Hệ thống pháp luật

Chương 1 Luật Thủ đô 2012

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Điều 2. Vị trí, vai trò của Thủ đô

1. Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.

2. Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

3. Trụ sở cơ quan trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đặt tại khu vực Ba Đình thành phố Hà Nội.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nội thành là khu vực gồm các quận của thành phố Hà Nội.

2. Ngoại thành là khu vực gồm các huyện, thị xã của thành phố Hà Nội.

3. Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận do Chính phủ quyết định.

Điều 4. Trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô

1. Xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên động viên mọi tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.

3. Nhà nước ưu tiên đầu tư và có chính sách thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, Vùng Thủ đô nhằm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.

Điều 5. Trách nhiệm của Thủ đô

1. Xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước.

2. Bảo đảm an toàn, thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và cho việc tổ chức các chương trình, sự kiện quốc gia, quốc tế trên địa bàn Thủ đô.

3. Chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô và cả nước thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển.

4. Chủ động, tích cực mở rộng quan hệ, hợp tác hữu nghị với thủ đô các nước, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để xây dựng, phát triển Thủ đô; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, nhân dân Thủ đô tham gia các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học và công nghệ.

Điều 6. Biểu tượng của Thủ đô

Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Điều 7. Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô

1. Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô được trao tặng cho người nước ngoài có đóng góp trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô hoặc trong việc mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô.

2. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định thẩm quyền, điều kiện, thủ tục tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô.

Luật Thủ đô 2012

  • Số hiệu: 25/2012/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 21/11/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: 25/12/2012
  • Số công báo: Từ số 767 đến số 768
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH