Hệ thống pháp luật

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 97/2025/QH15

Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2025

 

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM, LUẬT CÔNG ĐOÀN, LUẬT THANH NIÊN VÀ LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 203/2025/QH15;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 75/2015/QH13, Luật Công đoàn số 50/2024/QH15, Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở số 10/2022/QH15 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2024/QH15.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

“Điều 1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Kế thừa vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 như sau:

“3. Các tổ chức chính trị - xã hội cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức thành viên.

Khi phối hợp và thống nhất hành động, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện theo Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và điều lệ của mỗi tổ chức.”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:

“Điều 5. Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là các tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 1 của Luật này và Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Các tổ chức chính trị - xã hội (gồm Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Quyền và trách nhiệm của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định tại Luật này, pháp luật có liên quan, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và điều lệ của mỗi tổ chức.

4. Việc gia nhập, cho thôi làm thành viên, quyền và trách nhiệm của thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định tại Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.”.

4. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 6 như sau:

“b) Ở địa phương có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh (sau đây gọi chung là cấp xã). Ở mỗi cấp có Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định.”.

5. Thay thế cụm từ “đề nghị” bằng cụm từ “thống nhất với” tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 32; thay thế cụm từ “Theo đề nghị của” bằng cụm từ “Sau khi thống nhất với” tại khoản 3 Điều 26 và khoản 3 Điều 33.

6. Bổ sung cụm từ “cấp tỉnh” sau cụm từ “Hội đồng nhân dân” tại khoản 2 Điều 20; bổ sung từ “theo ” trước cụm từ “quy định của pháp luật” tại khoản 3 Điều 26 và khoản 3 Điều 33.

7. Bỏ cụm từ “cấp huyện, ” tại khoản 2 Điều 16; bỏ cụm từ “từ cấp huyện trở lên ” tại khoản 2 Điều 18; bỏ cụm từ “, cấp huyện” tại khoản 2 Điều 20.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

“ Điều 1. Công đoàn Việt Nam

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động; là đại diện duy nhất của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 4 như sau:

“2. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

3. Nghiệp đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp những người làm việc không có quan hệ lao động, cùng ngành, nghề hoặc những người lao động đặc thù khác, được công đoàn cấp trên cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.”.

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 8 như sau:

“Điều 8. Hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam

1. Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất gồm các cấp sau đây:

a) Cấp trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

b) Công đoàn cấp trên cơ sở gồm liên đoàn lao động tỉnh, thành phố (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp tỉnh); công đoàn ngành trung ương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn cấp trên cơ sở đặc thù do cấp có thẩm quyền cho phép thành lập phù hợp với tổ chức Công đoàn;

c) Công đoàn cấp cơ sở gồm công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 14 như sau:

“2. Chủ tịch liên đoàn lao động cấp tỉnh được mời tham dự kỳ họp, phiên họp, hội nghị của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan, tổ chức có liên quan khi bàn các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn, người lao động, tổ chức Công đoàn và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

3. Chủ tịch công đoàn ngành trung ương, công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty, công đoàn cấp trên cơ sở khác được mời tham dự cuộc họp, hội nghị của cơ quan chuyên môn, cơ quan, tổ chức có liên quan khi bàn các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn, người lao động và tổ chức Công đoàn.”.

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 19 như sau:

“2. Công đoàn cấp trên cơ sở có quyền, trách nhiệm cử cán bộ công đoàn đến doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức, đơn vị để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người lao động gia nhập, thành lập công đoàn cơ sở.”.

6. Bổ sung khoản 7 vào sau khoản 6 Điều 31 như sau:

“7. Hằng năm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự toán và quyết toán tài chính công đoàn của Công đoàn Việt Nam quy định tại các điểm a, b, d khoản 1 Điều 29 và khoản 2 Điều 31 của Luật này.”.

7. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 32 như sau:

“a) Việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công đoàn tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn cấp trên cơ sở, đơn vị sự nghiệp của Công đoàn thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác của pháp luật có liên quan;”.

8. Thay thế cụm từ “cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã” bằng cụm từ “doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp không hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật” tại điểm b khoản 1 Điều 29; bổ sung cụm từ “ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước” vào sau cụm từ “Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ” tại điểm c khoản 1 Điều 29; bổ sung cụm từ “; đơn vị sự nghiệp không hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước quy định tại điểm b khoản 1 Điều này” vào sau cụm từ “trường hợp không đóng hoặc chậm đóng kinh phí công đoàn” tại khoản 2 Điều 29.

9. Bãi bỏ khoản 4 Điều 4 và khoản 3 Điều 19.

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh niên

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 17 như sau:

“3. Tạo điều kiện cho thanh niên được vay từ các nguồn vốn ưu đãi để tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 28 như sau:

“1. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào thanh niên và tổ chức thanh niên; tổ chức hướng dẫn hoạt động của thiếu niên, nhi đồng, phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.”.

Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 62 như sau:

“Điều 62. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

1. Căn cứ vào nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, Ban Thanh tra nhân dân xây dựng chương trình công tác theo từng quý, 06 tháng, hằng năm và tổ chức thực hiện.

2. Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm báo cáo về hoạt động của mình tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị.”.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 83 như sau:

“a) Giúp Chính phủ quản lý nhà nước về thực hiện dân chủ tại xã, phường, đặc khu, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức có sử dụng lao động;”.

3. Thay thế cụm từ “thị trấn” bằng cụm từ “đặc khu” tại khoản 1 Điều 2, khoản 1 Điều 4, tên Chương II, tên Mục 1 và tên Tiểu mục 2 của Mục 4 Chương II, các khoản 3, 4 và 14 Điều 11, điểm k khoản 1 Điều 12, khoản 7 và khoản 9 Điều 25, khoản 2 Điều 26, tên Điều 29, khoản 2 Điều 31, khoản 3 Điều 34, điểm c khoản 2 Điều 35, tên Điều 36, khoản 1 và khoản 3 Điều 36, tên Điều 37, tên Điều 38, tên Điều và khoản 1 Điều 39, tên Điều và khoản 3 Điều 40, khoản 1 Điều 41, điểm c khoản 2 Điều 86.

4. Thay thế cụm từ “Phối hợp cùng Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị, căn cứ” bằng cụm từ “Căn cứ” tại điểm a khoản 1 Điều 59; thay thế cụm từ “Công đoàn và các tổ chức đoàn thể khác” bằng cụm từ “các tổ chức đoàn thể” tại khoản 5 Điều 54 và điểm c khoản 1 Điều 59.

5. Bỏ cụm từ “ở cấp xã, ” tại khoản 3 Điều 8, khoản 4 và khoản 10 Điều 11, khoản 3 Điều 24, khoản 2 Điều 30, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 31, khoản 2 Điều 37 và khoản 1 Điều 38.

6. Bỏ cụm từ “cấp huyện ” tại khoản 2 Điều 25; bỏ cụm từ “ và Ủy ban nhân dân cấp huyện” tại tên Điều 85.

7. Bỏ cụm từ “, Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị” tại điểm e khoản 1 Điều 47; bỏ cụm từ “Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị, ” tại khoản 1 Điều 50; bỏ cụm từ “sau khi đã thống nhất với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị ” tại khoản 2 Điều 50; bỏ cụm từ phối hợp với Công đoàn cơ quan, đơn vị” và “ sau khi lấy ý kiến của Công đoàn cơ quan, đơn vị” tại khoản 1 Điều 51; bỏ cụm từ “ thống nhất với Công đoàn cơ quan, đơn vị” tại điểm b khoản 2 Điều 51; bỏ cụm từ “ và đại diện Ban Chấp hành Công đoàn của các cơ quan, đơn vị trực thuộc” tại điểm d khoản 2 Điều 51; bỏ cụm từ “, Chủ tịch Công đoàn cơ quan, đơn vị” tại điểm d khoản 4 Điều 51; bỏ cụm từ “phối hợp cùng Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị thống nhất chủ trương, ” tại khoản 1 Điều 52; bỏ cụm từ “phối hợp cùng Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị ” tại khoản 2 Điều 52; bỏ cụm từ “phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị ” tại khoản 3 Điều 52; bỏ cụm từ “Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên, ” tại khoản 4 Điều 52; bỏ cụm từ “ theo đề nghị của Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị” tại khoản 1 Điều 60; bỏ cụm từ “Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị đề nghị” tại khoản 3 Điều 60.

8. Bãi bỏ điểm b và điểm h khoản 4 Điều 51, khoản 2 Điều 55, khoản 2 Điều 63, khoản 3 Điều 83, khoản 3 và khoản 4 Điều 86.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

2. Công đoàn, Ban Chấp hành Công đoàn ở đơn vị sự nghiệp không hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước thì tiếp tục thực hiện quy định tại Chương III của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở số 10/2022/QH15.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 27 tháng 6 năm 2025.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Trần Thanh Mẫn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Luật sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2025

  • Số hiệu: 97/2025/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 27/06/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản