Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5021/KH-UBND | Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 27 tháng 11 năm 2007 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG VÀ DẬP TẮT DỊCH TRONG MÙA MƯA LŨ
Năm 2007, tình hình mưa lũ diễn biến hết sức phức tạp, nhiều trận lũ liên tiếp xảy ra tại khu vực miền Trung gây nhiều thiệt hại. Mặt khác, dịch tiêu chảy cấp đã xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc, lan rộng nhanh chóng ra các tỉnh lân cận, đe doạ các tỉnh miền Trung vốn đang chống chọi với lũ lụt nghiêm trọng.
Thực hiện Công điện số 1638/CĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống và dập tắt dịch trong mùa mưa lũ. Để chủ động phòng chống và dập tắt dịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận triển khai kế hoạch phòng, chống và dập tắt dịch trong mùa mưa lũ năm 2007 như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
- Hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra;
- Phát hiện sớm, khống chế và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên toàn tỉnh;
- Giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất, không để dịch bệnh xảy ra.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, không để xảy ra tử vong;
- 100% ca bệnh dịch phải được khoanh vùng xử lý kịp thời;
- 100% huyện, thành phố chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hoá chất đầy đủ theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra.
II. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
1. Công tác tổ chức chỉ đạo:
- Củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tại các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp;
- Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch bệnh trong và sau lũ lụt của đơn vị mình theo các chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Công tác chuyên môn kỹ thuật:
a) Khi chưa có bệnh dịch:
- Các đơn vị cần chủ động phối hợp với ngành chuyên môn triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất những diễn biến bất lợi do dịch bệnh và bão lũ gây ra. Phân công trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, đoàn thể phụ trách các công tác cụ thể.
- Trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị và các cơ số thuốc phòng, chống dịch bệnh từ tỉnh đến huyện, thành phố và xã, phường.
- Tăng cường công tác giám sát, dự báo theo diễn biến tình hình để có kế hoạch đối phó kịp thời;
b) Khi có dịch xảy ra: huy động toàn thể các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội và toàn thể nhân dân vào cuộc với quyết tâm cao nhất để dập dịch. Tạm ngưng các công tác không quan trọng để tập trung mọi sức lực, nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.
3. Công tác kiểm tra, giám sát:
- Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp phải lập kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thực hiện tại tuyến dưới;
- Báo cáo các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc; đồng thời chỉ ra các đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt công tác phối hợp phòng chống dịch.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế:
- Làm đầu mối để triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong toàn tỉnh, xây dựng và triển khai thực hiện ngay kế hoạch phòng chống dịch bệnh, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau bão lũ có hiệu quả. Chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh các vấn đề phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch bệnh;
- Lập kế hoạch phòng chống các bệnh dịch, giám sát ca bệnh tích cực tại các cơ sở điều trị, tại cộng đồng, tổ chức tiếp nhận và điều trị kịp thời. Phối hợp điều tra dịch tễ, khoanh vùng dập tắt dịch trong thời gian nhanh nhất;
- Thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành kiểm tra giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, hệ thống cung cấp nước trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm lượng Clo dư theo đúng quy định;
- Thành lập Đội Cơ động sẵn sàng ứng cứu khi có dịch xảy ra. Phân công trực 24/24, công bố các số điện thoại nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cập nhật các thông tin về tình hình dịch bệnh và báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hoá chất, phương tiện để xử lý khi có dịch xảy ra;
- Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch có hiệu quả;
- Lập dự toán kế hoạch kinh phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí cho các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương, đáp ứng công tác phòng, chống dịch kịp thời. Tổng hợp báo cáo tình hình phòng, chống dịch bệnh hằng ngày và theo diễn biến dịch bệnh.
2. Sở Văn hoá - Thông tin, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Thuận:
- Phối hợp với Sở Y tế và các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau mùa mưa lũ với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để mọi người dân nhận thức được và tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Xây dụng các chương trình chăm sóc sức khoẻ thiết thực, dễ hiểu, dễ thực hiện và đi vào cuộc sống thực tế của mọi tầng lớp nhân dân tỉnh ta;
- Phản ảnh thói quen, tập quán ăn uống thiếu vệ sinh có thể dễ mắc các bệnh dịch. Tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cá nhân trong ăn uống và trong sinh hoạt hằng ngày.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Có kế hoạch kiểm tra các nguồn nước thuộc đơn vị quản lý. Tuân thủ nghiêm ngặt, an toàn tuyệt đối công tác xử lý nước tại các nhà máy cấp nước trên địa bàn toàn tỉnh;
- Mở rộng cung cấp nước sạch cho các vùng thiếu nước nghiêm trọng bằng nhiều hình thức như lập các đường dẫn nước mới, chuyên chở nước phục vụ tạm thời cho các vùng khó khăn;
- Vệ sinh môi trường: chủ động khoanh vùng súc vật nuôi, tránh thả rông gây ô nhiễm môi trường làm lây lan dịch bệnh.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục cách phòng chống các dịch bệnh có thể xảy ra trong mùa mưa lũ cho học sinh các cấp. Thực hiện ăn chín uống sôi tại các cơ sở nuôi dạy trẻ nội trú, bán trú. Phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc sử dụng nguồn nuớc uống cho các em học sinh, đảm bảo sức khoẻ học tập. Tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan trong các trường học;
- Chủ động liên hệ với ngành Y tế, tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên và nói chuyện các bài ngoại khoá cho các em học sinh về các phương pháp phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra trong mùa mưa lũ.
5. Sở Tài chính: cân đối ngân sách, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra theo đề nghị của Sở Y tế.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: tăng cường chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành Y tế chủ động triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương.
Giao Sở Y tế kiểm tra, giám sát việc triển khai Kế hoạch này và báo cáo kết quả thực hiện cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Kế hoạch số 5021/KH-UBND về việc triển khai công tác phòng, chống và dập tắt dịch trong mùa mưa lũ do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành
- Số hiệu: 5021/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 27/11/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Nguyễn Đức Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/11/2007
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra