Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ VĂN HOÁ VÀ THÔNG TIN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 457/VHTT-BC | Hà Nội, ngày 11 tháng 2 năm 2003 |
KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 13/2002/NQ-CP NGÀY 19 THÁNG 11 NĂM 2002 CỦA CHÍNH PHỦ NHẰM NGĂN CHẶN VÀ ĐẨY LÙI TAI NẠN GIAO THÔNG, ÙN TẮC GIAO THÔNG
Căn cứ nội dung Nghị quyết số 13/2002/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng về tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Bộ Văn hoá-thông tin xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền các giải pháp của Nghị quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng như sau:
I/ MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN:
Trong những năm qua tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Từ năm 1992 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra khoản 18.209 vụ tai nạn giao thông, làm 5745 người chết, 18.112 người bị thương (trong đó tai nạn giao thông đường bộ chiếm 98% số vụ), đó là chưa kể tới những thiệt hại về vật chất và để lại những hậu quả lâu dài cho xã hội, ảnh hưởng đến chiếm lược phát triển con người. Đặc biệt, trong những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông đường bộ cũng như số người chết, số người bị thương ngày càng tăng cao, trung bình mỗi ngày xảy ra 76 vụ, làm 39 người chết, 97 người bị thương. Cùng với sự gia tăng của tai nạn giao thông, tình hình ùn tắc giao thông xảy ra khá phổ biến ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố, thị xã chậm được khắc phục đã trở thành vấn đề bức xúc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế xã hội và cảnh quan đô thị.
Từ thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn, ùn tắc giao thông nhằm tập trung sức lãnh đạo và chỉ đạo từng bước khẩn trương giải quyết vấn đề nổi cộm này. Do vậy, nhiệm vụ công tác tuyên truyền phải bảo đảm thực hiện tốt những yêu cầu sau:
1/ Làm cho cán bộ, nhân dân thấy được thực trạng tình hình tai nạn và ùn tắc giao thông, những hậu quả và thiệt hại về người, tài sản do tai nạn và ùn tắc giao thông gây ra đã trở thành hiểm hoạ của toàn xã hội; Đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về trật tự an toàn giao thông góp phần kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông; tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở trên phạm vi toàn quốc, nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong cán bộ, nhân dân tham gia giao thông.
2/ Nêu được nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tai nạn giao thông ùn tắc là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông chưa cao, công tác quản lý, thi hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng và công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe... chưa nghiêm để từ đó từng bước nâng cao ý thức của mọi người và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý an toàn giao thông.
3/ Tạo được sự thống nhất về nhận thức tư tưởng, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào việc góp phần hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông.
4/ Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương thông tin kịp thời về sự điều chỉnh giao thông tại các đô thị trên các phương tiện thông tin đại chúng.
5/ Lập lại trật tự, kỷ cương chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong phạm vị toàn xã hội.
II/ CÔNG TÁC CHUẨN BỊ LỰC LƯỢNG TUYÊN TRUYỀN TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG:
Báo chí nước ta là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu của đời sống xã hội, thực sự là công cụ quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, góp phần quan trọng vào công tác triển khai thực hiện các giải pháp kiềm chế sự gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông theo nội dung Nghị quyết số 13/2002/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ.
Hiện nay, cả nước có trên 500 cơ quan báo chí với hơn 650 ấn phẩm, có 1 Đài truyền hình quốc gia, 1 Đài phát thanh quốc gia, 4 Đài truyền hình khu vực, 61 đài phát thanh truyền hình tỉnh, thành phố, 606 đài truyền thanh, phát thanh cấp huyện, trong đó, có 288 đài huyện phát sóng FM.
Với lợi thế là phương tiện thông tin thuận tiện, phổ cập, lại thường xuyên có mối quan hệ với tầng lớp nhân dân trên diện rộng, lực lượng báo chí đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành chức năng làm tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho cán bộ, nhân dân, là phương tiện không thể thiếu, một trong những kênh đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật.
Để làm tốt công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 13/2002/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ, các cơ quan báo chí cần triển khai làm tốt các việc sau:
1. Xây dựng, củng cố lực lượng cán bộ, phóng viên chuyên trách có năng lực chuyên môn và nắm vững các quy định pháp luật làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại cơ quan báo chí. Đặc biệt, có kế hoạch phối hợp bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho các nhà báo.
2. Duy trì và mở rộng các chuyên trang, chuyên mục pháp luật trên báo chí, xây dựng được đội ngũ cộng tác viên pháp luật có chất lượng cao cho các cơ quan báo chí, đẩy mạnh công tác phát hành báo chí in, nâng cao thời lượng, chất lượng phủ sóng và phạm vi phủ sóng hệ thống phát thanh, truyền hình; phát huy sức mạnh của hệ thống phát thanh, truyền hình cấp huyện, xã trong công tác tuyên truyền giáo dục mọi người dân nắm vững các nôi dung Nghị quyết 13/2002/NĐ-CP và các quy định pháp luật về an toàn giao thông.
3. Từng bước hiện đại hoá các phương tiện kỹ thuật phát thanh, truyền hình, biên tập và in ấn báo chí, phương tiện nghiệp vụ của phóng viên để đảm bảo tính hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí.
III. HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN CÁC GIẢI PHÁP CỦA NGHỊ QUYẾT 13/2002/NQ-CP TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG:
1. Trên báo chí in:
- Mở các chuyên trang, chuyên mục về phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó tập trung chủ yếu vào việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về trật tự an toàn giao thông, các quy định bắt buộc đối với người tham gia giao thông để từ đó tạo nên sự đồng thuận về tư tưởng và nhận thức.
- Đăng tải toàn văn hoặc những quy định mới, quy định chủ yếu của các văn bản pháp luật mới về bảo đảm an toàn giao thông, các dự án, phương án khắc phục tình trạng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trên cơ sở đó khuyến khích các bộ, nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng phương án tối ưu nhất.
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các cơ quan tư pháp, Hội Luật gia, các Đoàn luật sư... giải đáp, hướng dẫn pháp luật về an toàn giao thông theo chuyên đề hoặc những vấn đề cụ thể.
- Khuyến khích cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân tích cực sử dụng các phương tiện vận tải công cộng, các cơ quan, tổ chức có số lượng lớn cán bộ, công nhân viên đóng trên địa bàn không có tuyến xe buýt tổ chức phương tiện đưa đón để góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân lưu hành trên đường đề tránh ùn tắc giao thông.
- Đấu tranh, phê phán những hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông và kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt, ủng hộ việc xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông.
2. Trên Đài Phát thanh-truyền hình:
Giành thời lượng, thời điểm phù hợp trong mỗi buổi phát sóng để thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông dưới các hình thức:
- Thông tin về các quy định chủ yếu, quy định mới về an toàn giao thông, trách nhiệm công dân và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện quy định về trật tư an toàn giao thông.
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, mời cán bộ, giảng viên pháp luật thực hiện thường xuyên chương trình, chuyên mục, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về an toàn giao thông.
- Phát tin, bài, phóng sự điều tra về tình hình vi phạm pháp luật giao thông, qua đó giáo dục nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông trong cán bộ, nhân dân và ngăn ngừa các hành vi vi phạm phát sinh.
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cán bộ chuyên trách thực hiện phỏng vấn để giải đáp các vấn đề, các lĩnh vực được pháp luật điều chỉnh.
- Trên các đài truyền thanh, phát thanh cấp huyện, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc TW và các bộ phận chuyên trách của ubnd thực hiện giới thiệu các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi địa phương.
IV. NỘI DUNG CÔNG VIỆC VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN:
1/ Trong Quý 1 năm 2003, Bộ Văn hoá-Thông tin tổ chức phối hợp với Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia và các Bộ, ngành chức năng tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho các bộ, phóng viên chuyên trách của các cơ quan báo, đài tại khu vực: Hà nội và TP.Hồ Chí Minh với nội dung:
+ Cung cấp thông tin và bồi dưỡng kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho cán bộ, phóng viên.
+ Trao đổi, nâng cao nghiệp vụ, cách thức đưa tin, bài về an toàn giao thông trên từng loại hình báo chí.
+ Tổ chức thông tin theo chuyên đề, kế hoạch tuyên truyền của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia.
2/ Trong năm 2003 các cơ quan báo chí cần tập trung thông tin tuyên truyền những giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông theo nội dung Nghị quyết 13/2002/NQ-CP ;
- Tập trung tuyên truyền về thực trạng, tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông gia tăng, đặc biệt quan tâm tới vấn đề nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông, tạo sự thống nhất trong nhận thức, tư tưởng của người dân đối với các biện pháp, giải pháp bảo đảm an toàn giao thông có hiệu quả.
- Phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông, qua đó vận động cán bộ, nhân dân tự giác chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông. Trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục con em, học sinh thực hiện các quy định về trật tự an toàn giao thông.
- Cung cấp thông tin về quy hoạch, phát triển mạng lưới giao thông đô thị, các điểm nút dễ gây ùn tắc giao thông tại các khu đô thị.
- Tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân tích cực khai thác, sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng các loại phương tiện giao thông cá nhân góp phần hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông.
- Thông tin, tuyên truyền theo chuyên đề của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia và kế hoạch của các Bộ, ngành trong việc thực hiện Nghị quyết 13/2002/NQ-CP của Chính phủ.
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, Những quy định bắt buộc của người sử dụng phương tiện khi tham gia giao thông, đặc biệt là quy định về mũ bảo hiểm,quy định về giấy phép lái xe, độ tuổi được phép điều khiển mô tô, xe máy.... Các biện pháp và hình thức xử phạt vi phạm hành chính do không thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về trật tự an toàn giao thông khi tham gia giao thông đối với người sử dụng phương tiện.
- Khuyến khích, vận động cán bộ, nhân dân tích cực sử dụng phương tiện vận tải công cộng tại các khu vực đô thị, hạn chế số lượng phương tiện cá nhân lưu hành trên đường tránh gây ùn tắc giao thông, các phương án, chính sách ưu đãi phát triển nhanh phương tiện vận tải công cộng tại các khu vực đô thị.
- Thông tin, phổ biến về lộ trình và các biện pháp nhằm kiềm chế tối đa sự gia tăng số lượng mô tô, xe máy, việc tạm dừng đăng ký mô tô, xe máy, Những tuyến đường, khu vực, thời gian không cho mô tô, xe máy lưu hành để hạn chế ùn tắc giao thông theo công bố của ubnd.TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
- Tuyên truyền kế hoạch kiểm tra và xử lý việc lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ.
- Tuyên truyền về các biện pháp sắp xếp, chống lấn chiếm lòng đường vỉa hè, hành lang bảo vệ công trình giao thông.
- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để tổ chức, chỉ đạo công tác tuyên truyền thường xuyên về atgt theo chuyên đề.
- Tuyên truyền, phản ánh hoạt động của các địa phương, cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện Nghị quyết 13/2002/NQ-CP của Chính phủ.
- Khen thưởng kịp thời đối với các cơ quan báo chí làm tốt công tác tuyên truyền thực hiện các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông theo nội dung Nghị quyết số 13/2002/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ.
| KT BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN |
- 1Luật Giao thông đường bộ 2001
- 2Công văn 37/CV-UBATGTQG tăng cường biện pháp ngăn chặn tai nạn giao thông tăng cao do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ban hành
- 3Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2013 tăng cường thực hiện giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Luật Giao thông đường bộ 2001
- 2Nghị định 13/2002/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 64/1998/NĐ-CP về chống tham nhũng
- 3Công văn 37/CV-UBATGTQG tăng cường biện pháp ngăn chặn tai nạn giao thông tăng cao do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ban hành
- 4Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2013 tăng cường thực hiện giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Kế hoạch số 457/VHTT-BC ngày 11/02/2003 của Bộ Văn hoá-Thông tin về việc triển khai hoạt động trông tin tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2003 của Chính phủ nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông
- Số hiệu: 457/VHTT-BC
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 11/02/2003
- Nơi ban hành: Bộ Văn hoá và Thông tin
- Người ký: Trần Chiến Thắng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/02/2003
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra