu.

2/ Loại 2: Các công trình quốc phòng và khu quân sự quan trọng để phòng thủ biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo.

3/ Loại 3: Các công trình quốc phòng và khu quân sự phục vụ nhiệm vụ tác chiến, huấn luyện, diễn tập, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học của các đơn vị lực lượng vũ trang.

4/ Loại 4: Các công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng nhưng mang tính chất phổ thông; các công trình phục vụ cho việc sơ tán, phòng tránh; các thành cổ, pháo đài cổ, hầm, hào, lô cốt cũ hiện thời chưa sử dụng nhưng vẫn được quản lý, bảo vệ để đưa vào sử dụng khi có nhu cầu.

Điều 3.- Khu vực cấm, khu vực bảo vệ và vành đai an toàn được xác định căn cứ vào tính chất, mục đích sử dụng của từng công trình quốc phòng và khu quân sự.

Khu vực cấm được xác định bằng tường, hàng rào, hào ngăn cách, cột mốc hoặc các ký hiệu, tín hiệu riêng. Chỉ những người có trách nhiệm mới được vào khu vực cấm. Khu vực cấm được tổ chức tuần tra canh gác thường xuyên và là nơi cấm quay phim, chụp ảnh.

Khu vực bảo vệ được xác định bằng cột mốc, biển báo hoặc các ký hiệu, tín hiệu riêng. Việc ra vào, đi lại, quay phim chụp ảnh ở khu vực bảo vệ do cấp quản lý công trình cho phép.

Vành đai an toàn được xác định bằng văn bản giữa Uỷ ban Nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự.

Bộ Quốc phòng lập danh mục và xác định khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn cho từng loại công trình quốc phòng và khu quân sự trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 4.- Bộ Quốc phòng lập ngân sách quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trong kế hoạch ngân sách quốc phòng hàng năm trình Chính phủ phê duyệt.

Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập ngân sách quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trong kế hoạch ngân sách địa phương hàng năm trình Chính phủ phê duyệt.

Chương 2:

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP VÀ CÁC BỘ, NGÀNH

Điều 5.- Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ thống nhất quản lý việc bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trong phạm vị cả nước và tiến hành xếp loại, ban hành các quy định quản lý, bảo vệ đối với từng loại.

Điều 6.- Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự xác định địa giới tại thực địa, bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định của pháp luật.

Điều 7.- Uỷ ban Nhân dân các cấp, cơ quan quân sự địa phương có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được giao; phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên địa bàn của mình về các mặt: an ninh, bảo vệ bí mật, phòng chống và khắc phục các sự cố do thiên tai, địch hoạ gây ra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 8.- Chính quyền các cấp, các đơn vị công an nhân dân và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự cùng phối hợp quản lý khu vực, xây dựng địa bàn an toàn, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền, hàng năm hoặc khi cần thiết phối hợp tổ chức hội nghị an ninh của cơ sở để rút kinh nghiệm về công tác bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Điều 9.- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban Nhân dân các cấp khi xây dựng và xét duyệt quy hoạch thành phố, khu dân cư; kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thuỷ lợi, nông nghiệp, lâm nghiệp; khai thác tài nguyên khoáng sản; kế hoạch phát triển, xây dựng khu văn hoá, du lịch có liên quan tới công trình quốc phòng và khu quân sự phải có ý kiến của cơ quan quản lý trực tiếp công trình và được cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Quy chế này cho phép. Không được cấp phép xây dựng cho những công trình làm ảnh hưởng hoặc cản trở đến phương án tác chiến của khu vực phòng thủ; có chiều cao lớn hoặc quy mô rộng ảnh hưởng tới tầm, hướng quan sát, tầm hướng bắn của các loại vũ khí, hướng vận động, tấn công của bộ đội, gần các kho chứa vũ khí, chất nổ, nhiên liệu; gây cản trở cho hạ cất cánh máy bay; làm hẹp các luồng lạch hoặc có thể gây nguy hiểm cho tàu xuồng ra vào bến cảng quân sự. Nếu tự ý xây dựng phải phá dỡ và chịu mọi phí tổn.

Trường hợp phải di chuyển, thay đổi vị trí công trình quốc phòng và khu quân sự để sử dụng vào mục đích khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tổ chức, cá nhân được phép sử dụng vị trí đó phải bồi thường để đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân di chuyển và xây dựng công trình mới thay thế.

Điều 10.- Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ phối hợp chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện việc quản lý, bảo vệ, xây dựng địa bàn vành đai an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự và bảo vệ tài nguyên khoáng sản, di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh nằm trong khu vực đó.

Điều 11.- Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự phải có phương án bảo vệ cụ thể và tổ chức thực hiện chế độ tuần tra, canh gác. Phải thường xuyên kiểm tra bảo quản công trình, có kế hoạch, biện pháp chống xuống cấp và hư hại; tiến hành sửa chữa, tu bổ công trình theo yêu cầu kỹ thuật, bảo dưỡng các trang, thiết bị công trình; phải xây dựng các phương án, kế hoạch phòng chống hoả hoạn, thiên tai, có đủ dụng cụ và phương tiện cứu chữa.

Lực lượng công an địa phương có trách nhiệm tham gia bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trong địa phương.

Chương 3:

TỔ CHỨC BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ.

Điều 12.- Công trình quốc phòng và khu quân sự loại I được tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ hoặc giao cho các đơn vị đóng quân trực tiếp bảo vệ.

Điều 13.- Công trình quốc phòng và khu quân sự loại II, III và IV giao các đơn vị đóng quân trực tiếp tại công trình hoặc giao Uỷ ban Nhân dân các cấp và lực lượng vũ trang địa phương bảo vệ.

Điều 14.- Công tác bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự phải bảo đảm yêu cầu bí mật vị trí, kết cấu, hình thái, tính năng, tác dụng, sức chống đỡ và độ dày lớp đất đá che chắn, hình thái ngụy trang; bảo đảm kỹ thuật bảo dưỡng, bảo hành; quản lý chặt chẽ thiết bị vật tư chuyên dùng; phòng chống phá hoại, xâm lấn và hoả hoạn, thiên tai.

Điều 15.- Nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm đất đai, khai thác đất đá trên nóc, xung quanh, dưới đáy, phá dỡ kết cấu móng, tường, thân, nền, cửa và thiết bị công trình; chặt phá cây nguỵ trang; tìm hiểu, loan truyền về vị trí, kết cấu, mục đích sử dụng của công trình quốc phòng và khu quân sự.

Nghiêm cấm sử dụng thiết bị vật tư chuyên dùng của công trình quốc phòng không đúng mục đích; sử dụng hoặc cải tạo công trình quốc phòng và khu quân sự để sử dụng vào việc khác một cách trái phép.

Điều 16.- Các tổ chức, cá nhân khi xây dựng công trình kinh tế, dân sinh có ảnh hưởng tới công trình quốc phòng và khu quân sự loại I, II phải được phép của Thủ tướng Chính phủ; loại III, IV phải được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng .

Điều 17.- Các cơ sở sản xuất có chất thải gây ô nhiễm môi trường xung quanh công trình quốc phòng và khu quân sự phải có các biện pháp xử lý mới được đưa vào hoạt động. Nghiêm cấm để chất thải thâm nhập vào trong ăn mòn, phá hoại kết cấu và thiết bị công trình.

Điều 18.- Tất cả các công trình quốc phòng và khu quân sự đều phải có hồ sơ để quản lý. Căn cứ tính chất của từng loại công trình để xác định những loại hồ sơ cần có dưới đây:

Bản đồ địa chính hoặc sơ đồ tỷ lệ thích hợp với từng cấp đánh dấu vị trí các công trình.

Bản đồ địa chính xác định ranh giới và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bản vẽ thiết kế và hoàn công.

Bản vẽ cải tạo lấp phủ và nguỵ trang.

Các tài liệu về địa chất, thuỷ văn, khảo sát, thi công, quyết toán công trình.

Các biên bản xác định vị trí, kiểm tra, thanh tra.

Chỉ thị (hoặc mệnh lệnh) giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ.

Điều 19.-Hồ sơ của công trình quốc phòng và khu quân sự là tài liệu mật, được lưu trữ ở các cấp như sau:

Hồ sơ của loại I, II được lưu trữ ở hai cấp: Bộ Quốc phòng và Tổng cục, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng.

Hồ sơ của loại III, IV được lưu trữ ở hai cấp: Tổng cục, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với cấp quản lý trực tiếp công trình quốc phòng và khu quân sự, thì tuỳ theo tính chất của từng loại, được lưu giữ những hồ sơ cần thiết phục vụ cho việc quản lý, sử dụng và bảo vệ.

Điều 20.- Việc thanh tra, kiểm tra công trình quốc phòng và khu quân sự được quy định:

Hàng năm Bộ Quốc phòng tổ chức thanh tra, kiểm tra công trình quốc phòng và khu quân sự loại I, II; Quân khu và cấp tương đương tổ chức thanh tra, kiểm tra công trình quốc phòng và khu quân sự loại III, IV để xem xét, đánh giá chất lượng và việc thực hiện chế độ bảo vệ.

Hàng năm cấp trên quản lý trực tiếp công trình quốc phòng và khu quân sự phải tiến hành kiểm tra tình trạng công trình và chỉ đạo việc bảo vệ.

Việc thanh tra, kiểm tra đột xuất công trình quốc phòng và khu quân sự do bị phá hoại, thiên tai, hoả hoạn gây ra hoặc cần đưa ngay công trình vào sử dụng có thể thanh tra, kiểm tra vượt cấp.

Điều 21.- Hàng năm các đơn vị quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự báo cáo cấp trên theo định kỳ về các nội dung:

Hiện tượng hư hỏng công trình, rạn nứt, thẩm thấu, lún sụt và tình hình ở các khu vực cấm, khu vực bảo vệ và vành đai an toàn.

Tình trạng hư hỏng, xuống cấp trang bị công trình.

Việc thực hiện chế độ bảo vệ, tình hình an ninh đã xảy ra.

Những ý kiến đề nghị (yêu cầu về ngân sách, kế hoạch tu sửa, quản lý, bảo vệ cho năm tiếp theo...).

Các trường hợp khẩn cấp, ngoài khả năng và thẩm quyền của đơn vị thì phải báo cáo ngay lên cấp trên xử lý.

Điều 22.- Định kỳ 5 năm một lần Bộ Quốc phòng tổng hợp tình hình báo cáo Chính phủ về:

Hiện trạng công trình và khu quân sự

Tình trạng đất đai, địa hình khu vực công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tình hình an ninh liên quan tới công trình.

Kế hoạch 5 năm tiếp theo về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Chương 4:

KHEN THƯỞNG, XỬ PHẠT

Điều 23.- Tổ chức hoặc cá nhân có một trong các thành tích sau đây sẽ được xét khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước:

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sư;

Có đóng góp công sức vào việc bảo vệ, tu bổ, nâng cấp công trình quốc phòng và và khu quân sự;

Không ngại nguy hiểm cứu chữa công trình khi có sự cố;

Phát hiện, tố giác hành vi xâm phạm, phá hoại hoặc tiết lộ bí mật công trình quốc phòng và khu quân sự.

Điều 24.- Tổ chức hoặc cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thì tuỳ theo mức độ nhẹ hay nặng mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Các khoản tiền phạt nộp vào ngân sách nhà nước, tiền bồi thường thiệt hại nộp nào ngân sách bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự của cấp quản lý trực tiếp công trình.

Điều 25.- Tổ chức hoặc cá nhân được giao trách nhiệm bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự vì thiếu trách nhiệm để công trình quốc phòng và khu quân sự bị xâm hại, hư hỏng, xuống cấp thì bị xử lý bằng những hình thức dưới đây:

Khiển trách;

Cảnh cáo;

Cách chức;

Buộc thôi việc;

Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, nếu hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 26.- Căn cứ vào Quy chế này, Bộ Quốc phòng ban hành những quy định cụ thể về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 04/CP năm 1995 ban hành Quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

  • Số hiệu: 04/CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/01/1995
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản