Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
***********

Số: 02-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 1979

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ THỐNG NHẤT QUẢN LÝ NHÀ CỬA Ở CÁC THÀNH PHỐ, THỊ XÃ, THỊ TRẤN

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Xét tình hình quản lý nhà cửa ở các thành phố, thị xã, thị trấn;
Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ xây dựng;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 9 năm 1978.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo nghị định này Điều lệ thống nhất quản lý nhà cửa ở các thành phố, thị xã, thị trấn.

Điều 2. – Điều lệ này thay cho Nghị định số 114-CP ngày 29-07-1964 về phần quản lý nhà và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Các điều quy định trước đây trái với điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 3. – Đồng chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các Bộ có liên quan để hướng dẫn thi hành nghị định này.

Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

ĐIỀU LỆ

THỐNG NHẤT QUẢN LÝ NHÀ CỬA CÁC THÀNH PHỐ, THỊ XÃ, THỊ TRẤN
(ban hành kèm theo Nghị định của Hội đồng Chính phủ số 02-CP ngày 04-01-1979)

Điều lệ này ban hành nhằm tăng cường việc thống nhất quản lý nhà cửa ở các thành phố, thị xã, thị trấn theo chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước, bảo đảm việc phân phối sử dụng nhà cửa được hợp lý, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn và mục đích thiết kế, đưa việc xây dựng và sửa chữa nhà cửa vào kế hoạch, đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng về nhà làm việc của các cơ quan Nhà nước, về nhà ở của nhân dân và về công trình công cộng.

Chương 1

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. – Tất cả nhà cửa ở các thành phố, thị xã, thị trấn (trong văn bản này gọi tắt là thành thị) dù thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, của tập thể hay của nhân dân đều phải được thống nhất quản lý theo những chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước.

Nội dung thống nhất quản lý nhà cửa ở thành thị bao gồm các mặt đăng ký, phân phố, sử dụng, điều chỉnh, cho thuê, mua bán, chuyển dịch, thừa kế, ủy quyền quản lý, bảo quản, sửa chữa và phá dỡ nhà hư hỏng.

Điều 2. – Nhà cửa và các công trình công cộng ở thành thị là tài sản của Nhà nước, của nhân dân, mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và chấp hành nghiêm chỉnh những quy định về quản lý của điều lệ này.

Điều 3. – Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức việc thực hiện thống nhất quản lý toàn bộ nhà cửa ở địa phương mình.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thanh tra các ngành, các cấp trong việc thực hiện các chính sách chế độ, thể lệ về thống nhất quản lý nhà cửa.

Chương 2:

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ CỬA

Điều 4. – Việc phân công, phân cấp quản lý nhà cửa cho các ngành, các cấp là căn cứ vào loại nhà, tính chất và mục đích sử dụng.

Điều 5. – Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm trực tiếp quản lý các loại nhà cửa sau đây:

1. Các loại nhà ở và các công trình phục vụ công cộng;

2. Những nhà cửa của các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp thuộc địa phương; những nhà cửa của địa phương cho các cơ quan trung ương đóng tại địa phương thuê; những nhà cửa của các cơ quan trung ương giao cho địa phương quản lý;

3. Những nhà cửa tư nhân cho thuê thuộc diện cải tạo xã hội chủ nghĩa đã giao Nhà nước quản lý;

4. Những nhà cửa tư nhân đã hiến cho Nhà nước;

5. Những nhà cửa do Nhà nước tịch thu, trưng thu, trưng mua theo pháp luật…;

6. Những nhà cửa vắng chủ;

7. Những nhà cửa, công sở ở miền Nam sau ngày giải phóng chưa chính thức giao cho các ngành sử dụng.

Điều 6. – Thủ trưởng các cơ quan quản lý ngành ở trung ương có trách nhiệm quản lý:

1. Những nhà cửa, cơ quan làm việc được Nhà nước trực tiếp đầu tư hoặc những nhà cửa được Nhà nước giao cho Bộ, ngành mình sử dụng.

2. Nhà cửa chuyên dùng cho công tác chuyên môn, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, thể dục thể thao như các viện nghiên cứu, viện thí nghiệm, viện điều dưỡng, an dưỡng, nhà nghỉ mát, câu lạc bộ, bệnh viện, trường học, v.v…

3. Nhà cửa chuyên dùng cho sản xuất, kinh doanh như nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cửa hàng, khách sạn…

Điều 7.

1. Bộ Ngoại giao được phân công quản lý những nhà cửa chuyên dùng cho công tác đối ngoại như nhà cửa dùng cho các cơ quan thuộc đoàn ngoại giao, các cơ quan đại diện kinh tế, văn hóa của nước ngoài.

Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý việc phân phối, điều chỉnh sử dụng, bảo quản sửa chữa và ký hợp đồng cho các cơ quan ngoại giao nước ngoài thuê theo chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ được phân công quản lý những nhà cửa và công trình sau đây theo chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước:

- Các doanh trại quân đội nhân dân, các doanh trại của các lực lượng công an nhân dân vũ trang;

- Những nhà cửa chuyên dùng vào công tác quốc phòng, an ninh.

Điều 8. – Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức việc đăng ký, kiểm tra và việc sử dụng nhà cửa thuộc các cơ quan quản lý nhà cửa thuộc các cơ quan quản lý ngành ở trung ương theo chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước.

Khi những nhà cửa nói ở điều 6 và 7 không còn sử dụng vào mục đích chuyên dùng nữa, hoặc đã phân cấp cho địa phương quản lý thì các Bộ, ngành trung ương, phải bàn giao những nhà cửa đó cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý, không được tự ý sang nhượng hoặc thay đổi mục đích sử dụng.

Chương 3:

ĐĂNG KÝ, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG NHÀ CỬA

Điều 9. – Cơ quan quản lý nhà đất tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức việc đăng ký về xây dựng, sở hữu và sử dụng tất cả các loại nhà cửa ở thành thị, bất kỳ thuộc sở hữu nào và sử dụng vào mục đích gì, các chủ sỡ hữu nhà cửa hoặc cơ quan, đơn vị và cá nhân quản lý sử dụng nhà cửa đều phải chấp hành chế độ đăng ký này.

Điều 10. – Việc phân phối, điều chỉnh, sử dụng các loại nhà cửa thuộc sở hữu của Nhà nước hoặc do Nhà nước quản lý đều phải căn cứ vào mục đích thiết kế, chính sách, chế độ, tiêu chuẩn của Nhà nước, bảo đảm công bằng hợp lý và phải do cấp có thẩm quyền quyết định.

Điều 11. – Thẩm quyền phân phối, điều chỉnh nhà cửa quy định như sau:

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định chính sách, phương hướng phân phối, điều chỉnh.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định:

- Phân phối nhà ở cho các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp trung ương được phép đóng tại địa phương và các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp thuộc địa phương;

- Điều chỉnh, phân phối nhà cửa cho các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp được phép đóng tại địa phương theo khả năng và theo phân bổ vốn đầu tự cho địa phương xây dựng.

3. Thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc tỉnh, quận, khu phố, thị xã, huyện quyết định phân phối cụ thể các diện tích sử dụng cho từng bộ phận, từng cá nhân trong cơ quan, xí nghiệp hoặc địa phương mình theo sự phân phối chung của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Việc phân cấp quản lý phân phối cụ thể nhà cửa cho thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận khu phố, huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.

Điều 12. – Giúp cấp có thẩm quyền phân phối nhà cửa có Hội đồng phân phối nhà cửa.

Hội đồng phân phối nhà cửa làm chức năng tư vấn giúp cấp có thẩm quyền xem xét cụ thể phương án phân phối nhà cửa trước khi phê chuẩn và kiểm tra việc thi hành quyết định phân phối đúng đối tượng, đúng chính sách.

Hội đồng phân phối nhà cửa của cấp nào, cơ quan nào do thủ trưởng của cấp đó, cơ quan đó ra quyết định thành lập.

Thành phần Hội đồng phân phối nhà cửa ở địa phương do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân làm chủ tịch Hội đồng, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà đất làm ủy viên thường trực và đại diện các cơ quan có liên quan như kế hoạch, công đoàn… làm ủy viên.

Riêng hội đồng phân phối nhà cửa ở thủ đô Hà nội có thêm đại diện của Bộ Xây dựng, Tổng công đoàn Việt Nam tham gia.

Thành phần hội đồng phân phối nhà cửa của các cơ quan, xí nghiệp do thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp làm chủ tịch, có đại diện các bộ môn có liên quan như công đoàn, tổ chức, hành chính, quản trị tham gia.

Điều 13. – Nhà cửa chỉ được coi là sử dụng hợp pháp khi đã có đăng ký trước bạ; có quyết định phân phối hoặc cớ hợp đồng thuê nhà với cơ quan quản lý nhà cửa.

Cơ quan phân phối và cơ quan, cá nhân được phân phối nhà cửa phải thực hiện việc phân phối, sử dụng đúng mục đích, tính chất của ngôi nhà.

Điều 14. –Nghiêm cấm việc sử dụng nhà cửa sai mục đích thiết kế. Nghiêm cấm sử dụng các công trình phục vụ lợi ích công cộng, các công trình chuyên dùng như trường học, bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, cửa hàng, khách sạn, cơ quan làm việc, kho tàng, v.v… để làm nhà ở, hoặc sử dụng vào mục đích khác gây nên lãng phí, tốn kém, sử dụng không hợp lý.

Những nhà cửa sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng và tiêu chuẩn phải được điều chỉnh hoặc thu hồi để phân phối lại cho hợp lý.

Thủ trưởng các cơ quan và cá nhân vi phạm điều quy định này nếu không chịu điều chỉnh hoặc không chấp hành lệnh thu hồi để phân phối lại, thì sẽ bị phạt tiền và phải xử lý theo pháp luật của Nhà nước.

Điều 15. – Nghiêm cấm việc chiếm dụng nhà cửa trái phép. Người vi phạm phải trả lại nhà cho cơ quan quản lý nhà cửa ở địa phương, nếu ai không chấp hành sẽ bị phạt tiền và phải xử lý theo pháp luật của Nhà nước.

Chương 4:

MUA BÁN, CHUYỂN DỊCH, CHO THUÊ NHÀ

Điều 16. – Việc mua bán nhà cửa của nhân dân và việc chuyển dịch nhà cửa của các cơ quan, xí nghiệp phải theo đúng các nguyên tắc, thủ tục do pháp luật Nhà nước quy định.

Việc nhân dân mua bán nhà cửa của nhau ở thành thị phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, quận, khu phố và cấp tương đương chứng nhận và phải trước bạ, sang tên tại cơ quan quản lý nhà đất tỉnh, thành phố thì mới được coi là hợp pháp.

Đối với những nhà cửa chưa đủ hồ sơ, chứng từ hợp pháp về quyền sở hữu và những nhà cửa thuộc diện chờ xử lý đều chưa được phép mua bán, chuyển dịch quyền sở hữu.

Điều 17. Việc cho thuê nhà cửa ở các thành thị phải thực hiện theo đúng điều lệ cho thuê nhà của Hội đồng Chính phủ.

Người cho thuê và người thuê nhà phải ký kết hợp đồng. Nếu là nhà tư nhân cho thuê thì hợp đồng cho thêu nhà phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà đất sở tại. Người cho thuê và người thuê nhà đều phải thực hiện đúng những điều đã cam kết trong hợp đồng. Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của cả người thuê nhà và người cho thuê nhà.

Khi hết hạn hợp đồng hoặc có sự thay đổi về hợp đồng thuê nhà, quyền tiếp tục ở chính đáng của người thuê vẫn được bảo đảm; hợp đồng cũ được tiếp tục thi hành cho đến khi ký hợp đồng mới.

Cơ quan, xí nghiệp hay cá nhân đã ký hợp đồng thuê nhà của Nhà nước mà không sử dụng nhà quá 3 tháng, không có lý do chính đáng, thì cơ quan quản lý nhà được phép hủy hợp đồng và thu hồi lại diện tích cho thuê ấy để phân phối cho người khác.

Điều 18. Nghiêm cấp mọi hành vi đầu cơ, trục lợi, ăn hoa hồng trong việc cho thuê nhà, mua bán, chuyển dịch nhà và các thủ đoạn lợi dụng nhà cửa làm phương hại đến trật tự trị an. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền và xử lý theo pháp luật của Nhà nước.

Chương 5:

BẢO QUẢN, SỬA CHỮA NHÀ CỬA

Điều 19. Cơ quan quản lý nhà cửa thuộc các ngành, các địa phương và chủ cho thuê nhà là tư nhân có trách nhiệm tổ chức kiểm tra định kỳ chất lượng nhà cửa và việc sử dụng, bảo quản nhà cửa; lập kế hoạch sửa chữa hàng năm; tổ chức việc sửa chữa theo định kỳ hoặc đột xuất.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm ban hành các quy chế sử dụng, bảo quản, quản lý sửa chữa nhà cửa và các thiết bị tiện nghi của nhà cửa.

Người sử dụng không theo đúng nội quy, làm hư hỏng nhà cửa, thiết bị, tiện nghi thị phải bồi thường thiệt hại.

Điều 20. Mọi việc sửa chữa nhà cửa có tính chất thay đổi kết cấu kiến trúc, mở thêm diện tích, có liên quan đến mỹ quan đường phố và quy hoạch thành thị đều phải tuân theo các nguyên tắc thủ tục do Nhà nước quy định và phải được cơ quan quản lý quy hoạch của tỉnh, thành phố cho phép.

Điều 21. Trách nhiệm sửa chữa nhà cửa được quy định như sau:

a) Cơ quan quản lý nhà hoặc chủ cho thuê nhà có trách nhiệm sửa chữa những nhà cửa hư hỏng thuộc phạm vi mình trực tiếp quản lý, bảo đảm chế độ sửa chữa định kỳ và đột xuất.

Phải giải quyết kịp thời những trường hợp hư hỏng đột xuất như tắc ngập hố xí, cống rãnh gây ô nhiễm và mất vệ sinh, công trình bị rạn nức có thể đỗ vỡ gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản, v.v… Trường hợp đột xuất được báo, cơ quan quản lý nhà và chủ cho thuê nhà phải cử người kiểm tra tại chỗ và giải quyết kịp thời. Sau khi sửa chữa phải bảo đảm chất lượng sửa chữa. Nếu cơ quan quản lý nhà cửa hoặc chủ cho thuê nhà không kiểm tra chất lượng nhà cửa, không bảo đảm an toàn cho người thuê nhà, hoặc sau khi được báo không đến xử lý để xảy ra tai nạn hoặc làm thiệt hại đến tính mang và tài sản cho người sử dụng và các hộ ở xung quanh, sẽ phải bồi thường thiệt hại do tai nạn gây ra và xử lý theo pháp luật của Nhà nước; những cá nhân trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện phải bị phạt tiền, bồi thường thiệt hại và xử lý theo pháp luật của Nhà nước.

b) Người sử dụng nhà có trách nhiệm báo cho cơ quan quản lý hoặc chủ cho thuê nhà biết những hư hỏng cần phải sửa chữa và tự mình có thể sửa chữa những hư hỏng lặt vặt trong nhà.

Các cơ quan và cá nhân sử dụng nhà cửa không được tự ý cải tạo, phá dỡ, thay đổi hiện trạng công trình nếu không được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà cửa.

Điều 22. Các cơ quan quản lý nhà cửa phải lập kế hoạch sửa chữa nhà cửa thuộc phạm vi mình quản lý gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xét duyệt và tổng hợp vào kế hoạch chung của địa phương.

Điều 23. Các chỉ tiêu kế hoạch về vốn, vật tư, thiết bị, lao động dành cho công tác sửa chữa nhà cửa được coi là chỉ tiêu pháp lệnh trong kế hoạch Nhà nước.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch và xác định chỉ tiêu kế hoạch sửa chữa nhà cửa trình Chính phủ xét duyệt hàng năm.

Điều 24. Kinh phí sửa chữa nhà cửa thuộc khu vực nào do nguồn tài chính thuộc khu vực đó chi (khu vực hành chính sự nghiệp hay sản xuất, kinh doanh) và thuộc cơ quan nào trực tiếp quản lý thì do cơ quan quản lý đó chịu.

Kinh phí quản lý, kinh phí sửa chữa thường xuyên nhà cho thuê của Nhà nước lấy ở tiền cho thuê nhà. Kinh phí sửa chữa lớn, khôi phục cải tạo và mở rộng diện tích nhà cho thuê của Nhà nước do ngân sách Nhà nước cấp.

Điều 25. Việc sửa chữa nhà cửa thuộc sở hữu của hợp tác xã và tư nhân thì do hợp tác xã và tư nhân tự đảm nhiệm; Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu lập kế hoạch vật tư xin Nhà nước cấp để bán cho nhân dân và hợp tác xã sửa chữa nhà cửa, cơ quan quản lý nhà đất ở địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc và giúp đỡ nhân dân và hợp tác xã sửa chữa nhà cửa.

Chương 6:

TỔ CHỨC QUẢN LÝ NHÀ CỬA

Điều 26. Giúp Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác thống nhất quản lý nhà cửa ở các thành thị, có các cơ quan quản lý nhà đất và công trình công cộng. Cơ quan này có thể được Ủy ban nhân dân cấp mình ủy nhiệm cho một số nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác thống nhất quản lý nhà cửa.

Điều 27. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu hệ thống tổ chức của cơ quan quản lý nhà đất và công trình công cộng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn theo quy định của Nhà nước.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28. – Điều lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký nghị định ban hành. Các quy định về nhà cửa trước đây trái với điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 29. Tổ chức hay cá nhân nào kể cả thủ trưởng đơn vị và cán bộ, nhân viên quản lý, phân phối nhà vi phạm các quy định trong điều lệ này thì tùy theo lỗi nhẹ hay nặng, Ủy ban nhân dân khu phố, quận tương đương trở lên được ủy nhiệm xử lý theo một hoặc nhiều hình thức sau đây:

- Cảnh cáo;

- Thi hành kỷ luật hành chính (áp dụng đối với người vi phạm là cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ quản lý, phân phối nhà);

- Phạt tiền cá nhân từ 5 đồng đến 50 đồng;

- Bắt bồi thường thiệt hại;

- Hủy bỏ hợp đồng thuê nhà;

- Thu hồi lại nhà được phân phối;

- Buộc phải đình chỉ việc cho thuê, mua bán, chuyển nhượng hoặc sử dụng nhà trái phép;

- Đưa ra tòa án để xét xử theo pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phạm vi và quyền hạn xử lý của mỗi cấp quản lý nhà đất và công trình công cộng.

Điều 30. Bộ trưởng Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành điều lệ này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 02-CP năm 1979 quy định Điều lệ thống nhất quản lý nhà cửa ở các thành phố, thị xã, thị trấn do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 02-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 04/01/1979
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 04/01/1979
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản