Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
THANH TRA BỘ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 282/KL-TTrB

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2015

 

KẾT LUẬN THANH TRA

VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ TRƯỜNG HỌC TẠI TỈNH PHÚ THỌ

Thực hiện Quyết định số 195/QĐ-TTrB ngày 02/10/2015 của Chánh Thanh tra Bộ Y tế về thanh tra việc thực hiện các quy định về y tế trường học tại tỉnh Phú Thọ, trong tháng 10 năm 2015 Đoàn Thanh tra đã tiến hành thanh tra tại tỉnh Phú Thọ.

Xét báo cáo kết quả thanh tra ngày 10/12/2015 của Trưởng đoàn thanh tra, ý kiến giải trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra,

Chánh Thanh tra Bộ Y tế kết luận như sau:

I. THÔNG TIN CHUNG

Phú Thọ là tỉnh miền núi phía Bắc, có diện tích 3.532 km2, dân số trên 1,3 triệu người, với 22 dân tộc. Phú Thọ có 13 đơn vị hành chính, bao gồm: 01 thành phố, 01 thị xã và 11 huyện, trong đó có 10 huyện miền núi, 01 huyện thuộc diện nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 30A/2008/NQ-CP của Chính phủ; toàn tỉnh có 277 xã, phường, thị trấn, trong đó có 218 xã miền núi (188 xã vùng khó khăn), 50 xã đặc biệt khó khăn và an toàn khu.

Trong những năm qua, qui mô, mạng lưới trường học, lớp học tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Hiện tại, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 trường mầm non, trường tiểu học và hầu hết các xã đều có trường trung học cơ sở. Mỗi huyện, thị, thành phố có ít nhất 02 trường trung học phổ thông; 100% các xã, phường, thị trấn đều có trung tâm học tập cộng đồng.

Tổng số toàn tỉnh có 933 trường, đơn vị giáo dục, trong đó: Khối Mầm non 312 trường; Khối Tiểu học 300 trường; Khối THCS 258 trường; Khối THPT 45 trường; 18 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, ngoại ngữ - tin học, trường bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

II. KẾT QUẢ KIỂM TRA, XÁC MINH

1. Chỉ đạo của địa phương về công tác y tế trường học

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong các năm học vừa qua, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các văn bản về y tế trường học, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

- Quy định về hoạt động y tế trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Quyết định số 73/2007/QĐ-BGDĐT;

- Quy định về hoạt động y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non ban hành kèm theo Quyết định số 58/2008/QĐ-BGDĐT;

- Đảm bảo biên chế cán bộ làm công tác y tế trường học theo Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV; Thông tư liên tịch số 71/2006/TTLT-BGDĐT-BNV;

- Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho công tác y tế trường học theo Thông tư 14/2007/TT-BTC;

- Chương trình phối hợp số 993/CTr-BYT-BGDĐT giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo về bảo vệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2012-2020;

- Sau khi triển khai các văn bản, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với ngành Y tế xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác y tế trường học.

2. Việc triển khai thực hiện công tác y tế trường học trên địa bàn

2.1. Mạng lưới y tế trường học:

- Theo báo cáo của Sở Y tế và Sở Giáo dục tỉnh Phú Thọ, tổng số cán bộ y tế trường học trong toàn tỉnh là 933 người, trong đó có 11 người là cán bộ biên chế, 360 hợp đồng và 532 cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm. Trong số các cán bộ y tế trường học có 393 người có trình độ từ trung cấp y trở lên; 09 người trình độ trung cấp khác; 512 người có trình độ sơ cấp và bồi dưỡng chuyên môn.

- 100% các trường học đều có phòng y tế, tủ thuốc và có trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu thông thường và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh theo đúng quy định.

2.2. Công tác bảo hiểm y tế học sinh:

- Quá trình thực hiện công tác bảo hiểm y tế học sinh có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thu được những kết quả tốt, số học sinh tham gia bảo hiểm y tế các năm học 2013-2014, 2014-2015 đạt trên 90%.

- Công tác khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho học sinh được chú trọng. Qua số liệu báo cáo của địa phương cho thấy 100% các trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh 1 - 2 lần/năm, có sổ theo dõi, quản lý.

2.3. Công tác xây dựng kế hoạch:

Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của các cấp và tình hình thực tế của địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo có các văn bản chỉ đạo hướng dẫn cụ thể việc thực hiện công tác y tế trường học đối với các đơn vị giáo dục trực thuộc Sở và các phòng giáo dục đào tạo các huyện, thành phố, thị xã để tiến hành triển khai đến các trường học.

2.4. Công tác đào tạo, tập huấn:

- Năm học 2013 - 2014, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức 02 lớp tập huấn cho 380 cán bộ làm công tác y tế trường học, bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của các trường trung học phổ thông về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên; phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; hướng dẫn nghiệp vụ y tế trường học...

- Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, năm học 2013 - 2014, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ đã phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, xây dựng và sửa chữa công trình nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh trong trường học; Tổ chức Hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường cho 1.930 người, với tổng kinh phí là 300 triệu đồng. Năm 2014, đã triển khai công tác truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường trong trong trường học với tổng kinh phí là 600 triệu đồng.

- Chỉ đạo các trường tổ chức truyền thông lồng ghép giáo dục sức khỏe tới học sinh với nhiều nội dung phong phú, đa dạng.

- Năm 2013 - 2014, ngành Giáo dục phối hợp với Tổ chức Đông -Tây hội ngộ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai Dự án giảm tiêu thụ muối tại 10 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Việt Trì; Tổ chức tập huấn cho giáo viên về kiến thức và kĩ năng giảng dạy và tổ chức hoạt động can thiệp trong trường học. Cấp tài liệu tuyên truyền giảm tiêu thụ muối. Tổ chức giám sát hoạt động giảm tiêu thụ muối tại các trường tiểu học trong khuôn khổ dự án.

2.5. Công tác kiểm tra giám sát:

Năm học 2013 - 2014, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai thực hiện Dự án của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế về truyền thông y tế trường học tại tỉnh Phú Thọ, đã kiểm tra, giám sát thực hiện tại 100 trường học trên địa bàn tỉnh. Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy các trường đều có cán bộ y tế chuyên trách hoặc kiêm nhiệm; có phòng y tế, tủ thuốc; có kế hoạch hoạt động cụ thể trong năm; thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; triển khai tốt công tác phòng chống tai nạn thương tích, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hằng năm, tổ chức khám sức khỏe cho học sinh 1 - 2 lần; 100% trường đạt tiêu chuẩn vệ sinh về tiếng ồn, bụi, vi khí hậu, 65% trường đạt tiêu chuẩn về ánh sáng, kích thước bàn ghế và đảm bảo điều kiện về vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe học sinh.

Tuy nhiên, theo báo cáo cho thấy các chỉ tiêu kiểm tra, giám sát chưa bám sát theo các nội dung hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT

3. Kết quả kiểm tra do Đoàn thanh tra thực hiện tại cơ sở giáo dục

Đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra tại Trường Trung học cơ sở Nông Trang, thành phố Việt Trì, thăm và làm việc tại 03 cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Lâm Thao và thành phố Việt Trì. Kết quả kiểm tra được ghi nhận cụ thể như sau:

3.1. Kết quả kiểm tra tại Trường THCS Nông Trang:

Toàn trường có 880 học sinh, bao gồm 475 học sinh nam, 405 học sinh nữ với 22 lớp học và 69 giáo viên, cán bộ nhân viên.

* Về công tác chỉ đạo: Nhà trường đã thành lập Ban chăm sóc sức khỏe học sinh do Hiệu trưởng là Trưởng ban, các thành viên là cán bộ, giáo viên trong nhà trường, kết hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh; đã ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện các quy định về công tác y tế trường học.

* Về triển khai công tác y tế học đường:

- Nhân lực về y tế: Nhà trường có 01 cán bộ y tế trình độ trung cấp đã làm hợp đồng được 2 năm, được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do tuyến trên tổ chức; Phòng Y tế được bố trí chung với phòng bảo vệ ở vị trí sát khu vực ngoài cổng trường, có 1 giường bệnh chung với giường ngủ của bảo vệ, có tủ, vật tư, thuốc thiết yếu nhưng rất sơ sài. Một số đồ dùng, phương tiện được phòng y tế và phòng bảo vệ dùng chung, tranh ảnh, tài liệu truyền thông về sức khỏe đã cũ và quá ít.

- Công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh:

+ Vào đầu năm học, nhà trường phối hợp với Trạm Y tế phường tổ chức khám sức khỏe cho học sinh, có sổ theo dõi, phân loại sức khỏe. Tuy nhiên, nhà trường chưa thực hiện báo cáo tình hình thương tích của học sinh theo quy định.

+ Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, nhà trường đã phối hợp với Phòng Y tế thành phố và Trạm Y tế phường tổ chức các hoạt động phòng, chống kịp thời các dịch, bệnh trong trường học, như: bệnh cúm AH1N1, AH5N1, tay, chân, miệng, cong vẹo cột sống, bệnh về mắt, sốt xuất huyết, sởi, giun sán...

+ 100% học sinh tham gia đóng bảo hiểm y tế.

+ Nhà trường đã triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS theo Kế hoạch hành động về phòng, chống HIV/AIDS của ngành Giáo dục giai đoạn 2012 - 2020; phòng, chống tai nạn thương tích, tác hại của thuốc lá, lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; truyền thông giáo dục về công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

+ Nhà trường có bếp ăn cho học sinh học bán trú, tuy nhiên khu vực nhà bếp chưa đảm bảo theo nguyên tắc 1 chiều. Theo báo cáo, nhà trường có ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm, cán bộ phụ trách bếp được học kiến thức về ATTP và có khám sức khỏe định kỳ.

- Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe:

+ Nhà trường đã tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa, lồng ghép trong buổi sinh hoạt chào cờ, truyền thông về giáo dục sức khỏe, vệ sinh cá nhân, công tác bảo hiểm y tế học sinh, giáo dục dân số gia đình, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường; Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời chú trọng đến công tác chữ thập đỏ trong nhà trường.

+ Hằng năm, nhà trường đã mời đại diện Công an tỉnh, thành phố nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền về phòng, chống các tệ nạn xã hội trong học đường, đặc biệt là phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm. Đồng thời lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục này vào các môn học như: Giáo dục công dân, sinh học.

+ Có góc truyền thông nhưng vị trí bố trí bảng không hợp lý, không có nội dung về truyền thông, giáo dục sức khỏe.

- Đã thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác y tế trường học đối với các cấp.

* Về cơ sở hạ tầng:

+ Trường nằm trên khu vực địa hình đồi núi thấp, diện tích cây xanh bao phủ trên sân trường còn hạn chế, số phòng học và các phòng chức năng chưa nhiều, một số phòng làm việc vẫn phải dùng chung;

+ Các phòng học có đầy đủ bàn ghế, đèn chiếu sáng. 100% các phòng học được đồng bộ hóa điện tử về thiết bị học tập, giảng dạy: có màn hình, máy chiếu phục vụ cho việc giảng dạy bằng giáo án điện tử. Tuy nhiên, bàn ghế học sinh chưa đa dạng về kích cỡ, chỉ có một loại kích cỡ dùng chung cho học sinh ở mọi lứa tuổi, có chiều cao khác nhau; cốc uống nước cho học sinh trong lớp học còn quá ít, không đảm bảo vệ sinh.

+ Khu vực nhà vệ sinh của nhà trường chưa đảm bảo đủ số lượng theo quy định.

* Công tác vệ sinh môi trường được thực hiện tương đối tốt, tuy nhiên cần bố trí thùng đựng rác ở vị trí hợp lý.

* Kết quả đánh giá của Đoàn theo Bảng kiểm quy định tại Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT, Trường Tiểu học Nông Trang đạt 50 điểm trên tổng số 54 điểm của các tiêu chí đã đánh giá (93,5%), xếp loại tốt.

Tuy nhiên công tác y tế trường học của nhà trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

+ Cán bộ y tế là nhân viên hợp đồng, vì vậy nhà trường chưa được hưởng đãi ngộ về một số chính sách;

+ Phòng y tế bố trí chung với phòng bảo vệ không đáp ứng điều kiện về công tác y tế của nhà trường;

+ Các tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe còn thiếu;

+ Khu vực nhà vệ sinh chưa đảm bảo đủ số lượng theo quy định.

3.2. Đối với Trường Tiểu học Chính Nghĩa, thành phố Việt Trì; Trường Mầm non Thạch Sơn, Trường THPT Long, Châu Sa huyện Lâm Thao, qua xem xét, đánh giá nhanh Đoàn thanh tra ghi nhận công tác y tế trường học tại các trường này đã cơ bản được triển khai theo đúng quy định.

III. KẾT LUẬN

1. Về công tác chỉ đạo: Công tác y tế trường học tại tỉnh Phú Thọ đã được Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo một cách tích cực, đã triển khai kịp thời các văn bản quy định của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo của địa phương để cụ thể hóa các quy định của Nhà nước về y tế trường học trên địa bàn.

2. Kết quả triển khai thực hiện

2.1. Những kết quả tích cực:

- Mạng lưới y tế trường học được triển khai rộng khắp toàn tỉnh với 100% số trường học đều có bố trí phòng; y tế và cán bộ đảm nhiệm công tác y tế, có tủ thuốc và có trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu để phục vụ khám, sơ cấp cứu thông thường và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

- Công tác tuyên truyền, giáo dục về y tế trường học được đẩy mạnh góp phần tích cực nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về y tế trường học cho đội ngũ giáo viên, học sinh và các cấp chính quyền trong tỉnh.

- Công tác bảo hiểm y tế học sinh được triển khai tương đối rộng khắp với tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế trên 90%.

- Công tác khám và phân loại sức khỏe cho học sinh được chú trọng với 100% các trường có tổ chức khám sức khỏe cho học sinh từ 1 đến 2 lần/năm và đều có sổ theo dõi.

- Công tác đào tạo tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về y tế trường học được triển khai một cách tích cực, bao gồm cả cán bộ y tế trường học và cán bộ có liên quan khác.

- Việc triển khai tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia như nước sạch và vệ sinh môi trường, các Dự án như Dự án giảm tiêu thụ muối tại trường tiểu học, Dự án tẩy giun, sán cho trẻ em từ 1 đến 14 tuổi trên toàn tỉnh... đã mang lại kết quả tốt, góp phần làm tốt công tác y tế trường học.

- Công tác kiểm tra, giám sát được triển khai thực hiện có sự phối hợp tích cực của các ngành có liên quan đặc biệt là ngành Y tế và ngành Giáo dục.

- Kết quả thanh tra trực tiếp của Đoàn tại 04 cơ sở giáo dục ghi nhận các trường thực hiện tương đối tốt công tác y tế trường học.

2.2. Một số tồn tại, hạn chế:

- Mạng lưới y tế trường học mặc dù được được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, song số lượng cán bộ làm công tác y tế chuyên trách còn rất ít, chủ yếu là kiêm nhiệm hoặc hợp đồng, số cán bộ y tế đáp ứng yêu cầu về chuyên môn còn ít.

- Do điều kiện là tỉnh trung du và miền núi bị hạn chế về mặt bằng nên diện tích cây xanh bao phủ tại nhiều trường còn hạn chế. Diện tích phòng học, phòng làm việc tại nhiều trường còn thiếu.

- Cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác y tế trường học còn thiếu. Việc bố trí phòng y tế ở Trường trung học cơ sở Nông Trang chưa đáp ứng yêu cầu ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

- Các tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe còn thiếu. Khu vực nhà vệ sinh của nhà trường chưa đủ số lượng theo quy định.

IV. CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ THEO THẨM QUYỀN ĐÃ ÁP DỤNG

Đoàn thanh tra đã hướng dẫn địa phương một số nội dung liên quan triển khai công tác y tế trường học; nhắc nhở, hướng dẫn cơ sở giáo dục được kiểm tra có biện pháp khắc phục, tháo gỡ những tồn tại trong công tác y tế trường học.

V. KIẾN NGHỊ

1. Đề nghị Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ tăng cường hơn nữa việc tập huấn về chuyên môn y tế trường; học cho đội ngũ cán bộ y tế trường học toàn tỉnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về y tế trường học. Trong đó cần lưu ý các chỉ tiêu kiểm tra phải bám sát nội dung hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT ngày 28 tháng 4 năm 2011 của Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo.

2. Trên cơ sở kết quả thanh tra tại các cơ sở, đề nghị Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ hướng dẫn các cơ sở đã dược thanh tra khắc phục những tồn tại đã ghi trong biên bản thanh tra, báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ Y tế trước ngày 30/01/2016./.

Trên đây là Kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về y tế trường học tại tỉnh Phú Thọ. Chánh Thanh tra Bộ giao Trưởng Đoàn thanh tra gửi Kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật./.

 

 

Nơi nhận:
- BT. Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- TT. Nguyễn Thanh Long (để báo cáo);
- Cục YTDP (để phối hợp);
- Vụ Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT (để phối hợp);
- Sở Y tế Phú Thọ (để phối hợp với Sở GD&ĐT Phú Thọ triển khai thực hiện);
- Cổng Thông tin điện tử BYT (để đăng tin);
- Lưu: TTrB; P8; Đoàn thanh tra.

CHÁNH THANH TRA BỘ




Đặng Văn Chính

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kết luận 282/KL-TTrB năm 2016 thực hiện các quy định của pháp luật về y tế trường học tại tỉnh Phú Thọ do Thanh tra Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 282/KL-TTrB
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 25/12/2015
  • Nơi ban hành: Thanh tra Bộ Y tế
  • Người ký: Đặng Văn Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản