Hệ thống pháp luật

Chương 2 Luật khoáng sản 2010

Chương II

CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH KHOÁNG SẢN

Điều 9. Chiến lược khoáng sản

1. Việc lập chiến lược khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc và căn cứ sau đây:

a) Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch vùng;

b) Bảo đảm nhu cầu về khoáng sản phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội; khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản, chống lãng phí;

c) Nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng khoáng sản trong nước và khả năng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoáng sản cho phát triển kinh tế - xã hội;

d) Kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã thực hiện; tiền đề và dấu hiệu địa chất liên quan đến khoáng sản.

2. Chiến lược khoáng sản phải có các nội dung chính sau đây:

a) Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản;

b) Định hướng điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thăm dò, khai thác khoáng sản cho từng nhóm khoáng sản, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác trong kỳ lập chiến lược;

c) Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thăm dò, khai thác khoáng sản cho từng nhóm khoáng sản, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác; dự trữ khoáng sản quốc gia.

3. Chiến lược khoáng sản được lập cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn 20 năm theo kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan ngang bộ khác và các địa phương có liên quan lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khoáng sản.

Điều 10. Quy hoạch khoáng sản

1. Quy hoạch khoáng sản bao gồm:

a) Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản;

b) Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước;

c) Quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng cả nước và quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản khác cả nước;

d) Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Kỳ quy hoạch khoáng sản được quy định như sau:

a) Kỳ quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản là 10 năm, tầm nhìn 20 năm;

b) Kỳ quy hoạch quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này là 5 năm, tầm nhìn 10 năm.

3. Chính phủ phân công các bộ tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các loại quy hoạch quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này; quy định việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 11. Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản

1. Việc lập quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch vùng, chiến lược khoáng sản;

b) Định hướng cho quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước.

2. Căn cứ để lập quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản bao gồm:

a) Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch vùng, chiến lược khoáng sản;

b) Kết quả thực hiện quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản kỳ trước; tiền đề, dấu hiệu địa chất liên quan đến khoáng sản mới phát hiện.

3. Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản phải có các nội dung chính sau đây:

a) Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1:50.000; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về địa chất, khoáng sản;

b) Đánh giá tiềm năng từng loại, từng nhóm khoáng sản; xác định vùng có triển vọng về khoáng sản;

c) Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản kỳ trước;

d) Xác định quy mô đầu tư, nhu cầu về thiết bị, kỹ thuật, phương pháp phân tích, thí nghiệm phục vụ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản;

đ) Giải pháp, tiến độ tổ chức thực hiện quy hoạch.

Điều 12. Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước

1. Việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch vùng, chiến lược khoáng sản;

b) Bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản phục vụ nhu cầu hiện tại, đồng thời có tính đến sự phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu khoáng sản trong tương lai;

c) Bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác.

2. Căn cứ để lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước bao gồm:

a) Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch vùng, chiến lược khoáng sản, quy hoạch ngành sản xuất sử dụng khoáng sản;

b) Nhu cầu khoáng sản của các ngành kinh tế;

c) Kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản;

d) Tiến bộ khoa học và công nghệ trong thăm dò, khai thác khoáng sản;

đ) Kết quả thực hiện quy hoạch kỳ trước; kết quả đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước phải có các nội dung chính sau đây:

a) Điều tra, nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và thực trạng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản;

b) Đánh giá thực trạng tiềm năng khoáng sản đã điều tra, thăm dò và nhu cầu sử dụng khoáng sản của các ngành kinh tế;

c) Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch kỳ trước;

d) Xác định phương hướng, mục tiêu thăm dò, khai thác khoáng sản trong kỳ quy hoạch;

đ) Khoanh định khu vực hoạt động khoáng sản, trong đó thể hiện cả khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ. Khu vực hoạt động khoáng sản được giới hạn bởi các đoạn thẳng nối các điểm khép góc thể hiện trên bản đồ địa hình hệ tọa độ quốc gia với tỷ lệ thích hợp;

e) Khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia;

g) Giải pháp, tiến độ tổ chức thực hiện quy hoạch.

Điều 13. Quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng cả nước và quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản khác cả nước

1. Việc lập quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng cả nước và quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản khác cả nước phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch vùng, chiến lược khoáng sản, quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước;

b) Bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản phục vụ nhu cầu hiện tại, đồng thời có tính đến sự phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu khoáng sản trong tương lai;

c) Bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác;

d) Một loại khoáng sản sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau chỉ thể hiện trong một quy hoạch.

2. Căn cứ để lập quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng cả nước và quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản khác cả nước bao gồm:

a) Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch vùng, chiến lược khoáng sản, quy hoạch ngành sản xuất sử dụng khoáng sản, quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước;

b) Nhu cầu khoáng sản cho chế biến và sử dụng của các ngành kinh tế;

c) Tiến bộ khoa học và công nghệ trong thăm dò, khai thác khoáng sản;

d) Kết quả thực hiện quy hoạch kỳ trước; kết quả đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng cả nước và quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản khác cả nước phải có các nội dung chính sau đây:

a) Điều tra, nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá tình hình thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản trong khu vực hoạt động khoáng sản;

b) Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch kỳ trước;

c) Xác định nhu cầu sử dụng khoáng sản và khả năng đáp ứng nhu cầu trong kỳ quy hoạch;

d) Khoanh định chi tiết khu vực mỏ, loại khoáng sản cần đầu tư khai thác và tiến độ khai thác. Khu vực khai thác khoáng sản được giới hạn bởi các đoạn thẳng nối các điểm khép góc thể hiện trên bản đồ địa hình hệ tọa độ quốc gia với tỷ lệ thích hợp;

đ) Xác định quy mô, công suất khai thác, yêu cầu về công nghệ khai thác;

e) Giải pháp, tiến độ tổ chức thực hiện quy hoạch.

Điều 14. Điều chỉnh quy hoạch khoáng sản

1. Quy hoạch khoáng sản được điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:

a) Khi có điều chỉnh chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch vùng, chiến lược khoáng sản, quy hoạch khoáng sản ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung quy hoạch đã được phê duyệt hoặc có sự thay đổi lớn về nhu cầu chế biến, sử dụng khoáng sản của ngành kinh tế;

b) Có phát hiện mới về khoáng sản làm ảnh hưởng đến tính chất, nội dung quy hoạch;

c) Khi xảy ra trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 28 của Luật này;

d) Vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch khoáng sản quyết định điều chỉnh quy hoạch đã phê duyệt.

Điều 15. Lấy ý kiến và công bố quy hoạch khoáng sản

1. Việc lấy ý kiến về quy hoạch khoáng sản được thực hiện như sau:

a) Cơ quan tổ chức lập quy hoạch quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 10 của Luật này, tổ chức lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có liên quan về quy hoạch khoáng sản trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Cơ quan tổ chức lập quy hoạch quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 của Luật này tổ chức lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan về quy hoạch khoáng sản trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quy hoạch khoáng sản được phê duyệt hoặc được điều chỉnh, cơ quan tổ chức lập quy hoạch khoáng sản có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch khoáng sản.

Luật khoáng sản 2010

  • Số hiệu: 60/2010/QH12
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 17/11/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: 02/04/2011
  • Số công báo: Từ số 167 đến số 168
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH