Hệ thống pháp luật

Chương 3 Luật Hóa chất 2007

Chương 3:

SẢN XUẤT, KINH DOANH HÓA CHẤT

Điều 11. Trách nhiệm bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất phải thực hiện các quy định về quản lý và an toàn hóa chất theo quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm an toàn cho người lao động, sức khoẻ cộng đồng và môi trường.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành hệ thống an toàn và xử lý chất thải.

3. Cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thường xuyên tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất.

Điều 12. Yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh hóa chất

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất phải bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật phù hợp với quy mô hoạt động và đặc tính của hóa chất, bao gồm:

a) Nhà xưởng, kho tàng và thiết bị công nghệ;

b) Trang thiết bị an toàn, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống sét, phòng, chống rò rỉ, phát tán hóa chất và các sự cố hóa chất khác;

c) Trang thiết bị bảo hộ lao động;

d) Trang thiết bị bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý chất thải;

đ) Phương tiện vận chuyển;

e) Bảng nội quy về an toàn hóa chất; hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất tại khu vực sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì biểu trưng cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó.

2. Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định cụ thể điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc phạm vi quản lý.

Điều 13. Yêu cầu về chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất phải có người chuyên trách về an toàn hóa chất có trình độ chuyên môn phù hợp với quy mô và loại hình sản xuất, kinh doanh hóa chất, nắm vững công nghệ, phương án và các biện pháp bảo đảm an toàn hóa chất.

2. Người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh hóa chất phải có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được phân công.

3. Người trực tiếp điều hành sản xuất của cơ sở sản xuất hóa chất nguy hiểm phải có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất.

Điều 14. Sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện

1. Hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện là hóa chất nguy hiểm có yêu cầu kiểm soát chặt chẽ về kỹ thuật an toàn trong sản xuất, kinh doanh.

2. Yêu cầu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện được quy định như sau:

a) Thực hiện quy định tại các điều 11, 12 và 13 của Luật này;

b) Có cơ sở vật chất - kỹ thuật, năng lực chuyên môn đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện;

c) Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) trong trường hợp pháp luật quy định phải có Giấy chứng nhận.

3. Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan phối hợp xây dựng điều kiện sản xuất, kinh doanh và Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trình Chính phủ ban hành.

4. Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định quy chuẩn kỹ thuật và tổ chức cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất quy định tại Điều này.

Điều 15. Sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh

1. Hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh là hóa chất nguy hiểm được kiểm soát đặc biệt về kỹ thuật an toàn, phạm vi, loại hình, quy mô, thời hạn sản xuất, kinh doanh để bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, sức khỏe con người, tài sản, môi trường.

2. Yêu cầu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh được quy định như sau:

a) Thực hiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 14 của Luật này;

b) Có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi là Giấy phép).

3. Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan phối hợp xây dựng điều kiện sản xuất, kinh doanh và Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trình Chính phủ ban hành.

4. Bộ quản lý ngành, lĩnh vực là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép và tổ chức cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong phạm vi quản lý của mình.

Điều 16. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép

1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép lập hồ sơ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép theo mẫu quy định;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Giấy tờ chứng minh đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 14 hoặc điểm a khoản 2 Điều 15 của Luật này.

3. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép cho tổ chức, cá nhân; trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Nội dung Giấy chứng nhận, Giấy phép

1. Giấy chứng nhận, Giấy phép gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất;

b) Địa điểm sản xuất, kinh doanh hóa chất;

c) Loại hình, quy mô, chủng loại hóa chất sản xuất, kinh doanh;

d) Nghĩa vụ của cơ sở được cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép;

đ) Đối với Giấy phép còn phải có quy định về thời hạn của Giấy phép.

2. Thời hạn của Giấy phép do bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định phù hợp với loại hình, quy mô và đặc thù của hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Điều 18. Bổ sung, thu hồi Giấy chứng nhận, Giấy phép

1. Trường hợp mở rộng sản xuất, kinh doanh hóa chất vượt quá điều kiện của Giấy chứng nhận, quy định của Giấy phép đã được cấp thì trước khi thực hiện, tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục bổ sung Giấy chứng nhận, Giấy phép cho phù hợp với quy mô mới. Thủ tục bổ sung Giấy chứng nhận, Giấy phép được thực hiện như thủ tục đề nghị cấp mới Giấy chứng nhận, Giấy phép.

2. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận, Giấy phép trong các trường hợp sau đây:

a) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp phép;

b) Không còn đáp ứng đủ các điều kiện để được cấp phép;

c) Vi phạm quy định trong Giấy chứng nhận, Giấy phép mà không khắc phục trong thời hạn quy định của cơ quan có thẩm quyền;

d) Cho thuê, mượn Giấy phép; tự ý sửa đổi nội dung Giấy chứng nhận, Giấy phép;

đ) Vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật này;

e) Chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất.

3. Tổ chức, cá nhân đề nghị bổ sung Giấy chứng nhận, Giấy phép phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm

1. Hóa chất cấm là hóa chất đặc biệt nguy hiểm thuộc Danh mục hóa chất cấm do Chính phủ quy định.

2. Tổ chức, cá nhân không được phép sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, sử dụng hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Trong trường hợp đặc biệt để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

4. Tổ chức, cá nhân được phép sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm phải quản lý nghiêm ngặt số lượng; bảo đảm không để xảy ra thất thoát, sự cố; báo cáo định kỳ theo quy định tại Điều 52 của Luật này.

5. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành lập Danh mục hóa chất cấm trình Chính phủ ban hành.

Điều 20. Vận chuyển hóa chất nguy hiểm

1. Tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất nguy hiểm phải tuân thủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, hàng hải và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển, người điều khiển phương tiện, chủ hàng, chủ phương tiện có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế hậu quả, khắc phục sự cố, đồng thời thông báo cho Ủy ban nhân dân và cơ quan có liên quan nơi gần nhất.

Điều 21. Cất giữ, bảo quản hóa chất nguy hiểm trong sản xuất, kinh doanh hóa chất

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cất giữ, bảo quản hóa chất nguy hiểm phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

1. Điều kiện về khoảng cách an toàn, yêu cầu kỹ thuật an toàn trong cất giữ, bảo quản hoá chất;

2. Có các cảnh báo cần thiết tại nơi cất giữ, bảo quản hóa chất nguy hiểm theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 12 của Luật này;

3. Có trang thiết bị, phương tiện ứng cứu sự cố phù hợp với các đặc tính nguy hiểm của hóa chất;

4. Có Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoặc Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định tại Chương VI của Luật này.

Điều 22. Khoảng cách an toàn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm

1. Địa điểm sản xuất, kho chứa hóa chất nguy hiểm của cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật này phải bảo đảm khoảng cách an toàn đối với khu dân cư, công trình công cộng, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn nước sinh hoạt.

2. Tổ chức, cá nhân không được xây dựng nhà ở và công trình khác trong phạm vi khoảng cách an toàn, trừ công trình chuyên dụng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

3. Chính phủ quy định cụ thể về khoảng cách an toàn quy định tại Điều này.

Điều 23. Kiểm soát mua, bán hóa chất độc

1. Việc mua, bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất độc lưu thông trên thị trường.

2. Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc bao gồm các thông tin về tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên, chữ ký của người mua, người bán; địa chỉ, số Giấy chứng minh nhân dân của người đại diện bên mua và bên bán; ngày giao hàng.

3. Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc phải được lưu giữ tại bên bán, bên mua ít nhất năm năm và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

4. Bộ Công thương quy định mẫu phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc.

Điều 24. Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển quá cảnh hóa chất

Việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển quá cảnh hóa chất phải tuân thủ các quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 25. Xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất phải xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành quy định việc xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 26. Quảng cáo hóa chất

1. Quảng cáo hóa chất phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo.

2. Việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa có chứa hóa chất độc, hóa chất nguy hiểm phải kèm theo cảnh báo về đặc tính nguy hiểm, độc hại của hóa chất và chỉ dẫn phòng ngừa tác hại của sản phẩm, hàng hóa đó.

Luật Hóa chất 2007

  • Số hiệu: 06/2007/QH12
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 21/11/2007
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: 14/01/2008
  • Số công báo: Từ số 29 đến số 30
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH