Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------

Số: 41-KL/TW

Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2009

 

KẾT LUẬN

VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 16-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA IX) VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ VÀ LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Ngày 05/11/2008, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 5/10/2002 của Ban Bí thư Trung ương (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới và tổng kết tổ chức, hoạt động của chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn. Ban Bí thư nhận định:

1. Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị, Đảng ủy quân sự Trung ương đã xây dựng Hướng dẫn số 01-HD/ĐUQSTW, ngày 3/1/2003 về thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã làm tốt việc quán triệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới, đề ra nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sát với tình hình địa phương, cơ sở. Cơ quan quân sự địa phương các cấp đã có bước đổi mới trong trong công tác tổ chức, xây dựng lực lượng, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ và dự bị động viên; chất lượng tổng hợp của lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên đã được nâng lên rõ rệt, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa phương, cơ sở; đồng thời góp phần tích cực trong thực hiện giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia; trong phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai và trong vận động quần chúng ở cơ sở, được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao.

2. Bên cạnh những ưu điểm trên, công tác dân quân tự vệ và dự bị động viên cũng còn một số hạn chế, khuyết điểm sau:

- Nhận thức về vai trò, vị trí chiến lược và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên của một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị ở cả Trung ương và địa phương còn hạn chế; chưa quan tâm đúng mức về tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ, kiến thức quốc phòng, quân sự địa phương và quản lý nhà nước về quốc phòng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; chưa thường xuyên làm tốt việc kết hợp chặt chẽ 2 nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh trong công tác của mỗi cấp, mỗi ngành và địa phương, đơn vị.

- Một số cơ quan quân sự địa phương chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác này hoặc còn thiếu chủ động, nhạy bén trong tổ chức thực hiện. Việc đăng ký, quản lý dân quân tự vệ, dự bị động viên còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là số công dân phải đi làm ăn xa. Năng lực xử lý tình huống tại chỗ của lực lượng này ở một số địa phương, đơn vị còn hạn chế.

- Chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn chưa được hướng dẫn tổ chức hoạt động thống nhất; phát triển đảng viên trong dân quân tự vệ và dự bị động viên chưa được quan tâm đúng mức, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.

- Một số văn bản luật pháp còn thiếu, chưa đồng bộ; chế độ, chính sách chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên, nhất là trong một số loại hình doanh nghiệp.

- Công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát chưa thương xuyên nên ảnh hưởng nhất định đến chất lượng việc thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư.

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 16-CT/TW, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

1. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng dân tự vệ và lực lượng dự bị động viên, thực sự là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2. Cấp ủy đảng các cấp có chủ trương, nghị quyết lãnh đạo chuyên đề về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên. Làm tốt công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ, nâng tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ lên trên 18%, đơn vị dự bị động viên đủ đảng viên để tổ chức chi bộ, chi ủy ở cấp đại đội, đảng ủy ở cấp tiểu đoàn.

3. Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh đề án và tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo hướng tổ chức lực lượng hợp lý, chất lượng tốt, lấy xây dựng về chất lượng chính trị là chính; tổ chức biên chế tinh gọn, chặt chẽ; trang bị vũ khí phù hợp; được giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự toàn diện, thiết thực; nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

Chú trọng xây dựng nâng cao chất lượng dân quân tự vệ ở vùng trọng điểm quốc phòng, an ninh và những địa bàn phức tạp. Bảo đảm chế độ, chính sách thỏa đáng đối với lực lượng này theo giá trị ngày công lao động thực tế và phù hợp với khả năng của địa phương.

4. Xây dựng lực lượng dự bị động viên đủ về số lượng và chất lượng toàn diện. Bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ, cân đối giữa lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Quy mô tổ chức phù hợp với quyết tâm tác chiến chiến lược theo khu vực phòng thủ, từng hướng chiến lược và khả năng tạo nguồn của từng địa phương. Vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật chất đảm bảo đúng quy định, có dự phòng thích hợp. Các đơn vị dự bị động viên phải được quản lý, huấn luyện chặt chẽ, có trình độ sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu huy động, mở rộng lực lượng thường trực của quân đội trong mọi tình huống.

5. Thường xuyên kiện toàn Ban chỉ huy quân sự các cấp đủ về số lượng, chất lượng ngày càng cao; đối với Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, Chỉ huy trưởng phải là người đúng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; Chính trị viên là bí thư, phó bí thư cấp ủy kiêm nhiệm; Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, Chỉ huy trưởng là thành viên Ủy ban nhân dân; Chính trị viên là bí thư đảng ủy (chi bộ) xã, phường, thị trấn; Chính trị viên phó là bí thư đoàn (chi đoàn) xã kiêm nhiệm. Hằng năm, từ cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức đến cán bộ phân đội dân quân tự vệ và dự bị động viên phải được bồi dưỡng, tập huấn những kiến thức cần thiết về kinh tế, chính trịn, quốc phòng, an ninh làm cơ sở triển khai công tác giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự tại đơn vị.

6. Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Đảng ủy Quân sự Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, tổng kết các hoạt động của chi bộ, tổ đảng quân sự xã, phường, thị trấn và công tác phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên và công tác xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, bảo đảm sự lãnh đạo của đảng đối với lực lượng vũ trang quần chúng, để báo cáo Ban Bí thư xem xét, quyết định; trước mắt những nơi đã có chi bộ quân sự cấp xã thì tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng, những nơi chưa có thì tiến hành làm thí điểm, rút kinh nghiệm để có chủ trương tiếp theo; đồng thời tiến hành nghiên cứu để ban hành thống nhất về chức năng, nhiệm vụ và các mối quan hệ của chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn.

7. Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng nâng cao Pháp lệnh Dân quân tự vệ lên thành luật và ban hành đồng bộ những văn bản quy phạm pháp luật kèm theo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; coi trọng việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong các loại hình doanh nghiệp ngoài quốc doanh, dân quân tự vệ hoạt động trên biển, đảo. Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương ban hành các văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về dân quân tự vệ, dự bị động viên và chế độ, chính sách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

8. Ban cán sự đảng, Chính phủ nghiên cứu chỉ đạo ban hành quy định phân bổ ngân sách quốc phòng cho những địa phương kinh tế chậm phát triển ở vùng biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của dân quân tự vệ, dự bị động viên trong tình hình mới.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành Trung ương bố trí ngân sách thích đáng và bảo đảm chế độ, chính sách cho công tác đăng ký, quản lý, tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, hoạt động, trang bị đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên; đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp chấp hành quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, có trách nhiệm đóng góp, bảo đảm kinh phí chi cho công tác quốc phòng, quân sự nói chung, thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên nói riêng để huấn luyện và hoạt động chất lượng, hiệu quả.

9. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong Đảng và nhân dân về nhiệm vụ xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên; các nhà trường trong quân đội, trung tâm giáo dục quốc phòng làm tốt công tác bồi dưỡng chính trị, kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ các cấp, giáo dục quốc phòng, an ninh cho học sinh, sinh viên về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

10. Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) và Kết luận này; hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ban Bí thư (qua Đảng ủy quân sự Trung ương).

Giao Đảng ủy quân sự Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban tổ chức Trung ương giúp Ban Bí thư theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, báo cáo Ban Bí thư.

Kết luận này phổ biến đến chi bộ để triển khai thực hiện./.

 

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Trương Tấn Sang