Hệ thống pháp luật

Chương 4 Luật tố tụng hành chính 2015

Chương IV

NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG

Điều 53. Người tham gia tố tụng

Người tham gia tố tụng hành chính gồm đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch.

Điều 54. Năng lực pháp luật tố tụng hành chính và năng lực hành vi tố tụng hành chính của đương sự

1. Năng lực pháp luật tố tụng hành chính là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng hành chính do pháp luật quy định. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực pháp luật tố tụng hành chính như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Năng lực hành vi tố tụng hành chính là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ trong tố tụng hành chính hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng hành chính.

3. Đương sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng hành chính, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.

Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì năng lực hành vi tố tụng hành chính của họ được xác định theo quyết định của Tòa án.

4. Đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật.

5. Đương sự là cơ quan, tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ trong tố tụng hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật.

Điều 55. Quyền, nghĩa vụ của đương sự

Đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng, bao gồm:

1. Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa;

2. Nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật;

3. Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu;

4. Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình; trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án nếu có thay đổi địa chỉ, nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và Tòa án;

5. Cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

6. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Tòa án;

7. Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án buộc bên đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý; đề nghị Tòa án ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản;

8. Được biết, ghi chép và sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này;

9. Nộp bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để Tòa án gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này;

10. Đề nghị Tòa án quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời;

11. Đề nghị Tòa án tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, đối thoại và tham gia phiên họp trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án;

12. Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;

13. Tự bảo vệ, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình;

14. Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;

15. Tham gia phiên tòa, phiên họp;

16. Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án;

17. Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng;

18. Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án;

19. Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi với người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng;

20. Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng;

21. Được cấp trích lục bản án, quyết định của Tòa án;

22. Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án;

23 Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

24. Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

25. Sử dụng quyền của đương sự một cách thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, đương sự khác;

26. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 56. Quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện

Người khởi kiện có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

1. Các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 55 của Luật này;

2. Thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

Điều 57. Quyền, nghĩa vụ của người bị kiện

Người bị kiện có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

1. Các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 55 của Luật này;

2. Được Tòa án thông báo về việc bị kiện;

3. Chứng minh tính đúng đắn, hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện;

4. Sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện; dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện.

Điều 58. Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể có yêu cầu độc lập, tham gia tố tụng với bên khởi kiện hoặc với bên bị kiện.

2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì có quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện quy định tại Điều 56 của Luật này.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên khởi kiện hoặc chỉ có quyền lợi thì có quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 55 của Luật này.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên bị kiện hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có quyền, nghĩa vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 57 của Luật này.

Điều 59. Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính

1. Trường hợp người khởi kiện là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.

2. Trường hợp người khởi kiện là cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể thì cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức cũ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó.

3. Trường hợp người bị kiện là người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà cơ quan, tổ chức đó hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể thì người tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của người đó tham gia tố tụng.

Trường hợp người bị kiện là người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà chức danh đó không còn thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thực hiện quyền, nghĩa vụ của người bị kiện.

4. Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách thì cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức cũ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó.

Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức đã giải thể mà không có người kế thừa quyền, nghĩa vụ thì cơ quan, tổ chức cấp trên thực hiện quyền, nghĩa vụ của người bị kiện.

5. Trường hợp sáp nhập, chia, tách, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính trong một đơn vị hành chính mà đối tượng của quyết định hành chính có sự thay đổi thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra quyết định hành chính có trách nhiệm tham gia tố tụng với tư cách là người bị kiện tại Tòa án nơi cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính bị kiện. Cơ quan tiếp nhận đối tượng của quyết định hành chính bị kiện phải tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

6. Việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng có thể được Tòa án chấp nhận ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

Điều 60. Người đại diện

1. Người đại diện trong tố tụng hành chính bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền.

2. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng hành chính có thể là một trong những người sau đây, trừ trường hợp người đó bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật:

a) Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Người giám hộ đối với người được giám hộ;

c) Người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

d) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức do được bổ nhiệm hoặc bầu theo quy định của pháp luật;

đ) Những người khác theo quy định của pháp luật.

3. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản.

Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia tố tụng hành chính thì các thành viên có thể ủy quyền cho một thành viên hoặc người khác làm đại diện tham gia tố tụng hành chính.

Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này.

4. Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính chấm dứt việc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng hành chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của đương sự mà mình là đại diện.

Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của người ủy quyền. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba.

6. Những người sau đây không được làm người đại diện:

a) Nếu họ là đương sự trong cùng một vụ án với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;

b) Nếu họ đang là người đại diện trong tố tụng hành chính cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ án.

7. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra, Thi hành án; công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an không được làm người đại diện trong tố tụng hành chính, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.

Điều 61. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

2. Những người sau đây được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:

a) Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư;

b) Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;

c) Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có kiến thức pháp lý, chưa bị kết án hoặc bị kết án nhưng đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra, Thi hành án; công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.

3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều đương sự trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của những người đó không đối lập nhau. Nhiều người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể cùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một đương sự trong vụ án.

4. Khi đề nghị Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người đề nghị phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

a) Luật sư phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật luật sư;

b) Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc thẻ luật sư;

c) Công dân Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều này xuất trình giấy yêu cầu của đương sự và giấy tờ tùy thân.

5. Sau khi kiểm tra giấy tờ và thấy người đề nghị có đủ điều kiện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Tòa án phải vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trường hợp từ chối đăng ký thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị.

6. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng hành chính;

b) Thu thập tài liệu, chứng cứ và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này;

c) Tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc trong trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét;

d) Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của Luật này;

đ) Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà Tòa án tống đạt hoặc thông báo trong trường hợp được đương sự ủy quyền và có trách nhiệm chuyển cho đương sự;

e) Các quyền, nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 6, 9, 16, 19 và 20 Điều 55 của Luật này;

g) Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 62. Người làm chứng

1. Người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án được đương sự đề nghị và Tòa án triệu tập tham gia tố tụng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.

2. Người làm chứng có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được liên quan đến việc giải quyết vụ án;

b) Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được liên quan đến việc giải quyết vụ án;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về khai báo của mình, bồi thường thiệt hại do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác;

d) Phải có mặt tại Tòa án và tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải được thực hiện tại Tòa án, tại phiên tòa; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa;

đ) Phải cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên;

e) Được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân hoặc việc khai báo đó ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình;

g) Được nghỉ việc trong thời gian Tòa án triệu tập hoặc lấy lời khai;

h) Được thanh toán các khoản chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật;

i) Yêu cầu Tòa án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng;

k) Khiếu nại hành vi tố tụng, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Điều 63. Người giám định

1. Người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần được giám định, được các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn hoặc được Tòa án trưng cầu để giám định đối tượng đó theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự.

2. Người giám định có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Được đọc tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến đối tượng giám định; yêu cầu Tòa án cung cấp tài liệu cần thiết cho việc giám định;

b) Đặt câu hỏi đối với người tham gia tố tụng về những vấn đề liên quan đến đối tượng giám định;

c) Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, trả lời những vấn đề liên quan đến việc giám định;

d) Thông báo bằng văn bản cho Tòa án biết về việc không thể giám định được do việc cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn; tài liệu cung cấp phục vụ cho việc giám định không đủ hoặc không sử dụng được;

đ) Bảo quản tài liệu đã nhận và gửi trả lại Tòa án cùng với kết luận giám định hoặc cùng với thông báo về việc không thể giám định được;

e) Không được tự mình thu thập tài liệu là đối tượng giám định, tiếp xúc với những người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó ảnh hưởng đến kết quả giám định; không được tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết khi tiến hành giám định hoặc thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ người đã quyết định trưng cầu giám định;

g) Độc lập đưa ra kết luận giám định; kết luận giám định một cách trung thực, có căn cứ;

h) Được thanh toán các khoản chi phí theo quy định của pháp luật;

i) Cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

3. Người giám định phải từ chối hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:

a) Đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự;

b) Đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người phiên dịch trong cùng vụ án đó;

c) Đã thực hiện việc giám định đối với cùng một đối tượng cần giám định trong cùng vụ án đó;

d) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;

đ) Có căn cứ rõ ràng khác cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Điều 64. Người phiên dịch

1. Người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch được một bên đương sự lựa chọn hoặc các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án yêu cầu để phiên dịch.

Người biết chữ của người khuyết tật nhìn hoặc người biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật nghe, người khuyết tật nói cũng được coi là người phiên dịch.

Trường hợp chỉ có người đại diện hoặc người thân thích của người khuyết tật nhìn hoặc người khuyết tật nghe, người khuyết tật nói biết được ngôn ngữ, ký hiệu của họ thì người đại diện hoặc người thân thích có thể được Tòa án chấp nhận làm phiên dịch cho người khuyết tật đó.

2. Người phiên dịch có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án;

b) Phiên dịch trung thực, khách quan, đúng nghĩa;

c) Đề nghị người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng giải thích thêm lời nói cần phiên dịch;

d) Không được tiếp xúc với những người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó ảnh hưởng đến tính trung thực, khách quan, đúng nghĩa khi phiên dịch;

đ) Được thanh toán các khoản chi phí theo quy định của pháp luật;

e) Cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

3. Người phiên dịch phải từ chối hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:

a) Đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự;

b) Đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định trong cùng vụ án đó;

c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;

d) Có căn cứ rõ ràng khác cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Điều 65. Thủ tục từ chối người giám định, người phiên dịch hoặc đề nghị thay đổi người giám định, người phiên dịch

1. Trước khi mở phiên tòa, việc từ chối người giám định, người phiên dịch hoặc đề nghị thay đổi người giám định, người phiên dịch phải được lập thành văn bản và nêu rõ lý do của việc từ chối hoặc đề nghị thay đổi; việc thay đổi người giám định, người phiên dịch do Chánh án Tòa án quyết định.

2. Tại phiên tòa, việc từ chối người giám định, người phiên dịch hoặc đề nghị thay đổi người giám định, người phiên dịch phải được ghi vào biên bản phiên tòa; việc thay đổi người giám định, người phiên dịch do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi.

Luật tố tụng hành chính 2015

  • Số hiệu: 93/2015/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 25/11/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1247 đến số 1248
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH