Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 1961

NGHỊ ĐỊNH

THÀNH LẬP ỦY BAN TRỊ THỦY VÀ KHAI THÁC HỆ THỐNG SÔNG HỒNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 13 và 14 tháng 01 năm 1960;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 20 tháng 07 năm 1960.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay thành lập Ủy ban trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng (gọi tắt là Ủy ban sông Hồng), để giúp Hội đồng Chính phủ lãnh đạo công tác trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng.

Ủy ban sông Hồng là tổ chức để phối hợp công tác giữa các ngành, các cấp có quan hệ đến công tác trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng.

Điều 2. – Ủy ban sông Hồng có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

1. Chỉ đạo thống nhất việc điều tra khảo sát cơ bản của các ngành, các địa phương có liên quan đến công tác trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng và tổng hợp tình hình điều tra khảo sát cơ bản của các ngành và địa phương; lập quy hoạch trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng; phân định từng loại công trình và thời gian tiến hành xây dựng, trình Hội đồng Chính phủ quyết định về quy hoạch và kế hoạch thực hiện.

2. Sau khi Hội đồng Chính phủ giao trách nhiệm cho các ngành các cấp trong việc điều tra khảo sát cơ bản, trong việc thiết kế và thi công các công trình trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng, thì Ủy ban sông Hồng có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện đầy đủ công trình công tác của mỗi ngành, mỗi cấp, theo kế hoạch và thời gian đã quy định.

3. Trong quá trình thực hiện công tác trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng, phải sơ kết, tổng kết tình hình và công tác, rút kinh nghiệm góp phần xây dựng khoa học, kỹ thuật trong việc trị thủy và khai thác các dòng sông lớn.

4. Công tác điều tra khảo sát cơ bản, lập quy hoạch trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng có liên quan với công tác trị thủy của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, vì vậy khi cần thiết Ủy ban sông Hồng được phép đặt quan hệ với cơ quan có trách nhiệm ở Trung Quốc trong phạm vi công tác trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng.

5. Trong lúc tiến hành công tác điều tra khảo sát và lập quy hoạch, Ủy ban sông Hồng sẽ yêu cầu các ngành và các địa phương có liên quan cung cấp tài liệu và giúp đỡ về mọi mặt, các ngành và cơ quan đó có trách nhiệm thỏa mãn những yêu cầu của Ủy ban sông Hồng.

Điều 3. – Thành phần Ủy ban sông Hồng gồm có:

1. Chủ nhiệm:

- Ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Thủ tướng Chính phủ.

2. Phó chủ nhiệm:

- Ông Hà Kế Tấn, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi và điện lực (phụ trách thường trực).

- Ông Nguyễn Văn Kha, đại diện Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

3. Các ủy viên:

- Ông Tạ Quang Bửu, đại diện Ủy ban Khoa học Nhà nước

- Ông Dương Công Hoạt, đại diện Ủy ban Dân tộc trung ương

- Bà Hà Thị Quế, đại diện Ban Công tác nông thôn trung ương

- Ông Nguyễn Văn Lộc, đại diện Bộ Nông nghiệp

- Ông Trần Đại Nghĩa, đại diện Bộ Công nghiệp nặng

- Ông Nguyễn Hữu Mai, đại diện Bộ Giao thông và bưu điện

- Đại tá Đỗ Đức Kiên, đại diện Bộ Quốc phòng

- Ông Nguyễn Tạo, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp

- Ông Lê Trung Bình, đại diện Ủy ban hành chính khu tự trị Thái Mèo

- Đại tá Thanh Phong, đại diện Ủy ban hành chính khu tự trị Việt Bắc.

Đối với các ngành, các địa phương khác khi bàn đến những vấn đề có liên quan, sẽ mời người đại diện đến tham gia hội nghị của Ủy ban.

Điều 4. – Tổ chức cơ quan giúp việc:

1. Cơ quan của Ủy ban sông Hồng hiện nay đặt tại Bộ Thủy lợi và Điện lực. Lúc nào thấy cần thiết và có đủ điều kiện tách ra khỏi Bộ Thủy lợi và Điện lực, sẽ do Ủy ban sông Hồng đề nghị Hội đồng Chính phủ xét và quyết định.

2. Các Bộ có quan hệ nhiều đến công việc trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng như Bộ Nông nghiệp, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Giao thông và bưu điện, cần tổ chức một bộ phận có cán bộ chuyên trách do ông Thứ trưởng có chân trong Ủy ban sông Hồng trực tiếp lãnh đạo, để nghiên cứu những vấn đề của ngành mình có liên quan đến công tác trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng, đồng thời theo dõi và đôn đốc việc thực hiện phần việc của ngành mình đã được Hội đồng Chính phủ phân công.

3. Các khu, tỉnh, có quan hệ nhiều đến công tác trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng như khu tự trị Thái – Mèo, khu tự trị Việt Bắc, tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình, cần tổ chức một bộ phận có cán bộ chuyên trách, do Ủy ban hành chính khu hay tỉnh trực tiếp lãnh đạo để làm những việc như các ngành nói trên.

Điều 5. – Ông Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, các ông Chủ nhiệm các Văn phòng Nội chính, Công nghiệp, Nông nghiệp Phủ Thủ tướng, các ông Bộ trưởng các Bộ và thủ trưởng các cơ quan, các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các khu và tỉnh có liên quan chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng