Hệ thống pháp luật

Chương 3 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012

Chương III

CÁC BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT NGUỒN CUNG CẤP THUỐC LÁ

Điều 19. Quản lý kinh doanh thuốc lá

1. Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân mua bán, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá; sản xuất, mua bán, nhập khẩu thuốc lá phải có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá bán tối thiểu đối với thuốc lá điếu tiêu thụ tại Việt Nam.

3. Chính phủ quy định cụ thể việc cấp giấy phép mua bán, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá; sản xuất, mua bán, nhập khẩu thuốc lá quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 20. Quy hoạch kinh doanh thuốc lá

1. Quy hoạch kinh doanh thuốc lá phải phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá, phù hợp với việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và có giải pháp để từng bước chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, công nhân sản xuất thuốc lá.

2. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch kinh doanh thuốc lá của cả nước, bao gồm quy hoạch vùng nguyên liệu thuốc lá, quy hoạch sản xuất thuốc lá, quy hoạch mạng lưới mua bán thuốc lá.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu thuốc lá, quy hoạch mạng lưới mua bán thuốc lá của địa phương phù hợp với quy hoạch kinh doanh thuốc lá quy định tại Điều này.

Điều 21. Kiểm soát đầu tư sản xuất thuốc lá

1. Việc đầu tư trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu và sản xuất thuốc lá phải phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Việc đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao công suất của cơ sở sản xuất thuốc lá để tiêu thụ trong nước không được vượt quá tổng sản lượng được phép sản xuất của toàn ngành thuốc lá trước ngày Luật này có hiệu lực.

3. Dự án có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Liên doanh, hợp tác với doanh nghiệp đã có giấy phép sản xuất thuốc lá;

b) Nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối trong vốn điều lệ của doanh nghiệp;

c) Đáp ứng các điều kiện sản xuất thuốc lá theo quy định của Chính phủ.

4. Hợp đồng nhượng quyền sở hữu công nghiệp sản xuất thuốc lá chỉ được thực hiện tại doanh nghiệp đã có giấy phép sản xuất thuốc lá sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bằng văn bản.

5. Hợp đồng sản xuất thuốc lá xuất khẩu, gia công thuốc lá xuất khẩu không tính vào sản lượng thuốc lá được phép sản xuất tiêu thụ trong nước và chỉ được thực hiện tại doanh nghiệp đã có giấy phép sản xuất thuốc lá sau khi được Bộ trưởng Bộ Công thương đồng ý bằng văn bản.

6. Việc đầu tư sản xuất, gia công thuốc lá để xuất khẩu vượt quá sản lượng được phép sản xuất của cơ sở phải được Bộ trưởng Bộ Công thương đồng ý bằng văn bản.

Điều 22. Kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước

1. Kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước bao gồm các biện pháp sau đây:

a) Quản lý sản lượng thuốc lá được phép sản xuất và nhập khẩu;

b) Dán tem hoặc in mã số, mã vạch trên bao bì thuốc lá;

c) Quản lý năng lực máy, thiết bị chuyên ngành thuốc lá;

d) Quản lý nguyên liệu thuốc lá và giấy cuốn điếu thuốc lá;

đ) Quản lý nguồn gốc, sự di chuyển và tính hợp pháp của thuốc lá.

2. Bộ trưởng Bộ Công thương công bố công khai sản lượng được phép sản xuất và nhập khẩu thuốc lá để tiêu thụ trong nước của từng doanh nghiệp phù hợp với năng lực sản xuất và nhu cầu của thị trường.

3. Chính phủ quy định cụ thể biện pháp quản lý máy, thiết bị chuyên ngành thuốc lá, nguyên liệu và giấy cuốn điếu thuốc lá.

Điều 23. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá

1. Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải bảo đảm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá và tiêu chuẩn cơ sở về thuốc lá mà nhà sản xuất đã công bố.

2. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải tuân thủ các yêu cầu sau đây:

a) Công bố tiêu chuẩn cơ sở về thuốc lá;

b) Bảo đảm thuốc lá do cơ sở sản xuất, nhập khẩu phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá và tiêu chuẩn cơ sở về thuốc lá mà nhà sản xuất đã công bố;

c) Thường xuyên kiểm tra và chịu trách nhiệm về sự phù hợp của thuốc lá do cơ sở sản xuất, nhập khẩu với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở đã công bố.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu.

Điều 24. Số lượng điếu thuốc lá trong bao, gói

Sau 03 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, số lượng điếu thuốc lá đóng gói trong 01 bao thuốc lá không được ít hơn 20 điếu, trừ thuốc lá xì gà và thuốc lá được sản xuất để xuất khẩu.

Điều 25. Bán thuốc lá

1. Việc bán thuốc lá phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Doanh nghiệp, đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép bán thuốc lá theo quy định của Chính phủ;

b) Người chịu trách nhiệm tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá tại các địa điểm quy định tại Điều 11, Điều 12, trừ điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này; không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100 mét (m) tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.

Điều 26. Các biện pháp phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả

1. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức để người dân không tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.

2. Tổ chức và bảo đảm đủ nhân lực, kinh phí, phương tiện cho lực lượng phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.

3. Định kỳ, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.

4. Tịch thu, tiêu hủy thuốc lá giả; tịch thu, tiêu hủy các loại máy, thiết bị dùng để sản xuất thuốc lá giả. Việc tiêu hủy phải sử dụng các biện pháp bảo đảm an toàn đối với môi trường. Kinh phí tiêu hủy do cá nhân, tổ chức vi phạm chịu trách nhiệm chi trả. Trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm thì kinh phí tiêu hủy do ngân sách nhà nước chi trả.

5. Việc xử lý đối với thuốc lá nhập lậu được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

6. Khuyến khích về vật chất và tinh thần cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã phát hiện và tố giác, tố cáo các hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.

7. Phối hợp ở cấp tỉnh, cấp quốc gia với các nước có chung đường biên giới và các nước có liên quan trong phòng, chống kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.

Điều 27. Trách nhiệm phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả

1. Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức công tác phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương tổ chức, chỉ đạo, bố trí lực lượng và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan liên quan thực hiện công tác phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.

Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012

  • Số hiệu: 09/2012/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 18/06/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: 04/08/2012
  • Số công báo: Từ số 473 đến số 474
  • Ngày hiệu lực: 01/05/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH