ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6529/SYT-NVY | TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 10 năm 2007. |
KHẨN CẤP DẬP DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT THÁNG 11, 12 NĂM 2007
Trong thời gian vừa qua, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp tích cực ngăn chặn dịch Sốt xuất huyết (SXH), nhưng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên cả nước cũng như tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục gia tăng. Tại thành phố Hồ Chí Minh, tổng số trường hợp mắc bệnh SXH trong 10 tháng đầu năm 2007 là 7564 (so với cùng thời kỳ năm 2006 là 6898 trường hợp), trong đó 8 trường hợp tử vong (so với 4 ca năm 2006) và hiện nay mỗi tuần có khoảng trên 400 trường hợp mới mắc nhập viện.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phun hoá chất dập dịch SXH tại TP HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tháng 11,12 năm 2007 nhằm chặn đứng sự phát triển và lan rộng của dịch SD/SXHD tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bằng cách đồng loạt phun hóa chất diệt đàn muỗi nhiễm vi rút Dengue song song với các biện pháp diệt lăng quăng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM xây dựng Kế hoạch khẩn cấp dập dịch SXH tại thành phố Hồ Chí Minh như sau:
- Chặn đứng ngay sự phát triển và lan rộng của dịch bệnh SXH tại thành phố Hồ Chí Minh bằng cách đồng loạt phun hoá chất diệt đàn muỗi nhiễm vi rút Dengue song song với các biện pháp diệt lăng quăng.
- Tạo cơ sở để khống chế dịch năm 2008.
1. 100% các ổ dịch SXH và vùng có nguy cơ phát dịch được xử lý diệt muỗi truyền bệnh bằng phun hoá chất
2. 100% các ổ dịch SXH và vùng có nguy cơ phát dịch được xử lý diệt lăng quăng
3. 100% số hộ gia đình tại các nơi thực hiện chiến dịch được tuyên truyền và tham gia hưởng ứng đợt dập dịch khẩn cấp
4. 100% các bệnh viện có điều trị bệnh nhân SXH tổ chức diệt lăng quăng và phun xịt thuốc diệt muỗi.
III. PHẠM VI XỬ LÝ VÀ PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ
1. Phạm vi xử lý
- Tất cả 322 phường/xã/thị trấn (gọi tắt là xã) của 24 quận/huyện của TPHCM
- Mỗi quận/huyện xác định các ổ dịch của từng xã để tiến hành dập dịch.
- Tất cả các bệnh viện có điều trị bệnh nhân SXH như: 24 BV quận huyện, các bệnh viện thành phố: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh Nhiệt đới, Nhân dân Gia Định, Đa khoa Thủ Đức.
2. Phương pháp xử lý
- Phun không gian hoá chất diệt muỗi dưới dạng thể tích hạt cực nhỏ (ULV) bằng máy phun ULV đeo vai và máy phun lớn đặt trên xe ô tô.
- Phun theo kiểu cuốn chiếu. Lấy khu phố/ấp làm đơn vị để xây dựng kế hoạch. Dịch xảy ra ở khu phố/ấp nào thì phun hoá chất ở tất cả các hộ gia đình thuộc khu phố/ấp đó. Nếu một phường/xã/thị trấn nào có trên 50% số khu phố/ấp có dịch thì phun toàn bộ xã đó.
- Phun đồng loạt trên 24 quận/huyện. Tại mỗi quận/huyện, phun lần lượt từ xã này đến xã khác, theo thứ tự ưu tiên: phun ổ dịch lớn trước, đến các ổ dịch vừa, ổ dịch nhỏ và sau cùng là vùng có nguy cơ phát dịch.
- Kết hợp với công tác truyền thông vận động nhân dân hưởng ứng, hợp tác thực hiện việc phun xịt hoá chất diệt muỗi (mở các cửa, dọn dẹp nhà, che đậy thức ăn…) và diệt lăng quăng ở từng hộ gia đình.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHIẾN DỊCH
1. Kiện toàn hoạt động các đội phòng chống dịch phường xã và thành lập các tổ xung kích dập dịch SXH tại từng khu phố/ấp cần dập dịch
+ Kiện toàn hoạt động các đội chống dịch phường xã:
- Kiện toàn lại các đội phòng chống dịch phường xã, đảm bảo hoạt động thực chất và có hiệu quả.
- Đưa đội phòng chống dịch tham gia thực hiện chiến dịch:
+ Tham gia vào đội phun hóa chất
+ Tổ chức tuyên truyền về kế hoạch dập dịch, vận động hộ gia đình hợp tác với đội phun thuốc: mở cửa nhà, cửa sổ khi phun thuốc, cho phép và hướng dẫn nhân viên phun thuốc vào phun thuốc trong nhà...;
+ Vận động người dân tham gia các hoạt động:diệt lăng quăng trong các vật chứa, vệ sinh môi trường quanh nhà.
Sau khi kết thúc chiến dịch, đội chống dịch phường xã vẫn phải duy trì hoạt động thường xuyên để công tác chống dịch tại phường xã được liên tục và có hiệu quả lâu dài.
+ Thành lập các tổ xung kích dập dịch SXH tại khu phố/ấp:
- Tại mỗi khu phố/ấp có tổ chức phun thuốc thành lập tổ xung kích chống dịch bao gồm nhân dân của khu phố/ấp, học sinh (THCS), cộng tác viên y tế, hội chữ thập đỏ, đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ, cựu chiến binh, ….
- Tổ xung kích này có nhiệm vụ phối hợp với hộ gia đình trong khu phố/ấp tổ chức diệt lăng quăng trong vật chứa nước triệt để ngay trước khi tổ chức phun hóa chất.
- Kinh phí bồi dưỡng cho tổ xung kích dập dịch được áp dụng tương tự như đội chống dịch phường xã.
2. Chuẩn bị về địa điểm, nhân lực, trang thiết bị, hoá chất, kinh phí…, để triển khai kế hoạch.
Thời gian: 31/10 – 09/11/2007
a) Xác định địa điểm và lịch phun xịt hoá chất:
- Trung tâm YTDPQH phối hợp với TYT xã:
· Xác định địa điểm ổ dịch tại từng khu phố/ấp để xác định các khu phố/ấp cần phải được phun thuốc diệt muỗi.
· Xếp lịch thực hiện phun xịt hoá chất diệt muỗi theo thứ tự ưu tiên quy định.
b) Thành lập các đội phun hoá chất
- Mỗi quận huyện thành lập từ 2 - 4 đội, mỗi đội có từ 4-5 máy phun đeo vai, mỗi máy phun có 3 người gồm hai người đeo máy (thay phiên nhau) và một cán bộ hướng dẫn kỹ thuật (của TTYTDP quận huyện).
- Cán bộ kỹ thuật: cán bộ TTYT DPQH
- Nhân công phun: do TTYT DPQH phối hợp với UBND phường xã chuẩn bị nhân sự cho đội phun hóa chất.
- Trung tâm Y tế DP thành phố tổ chức các đội phun bằng máy đặt trên xe ô tô, phun hỗ trợ cho các quận huyện có nhiều ổ dịch và các bệnh viện thành phố có điều trị SXH. Mỗi đội gồm 3 người: 1 lái xe, 1 điều khiển máy phun và 1 cán bộ kỹ thuật.
c) Máy phun:
- Máy phun đeo vai: mỗi quận huyện tập trung các máy phun ULV của TTYTDP và TYT xã lại để thành lập các đội phun hoá chất
- Máy phun trên ô tô do TTYTDP thành phố phụ trách.
d) Hoá chất:
- TTYTDP thành phố chịu trách nhiệm tiếp nhận nguồn hóa chất từ Bộ Y tế, tổ chức mua thêm nếu không đủ; cung cấp đầy đủ theo nhu cầu phun xịt ở các phường xã.
e) Tổ chức huấn luyện kỹ thuật phun hóa chất diệt muỗi :
- TTYTDP thành phố chịu trách nhiệm lên kế hoạch huấn luyện kỹ thuật phun hóa chất diệt muỗi cho các đội phun xịt của 24 quận huyện. Đảm bảo phun xịt đúng chỉ định, đúng liều lượng, đúng kỹ thuật, đúng thời điểm và đảm bảo an toàn cho nhân viên phun, người dân và thú vật nuôi.
+ Kỹ thuật phun
- Phun ở tốc độ tối đa với đầu vòi nhỏ (máy phun ULV).
- Phun không gian, cách tường và các vật cản ít nhất 2m. Không phun trực tiếp vào người, chim, cá cảnh, các động vật khác và các vật cản trước đầu vòi phun.
- Phun trong nhà, xung quanh nhà và trên phố.
- Hóa chất diệt côn trùng trong không gian sẽ diệt muỗi khi bay vào vùng phun. Hóa chất bám dính tồn lưu trong vài ngày có thể diệt muỗi đậu nghỉ trong nhà, trên cây cối xung quanh nhà nếu trời không mưa.
- Sử dụng đúng hoá chất diệt côn trùng dùng cho người, pha thuốc theo đúng nồng độ hướng dẫn.
+ Điều kiện phun hóa chất diệt muỗi lý tưởng:
- Sáng sớm hoặc chiều tối
- Tốc độ gió từ 3 -13 Km/giờ
- Khi trời không mưa nặng hạt
f) Kinh phí:
- Kinh phí chi cho kế hoạch này từ nguồn kinh phí sự nghiệp đã cấp cho quận huyện và của chương trình phòng chống SXH.
g) Thông tin, giáo dục, truyền thông:
- Tổ chức truyền thông rộng rãi kế hoạch dập dịch cho nhân dân đến tận từng hộ gia đình được phun thuốc, để người dân hiểu, ủng hộ và cùng hợp tác thực hiện chiến dịch. Công tác truyền thông phải được thực hiện liên tục trong suốt thời gian thực hiện chiến dịch, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị.
3. Tổ chức diệt lăng quăng và phun xịt
Thời gian: 10/11 – 09/12/2007
+ Tổ chức diệt lăng quăng:
- Các Đội chống dịch và tổ chống dịch xung kích phối hợp với các hộ gia đình tiến hành diệt lăng quăng một cách triệt để tại các nơi được chỉ định phun hóa chất diệt muỗi.
- Thời gian: việc diệt lăng quăng cũng tiến hành theo kiểu cuốn chiếu thực hiện ngay trước khi phun hóa chất. Tổ chức diệt lăng quăng vào ban ngày, để buổi tối hoặc sáng sớm hôm sau tiến hành phun xịt.
+ Tiến hành phun hoá chất:
- Nguyên tắc:
+ Mỗi ổ dịch được phun hóa chất 3 lần, mỗi lần cách nhau từ 7 đến 10 ngày.
+ Vùng có nguy cơ phát dịch được phun hóa chất 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 – 10 ngày
- Thời gian: từ 10/11/2007 đến 09/12/2007.
Lưu ý: Tùy vào tình hình hình thực tế tại địa phương, số lượng máy phun, số lượng ổ dịch, số hộ gia đình cần được phun xịt, ... các quận huyện bố trí thời gian phun xịt thích hợp, đảm bảo nguyên tắc đã nêu trên; đảm bảo đúng thời gian quy định, ngày đầu tiên của chiến dịch là 10/11/2007 và ngày kết thúc chiến dịch là 09/12/2007.
+ Điều tra, giám sát vectơ:
Thời gian điều tra:
- Trước khi phun hoá chất đợt I: từ 1-3 ngày;
- Sau khi phun hoá chất đợt I: từ 1-3 ngày;
- Sau khi phun hóa chất đợt III: từ 1-3 ngày.
Phương pháp điều tra:
- Mỗi quận huyện chọn ngẫu nhiên một xã (một khu phố) để tổ chức điều tra.
- Số nhà điều tra: 50 hộ gia đình/xã
- Chỉ số điều tra: các chỉ số về mật độ muỗi trưởng thành (soi bắt muỗi đậu nghỉ trong nhà) và chỉ số lăng quăng;
- Đơn vị thực hiện: TTYTDP quận/huyện (TTYTDPTP hỗ trợ)
4. Đánh giá, báo cáo kết quả:
a) Đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi đợt phun hóa chất: sau mỗi đợt phun hóa chất, từng quận/huyện tổ chức ngay cuộc họp rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả của từng đợt phun xịt để tổ chức các đợt sau được hiệu quả hơn.
b) Tổng kết:
+ Cấp quận huyện: tổ chức tổng kết tại từng quận huyện 11 - 12/12/2007.
+ Cấp thành phố: các quận huyện báo cáo kết quả thực hiện về SYT trước ngày 13/12/2007 để thành phố tổ chức tổng kết ngày 14-15/12/2007.
c) Nội dung báo cáo:
- Tỷ lệ % ổ dịch được xử lý bằng phun hoá chất diệt muỗi;
- Số xã, khu phố/ấp, hộ gia đình được phun hoá chất diệt muỗi (tỷ lệ % so với kế hoạch);
- Số xã, khu phố/ấp, hộ gia đình tiến hành diệt lăng lăng quăng trước khi phun thuốc diệt muỗi;
- Tỷ lệ % số hộ gia đình được tuyên truyền và tham gia hưởng ứng chiến dịch dập dịch khẩn cấp;
- Chỉ số mật độ muỗi và lăng quăng trước và sau khi tiến hành chiến dịch;
- Số bệnh mới mắc SD/SXHD trong vòng 14 ngày sau phun thuốc (đợt I và II);
- Kết quả thực hiện kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, hoá chất.
5. Đối với kế hoạch phun hóa chất diệt muỗi tại các Bệnh viện:
Các bệnh viện xây dựng kế hoạch phun hóa chất diệt muỗi tại bệnh viện mình, bao gồm một số nội dung chính sau:
- Thành lập tổ vệ sinh môi trường, tiến hành kiểm tra, xử lý các vật dụng chứa lăng quăng.
- Phối hợp với TTYT DP quận/huyện (đối với 24 BV QH) hoặc với TTYT DP thành phố (đối với BV thành phố) để lên phương án phun hóa chất diệt muỗi.
- Thời gian phun hóa chất: phun hai lần, mỗi lần cách nhau 7 – 10 ngày, trong khoảng thời gian: 10/11/2007 – 09/12/2007.
- Tổ chức diệt lăng quăng ngay trước khi phun xịt, diệt lăng quăng vào buổi sáng, phun hóa chất vào buổi tối.
- Báo cáo kết quả thực hiện về SYT trước ngày 10/12/2007.
V. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN:
1) Sở Y tế:
- Báo cáo UBND thành phố về việc triển khai kế hoạch dập dịch khẩn cấp theo chỉ đạo của BYT.
- Chịu trách nhiệm chung trong việc xây dựng, triển khai, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kế hoạch phun hoá chất dập dịch khẩn cấp của thành phố.
- Báo cáo kết quả thực hiện cho Bộ Y tế
2) Trung tâm Y tế dự phòng thành phố:
- Hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các quận huyện để thực hiện chiến dịch có hiệu quả như: hoá chất, phương án tác chiến, kỹ thuật phun hóa chất….
- Phối hợp với SYT thành lập đoàn giám sát việc thực hiện kế hoạch của các quận/huyện.
- Rà soát vật tư, hoá chất dự trữ cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố; cung ứng đầy đủ hoá chất theo dự trù của các quận/huyện.
- Tổ chức tập huấn về kỹ thuật phun hoá chất diệt muỗi truyền bệnh SXH cho các quận/huyện.
- Tổ chức các đội phun hóa chất bằng ô tô.
+ Phun hóa chất diệt muỗi cho các bệnh viện thành phố có điều trị bệnh SXH.
+Phun hóa chất diệt muỗi cho các quận huyện có nhiều ổ dịch hoặc cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của TTYT DP thành phố.
3) UBND quận huyện, BCĐ phòng chống SXH, Phòng Y tế quận huyện:
- Chịu trách nhiệm chung trong việc xây dựng, triển khai, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kế hoạch phun hoá chất dập dịch khẩn cấp của quận/huyện.
- Tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi đợt của chiến dịch và báo cáo kết quả thực hiện cho SYT theo đúng thời gian quy định.
- Thành lập các đoàn giám sát việc triển khai kế hoạch dập dịch của quận/huyện mình.
- Dự trù và cấp đủ kinh phí, nhân sự, máy móc, hoá chất phục vụ cho chiến dịch.
4) Trung tâm Y tế dự phòng quận huyện:
- Phối hợp với các TYT xã thành lập các đội phun thuốc theo hướng dẫn.
- Phối hợp với TYT xã xác định các ổ dịch, khu phố/ấp cần được phun hóa chất diệt muỗi SXH.
- Phối hợp với TYT xã xây dựng phương án tác chiến, tổ chức phun hoá chất hiệu quả, đảm bảo 100% các điểm xác định được phun hoá chất diệt muỗi SXH như mục tiêu của kế hoạch.
- Dự trù trang thiết bị, vật tư, hoá chất báo cáo TTYT DP thành phố để được hỗ trợ, đảm bảo thực hiện chiến dịch với hiệu quả tối đa.
5) UBND, Ban Chỉ đạo PC SXH, TYT phường xã:
- Phối hợp tốt với TTYT DP quận/huyện và các đơn vị có liên quan, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết phù hợp với tình hình thực tiển của địa bàn để đạt được mục tiêu đề ra.
- Chỉ đạo các đội chống dịch phường xã phối hợp với các khu phố/ấp tổ chức tuyên truyền về chiến dịch để người dân hiểu, ủng hộ và tham gia chiến dịch.
- Chỉ đạo và tổ chức thành lập các tổ xung kích chống dịch tại từng khu phố/ấp nơi sẽ được phun hóa chất, tiến hành các hoạt động diệt lăng quăng tại từng hộ gia đình.
- Phân công người của xã mình tham gia đội phun thuốc của quận/huyện.
6) Bệnh viện thành phố có điều trị SXH và 24 bệnh viện quận huyện:
- Bệnh viện thành phố phối hợp với TTYT DP thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trong bệnh viện.
- Bệnh viện quận huyện phối hợp với TTYT DP quận huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trong bệnh viện.
Trên đây là kế hoạch khẩn cấp dập dịch SXH tháng 11, 12 năm 2007 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, UBND, Phòng Y tế, TTYT dự phòng 24 quận/huyện khẩn trương phối hợp xây dựng kế hoạch của đơn vị, địa phương mình, triển khai ngay các hoạt động chuẩn bị để kế hoạch đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra.
| GIÁM ĐỐC |
Kế hoạch số 6529/SYT-NVY về việc khẩn cấp dập dịch sốt xuất huyết tháng 11, 12 năm 2007 do Sở Y tế ban hành
- Số hiệu: 6529/SYT-NVY
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 31/10/2007
- Nơi ban hành: Sở Y tế
- Người ký: Nguyễn Văn Châu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 31/10/2007
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định