Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số 30-KL/TW

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2018

 

KẾT LUẬN

CỦA BAN BÍ THƯ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRANG BỊ SÁCH CHO CƠ SỞ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Tại phiên họp ngày 23/01/2018, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo, trình về việc tiếp tục thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (Tờ trình số 50-TTr/BTGTW, ngày 12/10/2017), ý kiến của các cơ quan liên quan, Ban Bí thư đã kết luận như sau:

1- Sau hơn tám năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Sách của Đề án đã góp phần cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có ý nghĩa thiết thực đối với việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp cơ sở, nâng cao năng lực, kỹ năng công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập, áp dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật của nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án cũng còn một số hạn chế. Cơ cấu đề tài sách chưa phong phú; công tác quản lý, sử dụng sách hiệu quả chưa cao; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác quản lý, khai thác, sử dụng sách của Đề án.

2- Đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đến năm 2020. Sau năm 2020, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và các cơ quan liên quan tiến hành tổng kết thực hiện Đề án, trình Ban Bí thư xem xét, quyết định.

3- Thời gian tới, cần tập trung nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, tính hấp dẫn của sách, bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả của Đề án; chuyển dần và tăng cường xuất bản sách điện tử; đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền, quản lý, khai thác và sử dụng sách. Đề tài sách cần lựa chọn kỹ, thiết thực, sát, phù hợp với nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nội dung sách cần chú trọng cập nhật thông tin, kiến thức mới về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và đời sống, về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, về văn hóa, xây dựng nông thôn mới giúp nâng cao năng lực, kỹ năng công tác của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Mỗi năm xuất bản từ 20 - 30 đầu sách; có sự phân bổ số lượng sách hợp lý, theo hướng tập trung ưu tiên cao nhất cho xã, phường, thị trấn.

4- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là cơ quan thường trực của Đề án, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án bảo đảm thiết thực và hiệu quả phù hợp với đặc điểm xã, phường, thị trấn của từng địa phương; chủ trì xây dựng Thư viện điện tử sách của Đề án, đẩy mạnh số hóa các đầu sách đã xuất bản để phục vụ việc đọc và tra cứu trực tuyến của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.

5- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phê duyệt kế hoạch xuất bản sách; chỉ đạo việc lựa chọn đề tài, biên soạn nội dung, biên tập, xuất bản sách; thường xuyên quan tâm công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Đề án; phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và các cơ quan liên quan định kỳ hằng năm đánh giá kết quả thực hiện Đề án, kịp thời báo cáo Ban Bí thư.

Kết luận này được phổ biến đến chi bộ ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Trần Quốc Vượng