Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
THANH TRA BỘ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 103/KL-TTrB

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2016

 

KẾT LUẬN THANH TRA

VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ KIỂM NGHIỆM THỰC PHẨM VÀ KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI THỰC PHẨM NHẬP KHẨU TẠI VIỆN Y TẾ CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thực hiện Quyết định số 53/QĐ-TTrB ngày 31/3/2016 của Chánh Thanh tra Bộ Y tế về việc thanh tra việc thực hiện các quy định về kiểm nghiệm thực phẩm và kiểm tra nhà nước (KTNN) về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với thực phẩm nhập khẩu tại Viện Y tế công cộng (YTCC) TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian từ ngày 10/5/2016 đến ngày 28/5/2016, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại Viện YTCC Tp. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan.

Xét Báo cáo kết quả thanh tra số 70/BC-TTrB ngày 02/6/2016 của Đoàn thanh tra và ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Y tế kết luận thanh tra như sau:

I. KHÁI QUÁT THÔNG TIN CHUNG CỦA VIỆN YTCC TP. HỒ CHÍ MINH LIÊN QUAN ĐẾN NỘI DUNG THANH TRA

1. Khái quát chung về quá trình hình thành và phát triển của Viện YTCC Tp. Hồ Chí Minh; cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của Viện:

Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức trên cơ sở của “Viện Quốc gia Y tế công cộng” trước đây, đến ngày 02 tháng 4 năm 1988, Bộ Y tế ra Quyết định số 270/BYT-QĐ thành lập Viện Vệ sinh - Y tế công cộng trực thuộc Bộ Y tế trên cơ sở hợp nhất Phân hiệu Cán bộ Quản lý ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh và Viện Vệ sinh thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ, Viện Vệ sinh - Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, hoạt động theo Điều lệ tổ chức và hoạt động được quy định tại Quyết định số 2390/QĐ-BYT ngày 05/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ngày 10/3/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 808/QĐ-BYT đổi tên Viện Vệ sinh Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh thành Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 16/7/2015, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2963/QĐ-BYT về việc ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Viện Y tế công cộng Tp. Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Y tế, theo đó Viện YTCC Tp. Hồ Chí Minh được Bộ trưởng Bộ Y tế giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện như sau:

Chức năng của Viện: Viện Y tế công cộng Tp. Hồ Chí Minh là tổ chức nghiên cứu khoa học có chức năng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách: đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; chỉ đạo chuyên môn tuyến dưới: truyền thông giáo dục sức khỏe và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế công cộng; tham gia hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; tổ chức cung cấp dịch vụ công và dịch vụ khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực y tế công cộng trong khu vực được phân công phụ trách.

Nhiệm vụ của Viện bao gồm các hoạt động: Nghiên cứu khoa học, đào tạo, chỉ đạo tuyến, truyền thông giáo dục và nâng cao sức khỏe, hợp tác quốc tế, cung ứng dịch vụ thuộc lĩnh vực chuyên ngành theo nhu cầu của các cá nhân, tổ chức, quản lý đơn vị và tham gia hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế công cộng, bao gồm:

- Thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu theo sự chỉ định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Kiểm nghiệm các chỉ tiêu đăng ký, các chỉ tiêu kiểm tra trọng điểm về chất lượng, an toàn thực phẩm;

- Kiểm nghiệm mẫu thực phẩm trong các vụ ngộ độc để tìm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm;

- Chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy trong lĩnh vực ATTP khi có đủ năng lực và được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật;

- Kiểm nghiệm, giám sát, đánh giá chất lượng các nguồn nước trong khu vực được phân công;

- Phối hợp kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế:

Cơ cấu, tổ chức của Viện bao gồm: 09 phòng chức năng, 8 khoa chuyên môn và 5 trung tâm. Trong đó có Phòng KTNN về ATTP nhập khẩu, Phòng Quản lý chất lượng, Khoa Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, Trung tâm Kiểm nghiệm ATTP khu vực phía Nam là những đơn vị của Viện liên quan đến công tác kiểm nghiệm thực phẩm và KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu.

II. KẾT QUẢ KIỂM TRA, XÁC MINH

1. Về kiểm nghiệm thực phẩm tại Viện YTCC Tp. Hồ Chí Minh

1.1. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và nhân sự phục vụ công tác kiểm nghiệm thực phẩm:

Cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công tác kiểm nghiệm:

Năng lực xét nghiệm của Labo: Tính đến năm 2016, Viện YTCC thành phố Hồ Chí Minh đã được Văn phòng công nhận chất lượng (BoA) đánh giá và công nhận 150 chỉ tiêu (102 chỉ tiêu trong thực phẩm) phù hợp theo ISO/IEC 17025:2005 mang mã số VILAS 219 (Quyết định số 483.15/QĐ-VPCNCL ngày 07/12/2015), bao gồm các La bô như sau:

- Labo Vi sinh thực phẩm: Bao gồm labo vi khuẩn, labo virus, labo sinh học phân tử - GMO, labo vi nấm - ký sinh trùng.

- Labo Lý Hóa thực phẩm.

- Labo Sắc ký.

- Labo AAS.

Ngoài ra, Viện có hai labo Vật lý môi trường và Hóa độc chất môi trường (thuộc Khoa xét nghiệm) hỗ trợ kiểm nghiệm các chất phóng xạ trong thực phẩm và các chất thôi nhiễm trong bao bì chứa đựng thực phẩm.

Viện chưa triển khai được đối với một số chỉ tiêu là các hoạt chất sinh học trong thực phẩm chức năng. Đây là đối tượng hầu như chưa có phương pháp thử chuẩn.

Trang thiết bị được hiệu chuẩn, kiểm tra, bảo trì định kỳ, việc kiểm nghiệm thực phẩm được thực hiện theo quy trình do Viện ban hành.

Viện có kho chung và phòng riêng tại Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm để bảo quản hóa chất xét nghiệm dùng trong kiểm nghiệm thực phẩm, song hóa chất xét nghiệm chưa được sắp xếp hợp lý.

Về nhân sự: Hiện tại, Viện YTCC Tp.Hồ Chí Minh có tổng số 51 người tham gia phục vụ công tác kiểm nghiệm thực phẩm, trong đó có 01 tiến sĩ; 14 thạc sĩ, chuyên khoa 1; 28 kỹ sư, cử nhân; 4 kỹ thuật viên và 4 người thuộc lĩnh vực khác. Các cán bộ được bố trí vào các vị trí:

- 05 cán bộ quản lý (03 hóa lý và 02 vi sinh)

- 05 nhân viên làm công tác quản lý mẫu - ra kết quả

- 03 nhân viên làm công tác chuẩn bị dụng cụ

- 26 nhân viên kiểm nghiệm lĩnh vực hóa lý

- 12 nhân viên kiểm nghiệm lĩnh vực vi sinh

Tất cả các công chức, viên chức đều tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về Hệ thống chất lượng theo ISO 17025:2005.

Hằng năm, Trung tâm đều cử công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo về chuyên môn, tham gia các khóa hội thảo, tập huấn, tham quan học hỏi các phòng kiểm nghiệm trong và ngoài nước. Đồng thời thực hiện công tác đào tạo nội bộ và đánh giá tay nghề dựa trên mẫu chuẩn, mẫu lặp, phân tích tái lặp...

1.2. Kết quả về kiểm nghiệm thực phẩm tại Viện:

Việc kiểm nghiệm mẫu thực phẩm được thực hiện tại Viện YTCC Tp.Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

- Mẫu giám sát ngộ độc: Các mẫu ngộ độc từ các Chi cục an toàn thực phẩm, phần lớn là từ Chi cục ATVSTP thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bình Phước... gửi về. Qua kết quả kiểm nghiệm, đa số các mẫu bị nhiễm vi khuẩn, độc tố, đặc biệt là ngộ độc nhộng ve sầu ở Bình Phước vào tháng 3/2015.

- Mẫu thanh tra, giám sát: Hầu hết, các mẫu được kiểm nghiệm ở các chỉ tiêu là mối nguy về ATTP như các chất tăng trọng trong thịt, hàn the trong chả, polyphosphate trong chả, metanol trong rượu, các chất bảo quản trong bánh, nước chấm, gia vị.... và chỉ tiêu công bố trong thực phẩm chức năng.

- Mẫu dịch vụ: Do các đơn vị đề nghị kiểm nghiệm dịch vụ.

Tổng số mẫu sản phẩm được kiểm nghiệm như sau:

Mẫu kiểm nghiệm

Năm 2014

Năm 2015

Hai tháng đầu năm 2016

Mẫu thanh tra

641

882

152

Tổng số đợt

107

161

28

Tổng số mẫu

534

721

124

Mẫu giám sát

242

711

3

Tổng số đợt

12

30

01

Tổng số mẫu

230

681

02

Mẫu dịch vụ

186.853

188.784

20.000

Tổng số mẫu

25.027

25.263

2.915

Tổng số chỉ tiêu

161.826

163.521

17.085

Lĩnh vực vi sinh thực phẩm

55.654

49.222

5.403

Tổng số mẫu

11.481

10.789

1.290

Tổng số chỉ tiêu

44.173

38.433

4.113

Lĩnh vực hóa thực phẩm

106.411

101.520

10.791

Tổng số mẫu

22.800

22.950

2.600

Tổng số chỉ tiêu

83.611

78.570

8.191

1.3. Kết quả kiểm tra của Đoàn về hồ sơ kiểm nghiệm thực phẩm

Trên cơ sở báo cáo của Viện và qua nghiên cứu các hồ sơ, tài liệu có liên quan do Viện cung cấp trong năm 2014 và năm 2015: Bao gồm hồ sơ kiểm nghiệm giám sát chủ động (Mẫu thanh tra, giám sát, mẫu giám sát ngộ độc); kiểm nghiệm mẫu dịch vụ và mẫu kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu để xem xét, đánh giá việc thực hiện các quy định về kiểm nghiệm thực phẩm tại Viện YTCC Tp. Hồ Chí Minh. Kết quả xem xét, đánh giá của Đoàn thanh tra được tổng hợp như sau:

1.3.1. Về công tác giám sát chủ động:

Qua xem xét hồ sơ giám sát chủ động năm 2014 và 2015 do Viện cung cấp ghi nhận:

Những mặt đã làm được:

- Hằng năm, Viện có xây dựng kế hoạch giám sát theo năm, theo tháng và triển khai công tác giám sát theo đúng kế hoạch.

- Việc triển khai công tác giám sát chủ động được thực hiện theo chương trình đã được Bộ Y tế phê duyệt và có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, các đoàn thanh tra trong và ngoài ngành trong công tác kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về ATTP.

- Việc thực hiện quy trình giám sát được thực hiện đầy đủ các bước: Lấy mẫu, tập hợp mẫu, gửi mẫu kiểm nghiệm, nhận kết quả kiểm nghiệm và báo cáo kết quả giám sát về Bộ Y tế.

Tồn tại:

Năm 2014 chưa báo cáo ngay về cơ quan quản lý đối với các mẫu giám sát không đạt chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định.

1.3.2. Về công tác kiểm nghiệm dịch vụ:

Đoàn tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên 234 hồ sơ kiểm nghiệm dịch vụ, trong đó bao gồm 53 hồ sơ tháng 12/2014; 133 hồ sơ tháng 6/2015 và 48 hồ sơ tháng 12/2015. Kết quả kiểm tra nhận thấy việc kiểm nghiệm thực phẩm được thực hiện theo quy trình kiểm nghiệm do Viện ban hành, đáp ứng yêu cầu về nội dung và thời gian theo quy định.

Tồn tại:

- Mẫu các Phiếu ghi chép trong quy trình kiểm nghiệm và mẫu Phiếu kết quả kiểm nghiệm của Viện ban hành không có mục ghi số lô, ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm, do vậy thông tin về mẫu kiểm nghiệm trên các Phiếu không có thông tin số lô, ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm, kể cả các sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn đã có đầy đủ những thông tin này trên bao bì.

- Khoảng 10% hồ sơ được kiểm tra không đầy đủ chữ ký của người đăng ký tại Phiếu nhận mẫu hoặc người gửi mẫu hoặc người nhận mẫu tại Phiếu gửi mẫu đến la bô.

- Khoảng 10% hồ sơ được kiểm tra (phổ biến hơn đối với các sản phẩm có tiếng nước ngoài) ghi tên sản phẩm không hoàn toàn phù hợp với tên sản phẩm trong hồ sơ công bố.

- Đối với các hợp đồng kiểm nghiệm với nhà thầu phụ, ghi ngày kiểm nghiệm là ngày gửi mẫu đi nhà thầu phụ để đăng ký kiểm nghiệm.

- Hóa chất xét nghiệm bảo quản tại kho chưa được sắp xếp hợp lý.

2. Kết quả thanh tra việc thực hiện các quy định về KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu tại Viện YTCC Tp. Hồ Chí Minh

2.1. Về tổ chức và nhân sự phục vụ công tác KTNN đối với thực phẩm nhập khẩu:

Về tổ chức: Viện Y tế công cộng TP.Hồ Chí Minh là đơn vị tham gia thực hiện công tác KTNN về ATTP nhập khẩu theo chỉ định của Bộ Y tế và Bộ Công thương.

Việc KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu được thực hiện theo quy trình do Viện ban hành trên cơ sở căn cứ Quyết định số 23/2007/QĐ-BYT ngày 29/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành “Quy chế kiểm tra nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu”, Thông tư số 28/2013/TT-BCT ngày 06/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương; Thông tư số 52/2015/TT-BYT ngày 21 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu và hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Về nhân sự: Phòng KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu có 26 biên chế (20 nữ, 06 nam), được bố trí thành 02 bộ phận: Tổ Nghiệp vụ có 11 người và Tổ Kiểm tra có 15 người. Trong 26 người có 8 người có trình độ sau đại học và 18 người có trình độ đại học bao gồm các chuyên ngành: Bác sĩ, Cử nhân y tế công cộng, Kỹ sư công nghệ thực phẩm, Cử nhân Công nghệ sinh học; 22/26 cán bộ được đào tạo, cấp chứng chỉ lấy mẫu theo Thông tư số 14/2011/TT-BYT ngày 01/4/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn chung về lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng VSATTP.

2.2. Kết quả việc thực hiện các quy định về KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu:

2.1.1. Kết quả công tác KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu từ ngày 01/01/2014 đến 29/02/2016:

Nội dung

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016 (02 tháng đầu năm)

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

Tổng số lô hàng đăng ký và chỉ định phương thức kiểm tra

10.827
(28 lô không đạt)

11.234
(21 lô không đạt)

1.534
(03 lô không đạt)

- Số lô hàng kiểm tra chặt

0

0,00

49

0,44

17

1,11

- Số lô hàng được kiểm tra giảm nhẹ

6,710

61,97

7,050

62,76

975

63,56

- Số lô hàng kiểm tra thông thường

3,360

31,03

3,585

31,91

450

29,34

- Số lô hàng chỉ kiểm tra hồ sơ

757

7,00

550

4,90

92

6,00

2.2.2. Nguyên nhân các lô hàng không đạt về chất lượng hàng nhập khẩu:

+ Không đạt là vi sinh vật, phụ gia thực phẩm: 26 lô (50%),

+ Không đạt về chỉ tiêu chất lượng (vitamin, chất khoáng, hoạt chất sinh học trong thực phẩm chức năng): 19 lô (36,54%).

+ Hết hạn sử dụng: 05 lô (9,62%).

+ Sản phẩm bị hỏng, cháy, biến dạng 02 lô (3,85%).

2.2.3. Biện pháp xử lý các trường hợp không đạt yêu cầu:

+ Tái xuất: 25 trường hợp

+ Tái chế: 02 trường hợp

+ Tiêu hủy: 21 trường hợp

+ Chuyển đổi mục đích sử dụng: 01 trường hợp

+ Doanh nghiệp chưa đề xuất: 03 trường hợp

2.3. Kết quả kiểm tra của Đoàn:

Đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra, xem xét hồ sơ KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu của 52 lô hàng không đạt chất lượng hàng nhập khẩu trong năm 2014 và 2015, kết quả kiểm tra ghi nhận: Về cơ bản việc kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu được thực hiện theo đúng quy trình kiểm tra nhà nước do Viện ban hành, đáp ứng yêu cầu về nội dung và thời gian theo quy định.

Tồn tại:

Theo báo cáo của Viện khi có kết quả kiểm nghiệm không đạt, Viện không ra văn bản thông báo và báo cáo về Bộ Y tế ngay mà chỉ thông báo cho doanh nghiệp qua điện thoại và chỉ ra thông báo lô hàng không đạt yêu cầu khi doanh nghiệp đã chấp nhận kết quả kiểm tra đối với lô hàng.

3. Kết quả kiểm tra, xác minh việc thực hiện các quy định về kiểm nghiệm thực phẩm và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu tại một số cơ sở thực phẩm

Căn cứ Quyết định, Kế hoạch của Đoàn đã được Chánh Thanh tra Bộ Y tế phê duyệt, Đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra, xác minh tại 13 cơ sở thực phẩm có kiểm nghiệm thực phẩm, KTNN về ATTP tại Viện YTCC Tp. Hồ Chí Minh. Quá trình kiểm tra, xác minh Đoàn thanh tra tập trung chủ yếu xem xét việc thực hiện các quy định về kiểm nghiệm định kỳ đối với sản phẩm thực phẩm và việc KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu, kết quả kiểm tra, xác minh ghi nhận:

- Các cơ sở được Viện YTCC Tp.Hồ Chí Minh hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi khi cơ sở tiến hành kiểm nghiệm thực phẩm và đăng ký kiểm tra nhà nước về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu tại Viện.

- 12/13 cơ sở được kiểm tra, xác minh báo cáo 100% lô hàng nhập về Việt Nam được kiểm tra nhà nước và chỉ lưu hành sản phẩm khi có Giấy xác nhận lô hàng đạt chất lượng hàng nhập khẩu. Đối với các lô hàng không đạt yêu cầu chất lượng hàng nhập khẩu đã được công ty báo cáo với Viện Y tế công cộng Tp.Hồ Chí Minh, Chi Cục Hải quan và thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định (Tiêu hủy hoặc tái xuất).

- 10/13 cơ sở đã thực hiện đầy đủ theo quy định về kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm theo quy định.

- 03 cơ sở chưa thực hiện kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm đầy đủ theo quy định, công ty báo cáo do chưa cập nhật được quy định này, chưa được cơ quan chức năng nào hướng dẫn và đã thực hiện ngay việc đăng ký kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm theo quy định ngay khi Đoàn thanh tra đến kiểm tra, xác minh và hướng dẫn.

- 01 cơ sở bán sản phẩm khi chưa có Giấy thông báo kết quả đối với lô hàng nhập khẩu (Đã được thông báo qua điện thoại là lô hàng không đạt chất lượng hàng nhập khẩu). Đoàn thanh tra đã yêu cầu cơ sở dừng ngay việc lưu hành sản phẩm, bảo quản nguyên trạng, thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định và Đoàn thanh tra sẽ tiến hành xem xét, xử lý vi phạm theo quy định.

III. KẾT LUẬN

1. Về việc thực hiện các quy định về kiểm nghiệm thực phẩm, kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu tại Viện YTCC Tp. Hồ Chí Minh

1.1. Những kết quả tích cực

Công tác kiểm nghiệm thực phẩm, KTNN đối với thực phẩm nhập khẩu đã được Viện Y tế công cộng Tp. Hồ Chí Minh quan tâm, triển khai thực hiện cơ bản theo đúng các quy định của Luật ATTP và của Bộ Y tế, cụ thể là:

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị được trang bị đầy đủ đáp ứng yêu cầu về kiểm nghiệm thực phẩm. KTNN đối với thực phẩm nhập khẩu;

- Đội ngũ nhân sự đủ về số lượng, được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, được bố trí tại các bộ phận theo từng công việc;

- Công tác đào tạo cán bộ được quan tâm và thực hiện thường xuyên;

- Các quy trình làm việc được xây dựng và ban hành đầy đủ;

- Công tác giám sát chủ động phục vụ quản lý nhà nước về ATTP được chú trọng và triển khai tích cực;

- Về cơ bản việc kiểm nghiệm thực phẩm, kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu được thực hiện theo đúng các quy định pháp luật và các quy trình do Viện ban hành, tuân thủ các quy định về chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu về nội dung và thời gian theo quy định.

- Viện YTCC Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, các đoàn thanh tra, kiểm tra trong và ngoài ngành trong việc kiểm nghiệm thực phẩm, KTNN đối với thực phẩm nhập khẩu phục vụ công tác quản lý nhà nước về ATTP.

1.2. Tồn tại:

- Việc ghi chép thông tin trên các Phiếu trong quy trình kiểm nghiệm chưa đầy đủ hoặc chưa hoàn toàn chính xác:

+ Không có thông tin số lô, ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm, kể cả các sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn đã có đầy đủ những thông tin này trên bao bì.

+ Khoảng 10% hồ sơ được kiểm tra không đầy đủ chữ ký của người đăng ký tại Phiếu nhận mẫu hoặc người gửi mẫu hoặc người nhận mẫu tại Phiếu gửi mẫu đến la bô.

+ Khoảng 10% hồ sơ được kiểm tra (phổ biến hơn đối với các sản phẩm có tiếng nước ngoài) ghi tên sản phẩm không hoàn toàn phù hợp với tên sản phẩm trong hồ sơ công bố.

+ Đối với các hợp đồng kiểm nghiệm với nhà thầu phụ, ghi ngày kiểm nghiệm là ngày gửi mẫu đi nhà thầu phụ để đăng ký kiểm nghiệm.

- Năm 2014 chưa báo cáo ngay về cơ quan quản lý đối với các mẫu giám sát không đạt chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định

- Hóa chất xét nghiệm bảo quản tại kho chưa được sắp xếp hợp lý.

2. Việc thực hiện quy định về kiểm nghiệm thực phẩm và KTNN đối với thực phẩm nhập khẩu tại 13 cơ sở được kiểm tra, xác minh:

- 10/13 cơ sở đã thực hiện đầy đủ theo quy định về kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm theo quy định, 03/13 cơ sở chưa thực hiện chưa đầy đủ theo quy định. Theo báo cáo của công ty do chưa cập nhật được quy định này, chưa được cơ quan chức năng nào hướng dẫn và công ty đã thực hiện ngay việc đăng ký kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm theo quy định ngay khi Đoàn thanh tra đến kiểm tra, xác minh và hướng dẫn.

- 12/13 cơ sở được kiểm tra, xác minh thực hiện đúng quy định về KTNN đối với thực phẩm nhập khẩu; 01/13 cơ sở bán sản phẩm khi chưa có Giấy thông báo kết quả đối với lô hàng nhập khẩu.

3. Một số bất cập liên quan công tác quản lý nhà nước về kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và kiểm tra nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu

Qua đợt thanh tra, theo báo cáo của Viện YTCC Tp. Hồ Chí Minh hiện nay còn một số điểm bất cập liên quan công tác quản lý nhà nước về kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và kiểm tra nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, cụ thể như sau:

3.1. Một số bất cập liên quan đến thu phí quản lý an toàn thực phẩm và phí kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm tại Thông tư số 149/2013/TT-BTC:

a) Tại biểu số 2, mức thu phí quản lý an toàn thực phẩm, dòng thứ tự số 4 quy định nội dung khoản thu “Phí kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu (chưa bao gồm phí kiểm nghiệm), cột đơn vị tính “1 lần/lô sản phẩm” là không phù hợp (đề nghị sửa thành “1 lần/lô hàng”).

b) Tại biểu số 2, mức thu phí quản lý an toàn thực phẩm, dòng thứ tự số 5 quy định nội dung khoản thu “Phí kiểm nghiệm theo phương thức kiểm tra chặt (kiểm nghiệm toàn diện) về chất lượng hàng hóa đối với sản phẩm nhập khẩu, mức thu theo phí kiểm nghiệm các chỉ tiêu thực tế”, đề nghị quy định rõ hơn đối với sản phẩm nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thường có thu phí kiểm nghiệm hay không?

c) Tại biểu số 3, mức thu phí kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, đề nghị tách các chỉ tiêu thực phẩm và nước thành hai nhóm; sắp xếp trật tự và không để trùng lặp các chỉ tiêu: xem lại các phương pháp đã hết hiệu lực và có thể xem xét áp dụng một số phương pháp dùng chung cho các phòng thí nghiệm.

3.2. Một số bất cập liên quan đến công tác kiểm tra nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu:

Công tác kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu chưa có sự kết nối thông tin giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành và giữa cơ quan kiểm tra chuyên ngành với Hải quan. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng lô hàng nhập khẩu khi kiểm tra tại cơ quan kiểm tra chuyên ngành có kết quả không đạt yêu cầu nhập khẩu, doanh nghiệp chuyển hồ sơ sang cơ quan kiểm tra chuyên ngành khác để kiểm tra và có kết quả đạt yêu cầu nhập khẩu. Đối với tình trạng trên, cơ quan kiểm tra chuyên ngành và cơ quan Hải quan không thể kiểm soát và chỉ phát hiện khi doanh nghiệp xuất trình kết quả kiểm tra. Vì vậy, đề nghị Cục An toàn thực phẩm tham mưu, trình Lãnh đạo Bộ xem xét, xây dựng hệ thống thông tin, liên lạc giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành nhằm thông báo, cập nhật kịp thời các lô hàng có kết quả kiểm tra chuyên ngành không đạt yêu cầu nhập khẩu để tránh tình trạng nêu trên.

IV. CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ THEO THẨM QUYỀN ĐÃ ÁP DỤNG

Trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra đã nhắc nhở và hướng dẫn Viện Y tế công cộng Tp. Hồ Chí Minh và các cơ sở thực phẩm được xác minh khắc phục một số tồn tại, thiếu sót trong việc thực hiện các quy định về kiểm nghiệm thực phẩm và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu. Ngay sau khi được Đoàn thanh tra chỉ ra một số điểm còn tồn tại, Viện Y tế công cộng Tp. Hồ Chí Minh đã thực hiện ngay việc khắc phục. Tính đến thời điểm ngày 13/6/2016, Viện Y tế công cộng Tp. Hồ Chí Minh đã khắc phục hầu hết các tồn tại được nêu trong phần kết quả kiểm tra, xác minh và đã có báo cáo giải trình gửi về Thanh tra Bộ Y tế, trừ một số tồn tại liên quan đến những bất cập do văn bản quản lý (Thông tư số 149/2013/TT-BTC) hoặc điều kiện bảo đảm cho công tác kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu.

Đối với Công ty TNHH OMNI Nutrition Việt Nam, bán hàng khi chưa có Giấy thông báo kết quả đối với lô hàng nhập khẩu, Đoàn thanh tra sẽ xem xét, xử lý theo quy định.

V. KIẾN NGHỊ

1. Đề nghị Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát, khắc phục những tồn tại trong công tác kiểm nghiệm thực phẩm và KTNN về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu như đã nêu trong phần nhận xét, báo cáo kết quả khắc phục về Thanh tra Bộ Y tế trước ngày 30/6/2016.

2. Đề nghị Cục An toàn thực phẩm nghiên cứu, rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến phí quản lý an toàn thực phẩm và phí kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quy định tại Thông tư số 149/2013/TT-BTC và những bất cập liên quan đến công tác kiểm tra nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu như đã nêu tại mục 3 phần III trên đây.

3. Đề nghị Cục An toàn thực phẩm nghiên cứu, tham mưu Lãnh đạo Bộ xem xét, xây dựng hệ thống thông tin, liên lạc giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành nhằm thông báo, cập nhật kịp thời các lô hàng có kết quả kiểm tra chuyên ngành không đạt yêu cầu nhập khẩu.

4. Đề nghị Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Thanh tra Sở tiếp tục theo dõi, giám sát các cơ sở thực phẩm đã được kiểm tra, xác minh có những tồn tại, vi phạm (căn cứ biên bản kiểm tra, xác minh tại từng cơ sở đã được giao cho Thanh tra Sở Y tế 01 bản). Trường hợp cơ sở không thực hiện biện pháp khắc phục hoặc có những vi phạm mới, đề nghị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định về kiểm nghiệm thực phẩm và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu tại Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh và một số cơ sở thực phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Thanh tra Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tháng 4 năm 2016. Chánh Thanh tra Bộ giao Trưởng Đoàn thanh tra công khai Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long (để b/c);
- Viện YTCC TP. HCM (để thực hiện);
- Cục ATTP (để phối hợp chỉ đạo);
- Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh (để thực hiện quản lý các cơ sở thực phẩm được kiểm tra, xác minh thuộc địa bàn quản lý);
- Cổng Thông tin điện tử BYT (để đăng tin);
- Lưu: TTrB; P8; Đoàn thanh tra.

CHÁNH THANH TRA BỘ




Đặng Văn Chính

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kết luận 103/KL-TTrB năm 2016 thanh tra việc thực hiện quy định về kiểm nghiệm thực phẩm và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu tại Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh do Thanh tra Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 103/KL-TTrB
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 16/06/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đặng Văn Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/06/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản