Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 76-KL/TW

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2013

 

KẾT LUẬN CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XI CỦA ĐẢNG VÀ NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH THUẬN LẦN THỨ XII, NHIỆM KỲ 2010 - 2015 VÀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG PHÁT TRIỂN TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020

Tại phiên họp ngày 02-11-2013, sau khi nghe Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, ý kiến của các bộ, ban, ngành Trung ương, Bộ Chính trị đã kết luận như sau:

1- Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII

Bình Thuận là tỉnh có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, quốc phòng, an ninh quan trọng của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và khu vực phòng thủ của Quân khu 7; là cửa ngõ giao thương với các tỉnh trong vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên; có tiềm năng lớn về năng lượng, khoáng sản, nông - lâm - thủy sản và dịch vụ du lịch. Từ sau Đại hội XI của Đảng đến nay, trong điều kiện có những thuận lợi, nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, bước đầu khai thác được một số lợi thế của tỉnh và đạt được những kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

- Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, bình quân tăng 8,82%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỉ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 34,7% (năm 2010 là 34,2%), dịch vụ - du lịch chiếm 46,2% (năm 2010 là 44,8%), nông nghiệp chiếm 19,1% (năm 2010 là 21%). Khai thác ngày càng tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh; sản xuất công nghiệp có thêm một số sản phẩm mới; thu hút khách du lịch tăng 12,2%/năm, doanh thu du lịch tăng 30%/năm. Về nông nghiệp, đã tập trung phát triển một số cây trồng có lợi thế, đặc biệt là diện tích cây thanh long phát triển khá nhanh; hệ số sử dụng đất từ 1,9 lần (năm 2010) tăng lên 2,2 lần (năm 2012); phát triển mạnh tàu thuyền công suất lớn, đánh bắt hải sản xa bờ, dịch vụ hậu cần, chế biến; phát huy tốt hơn thế mạnh về kinh tế biển kết hợp với bảo vệ an ninh trên biển.

- Tích cực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho hộ nghèo, gia đình chính sách; hộ nghèo giảm từ 9,09% (năm 2010) xuống còn 6,07% (năm 2012).

- Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, không để xảy ra điểm nóng, ít khiếu kiện đông người, đã tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm một số vụ tham nhũng kéo dài.

- Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng; triển khai tích cực Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", nỗ lực khắc phục những khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình, gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đạt kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bình Thuận vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; chưa khai thác, phát huy lợi thế của vùng và liên kết vùng. Một số chỉ tiêu chưa đạt hoặc đạt thấp so với chỉ tiêu Đại hội XII của tỉnh đề ra vào năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt thấp hơn bình quân chung cả nước...; kinh tế chưa có sự bứt phá rõ rệt; việc khai thác, chế biến quặng sa khoáng titan có mặt chưa được quản lý chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, còn gây ô nhiễm môi trường...

Tình hình trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn hạn chế. Vai trò quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền chưa thực sự quyết liệt và đồng bộ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức năng lực còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao, còn tư tưởng thụ động, ỷ lại. Chưa huy động tối đa các nguồn lực xã hội phục vụ phát triển.

2- Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Bình Thuận cần khai thác tối đa, mạnh mẽ hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, Bình Thuận cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có cơ cấu kinh tế phù hợp: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Là trung tâm năng lượng, trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan, trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu tương đối đồng bộ, liên thông với khu vực và cả nước; môi trường được bảo vệ tốt; an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.

- Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư khai thác có hiệu quả những lợi thế của tỉnh. Chú trọng phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; tập trung khai thác tiềm năng năng lượng (chú ý phát triển điện gió, điện khí, điện năng lượng mặt trời...). Tiếp tục phát huy thế mạnh về du lịch của tỉnh, đặc biệt là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển gắn với bảo vệ môi trường, nâng chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch và phát huy văn hóa truyền thống để phát triển bền vững.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; sử dụng hợp lý và hiệu quả quỹ đất lúa, phát triển vững chắc cây thanh long; giữ vững thương hiệu các sản phẩm truyền thống, chủ lực của tỉnh như: Nước mắm Phan Thiết, nước khoáng Vĩnh Hảo... Phát triển mạnh kinh tế biển; phát huy lợi thế là một trong 3 nơi có ngư trường lớn nhất cả nước. Tập trung xây dựng đảo Phú Quý trong chiến lược phát triển kinh tế, chống xâm thực nước biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, thể dục - thể thao; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động.

- Chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tập trung khắc phục những yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ ra qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình vừa qua. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

3- Về các kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận

- Xây dựng và phát triển tỉnh Bình Thuận trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương theo chức trách, thẩm quyền của mình, tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tỉnh Bình Thuận phát huy tốt tiềm năng và lợi thế, phát triển nhanh, mạnh và bền vững, đồng thời tạo sức lan tỏa nhằm thu hút và khai thác tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

- Đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng sân bay quân sự kết hợp dân dụng tại thành phố Phan Thiết theo quy hoạch; xây dựng đảo Phú Quý đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế và quốc phòng, an ninh trong Chiến lược biển nói chung, trước mắt, tập trung đầu tư khắc phục tình trạng biển xâm thực, xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền; khi điều kiện cho phép sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay trên đảo Phú Quý.

- Bình Thuận cần chủ động phối hợp với Bộ Công thương công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng titan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1546/QĐ-TTg, ngày 03-9-2013, chú ý quản lý chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Đối với những kiến nghị cụ thể khác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo, các bộ, ngành cần quan tâm, nghiêm túc triển khai thực hiện.

4- Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Kết luận này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị.

 

 

Nơi nhận:
- Tỉnh ủy Bình Thuận,
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Lê Hồng Anh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kết luận 76-KL/TW năm 2013 về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 và chủ trương phát triển tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 76-KL/TW
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 28/11/2013
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Lê Hồng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/11/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản