Hệ thống pháp luật

Chương 5 Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1996

Chương 5:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 54

Nội dung quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài bao gồm:

1- Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư nước ngoài;

2- Ban hành các văn bản pháp luật về hoạt động đầu tư nước ngoài;

3- Hướng dẫn các ngành, địa phương trong việc thực hiện các hoạt động liên quan tới hợp tác đầu tư nước ngoài;

4- Cấp, thu hồi Giấy phép đầu tư;

5- Quy định việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài;

6- Kiểm tra, thanh tra và giám sát các hoạt động đầu tư nước ngoài.

Điều 55

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Chính phủ quy định việc cấp Giấy phép đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực, tính chất, quy mô của dự án đầu tư, quyết định việc phân cấp cấp Giấy phép đầu tư cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ điều kiện; quy định việc cấp Giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp, Khu chế xuất.

Điều 56

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, giúp Chính phủ quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Chủ trì xây dựng, trình Chính phủ chiến lược, quy hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài; soạn thảo các dự án pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài; phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài; hướng dẫn Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài;

2- Xây dựng, tổng hợp danh mục dự án đầu tư; hướng dẫn về thủ tục đầu tư; quản lý nhà nước đối với các hoạt động xúc tiến và tư vấn đầu tư;

3- Tiếp nhận dự án đầu tư và chủ trì thẩm định, cấp Giấy phép đầu tư cho các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền;

4- Làm đầu mối giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành, triển khai và thực hiện dự án đầu tư nước ngoài;

5- Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động đầu tư nước ngoài;

6- Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Điều 57

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài theo chức năng và thẩm quyền:

1- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng pháp luật, chính sách, quy hoạch liên quan đến đầu tư nước ngoài;

2- Xây dựng kế hoạch, danh mục dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài của ngành; tổ chức vận động, xúc tiến đầu tư;

3- Tham gia thẩm định các dự án đầu tư;

4- Hướng dẫn, giải quyết các thủ tục liên quan đến triển khai, thực hiện dự án đầu tư;

5- Kiểm tra, thanh tra hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh thuộc lĩnh vực phụ trách;

6- Thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật

Điều 58

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài trên địa bàn lãnh thổ theo chức năng và thẩm quyền:

1- Căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được duyệt, lập và công bố danh mục dự án thu hút đầu tư nước ngoài tại địa phương; tổ chức vận động, xúc tiến đầu tư;

2- Tham gia thẩm định dự án đầu tư nước ngoài tại địa phương;

3- Tiếp nhận dự án đầu tư, thẩm định và cấp Giấy phép đầu tư cho các dự án đầu tư nước ngoài tại địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ;

4- Giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hình thành, triển khai, thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền;

5- Quản lý nhà nước trên địa bàn lãnh thổ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh;

6- Kiểm tra, thanh tra hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Điều 59

Các bên hoặc một trong các bên hoặc nhà đầu tư nước ngoài gửi cho cơ quan cấp Giấy phép đầu tư hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư gồm: đơn xin cấp Giấy phép đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng liên doanh, điều lệ doanh nghiệp, giải trình kinh tế - kỹ thuật và những tài liệu khác có liên quan.

Điều 60

Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư xem xét đơn và thông báo quyết định cho nhà đầu tư chậm nhất trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Quyết định chấp thuận được thông báo dưới hình thức Giấy phép đầu tư.

Giấy phép đầu tư có giá trị là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 61

Hợp đồng liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, điều lệ doanh nghiệp, việc thay đổi mục tiêu kinh doanh, quy mô sản xuất, tỷ lệ góp vốn pháp định phải được cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài chuẩn y.

Điều 62

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giải quyết các thủ tục liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án đầu tư trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Điều 63

Nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh, tổ chức, cá nhân, viên chức, cơ quan nhà nước vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 64

Nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh, tổ chức, cá nhân được quyền khiếu nại, khởi kiện đối với các quyết định và hành vi trái pháp luật, gây khó khăn, phiền hà của viên chức, cơ quan nhà nước. Việc khiếu nại, khởi kiện và việc giải quyết khiếu nại, khởi kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1996

  • Số hiệu: 52-L/CTN
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 12/11/1996
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Đức Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH