Hệ thống pháp luật

Chương 1 Luật phòng, chống rửa tiền 2012

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

2. Việc phòng, chống hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của Bộ luật Hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức tài chính.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.

3. Tổ chức, cá nhân Việt Nam; người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có giao dịch tài chính, giao dịch tài sản khác với tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.

Điều 3. Áp dụng Luật phòng, chống rửa tiền, các luật có liên quan và điều ước quốc tế

Việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi rửa tiền được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:

a) Hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự;

b) Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;

c) Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

2. Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.

3. Tổ chức tài chính là tổ chức được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

a) Nhận tiền gửi;

b) Cho vay;

c) Cho thuê tài chính;

d) Dịch vụ thanh toán;

đ) Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, lệnh chuyển tiền, tiền điện tử;

e) Bảo lãnh ngân hàng và cam kết tài chính;

g) Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ;

h) Tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán, đại lý phân phối chứng khoán;

i) Quản lý danh mục vốn đầu tư;

k) Quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác;

l) Cung ứng dịch vụ bảo hiểm; hoạt động đầu tư có liên quan đến bảo hiểm nhân thọ;

m) Đổi tiền.

4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan là tổ chức, cá nhân thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

a) Kinh doanh trò chơi có thưởng, casino;

b) Kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản; sàn giao dịch bất động sản;

c) Kinh doanh kim loại quý và đá quý;

d) Cung ứng dịch vụ công chứng, kế toán; dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư;

đ) Dịch vụ ủy thác đầu tư; dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; dịch vụ cung cấp giám đốc, thư ký giám đốc của doanh nghiệp cho bên thứ ba.

5. Đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

6. Giao dịch đáng ngờ là giao dịch có dấu hiệu bất thường hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc từ hoạt động tội phạm hoặc liên quan tới rửa tiền.

7. Giao dịch có giá trị lớn là giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt có tổng giá trị bằng hoặc vượt mức do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định, được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày.

8. Khách hàng là tổ chức, cá nhân đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng dịch vụ hoặc sản phẩm do tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan cung cấp.

9. Chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân có quyền sở hữu trên thực tế một tài khoản, có quyền chi phối khi khách hàng thực hiện giao dịch cho cá nhân này hoặc cá nhân có quyền chi phối một pháp nhân hoặc một thỏa thuận ủy thác đầu tư.

10. Quan hệ ngân hàng đại lý là hoạt động cung cấp dịch vụ ngân hàng, thanh toán và các dịch vụ khác của một ngân hàng tại một quốc gia, vùng lãnh thổ cho một ngân hàng đối tác tại một quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

11. Người khởi tạo là chủ tài khoản hoặc người yêu cầu tổ chức tài chính thực hiện chuyển tiền điện tử trong trường hợp không có tài khoản.

12. Danh sách đen là danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan tới khủng bố và tài trợ khủng bố do Bộ Công an chủ trì lập theo quy định của pháp luật.

13. Danh sách cảnh báo là danh sách tổ chức, cá nhân do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lập nhằm cảnh báo tổ chức, cá nhân có rủi ro cao về rửa tiền.

14. Hoạt động kinh doanh qua giới thiệu là hoạt động kinh doanh với khách hàng thông qua sự giới thiệu của bên trung gian là một tổ chức tài chính khác trong cùng tập đoàn hoặc tổng công ty hoặc thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ môi giới.

15. Lực lượng đặc nhiệm tài chính là tổ chức liên chính phủ, ban hành các chuẩn mực và thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả các biện pháp pháp lý, quản lý và hành động nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và những hiểm họa có liên quan khác đe dọa sự toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu.

16. Thỏa thuận ủy quyền là thỏa thuận của tổ chức, cá nhân ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của tổ chức, cá nhân ủy quyền.

Điều 5. Nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền

1. Việc phòng, chống rửa tiền phải thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia; bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chống lạm quyền, lợi dụng việc phòng, chống rửa tiền để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Các biện pháp phòng, chống rửa tiền phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời; các hành vi rửa tiền phải được xử lý nghiêm minh.

Điều 6. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống rửa tiền

1. Phòng, chống rửa tiền là trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan nhà nước. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống rửa tiền.

2. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống rửa tiền.

3. Ban hành chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền.

4. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống rửa tiền được Nhà nước khen thưởng.

Điều 7. Các hành vi bị cấm

1. Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền.

2. Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả.

3. Thiết lập và duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng được thành lập tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhưng không có sự hiện diện hữu hình tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó và không chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

4. Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác.

5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

6. Cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền.

7. Đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.

Luật phòng, chống rửa tiền 2012

  • Số hiệu: 07/2012/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 18/06/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 473 đến số 474
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH