Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
THANH TRA BỘ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 240/KL-TTrB

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2014

 

KẾT LUẬN

THANH TRA CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA SỞ Y TẾ TỈNH HẢI DƯƠNG

Thực hiện Quyết định số 49/QĐ-TTrB ngày 02/4/2014 của Chánh Thanh tra Bộ Y tế về việc thành lập Đoàn thanh tra công tác quản lý nhà nước của Sở Y tế tỉnh Hải Dương và Quyết định số 51/QĐ-TTrB ngày 11/4/2014 của Chánh Thanh tra Bộ Y tế về việc thay đổi thành viên Đoàn thanh tra tại Quyết định số 49/QĐ-TTrB ngày 02/4/2014 của Chánh Thanh tra Bộ Y tế.

Từ ngày 14/4/2014 đến 25/4/2014, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại Sở Y tế tỉnh Hải Dương, địa chỉ số 42, đường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương và một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn.

Xét Báo cáo kết quả thanh tra ngày 13/11/2014 của Đoàn thanh tra,

Kết luận thanh tra như sau:

I. KHÁI QUÁT CHUNG:

Hải Dương là tỉnh thuộc đồng bằng Sông Hồng, quy mô dân số 1.735.184 người, có 10 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố, diện tích tự nhiên là 1.656 km2, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh Hải Dương đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng, phát triển nguồn nhân lực, triển khai nhiều kỹ thuật mới hiện đại, mở rộng mạng lưới, cung ứng thuốc và vật tư y tế, thực hiện tốt chính sách Pháp luật về Bảo hiểm y tế (BHYT)...

+ Về hệ thống y tế công lập:

- Hệ điều trị: gồm 22 bệnh viện, trong đó: 01 bệnh viện đa khoa tỉnh, 08 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 13 bệnh viện đa khoa tuyến huyện;

- Hệ dự phòng: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Truyền thông - giáo dục sức khỏe, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, 12 Trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố;

- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Chi cục Dân số tỉnh; 12 Trung tâm dân số thuộc các huyện/thị xã/thành phố;

+ Hệ thống y tế ngoài công lập bao gồm 1201 cơ sở:

Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là: 658 cơ sở

- Bệnh viện tư nhân: 01

- Phòng khám đa khoa: 30

- Phòng khám chuyên khoa: 210

- Cơ sở dịch vụ y tế: 180

- Phòng chẩn trị y học cổ truyền: 237

Hành nghề dược: 543 cơ sở

- Doanh nghiệp kinh doanh thuốc: 27

- Nhà thuốc (bao gồm cả nhà thuốc bệnh viện): 98

- Quầy thuốc: 238

- Đại lý thuốc: 180 cơ sở

II. KẾT QUẢ THANH TRA:

1. Công tác quản lý nhà nước của Sở Y tế về hành nghề y, y dược cổ truyền tư nhân.

1.1. Công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật:

Trong năm 2012, Sở Y tế đã tổ chức 01 lớp tập huấn phổ biến Luật khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh cho các Sở, ngành có liên quan của tỉnh, các đơn vị trong ngành, Phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố; 12 lớp tập huấn cho các đối tượng hành nghề khám, chữa bệnh thuộc các huyện, thị xã, thành phố; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân trên Đài phát thanh, Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương; Các bản tin của ngành y tế...

1.2. Công tác cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh:

- Sở Y tế Hải Dương đã thực hiện theo nguyên tắc “một cửa” trong công tác tiếp nhận, cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề KCB và Giấy phép hoạt động đối với các cơ sở KCB.

- Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 31/12/2013, Sở Y tế đã cấp xong chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh cho người hành nghề thuộc các bệnh viện công lập trong toàn tỉnh và cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho 100% các bệnh viện công lập. Sở Y tế đã cấp được 875 chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh cho người hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân, đạt tỷ lệ khoảng 80% số lượng chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh. Thẩm định và cấp giấy phép hoạt động cho 460 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân, chiếm khoảng 70% số lượng các cơ sở hành nghề.

- Biên bản thẩm định theo mẫu thống nhất của Sở Y tế, nhưng chưa thể hiện hết các chi tiết về phạm vi chuyên môn, dụng cụ và trang thiết bị y tế, danh mục thuốc, xử lý rác thải, nước thải y tế.

- Hồ sơ lưu được sắp xếp riêng từng cơ sở, nhưng có một số hồ sơ cấp Giấy phép hoạt động (GPHĐ) lưu chưa đầy đủ (một số Hồ sơ không lưu Hợp đồng xử lý rác thải, Chứng chỉ hành nghề của người làm việc tại cơ sở).

Những khó khăn, hạn chế:

- Nhân lực làm công tác quản lý hành nghề y, dược còn ít, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

- Sở Y tế chưa tham mưu cho UBND tỉnh quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn xã, phường. Vì vậy, việc quản lý nhà nước về hành nghề y dược tư nhân ở các xã, phường, thị trấn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.

- Việc quản lý hành nghề đối với các đối tượng đang công tác tại các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đóng trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp nhiều khó khăn. Tại địa bàn tỉnh Hải Dương có Bệnh viện 7 thuộc Quân khu 3, có nhiều bác sỹ, y sỹ hành nghề ngoài giờ nhưng chưa được Bộ Quốc phòng cấp chứng chỉ hành nghề.

- Chức năng, nhiệm vụ của các đối tượng như y sỹ, hộ sinh viên, điều dưỡng, còn chung chung, nên rất khó ghi phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề; văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của người hành nghề do nhiều cơ sở đào tạo cấp, cách ghi còn khác nhau, không ghi rõ thời gian đào tạo, hệ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có những văn bằng không rõ là đào tạo hệ y sỹ hay y tá, hay điều dưỡng nên rất khó khăn cho việc xác định phạm vi chuyên môn khi cấp chứng chỉ hành nghề.

2. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở hành nghề y, y dược cổ truyền ngoài công lập của SYT:

Năm 2013, Sở Y tế không tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch về hành nghề y, y dược cổ truyền ngoài công lập. Sở Y tế đã thanh tra đột xuất các cơ sở có đơn thư phản ánh, theo yêu cầu của Bộ Y tế. Sở Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính 06 cơ sở hành nghề y với tổng số tiền phạt là 68.750.000 đồng.

Việc xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm của Thanh tra Sở đúng quy định của Pháp luật.

3. Kết quả thanh tra trực tiếp việc thực hiện những quy định của pháp luật tại một số cơ sở hành nghề y ngoài công lập trên địa bàn của Đoàn thanh tra.

3.1. Tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, thành phố Hải Dương.

- Bệnh viện còn một số tồn tại như sau:

+ Biển hiệu chưa đúng quy định;

+ Một số Hồ sơ bệnh án ghi chưa đủ các cột mục, thiếu chữ kí của bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên.

+ Phòng chụp X-quang: chưa trang bị đủ số liều kế cho nhân viên,

+ Tại thời điểm thanh tra, dược sỹ phụ trách nhà thuốc vắng mặt, nhưng chưa thực hiện ủy quyền và chưa báo cáo Sở Y tế theo quy định.

3.2. Tại Phòng khám đa khoa Hồng Châu, huyện Ninh Giang:

- Biển hiệu ghi chưa đúng quy định.

- Không có phòng lưu bệnh nhân, phòng cấp cứu chưa đúng quy định.

- Tủ thuốc cấp cứu có danh mục thuốc chưa đúng quy định.

- Sổ sách theo dõi bệnh nhân chưa đúng quy định.

- Tại thời điểm thanh tra: tại tủ thuốc của phòng cấp cứu, Đoàn thanh tra phát hiện Bốn ống thuốc Morphin để cùng với các thuốc thông thường khác, không có ngăn riêng theo quy định.

- Phòng chụp X-quang: tại thời điểm thanh tra, nhân viên không đeo liều kế.

- Phân loại rác thải chưa đúng quy định.

- Các phòng khám chưa đủ điều kiện về vệ sinh.

- Tại thời điểm thanh tra không có bác sỹ răng hàm mặt, cử nhân xét nghiệm; Phòng khám chưa xuất trình được giấy phép hoạt động của quầy thuốc.

3.3. Tại Phòng khám đa khoa Thanh Bình:

- Biển hiệu ghi chưa đúng quy định.

- Phòng chụp X-quang: tại thời điểm thanh tra, nhân viên không đeo liều kế.

- Không thực hiện làm hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân điều trị ngoại trú theo quy định; phiếu xét nghiệm không đúng quy định của Bộ Y tế.

4. Công tác xã hội hóa y tế

4.1. Triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập:

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 17/21 Bệnh viện công lập đang thực hiện xã hội hóa về y tế theo Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế. Trong đó:

- 04 Bệnh viện tuyến tỉnh (BVĐK tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ Sản, Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng) và 13 BVĐK tuyến huyện.

- Có 04 Bệnh viện chưa triển khai gồm: Bệnh viện Phong Chí Linh, Bệnh viện Tâm thần kinh, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi.

4.2. Kết quả thanh tra thực tế: Đoàn đã thanh tra tại 02 Bệnh viện là BVĐK tỉnh Hải Dương và BVĐK Tứ Kỳ:

4.2.1. Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương:

- Về kinh tế và xã hội: người bệnh được tiếp cận, hưởng thụ các kỹ thuật cao ngay tại địa phương, giúp hạn chế bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên, giúp giảm chi phí xã hội, giảm chi phí cho người bệnh; giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

- Về mặt chuyên môn: nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Phát triển được các kỹ thuật cao. Các thầy thuốc được tiếp xúc với các thiết bị y tế tiên tiến, cập nhật được các công nghệ mới, nâng cao được tay nghề cho đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chẩn đoán và điều trị. Rút ngắn thời gian chờ đợi khám, điều trị, phẫu thuật,...

Về quy trình, các bước triển khai thực hiện và hình thức liên doanh, liên kết: Về cơ bản bệnh viện thực hiện theo quy trình triển khai công tác liên doanh, liên kết theo quy định, như: xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ bản đảm bảo thống nhất giữa Đảng - Chính quyền - Công đoàn tại đơn vị; công khai rộng rãi và dân chủ đến toàn thể cán bộ công nhân viên; thực hiện tốt việc tổ chức thu, mức giá thu, biên lai thu và quản lý sử dụng nguồn thu đúng quy định.

- Bệnh viện không thành lập khu riêng biệt hoàn toàn và không hạch toán riêng, độc lập đối với hoạt động xã hội hóa y tế. Các phòng đặt máy nội soi dạ dày, nội soi tai mũi họng, nội soi đại tràng, tán sỏi ngoài cơ thể chưa đảm bảo các điều kiện: tường ẩm mốc, thiếu ánh sáng.

- Giá thiết bị đưa vào liên doanh liên kết chủ yếu dựa vào tờ khai hải quan hoặc hóa đơn mua hàng; không qua đấu thầu hoặc thẩm định. Đoàn kiểm tra một số Hồ sơ máy thấy chỉ có Máy tán sỏi ngoài cơ thể là có Bản thẩm định giá của Công ty thẩm định giá.

- Đối với nhà cửa, cơ sở hạ tầng của đơn vị đưa vào liên kết theo giá ước tính, Bệnh viện không thành lập hội đồng đánh giá giá trị tài sản.

- Một số Hợp đồng liên doanh, liên kết làm còn sơ sài; hợp đồng máy nội soi Tai Mũi Họng không ghi số hợp đồng, ngày, tháng.

- Đoàn kiểm tra thực tế 27 máy tham gia liên doanh, liên kết thấy các máy đều đúng theo Hợp đồng đã kí kết, có giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế, tờ khai hải quan, giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng (CQ) và xuất xứ sản phẩm (CO).

- Theo báo cáo của Sở Y tế: trước năm 2013, việc mua hóa chất, vật tư tiêu hao (HC, VTTH) của các cơ sở y tế công lập được thực hiện theo Văn bản số 687/UBND-VP ngày 19/4/2012 và Văn bản số 564/UBND-VP ngày 06/4/2013 của UBND tỉnh Hải Dương, theo đó các cơ sở y tế được phép:

+ Mua hóa chất, vật tư tiêu hao theo máy y tế: để đảm bảo chất lượng xét nghiệm cận lâm sàng phục vụ công tác chuyên môn, sự đồng bộ giữa HC, VTTH với máy; các máy có sử dụng HC, VTTH theo phần mềm của hãng sản xuất máy cài đặt sẵn trong máy; các cơ sở y tế được mua trực tiếp HC, VTTH của chính hãng sản xuất máy theo giá thống nhất trên toàn quốc (trước khi mua phải thẩm định giá tại các cơ sở có tư cách pháp nhân thẩm định giá).

+ HC, VTTH không theo máy y tế: các cơ sở y tế mua của Công ty cổ phần Dược - Vật tư y tế Hải Dương theo giá thẩm định của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính - Sở Tài chính Hải Dương.

Ngày 25/9/2012, UBND tỉnh Hải Dương có Văn bản số 2047/UBND-VP về việc giao cho Sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung mua HC, VTTH năm 2013, đây là lần đầu tiên tổ chức đấu thầu tập trung, danh mục các mặt hàng HC, VTTH sử dụng trong ngành y tế nhiều, nhưng việc đấu thầu lần 1 không thành công, vì vậy Sở Y tế phải tổ chức đấu thầu lại. Trong thời gian chờ kết quả đấu thầu lại, để có HC, VTTH phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập, Sở Y tế đã báo cáo và được UBND tỉnh Hải Dương cho phép các cơ sở y tế được tiếp tục mua HC, VTTH theo phương thức trước năm 2013 tại văn bản số 640/UBND-VP ngày 18/4/2013.

4.2.2. Bệnh viện đa khoa Tứ Kỳ:

Ban Giám đốc Bệnh viện đã xây dựng Đề án liên doanh, liên kết giai đoạn năm 2010 - 2015 để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động dịch vụ y tế.

Bệnh viện có 01 máy xét nghiệm sinh hóa, 01 máy xét nghiệm huyết học, 01 máy xét nghiệm nước tiểu thực hiện theo hình thức đặt máy, mua vật tư hóa chất của công ty đặt máy; 01 máy siêu âm đa dụng 4 chiều Aloka và 01 máy đo mật độ xương thực hiện theo hình thức góp vốn của tất cả các cán bộ, nhân viên trong bệnh viện. Các máy đều đúng theo Hợp đồng đã kí kết, có giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế, tờ khai hải quan, giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng (CQ) và xuất xứ sản phẩm (CO).

Hồ sơ các thiết bị xã hội hóa về y tế được lưu giữ đủ.

5. Thanh tra việc thực hiện các chính sách và quy định của Pháp luật về Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh:

5.1. Tình hình chung:

Đoàn tiến hành thanh tra tại Sở Y tế tỉnh Hải Dương từ 14/4/2014 đến ngày 25/4/2014, do đến cuối tháng 6/2014, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương mới có kết quả thanh quyết toán kinh phí khám, chữa bệnh BHYT năm 2013, nên Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra hồ sơ, số liệu BHYT năm 2012.

- Năm 2012, tỉnh Hải Dương có 1.057.378 thẻ BHYT lưu hành

- Hiện tại có 302 cơ sở khám, chữa bệnh có ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT, phân bố như sau: tuyến tỉnh có 11 đơn vị, tuyến huyện có 13 đơn vị, 20 Bệnh xá doanh nghiệp, 04 Phòng khám tư nhân, 01 Phòng khám công lập, 253 đơn vị tuyến xã, phường, y tế cơ quan.

5.2. Đoàn thanh tra thực tế tại một số Bệnh viện, Phòng khám đa khoa, kết quả cho thấy:

5.3.1. Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương:

- Hồ sơ, tài liệu, văn bản thực hiện chính sách BHYT theo quy định của pháp luật đầy đủ (văn bản quy phạm pháp luật của liên bộ và văn bản hướng dẫn của ngành)

- Kiểm tra quy trình, thủ tục KCB BHYT: chế độ tiếp đón người bệnh có thẻ BHYT tận tình, chu đáo, có phân luồng KCB, có ghế, phòng chờ cho người bệnh. Có áp dụng công nghệ thông tin (camera giám sát người bệnh đối chiếu với CMND, thẻ BHYT). Thủ tục KCB nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, khoa học hơn so với các bệnh viện chưa áp dụng kỹ thuật này.

- Chế độ kê đơn thuốc, chuyển tuyến bệnh nhân BHYT nội trú và ngoại trú:

+ Qua kiểm tra thực tế 100 đơn thuốc điều trị ngoại trú và 50 bệnh án điều trị nội trú ngẫu nhiên phát hiện một số thiếu sót sau: một số đơn thuốc ngoại trú không ghi rõ tên người nhận thuốc thay cho bệnh nhân (cha, mẹ, anh, chị...). Bệnh viện chưa có quy định chỉ định cụ thể trong một số trường hợp đặc biệt đơn thuốc có chi phí cao.

+ Một số phiếu thanh toán BHYT ghi chép thiếu ngày, tháng, năm, chữ ký của Lãnh đạo bệnh viện, có đơn vừa ghi chuyển viện không vào viện, vừa có phiếu thanh toán lĩnh thuốc BHYT, gạch xóa, gây khó khăn cho việc thẩm định.

+ Bệnh án điều trị tuân thủ chế độ KCB theo Quy chế bệnh viện, chưa phát hiện sai trái hoặc lạm dụng dịch vụ xét nghiệm, thuốc trong quá trình điều trị. Tuy nhiên bệnh án ghi chép cẩu thả, khó đọc, một số chỉ định xét nghiệm và kê đơn thuốc cho người bệnh chưa phù hợp với nhận xét lâm sàng ghi trên bệnh án.

+ Một số trường hợp chuyển tuyến chưa theo đúng quy định chuyên môn, tình trạng bệnh nhân cần chuyển.

- Hợp đồng KCB BHYT: chưa cụ thể các nội dung thỏa thuận, thống nhất giữa hai bên (Bệnh viện và BHXH) gây khó khăn trong việc thanh quyết toán.

- Tại Phòng khám bệnh đa khoa còn có việc quy định trần kê thuốc BHYT cho các bác sỹ.

- Quĩ KCB BHYT năm 2012 vượt 6,5 tỉ đồng, đã thanh toán với BHXH được 60% là 3,9 tỉ đồng. Quỹ KCB BHYT năm 2013 hiện tại Bệnh viện chưa có số liệu báo cáo, dự kiến vượt quỹ khoảng hơn 10 tỉ đồng.

5.3.2. Bệnh viện đa khoa tư nhân Hòa Bình:

- Bệnh viện có Hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT.

- Chế độ tiếp đón người bệnh có thẻ BHYT tận tình, chu đáo, có phân luồng KCB, có ghế, phòng chờ cho người bệnh.

- Chưa có bảng giá riêng các dịch vụ kĩ thuật và danh mục thuốc dùng trong khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT;

- Về Hợp đồng khám, chữa bệnh: chưa thể hiện cụ thể cơ sở Pháp lý các nội dung 02 bên thanh toán kí kết, chưa tạm ứng kinh phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định của nội dung hợp đồng;

- Một số đơn thuốc điều trị ngoại trú chưa ghi rõ người nhà kí thay người bệnh. Một số trường hợp chuyển tuyến chưa đúng chỉ định của chuyên môn.

5.3.3. Bệnh viện đa khoa huyện Tứ Kỳ:

- Chế độ tiếp đón người bệnh có thẻ BHYT tận tình, chu đáo, có phân luồng KCB, có ghế, phòng chờ cho người bệnh.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của BV còn thiếu để nâng cao chất lượng KCB BHYT.

- Hồ sơ bệnh án, thủ tục thanh, quyết toán theo hợp đồng KCB BHYT còn sơ sài, thiếu nhiều phụ lục kèm theo, gây khó khăn cho việc thanh, quyết toán với cơ quan BHXH.

- Quỹ KCB BHYT: còn tình trạng vượt quỹ KCB BHYT (chủ yếu là bệnh nhân thanh toán đa tuyến), gây khó khăn về kinh phí phục vụ cho người bệnh (thuốc, vật tư hóa chất).

5.3.4. Phòng khám đa khoa Hồng Châu, huyện Ninh Giang:

- Phòng khám đa khoa có đủ điều kiện đăng kí khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế.

- Thủ tục thanh, quyết toán đầy đủ, chưa phát hiện sai phạm.

- Chế độ tiếp đón người bệnh có thẻ BHYT tận tình, chu đáo, có phân luồng KCB, có ghế, phòng chờ cho người bệnh.

- Một số đơn thuốc điều trị ngoại trú chưa ghi rõ người nhà kí thay người bệnh. Một số trường hợp chuyển tuyến chưa đúng với tuyến chuyên môn yêu cầu chuyển

6. Công tác quản lý nhà nước về giá thuốc, đấu thầu thuốc của Sở Y tế.

6.1. Công tác quản lý nhà nước về giá thuốc:

6.1.1. Công tác tiếp nhận hồ sơ kê khai lại giá thuốc:

Sở Y tế tỉnh Hải Dương thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ, xem xét kê khai lại giá thuốc theo Thông tư số 50/2011/TTLT-BYT-BTC-BCT ngày 30/12/2011.

6.1.2. Hoạt động của Tổ công tác liên ngành xem xét việc kê khai lại giá thuốc:

- Sở Y tế tỉnh Hải Dương có Quyết định số 755/QĐ-SYT ngày 10/12/2012 về việc kiện toàn Tổ công tác Liên ngành xem xét việc kê khai lại giá thuốc của các cơ sở sản xuất thuốc trên địa bàn tỉnh Hải Dương

- Sau khi tiếp nhận hồ sơ kê khai lại giá thuốc của các cơ sở sản xuất, tổ liên ngành tổ chức họp xem xét tính hợp lý việc kê khai lại giá thuốc. Yêu cầu doanh nghiệp giải trình hoặc điều chỉnh.

- Năm 2013 Sở Y tế tỉnh Hải Dương đã tiếp nhận Hồ sơ kê khai lại giá thuốc của 13 mặt hàng thuốc của Công ty CP Dược VTYT Hải Dương.

- Báo cáo Bộ Y tế kết quả kê khai lại của 13 mặt hàng thuốc của Công ty CP Dược VTYT Hải Dương theo quy định.

6.1.3. Công tác chỉ đạo quản lý giá thuốc:

Sở Y tế đã ban hành Công văn số 729/SYT-NVD ngày 10/9/2013 gửi các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa trong tỉnh, Công ty Cổ phần Dược - Vật tư thiết bị y tế tỉnh về “Tăng cường công tác quản lý giá thuốc trong bệnh viện”, chỉ đạo giám đốc các bệnh viện tăng cường giám sát hoạt động về quy chế chuyên môn nói chung, về công tác quản lý giá mua, giá bán theo quy định tại Thông tư 15/2011/TT-BYT ngày 19/4/2011 của Bộ Y tế quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện.

6.1.4. Công tác Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về quản lý giá thuốc của Sở Y tế tỉnh Hải Dương:

- Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc trên địa bàn:

Nhìn chung các cơ sở đã nghiêm túc chấp hành việc niêm yết giá thuốc và bán theo giá đã niêm yết, chưa phát hiện tình trạng đầu cơ hàng để tăng giá.

- Cơ bản các nhà thuốc, quầy thuốc bệnh viện thực hiện thặng số bán lẻ theo Thông tư 15/2011/TT-BYT của Bộ Y tế.

Sở Y tế tỉnh Hải Dương về cơ bản đã thực hiện việc quản lý nhà nước về giá thuốc theo Thông tư 50/2011/TTLT-BYT-BTC-BCT ngày 30/12/2011; Thông tư 15/2011/TT-BYT ngày 19/4/2011 của Bộ Y tế quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện, các cơ sở đã chấp hành việc niêm yết giá thuốc và bán theo giá đã niêm yết, không đầu cơ găm hàng chờ tăng giá; các nhà thuốc, quầy thuốc thực hiện thặng số bán lẻ theo Thông tư 15/2011/TT-BYT .

6.2. Công tác đấu thầu thuốc tại Sở Y tế tỉnh Hải Dương

- Về xây dựng danh mục thuốc mời thầu:

+ Việc tổ chức đấu thầu và phân chia gói thầu, nhóm thuốc theo đúng hướng dẫn của Luật Đấu thầu, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính; Thông tư 11/2012/TT-BYT ngày 28/6/2012.

+ Tên thuốc mời thầu: Sở Y tế đã thực hiện theo quy định của Bộ Y tế. Sở Y tế có quy định chỉ sử dụng tên thuốc theo danh pháp quốc tế.

+ Thuốc mời thầu nằm trong danh mục thuốc thiết yếu, danh mục thuốc chủ yếu hiện hành của Bộ Y Tế, danh mục thuốc mời thầu của Sở Y tế đã được UBND duyệt theo quy định trên cơ sở dự trù của các cơ sở y tế trong tỉnh.

- Về lựa chọn thuốc trúng thầu

Sở Y tế đã thực hiện theo nguyên tắc:

+ Thuốc đảm bảo hợp lý, an toàn, hiệu quả;

+ Nhà thầu cung cấp phải sẵn có với số lượng đầy đủ, có dạng bào chế, đóng gói phù hợp với điều kiện bảo quản, sử dụng của các cơ sở y tế, cung ứng phải kịp thời;

+ Phù hợp với mô hình bệnh tật, phương tiện kỹ thuật;

+ Ưu tiên thuốc sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng, ưu tiên thuốc của cơ sở sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn GMP.

+ Giá hợp lý.

+ Nhà thầu nào không chấp hành đầy đủ các quy định của Hợp đồng thầu, gây khó khăn thì SYT sẽ ngừng mời các nhà thầu đó tham gia đấu thầu thuốc.

- Về công tác tổ chức đấu thầu:

+ Trong việc đấu thầu cung ứng thuốc SYT đã căn cứ vào Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính; Thông tư 11/2012/TT-BYT ngày 28/6/2012 các văn bản hiện hành khác hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh theo danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại đơn vị, không có thuốc ngoài danh mục của Bộ Y tế. Các thành viên của Tổ chuyên gia, Tổ thẩm định đều đã được đào tạo kiến thức về đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức và cấp chứng chỉ.

+ Trình tự, thủ tục đấu thầu của SYT về cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật, các nhà thầu trúng thầu đã đáp ứng được các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính, thương mại trong hồ sơ mời thầu. Giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh, sai lệch, thương thảo với các nhà thầu đều đảm bảo thấp hơn giá kế hoạch của gói thầu được phê duyệt. Tại thời điểm thanh tra chưa phát hiện có mặt hàng nào trúng thầu cao hơn giá kê khai hoặc giá kê khai lại.

- Việc xây dựng giá kế hoạch, thẩm định giá và kết quả trúng thầu.

Giá kế hoạch xây dựng chưa sát với giá trúng thầu thực tế.

Đối với gói 4 về Dược liệu và các vị thuốc y học cổ truyền (YHCT), tổng trị giá trúng thầu chỉ bằng gần 1/2 so với giá Kế hoạch.

- Về công tác tổ chức đấu thầu:

+ Biên bản đóng thầu và mở thầu ghi chưa đủ họ, tên của một số thành phần tham dự.

+ Việc chấm điểm kỹ thuật thuốc dự thầu chưa chính xác: sản phẩm thuốc 819- Fudophar 400mg nhà thầu HD71 kết quả chấm thầu là 78 điểm nhưng thực tế là 76 điểm do lỗi cộng sai.

Tại hồ sơ của một số nhà thầu: chào thầu sai dạng bào chế so với hồ sơ sản phẩm, có thuốc hết hạn số đăng kí. Đoàn thanh tra đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Hải Dương và các cá nhân liên quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm do đã để xảy ra những sai sót trong quá trình đấu thầu thuốc. Nhanh chóng khắc phục những tồn tại đã nêu trong quá trình thanh tra.

III. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

1. Công tác quản lý nhà nước của Sở Y tế về hành nghề y, y dược cổ truyền ngoài công lập

1.1. Những mặt làm được:

- Sở Y tế tỉnh Hải Dương đã thực hiện theo nguyên tắc “một cửa” trong công tác tiếp nhận, cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề KCB và Giấy phép hoạt động đối với các cơ sở KCB, việc quản lý đã từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập.

- Danh mục hồ sơ xin cấp Chứng chỉ hành nghề KCB và Giấy phép hoạt động được quản lý trên máy vi tính bằng phần mềm do Bộ Y tế triển khai; danh mục hồ sơ được sắp xếp theo nội dung hành nghề (Y, Dược)... thuận tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát.

- Hồ sơ được lưu giữ tại Phòng Quản lý hành nghề, nhìn chung hồ sơ được bảo quản theo đúng quy định.

- Đến ngày 31/12/2013, Sở Y tế đã cấp được 100% chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động cho người hành nghề tại các bệnh viện công lập, 80% chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh cho người hành nghề khám, chữa bệnh ngoài công lập, cấp giấy phép hoạt động cho khoảng 70% các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh ngoài công lập.

- Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Y tế đối với các cơ sở vi phạm đúng quy trình và đúng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

1.2. Những tồn tại:

- Biên bản thẩm định theo mẫu thống nhất của Sở Y tế, nhưng chưa thể hiện hết các chi tiết về phạm vi chuyên môn, dụng cụ y tế, danh mục thuốc, xử lý rác thải, nước thải y tế...

- Hồ sơ lưu được sắp xếp riêng từng cơ sở, có một số hồ sơ cấp Giấy phép hoạt động (GPHĐ) lưu chưa đầy đủ, một số hồ sơ không lưu hợp đồng xử lý rác thải, Chứng chỉ hành nghề của người làm việc tại cơ sở do các giấy tờ còn để nhiều nơi, nên không thuận tiện cho việc thanh tra.

2. Việc thực hiện những quy định của pháp luật tại một số cơ sở hành nghề y ngoài công lập trên địa bàn.

Đoàn thanh tra trực tiếp tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, Phòng khám đa khoa Thanh Bình, thành phố Hải Dương và Phòng khám đa khoa Hồng Châu, huyện Ninh Giang:

2.1. Những mặt làm được

- Ba cơ sở đều có đủ hồ sơ Pháp lý, hồ sơ quản lý lao động, hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội cho các nhân viên làm việc tại cơ sở,

- Các cơ sở đều có dụng cụ, trang thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động được cho phép; cơ sở vật chất, diện tích phù hợp với quy định; trang thiết bị phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh gồm có máy XQuang, CT scanner, siêu âm, xét nghiệm.

2.2. Những tồn tại:

- Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, thành phố Hải Dương: hồ sơ bệnh án ghi chưa đủ các cột mục, thiếu chữ kí; tại thời điểm thanh tra, dược sỹ phụ trách nhà thuốc vắng mặt, nhưng chưa thực hiện ủy quyền và báo cáo Sở Y tế theo quy định, Bệnh viện chưa trang bị đủ liều kế cho nhân viên phòng chụp X-Quang.

- Phòng khám đa khoa Hồng Châu, huyện Ninh Giang: không có phòng lưu bệnh nhân, phòng cấp cứu chưa đúng theo Quy chế bệnh viện; danh mục thuốc trong tủ thuốc thuốc cấp cứu chưa đúng quy định, tại thời điểm thanh tra: tại tủ thuốc của phòng cấp cứu, Đoàn thanh tra phát hiện Bốn ống thuốc Morphin để cùng với các thuốc thông thường khác, không có ngăn riêng theo quy định; Sổ sách theo dõi bệnh nhân chưa đúng quy định.

+ Phân loại rác thải y tế chưa đúng theo quy định,

+ Các phòng khám chưa đủ điều kiện về vệ sinh,

+ Nhân viên phòng chụp X-Quang không đeo liều kế,

+ Tại thời điểm thanh tra: không có bác sỹ răng hàm mặt, cử nhân xét nghiệm, phòng khám chưa xuất trình được giấy phép hoạt động của quầy thuốc.

- Phòng khám đa khoa Thanh Bình, thành phố Hải Dương: tại thời điểm thanh tra, nhân viên phòng chụp X-Quang không đeo liều kế; không thực hiện làm hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân điều trị ngoại trú theo quy định; phiếu xét nghiệm không đúng quy định của Bộ Y tế.

3. Công tác xã hội hóa y tế

3.1. Những mặt làm được

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và Bệnh viện đa khoa Tứ Kỳ:

- Về kinh tế và xã hội: người bệnh được tiếp cận, hưởng thụ các kỹ thuật cao ngay tại địa phương, giúp hạn chế bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên, giúp giảm chi phí cho bệnh viện từ nguồn ngân sách nhà nước, giảm chi phí cho người bệnh; giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

- Về mặt chuyên môn: nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Phát triển được các kỹ thuật cao. Nâng cao được tay nghề cho đội ngũ thầy thuốc. Nâng cao được chất lượng khám, chẩn đoán và điều trị. Rút ngắn thời gian chờ đợi khám, phẫu thuật,...

Về quy trình, các bước triển khai thực hiện và hình thức liên doanh, liên kết:

Về cơ bản bệnh viện thực hiện theo quy trình triển khai công tác liên doanh, liên kết như: xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ bản đảm bảo thống nhất giữa Đảng- Chính quyền - Công đoàn tại đơn vị; triển khai rộng rãi và dân chủ đến toàn thể cán bộ công nhân viên; thực hiện tốt việc tổ chức thu, mức giá thu, biên lai thu và quản lý sử dụng nguồn thu đúng quy định.

3.2. Những tồn tại:

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương: hình thức, nội dung của đề án, việc thực hiện đề án liên doanh liên kết tại một số đề mục chưa đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

4. Việc thực hiện chính sách và Pháp luật về Bảo hiểm y tế trong một số cơ sở khám, chữa bệnh

4.1. Những mặt làm được

- Các cơ sở được thanh tra đều có Hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

- Kiểm tra quy trình, thủ tục KCB BHYT: Chế độ tiếp đón người bệnh có thẻ BHYT tận tình, chu đáo, có phân luồng KCB, có ghế, phòng chờ cho người bệnh. Có áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý khám chữa bệnh BHYT (Bệnh viện Đa khoa tỉnh có triển khai: camera giám sát người bệnh đối chiếu với CMND, thẻ BHYT nhờ vậy thủ tục KCB nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, khoa học hơn so với các bệnh viện chưa áp dụng kỹ thuật này).

- Thủ tục thanh, quyết toán đầy đủ, tại thời điểm thanh tra chưa phát hiện sai phạm.

4.2. Những tồn tại

a) Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương:

- Chế độ kê đơn thuốc, chuyển tuyến bệnh nhân BHYT nội trú và ngoại trú:

+ Một số đơn thuốc ngoại trú không ghi rõ tên người nhận thuốc thay cho bệnh nhân (cha, mẹ, anh, chị...). Bệnh viện chưa có quy định chỉ định cụ thể trong một số trường hợp đặc biệt đơn thuốc có chi phí quá cao.

+ Một số phiếu thanh toán BHYT ghi chép thiếu ngày, tháng, năm, chữ ký của Lãnh đạo bệnh viện, có đơn vừa ghi chuyển viện không vào viện, vừa có phiếu thanh toán lĩnh thuốc BHYT, gạch xóa, gây khó khăn cho việc thẩm định.

+ Bệnh án điều trị tuân thủ chế độ khám chữa bệnh theo Quy chế bệnh viện, bệnh án ghi chép cẩu thả, khó đọc, một số chỉ định xét nghiệm và kê đơn thuốc cho người bệnh chưa phù hợp với nhận xét lâm sàng ghi trên bệnh án.

+ Một số trường hợp chuyển tuyến chưa theo đúng quy định chuyên môn, tình trạng bệnh nhân cần chuyển.

- Hợp đồng khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế: chưa cụ thể các nội dung thỏa thuận, thống nhất giữa Bệnh viện và BHXH, gây khó khăn trong việc thanh quyết toán.

b) Tại Bệnh viện đa khoa tư nhân Hòa Bình:

- Chưa có bảng giá riêng các dịch vụ kĩ thuật và danh mục thuốc dùng trong khám, chữa bệnh cho người có thẻ Bảo hiểm y tế;

- Về Hợp đồng khám, chữa bệnh: chưa thể hiện cụ thể cơ sở Pháp lý các nội dung 02 bên thanh toán ký kết, chưa tạm ứng kinh phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định của nội dung hợp đồng;

- Một số đơn thuốc điều trị ngoại trú: người nhà ký thay người bệnh nhưng không ghi rõ tên và quan hệ với người bệnh. Một số trường hợp chuyển tuyến chưa đúng chỉ định của chuyên môn.

c) Tại Bệnh viện đa khoa huyện Tứ Kỳ:

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của BV còn thiếu để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

- Hồ sơ bệnh án, thủ tục thanh, quyết toán theo hợp đồng khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế còn sơ sài, gây khó khăn cho việc thanh, quyết toán với cơ quan BHXH.

- Quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế: còn tình trạng vượt quỹ KCB BHYT (chủ yếu là bệnh nhân thanh toán đa tuyến), gây khó khăn về kinh phí phục vụ cho người bệnh (thuốc, vật tư hóa chất)

d) Tại Phòng khám đa khoa tư nhân Hồng Châu, huyện Ninh Giang:

Một số đơn thuốc điều trị ngoại trú: người nhà ký thay người bệnh nhưng không ghi rõ tên và quan hệ với người bệnh.

Một số trường hợp chuyển tuyến chưa đúng với tuyến chuyên môn yêu cầu.

5. Công tác quản lý nhà nước về giá thuốc, đấu thầu thuốc của Sở Y tế

5.1. Những mặt làm được

- Sở Y tế tỉnh Hải Dương về cơ bản đã thực hiện việc quản lý nhà nước về giá thuốc theo Thông tư 50/2011/TTLT-BYT-BTC-BCT ngày 30/12/2011; Thông tư 15/2011/TT-BYT ngày 19/4/2011 của Bộ Y tế quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện, các cơ sở đã chấp hành việc niêm yết giá thuốc và bán theo giá đã niêm yết, không phát hiện thấy đầu cơ găm hàng để tăng giá; các nhà thuốc, quầy thuốc thực hiện thặng số bán lẻ theo Thông tư số 15/2011/TT-BYT .

Về nguyên tắc xây dựng danh mục thuốc mời thầu:

- Việc tổ chức đấu thầu và phân chia gói thầu, nhóm thuốc theo đúng hướng dẫn của Luật Đấu thầu, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính; Thông tư 11/2012/TT-BYT ngày 28/6/2012.

- Tên thuốc mời thầu: Sở Y tế đã thực hiện theo quy định của Bộ Y tế. Sở Y tế có quy định chỉ sử dụng tên thuốc theo danh pháp quốc tế.

- Thuốc mời thầu nằm trong danh mục thuốc thiết yếu hiện hành của Bộ Y tế, danh mục thuốc mời thầu của Sở Y tế đã được UBND tỉnh duyệt theo quy định trên cơ sở dự trù của các cơ sở y tế trong tỉnh.

Về nguyên tắc lựa chọn thuốc trúng thầu

Sở Y tế đã thực hiện theo nguyên tắc:

- Thuốc đảm bảo hợp lý, an toàn, hiệu quả;

- Nhà thầu cung cấp phải có sẵn các mặt hàng với số lượng đầy đủ, có dạng bào chế, đóng gói phù hợp với điều kiện bảo quản, sử dụng của các cơ sở y tế; cung ứng phải kịp thời;

- Phù hợp với mô hình bệnh tật, phương tiện kỹ thuật;

- Ưu tiên thuốc sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng, thuốc của cơ sở sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn GMP.

- Giá cả hợp lý.

- Những nhà thầu không chấp hành đầy đủ các quy định của Hợp đồng thầu, gây khó khăn thì SYT sẽ ngừng mời các nhà thầu đó tham gia đấu thầu tiếp.

Về công tác tổ chức đấu thầu:

- Sở Y tế đã căn cứ vào các quy định hiện hành để lập hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh theo danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại đơn vị, không có thuốc ngoài danh mục của Bộ Y tế. Các thành viên của Tổ chuyên gia xây dựng Hồ sơ, Tổ đấu thầu, Tổ thẩm định đều có chứng chỉ về đấu thầu.

- Trình tự, thủ tục đấu thầu của SYT về cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật, các nhà thầu trúng thầu đã đáp ứng được tất cả các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính, thương mại trong hồ sơ mời thầu. Giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh, sai lệch, thương thảo với các nhà thầu đều đảm bảo thấp hơn giá kế hoạch của gói thầu được phê duyệt và thấp hơn giá kê khai hoặc giá kê khai lại.

5.2. Những tồn tại

a) Việc xây dựng giá kế hoạch, thẩm định giá và kết quả trúng thầu.

Giá kế hoạch xây dựng chưa sát với giá trúng thầu thực tế.

b) Về công tác tổ chức đấu thầu:

- Biên bản đóng thầu và mở thầu chưa đủ họ, tên của các thành phần tham dự.

- Việc chấm điểm kỹ thuật thuốc dự thầu sản phẩm thuốc 819-Fudophar 400mg nhà thầu HD71 kết quả chấm thầu là 78 điểm nhưng thực tế là 76 điểm do lỗi cộng sai.

Một số hồ sơ đóng thầu và mở thầu, việc chấm điểm kỹ thuật thuốc dự thầu ở một số hồ sơ, nhà thầu còn sơ sài, chưa đúng với thực tế. Tại hồ sơ của một số nhà thầu: chào thầu sai dạng bào chế so với hồ sơ sản phẩm, có thuốc hết hạn số đăng kí.

IV. KIẾN NGHỊ

1. Đối với Bộ Y tế:

1.1. Cục Quản lý khám, chữa bệnh:

- Tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo nghiệp vụ, phổ biến các quy định mới của Pháp luật về hành nghề y ngoài công lập đến các Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh.

- Nghiên cứu, xem xét phạm vi hoạt động chuyên môn của các đối tượng như y sỹ, hộ sinh viên, điều dưỡng, kĩ thuật viên y học khi cấp chứng chỉ hành nghề tương ứng với văn bằng, chứng chỉ chuyên môn được cấp.

1.2. Đối với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo:

Thống nhất chương trình đào tạo và bằng cấp đối với mỗi loại hình đào tạo, thống nhất nội dung chuyên môn ghi trong văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp của các hệ chuyên môn.

1.3. Vụ Kế hoạch Tài chính:

- Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện công tác xã hội hóa về y tế tại các cơ sở y tế công lập. Tổ chức các lớp tập huấn về công tác xã hội hóa y tế.

1.4. Vụ Bảo hiểm y tế:

- Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, nhằm nâng cao hiệu quả của Bảo hiểm y tế trong công tác phục vụ sức khỏe nhân dân.

1.5. Cục Quản lý Dược:

- Cập nhật đầy đủ, kịp thời giá kê khai của các mặt hàng thuốc trên trang website của Cục quản lý Dược theo quy định.

- Có văn bản hướng dẫn cụ thể về đấu thầu Dược liệu và các vị thuốc y học cổ truyền;

- Đề nghị Cục Quản lý Dược công bố Danh sách các cơ sở sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn PIC/s dưới dạng file excel để thuận tiện cho việc tra cứu trong công tác đấu thầu thuốc;

2. Đối với Sở Y tế tỉnh Hải Dương:

2.1. Công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, y dược cổ truyền tư nhân:

- Việc quản lý, lưu trữ hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, giấy phép hoạt động cho các cơ sở y tế tư nhân phải lưu đầy đủ theo quy định;

- Tăng cường công tác quản lý hành nghề y đảm bảo thời gian cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động theo đúng quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế về hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành những quy định của pháp luật của các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý.

2.2. Công tác xã hội hóa y tế:

- Sở Y tế tỉnh Hải Dương chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện công tác xã hội hóa theo đúng các quy định của Pháp luật.

2.3. Việc thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

- Sở Y tế chỉ đạo các Phòng chức năng đôn đốc các cơ sở y tế được thanh tra trên địa bàn tỉnh khắc phục ngay các tồn tại đã nêu trên (Mục 4.2, Phần III) trong việc thực hiện khám, chữa bệnh BHYT.

- Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn hiểu về chính sách BHYT và thực hiện KCB BHYT đúng pháp luật.

- Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt các chế độ, quy chế mà của Bộ Y tế.

2.4. Công tác quản lý nhà nước về giá thuốc, đấu thầu thuốc của Sở Y tế.

- Rà soát, chấn chỉnh công tác đấu thầu thuốc theo đúng quy định của Luật đấu thầu.

- Kiểm tra, thanh tra, đôn đốc các cơ sở dược thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn dược, các quy định về sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh thuốc đồng thời thực hiện quản lý giá thuốc theo Thông tư số 50/2011/TTLT-BYT-BTC- BCT ngày 30/12/2011 và Thông tư số 15/2011/TT-BYT ngày 19/4/2011 của Bộ Y tế quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện.

Sở Y tế tỉnh Hải Dương căn cứ Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Y tế, xác định rõ trách nhiệm của các phòng chức năng, các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập, các đơn vị có liên quan, nghiêm túc kiểm điểm, nhằm khắc phục những tồn tại và báo cáo Thanh tra Bộ Y tế trước 30 ngày kể từ ngày Công bố Kết luận thanh tra.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế (để báo cáo);
- Thanh tra Chính phủ (để báo cáo);
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế (để đăng tin);
- Sở Y tế tỉnh Hải Dương (để thực hiện);
- Lưu: TTrB, Đoàn thanh tra.

CHÁNH THANH TRA BỘ




Đặng Văn Chính

 

PHỤ LỤC 1

Tổng chi phí năm 2012 là 649.513.162 đồng, trong đó bao gồm:

1

Chi KCB trong tỉnh:

452.014.981.797

69,6%

71,2%

2

Chi thanh toán trực tiếp

947.542.361

0,14%

3

Chi chăm sóc sức khỏe ban đầu

9.393.253.941

1,45%

4

Chi do dư quỹ định suất

244.432.716

1,46%

5

Chi đa tuyến ngoại tỉnh

186.913.636.347

28,8%

28,8%

Phân bố chi phí KCB BHYT trong tỉnh theo tuyến

1

Tổng chi KCB trong tỉnh:

452.014.981.797

100%

2

Tuyến tỉnh chi

214.554.263.368

47,5%

3

Tuyến huyện chi

215.394.499.898

47,6%

4

Tuyến xã chi

22.066.218.531

4,9%

 

PHỤ LỤC 2

CÁC CHỈ SỐ CƠ BẢN VỀ BHYT

* Ngoại tỉnh:

- Bình quân chi phí ngoại trú

918.218đ/lần

- Bình quân chi nội trú

5.635.532đ/lần

*Nội tỉnh:

Bình quân chi phí

- Bình quân chi phí nội trú tuyến tỉnh

313.263đ/lần

- Bình quân chi phí nội trú tuyến tỉnh

2981.169đ/Iần

- Bình quân chi phí ngoại trú tuyến huyện

93.649đ/lần

- Bình quân chi phí nội trú tuyến huyện

939.890đ/Iần

- Bình quân chi phí tuyến xã

21.603đ/lần

* Tần suất KCB BHYT

- Tuyến tỉnh

Ngoại trú: 1,23

Nội trú: 0,03

- Tuyến huyện

Ngoại trú: 1,91

Nội trú: 0,13

- Tuyến xã

Ngoại trú: 1,7

 

* Tỉ lệ dùng thuốc - dịch truyền:

- Tuyến tỉnh

Ngoại trú: 58,4%

Nội trú: 50,5%

- Tuyến huyện

Ngoại trú: 59,5%

Nội trú: 43,3%

* Tỉ lệ cận lâm sàng

- Tuyến tỉnh

Ngoại trú: 24,1%

Nội trú: 24%

- Tuyến huyện

Ngoại trú: 27,4%

Nội trú: 23,4%

* Tỉ lệ phẫu thuật - thủ thuật

- Tuyến tỉnh

Ngoại trú: 14,7%

Nội trú: 8,5%

- Tuyến huyện

Ngoại trú: 9,1 %

Nội trú: 18,1%

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kết luận 240/KL-TTrB năm 2014 thanh tra công tác quản lý nhà nước của Sở Y tế tỉnh Hải Dương do Thanh tra Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 240/KL-TTrB
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/12/2014
  • Nơi ban hành: Thanh tra Bộ Y tế
  • Người ký: Đặng Văn Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản