BỘ CHÍNH TRỊ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 26-KL/TW | Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2003 |
KẾT LUẬN
VỀ CHIẾN LƯỢC VÀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỆN LỰC VIỆT NAM
Tại phiên họp ngày 25-9-2003, sau khi nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Điện lực Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, định hướng đến năm 2020, ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và cơ bản nhất trí với Báo cáo chiến lược đã trình, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau:
1. Ngành Điện là một ngành công nghiệp hoạt động mang tính hệ thống với trình độ công nghệ cao và hiện đại, và ngành công nghiệp hạ tầng quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đầu tư thích đáng cho việc xây dựng và phát triển ngành Điện.
Trong thời gian qua, ngành Điện Việt Nam đã có nhiều cố gắng có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Đã đáp ứng cơ bản nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quy mô nguồn và lưới điện được mở rộng; đến nay, công suất các nhà máy điện tăng 3,5 lần so với năm 1990. Đã huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển điện. Hiệu quả vận hành hệ thống điện được nâng cao, tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm từ 28,7% năm 1990 xuống còn 13,5% năm 2002. Công tác đưa điện về nông thôn được quan tâm đúng mức; mức độ phủ điện khu vực nông thôn của Việt Nam đã cao hơn một số nước trong khu vực. Tổng lợi nhuận trong giai đoạn 1996 - 2002 đạt 14.375 tỷ đồng, tổng thu nộp ngân sách nhà nước đạt 17.100 tỷ đồng. Giá trị tài sản cố định năm 2001 của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam tăng hơn 3 lần so với năm 1995.
Tuy nhiên, ngành Điện vẫn còn trong tình trạng chậm phát triển và có một số hạn chế sau:
- Trình độ phát triển của ngành Điện nước ta còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới.
- Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao. Chưa thu hút được đáng kể vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào sự phát triển ngành Điện.
- Vẫn còn hiện tượng cửa quyền trong kinh doanh điện làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
- Việc định giá điện trong công nghiệp - xây dựng cao để bù cho giá điện thấp dùng cho ánh sáng, sinh hoạt gây bất lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh và không phù hợp với xu hướng chính sách giá điện của các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Đầu tư phát triển điện còn thấp so với nhu cầu, thủ tục đầu tư thực hiện chậm, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trong xây dựng các công trình điện lực gặp nhiều trở ngại ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư nguồn và lưới điện, đã xảy ra tình trạng thiếu điện vào các tháng mùa khô trong một số năm, tình trạng quá tải lưới điện xảy ra ở nhiều địa phương.
- Trong ngành Điện vẫn còn nhiều nhà máy thiết bị công nghệ cũ, lạc hậu, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, năng suất lao động thấp, gây ô nhiễm môi trường.
2. Về quan điểm, mục tiêu phát triển ngành Điện, cần bổ sung thêm nội dung sau:
- Phát triển điện phải đi trước một bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân và cho an ninh, quốc phòng. Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đẩy mạnh điện khí hoá nông thôn, nhất là các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
- Bảo đảm chất lượng điện năng để cung cấp dịch vụ điện cho xã hội với chất lượng ngày càng cao và với giá cạnh tranh. Đặc biệt coi trọng tiết kiệm điện năng từ khâu phát, truyền tải đến khâu sử dụng.
- Sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp của đất nước như nguồn thuỷ năng (kết hợp với thuỷ lợi), khí, than cho sản xuất điện, sử dụng khoa học công nghệ tiên tiến và giảm ô nhiễm môi trường. Tiến hành khảo sát, nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng nhà máy điện nguyên tử (sau năm 2015) đảm bảo an toàn tuyệt đối trong sử dụng, nhằm đa dạng hoá các nguồn năng lượng. Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo được để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt đối với các hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
- Từng bước hình thành thị trường điện cạnh tranh trong nước, đa dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh điện, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia, không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Nhà nước chỉ giữ độc quyền khâu truyền tải điện, xây dựng và vận hành các nhà máy thuỷ điện lớn, các nhà máy điện nguyên tử. Tham gia hội nhập và mua bán điện với các nước trong khu vực.
- Xây dựng giá điện phải đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện, tăng sức cạnh tranh về giá điện nhất là giá điện phục vụ sản xuất, so với các nước trong khu vực; tách phần chính sách xã hội ra khỏi giá điện. Có chính sách thích hợp về sử dụng điện ở nông thôn, miền núi.
- Kết hợp giữa điều hành mạng lưới điện thống nhất trong cả nước với xây dựng và điều hành hệ thống điện an toàn theo từng khu vực nhằm đồng bộ hoá, hiện đại hoá mạng lưới truyền tải, phân phối điện quốc gia để cung cấp dịch vụ điện đảm bảo chất lượng, liên tục, an toàn, hiệu quả.
- Phấn đấu đến năm 2005, điện năng sản xuất đạt sản lượng khoảng 53 tỷ KWh; năm 2010 đạt sản lượng từ khoảng 88 đến 93 tỷ KWh và năm 2020 đạt sản lượng từ 201 tới 250 tỷ KWh.
- Đẩy nhanh chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi, phấn đấu đến năm 2010 đạt 90% số hộ nông thôn có điện, đến năm 2020 đạt 100% số hộ dân nông thôn có điện.
3. Về chính sách, giải pháp
- Nghiên cứu xây dựng đầy đủ các khuôn khổ pháp lý, các điều kiện để sớm hình thành thị trường điện lực cạnh tranh.
- Xây dựng cơ chế, chính sách trong đó có chính sách đa dạng hoá phương thức đầu tư, để phát huy tốt mọi nguồn lựa đáp ứng nhà cầu phát triển ngành Điện và yêu cầu phát triển của đất nước.
- Tiếp tục thực hiện cải cách giá điện theo lộ trình đã được duyệt và nghiên cứu điều chỉnh biểu giá điện theo hướng giảm bù chéo quá lớn giữa các nhóm khách hàng.
- Khuyến khích đa dạng hoá trong đầu tư và quản lý lưới điện nông thôn trên cơ sở tăng cường kiểm soát giá bán điện ở nông thôn để bảo đảm không vượt giá trần do Chính phủ quy định.
- Cổ phần hoá các công trình điện mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn. Thí điểm phát hành trái phiếu công trình và phát hành cổ phiếu ra thị trường chứng khoán.
- Tăng cường đầu tư khoa học - công nghệ và quản lý để tiếp tục phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống khoảng 10% vào năm 2010 và dưới 10% vào những năm sau.
- Tính toán xây dựng phương án nhập khẩu điện của các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc hợp lý.
- Coi trọng đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Điện.
Căn cứ vào kết luận của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc bổ sung, hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện tốt chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Điện lực giai đoạn 2001 – 2010 và định hướng tới năm 2020.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
Kết luận 26-KL/TW về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Điện lực Việt Nam do Bộ Chính trị ban hành
- Số hiệu: 26-KL/TW
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 24/10/2003
- Nơi ban hành: Bộ Chính trị
- Người ký: Phan Diễn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/10/2003
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định