Hệ thống pháp luật

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 35-L/CTN

Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 1994

LUẬT

SỐ 35-L/CTN NGÀY 22/06/1994 CỦA QUỐC HỘI VỀ SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG TY

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh;
Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992;
Luật này sửa đổi một số điều của Luật công ty được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1990.

Điều 1: Sửa đổi một số điều của Luật công ty như sau :

1- Đoạn cuối Điều 16 được sửa đổi như sau:

"Trong trường hợp người xin phép thành lập công ty thấy việc từ chối cấp giấy phép là không thoả đáng, thì có quyền khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ".

2- Đoạn đầu Điều 17 được sửa đổi như sau:

"Công ty phải đăng ký kinh doanh tại Uỷ ban kế hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hồ sơ đăng ký kinh doanh bao gồm: giấy phép thành lập, điều lệ công ty và giấy tờ chứng thực trụ sở giao dịch của công ty".

3- Đoạn cuối Điều 18 được sửa đổi như sau:

"Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Uỷ ban kế hoạch phải gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kèm theo hồ sơ của công ty cho cơ quan thuế, tài chính, thống kê và các cơ quan quản lý ngành kinh tế, kỹ thuật cùng cấp".

4- Điểm 1 Điều 20 được sửa đổi như sau:

"1- Xin phép Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện và đăng ký kinh doanh tại Uỷ ban kế hoạch cùng cấp như quy định tại các điều 14, 17 và 18 của Luật này;".

5- Điều 21 được sửa đổi như sau:

"Điều 21

Khi thay đổi mục tiêu, ngành, nghề kinh doanh, vốn điều lệ và các nội dung khác trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, công ty phải khai báo lại với Uỷ ban kế hoạch đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và phải đăng báo theo quy định tại Điều 19 của Luật này".

6- Điều 24 được sửa đổi như sau:

"Điều 24

Công ty lâm vào tình trạng phá sản là công ty gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, sau khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Việc giải quyết phá sản công ty được thực hiện theo quy định của Luật phá sản doanh nghiệp".

7- Điểm 2 Điều 32 được sửa đổi như sau:

"2- Trong trường hợp công khai gọi vốn từ những người khác thì sau khi được cấp giấy phép thành lập, các sáng lập viên phải nộp tại Uỷ ban kế hoạch nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh một bản dự thảo điều lệ, danh sách sáng lập viên, địa chỉ thường trú và nghề nghiệp của họ;".

8- Các chữ "Hội đồng bộ trưởng" được sửa đổi thành các chữ "Chính phủ". Các chữ "Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng" được sửa đổi thành các chữ "Thủ tướng Chính phủ".

Điều 2: Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 1994.

Những quy định trước đây trái với luật này đều bãi bỏ.

Điều 3

Chính phủ sửa đổi các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật công ty cho phù hợp với Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 22 tháng 6 năm 1994.

Chủ tịch Quốc hội

Nông Đức Mạnh

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Luật Công ty sửa đổi 1994

  • Số hiệu: 35-L/CTN
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 22/06/1994
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản