Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 02-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 1962

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI CỦA HỢP TÁC XÃ VẬN TẢI THÔ SƠ BẬC THẤP ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG THỦY

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 09 tháng 10 năm 1961.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành, kèm theo Nghị định này, bản điều lệ tạm thời của hợp tác xã vận tải thô sơ bậc thấp đường bộ và đường thủy.

Điều 2. – Ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thi hành bản điều lệ tạm thời này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

ĐIỀU LỆ TẠM THỜI

CỦA HỢP TÁC XÃ VẬN TẢI THÔ SƠ BẬC THẤP ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG THỦY

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. - Hợp tác xã vận tải thô sơ bậc thấp đường bộ và đường thủy là tổ chức kinh tế của quần chúng nhằm đưa những người lao động vận tải cá thể đi vào con đường làm ăn tập thể xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện hợp lý hóa việc sử dụng sức lao động, cải tiến phương tiện từ thô sơ thành bán cơ giới, nhằm bảo đảm phục vụ kịp thời nhu cầu vận tải ngày càng tăng của Nhà nước và nhân dân, đồng thời cải thiện đời sống của người lao động vận tải.

Điều 2. – Hợp tác xã vận tải thô sơ bậc thấp đường bộ và đường thủy xây dựng theo ba nguyên tắc sau đây:

a) Xã viên tự nguyện góp phương tiện và sức lao động để cùng nhau tổ chức vận tải tập thể và cùng hưởng thụ theo sức lao động và tài năng của từng người.

b) Mọi hoạt động của hợp tác xã phải nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước và nhân dân, lợi ích của hợp tác xã và lợi ích của xã viên.

c) Xã viên có quyền tham gia bàn bạc và quyết định mọi công việc của hợp tác xã, và cử người đại diện của mình để quản lý hợp tác xã.

Điều 3. – Trong quá trình xây dựng, hợp tác xã vận tải thô sơ bậc thấp đường bộ và đường thủy có nhiệm vụ:

- Ra sức giáo dục xã viên, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nâng cao trình độ về mọi mặt của hợp tác xã.

- Tăng cường tích lũy vốn, cải tiến kỹ thuật để từ thô sơ tiến lên nửa cơ giới và cơ giới hóa, bảo đảm tài sản xuất mở rộng, cải tiến quản lý, tạo điều kiện tiến lên hợp tác xã bậc cao, và trên cơ sở đó, dần dần cải thiện đời sống cho các xã viên.

- Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, luật lệ và kế hoạch của Nhà nước.

Điều 4. – Hợp tác xã vận tải thô sơ bậc thấp đường thủy và đường bộ được sự giúp đỡ đúng mức của Nhà nước và các ngành kinh tế quốc doanh về các mặt: cung cấp nguyên vật liệu, máy móc, phương tiện, cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý v.v… để không ngừng nâng cao khả năng vận tải phục vụ sản xuất.

Điều 5. – Hợp tác xã vận tải thô sơ bậc thấp đường bộ và đường thủy hoạt động dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính các cấp. Các Sở, Ty Giao thông vận tải ở địa phương giúp các Ủy ban hành chính trực tiếp quản lý về mặt kỹ thuật nghiệp vụ.

Chương 2:

XÃ VIÊN

Điều 6. - Tất cả những người từ 18 tuổi trở lên làm vận tải chuyên nghiệp có phương tiện vận tải hoặc không có phương tiện vận tải, những người sản xuất hoặc sửa chữa phương tiện vận tải và những người làm nghề khác muốn chuyển sang làm vận tải nếu tán thành điều lệ của hợp tác xã, chịu đóng xã phí, đóng cổ phần (nếu có khả năng), góp phương tiện vận tải chủ yếu (nếu có) thì được kết nạp vào hợp tác xã.

- Những người thuộc thành phần bóc lột (địa chủ, phú nông, tư sản) có phương tiện vận tải, thì có thể được kết nạp thành xã viên dự bị, nếu tích cực lao động và tỏ ra xứng đáng, thì sẽ được công nhận thành xã viên chính thức.

- Những người mất quyền công dân, những người thuộc thành phần bóc lột mà không chịu lao động cải tạo, và những người mắc bệnh kinh niên, bệnh truyền nhiễm như: lao, hủi… thì không được kết nạp vào hợp tác xã.

Điều 7. – Xã viên có quyền xin ra hợp tác xã, và khi ra hợp tác xã, thì được trả lại vốn, cổ phần, phương tiện vận tải đã góp vào hợp tác xã.

Việc xã viên xin ra hợp tác xã cũng như việc kết nạp xã viên mới vào hợp tác xã, phải do Đại hội xã viên quyết định.

Điều 8.Xã viên trong hợp tác xã có quyền tham gia Đại hội xã viên để bàn bạc và biểu quyết mọi công việc của hợp tác xã, bầu cử và ứng cử và Ban quản trị và Ban kiểm soát, và yêu cầu mở Đại hội xã viên bất thường, nếu xét cần.

Điều 9. – Xã viên trong hợp tác xã có nhiệm vụ phát huy tinh thần làm chủ hợp tác xã, ra sức cần kiệm xây dựng hợp tác xã, quản lý tốt hợp tác xã, chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ và nội quy của hợp tác xã, Nghị quyết của Đại hội xã viên và sự phân công của Ban quản trị hợp tác xã, nỗ lực thi đua cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm thực hiện kế hoạch của hợp tác xã, một lòng đoàn kết giúp đỡ nhau trong công việc, học tập và đời sống, góp phần thực hiện kế hoạch của Nhà nước và cải thiện đời sống của xã viên.

Chương 3:

VỐN VÀ CỔ PHẦN

Điều 10. - Vốn của hợp tác xã vận tải thô sơ bậc thấp đường bộ và đường thủy gồm các khoản sau đây:

a) Tiền xã phí do xã viên góp khi vào hợp tác xã, xã phí thuộc sở hữu công cộng của hợp tác xã và không trả lại cho xã viên khi ra hợp tác xã.

b) Vốn cổ phần gồm có phương tiện, dụng cụ vận tải, súc vật, tiền mặt, v.v.. do xã viên góp Phương tiện, dụng cụ súc vật được định giá để tính ra cổ phần. Vốn cổ phần, thuộc quyền sở hữu của cá nhân xã viên, nhưng do hợp tác xã quản lý và sử dụng, và được hưởng lãi không quá 8% hàng năm.

c) Tiền tích lũy trích trong doanh thu của hợp tác xã. Tiền này thuộc sở hữu công cộng của hợp tác xã, không phản chia cho xã viên, và chỉ dùng vào việc mua sắm thêm phương tiện, dụng cụ, máy móc để tăng khả năng vận tải của hợp tác xã.

d) Ngoài ra, còn có tiền vay của Nhà nước hoặc của xã viên trong từng thời gian hoạt động, tùy nhu cầu và khả năng của hợp tác xã.

Điều 11. - Mức vốn cổ phần, do xã viên đóng góp vào hợp tác xã, được quy định theo nhu cầu hoạt động của hợp tác xã và theo giá tiền của loại phương tiện mà hợp tác xã dùng (loại phương tiện giá tiền nhiều thì mức vốn cổ phần phải cao, loại phương tiện giá tiền ít thì mức vốn cổ phần phải thấp hơn), đồng thời mức vốn cổ phần phải thích hợp với khả năng đóng góp của những người lao động vận tải. Những người lao động vận tải quá nghèo túng được đóng góp mức tối thiểu và bằng nhiều lần để khỏi ảnh hưởng đến đời sống.

Điều 12. – Xã viên xin ra hợp tác xã được rút vốn cổ phần đã góp và được trả lãi của vốn cổ phần tính đến ngày xã viên ra hợp tác xã. Vốn cổ phần của xã viên ra hợp tác xã có thể tùy từng trường hợp được trả lại sớm hay muộn, bằng một lần hay nhiều lần, miễn là không trở ngại cho hoạt động của hợp tác xã.

Khi xã viên có cổ phần trong hợp tác xã bị chết, cổ phần ấy được chuyển lại cho người thừa kế hợp pháp.

Chương 4:

QUẢN LÝ KINH DOANH, PHÂN PHỐI THU NHẬP

Điều 13. – Hợp tác xã vận tải thô sơ bậc thấp đường bộ và đường thủy kinh doanh vận tải là chủ yếu, ngoài ra có thể tổ chức làm thêm nghề phụ để tăng thêm thu nhập cho xã viên.

Xã viên phải trực tiếp tham gia lao động trong hợp tác xã, không được thuê mượn người làm thay.

Điều 14. – Căn cứ vào kế hoạch chung của Nhà nước và nhu cầu của nhân dân, hợp tác xã vận tải thô sơ bậc thấp đường bộ và đường thủy lập kế hoạch hoạt động cụ thể của mình trong từng thời gian nhất định, với sự hướng dẫn của cơ quan giao thông vận tải địa phương. Hợp tác xã lãnh đạo, động viên tất cả xã viên tham gia thực hiện, bảo đảm hoàn thành vượt mức kế hoạch này. Trên cơ sở hợp tác lao động và cải tiến kỹ thuật, hợp tác xã luôn luôn nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành vận tải để góp phần hạ dần giá cước, giảm bớt chi phí lưu thông, thúc đẩy sản xuất phát triển, và cải thiện đời sống của xã viên.

Điều 15. – Hợp tác xã vận tải thô sơ bậc thấp đường bộ và đường thủy căn cứ vào khả năng của phương tiện vận tải của mình mà tiến hành phân công nhằm thực hiện kế hoạch vận tải và tổ chức lao động một cách hợp lý, nhằm tận dụng khả năng của phương tiện và sức lao động của xã viên, đồng thời cùng nhau phân loại tính công một cách thích đáng, nhằm bảo đảm cho mỗi xã viên trong hợp tác xã được làm hết khả năng và hưởng theo kết quả lao động của mình.

Điều 16. - Mọi công việc sửa chữa lớn, cải tiến từng phần và sản xuất phương tiện vận tải mới thì làm tại hợp tác xã. Về những sửa chữa nhỏ có tính chất phân tán, thì hợp tác xã có thể định tiêu chuẩn chi phí sửa chữa để giao cho xã viên tự làm lấy.

Điều 17. – Hợp tác xã vận tải thô sơ bậc thấp đường bộ và đường thủy thống nhất quản lý và phân phối các nguồn doanh thu. Sau khi trừ các chi phí về chăn nuôi súc vật, về thuế, về lộ phí, về trả lãi tiền vay, hợp tác xã phân phối số tiền còn lại cho các khoản theo tỷ lệ như sau:

- Trả công lao động

- Khấu hao cơ bản

- Khấu hao sửa chữa

- Tích lũy vốn

- Lãi cổ phần

- Chi phí về phúc lợi của tập thể và về thi đua

- Chi phí về hành chính

từ 50 đến 70%

từ 19 đến 12%

từ 7 đến 6%

từ 15 đến 6%

từ 3 đến 2 %

từ 5 đến 3%

dưới 1%

Trong khoản khấu hao sửa chữa và khấu hao cơ bản, đối với phương tiện thô sơ như xe ba gác, xe bò người đẩy, v.v… thì tỷ lệ phân phối có thể thấp hơn.

Hợp tác xã căn cứ vào tình hình doanh thu trong từng thời gian nhất định mà chi về các khoản kể trên cho thích hợp, nhằm bảo đảm công lao động bình thường và phúc lợi tập thể cho xã viên, bảo đảm những yêu cần thiết về sửa chữa phương tiện, về khấu hao cơ bản và về tích lũy vốn để phát triển khả năng vận tải của hợp tác xã.

Chương 5:

CƠ QUAN QUẢN LÝ HỢP TÁC XÃ VẬN TẢI THÔ SƠ BẬC THẤP ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG THỦY

Điều 18. – Cơ quan cao nhất của hợp tác xã là Đại hội xã viên. Đại hội xã viên có quyền hạn và nhiệm vụ như sau:

a) Xét và thông qua báo cáo công tác của Ban quản trị và Ban kiểm soát.

b) Xét và thông qua kế hoạch kinh doanh vận tải, dự toán thu, chi, mức lao động giao cho xã viên và tiêu chuẩn tính công cho các thứ công việc, các hợp đồng quan trọng.

c) Xét và quyết định việc trả công cho xã viên, việc đưa các tư liệu mới vào hợp tác xã, việc góp tiền cổ phần và việc phân phối các khoản phúc lợi hàng quý, hàng năm.

d) Thông qua và sửa đổi điều lệ của hợp tác xã.

đ) Bầu cử, bãi chức chủ nhiệm và ủy viên Ban quản trị hợp tác xã, bầu cử, bãi chức trưởng ban và ủy viên Ban kiểm soát của hợp tác xã.

e) Công nhận xã viên mới vào hợp tác xã và công nhận xã viên dự bị thành chính thức, xét và quyết định việc xã viên xin ra hợp tác xã.

g) Xét và quyết định những việc khen thưởng, việc xử phát quan trọng đối với xã viên và việc khai trừ xã viên.

h) Xét và quyết định công việc quan trọng khác của hợp tác xã.

Trong trường hợp số xã viên quá nhiều hoặc ở quá phân tán thì có thể họp Đại hội đại biểu xã viên. Đại hội xã viên phải có 2/3 số xã viên đến họp mới hợp lệ, nghị quyết của Đại hội phải được quá nửa số người có mặt biểu quyết mới có giá trị, biên bản cuộc họp phải được Sở hay Ty Giao thông vận tải địa phương xét duyệt.

Đại hội xã viên hoặc Đại hội đại biểu xã viên do Ban quản trị triệu tập ít nhất 3 tháng một lần. Ngoài ra có thể mở đại hội bất thường, nếu Ban quản trị xét thấy cần thiết, hoặc do 1/3 số xã viên hay Ban kiểm soát của hợp tác xã yêu cầu. Những hợp tác xã mới thành lập, xã viên còn ít, nên họp mỗi tháng một lần.

Điều 19. – Ban quản trị hợp tác xã thô sơ bậc thấp đường bộ và đường thủy có từ 3 đến 9 người do Đại hội xã viên bầu ra, chọn trong số xã viên chính thức của hợp tác xã. Ban quản trị có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

a) Chấp hành điều lệ của hợp tác xã và nghị quyết của Đại hội xã viên hoặc của Đại hội đại biểu xã viên.

b) Điều khiển công việc của hợp tác xã.

c) Triệu tập Đại hội xã viên thường kỳ hoặc bất thường và báo cáo công việc đã làm trước Đại hội xã viên hay Đại hội đại biểu xã viên.

Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã và các ủy viên khác của Ban quản trị hợp tác xã, tùy theo công việc của hợp tác xã mà được phân công phụ trách các công tác, như: kế hoạch vận tải, tài vụ, công tác văn hóa và xã hội, v.v…

Ban kiểm soát của hợp tác xã có từ 3 đến 5 người do Đại hội xã viên bầu ra và chọn trong số xã viên chính thức của hợp tác xã. Ban kiểm soát có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

a) Kiểm soát, đôn đốc Ban quản trị và các xã viên chấp hành điều lệ của hợp tác xã và nghị quyết của Đại hội xã viên hoặc của Đại hội đại biểu xã viên.

b) Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch vận tải và việc thu, chi tài chính của hợp tác xã.

c) Yêu cầu Ban quản trị triệu tập Đại hội bất thường khi cần thiết.

d) Báo cáo công việc của mình trước Đại hội xã viên hay Đại hội đại biểu xã viên.

Chủ nhiệm và các ủy viên Ban quản trị hợp tác xã, người kế toán và người giữ quỹ của hợp tác xã tuyệt đối không được kiêm chức ủy viên Ban kiểm soát.

Nhiệm kỳ của Ban quản trị và Ban kiểm soát có thể 6 tháng hoặc một năm.

Chương 6:

HỢP NHẤT, GIẢI TÁN

Điều 20. – Do nhu cầu hoạt động, hợp tác xã vận tải thô sơ bậc thấp đường bộ và đường thủy này có thể hợp nhất vào hợp tác xã vận tải khác. Việc sát nhập hợp tác xã do Đại hội xã viên quyết định. Đại hội xã viên cũng có thể quyết định việc giải tán hợp tác xã, nếu xét hoạt động của hợp tác xã không còn có lợi cho Nhà nước và xã viên.

Việc hợp nhất củng như việc giải tán hợp tác xã, phải được Sở hay Ty Giao thông vận tải địa phương đồng ý. Khi hợp tác xã được phép hợp nhất hay giải tán, thì Đại hội xã viên bầu ra một Ban thanh toán tài sản của hợp tác xã với những quyền hạn do Đại hội xã viên quyết định.

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 21. - Điều lệ tạm thời của hợp tác xã vận tải thô sơ bậc thấp đường bộ và đường thủy này dùng chung cho các địa phương. Các hợp tác xã dựa theo điều lệ này mà xây dựng điều lệ cụ thể của mình và báo cáo với Sở hay Ty Giao thông vận tải địa phương xét duyệt và chứng nhận.

Điều 22. - Bộ giao thông vận tải sẽ quy định những chi tiết thi hành bản điều lệ tạm thời này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 02-CP năm 1962 ban hành điều lệ tạm thời của hợp tác xã vận tải thô sơ bậc thấp đường bộ và đường thủy do Hội đồng chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 02-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 05/01/1962
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 20/01/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản