Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3539/KH-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 07 năm 2009 |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC KỶ NIỆM 62 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ (27/7/1947-27/7/2009)
Nhân kỷ niệm lần thứ 62 năm ngày Thương binh liệt sĩ năm nay (27/7/1947 – 27/7/2009), nhằm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thể hiện lòng biết ơn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố đối với các anh hùng, liệt sĩ, gia đình chính sách có công đã có nhiều đóng góp cho độc lập và tự do của đất nước, Ủy ban nhân dân thành phố có kế hoạch tổ chức với các nội dung sau:
I. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Công tác tuyên truyền: tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, Website, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình thành phố) trong đó chú ý các nội dung:
- Những thành tích về công tác Thương binh liệt sĩ – Người có công mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố đã tổ chức thực hiện kể từ sau ngày giải phóng miền Nam đến nay, đặc biệt là sự nỗ lực chăm lo cho các đối tượng chính sách trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái kinh tế năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009.
- Biểu dương những địa phương, các tập thể tiêu biểu, phổ biến những kinh nghiệm tốt trong phong trào chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, chăm sóc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bố mẹ liệt sĩ, thương binh nặng đặc biệt, con liệt sĩ tàn tật cô đơn khó khăn.
- Biểu dương anh chị em là thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ – người có công cách mạng vượt khó vươn lên tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống, làm giàu chính đáng.
- Biểu dương các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công cách mạng gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật tại địa phương, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc.
- Đảng bộ, Chính quyền quận, huyện, phường, xã, thị trấn tổ chức các hoạt động, đẩy mạnh công tác xã hội hóa tạo kinh phí để chăm sóc các gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ một cách thiết thực hiệu quả.
2. Thực hiện tốt các chế độ chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công:
Tiếp tục và khẩn trương rà soát lại hồ sơ các diện chính sách đối với người có công còn tồn đọng, tập trung phấn đấu giải quyết xong trong năm 2010; đồng thời tiến hành rà soát, nắm lại tình hình đời sống diện chính sách trên địa bàn, thống kê số lượng diện chính sách thuộc đối tượng xóa đói giảm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để có biện pháp hỗ trợ, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
3. Tiếp tục vận động xây dựng “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” cùng các nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ Xóa đói giảm nghèo … để chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ các gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ phát triển sản xuất, tạo việc làm và cuộc sống ổn định.
4. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch tổ chức khảo sát đời sống, trình độ, việc làm con của người có công trên địa bàn thành phố để có kế hoạch chăm sóc thiết thực, hiệu quả, giúp định hướng nghề nghiệp và vận động tài trợ học bổng học nghề, giúp giải quyết việc làm nhằm từng bước cải thiện đời sống.
5. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách cho người hưởng chính sách có công ở quận, huyện, phường, xã, thị trấn để đảm bảo việc thực hiện các chính sách chế độ đúng với các quy định của nhà nước, phát hiện ngăn ngừa những thiếu sót sai phạm trong quá trình thực hiện; nếu phát hiện tiêu cực, tham nhũng, làm sai, gây phiền hà thì kiên quyết xử lý.
6. Tiếp tục và khẩn trương xây dựng mới hoặc sửa chữa chống dột cho các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình chính sách có công hiện có hoàn cảnh khó khăn mà bản thân và gia đình không có điều kiện sửa chữa.
7. Tổ chức họp mặt các gia đình chính sách một cách thiết thực nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, sự hy sinh to lớn của cán bộ chiến sĩ, đồng bào; qua đó lắng nghe những tâm tư nguyện vọng, những kiến nghị của các gia đình diện chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện công tác chính sách tại địa phương để kịp thời đề xuất giải quyết.
8. Tiếp tục thực hiện việc tu bổ, sửa chữa đài tưởng niệm và nhà bia ghi danh liệt sĩ theo điều kiện của từng địa phương. Thường xuyên chỉnh trang, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ.
9. Tổ chức viếng Nghĩa trang và mít tinh kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh liệt sĩ năm 2009: danh nghĩa tổ chức Thành ủy – Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Thường trực Ban Tổ chức các ngày lễ lớn) và Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức thực hiện.
II. VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có kế hoạch triển khai cho các cơ quan thông tấn, báo chí, Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố cũng như các đoàn nghệ thuật đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động, biểu diễn phục vụ nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh liệt sĩ.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Kịp thời xét duyệt và cấp kinh phí đảm bảo các hoạt động kỷ niệm được tiến hành tốt trên tinh thần tiết kiệm tránh phô trương hình thức, lãng phí.
3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì phối hợp các sở - ngành chức năng liên quan của thành phố, Ủy ban nhân dân các quận – huyện xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện tốt kế hoạch này.
- Phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các quận – huyện rà soát nắm lại tình hình đời sống diện chính sách khó khăn để có biện pháp hỗ trợ.
- Tổ chức họp mặt chăm lo cho các đối tượng chính sách tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè.
- Xây dựng kế hoạch viếng nghĩa trang liệt sĩ và nghĩa trang chính sách thành phố.
4. Các cơ quan, ban, ngành, quận, huyện: tổ chức họp mặt các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động trong kháng chiến, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, đại biểu các ban, ngành, đoàn thể theo điều kiện cụ thể của các cơ quan và các địa phương.
III. KINH PHÍ CHO HOẠT ĐỘNG NGÀY 27/7/2009
1. Kinh phí phục vụ tuyên truyền: 10.000.000 đồng
2. Viếng nghĩa trang, đặt vòng hoa: 35.000.000 đồng
3. Hỗ trợ tổ chức họp mặt, mít tinh tại quận Thủ Đức 20.000.000 đồng
4. Thăm và tặng quà: 35.000.000 đồng
+ Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè: 15.000.000 đồng
(gồm 05 triệu đồng tặng tập thể CBCNV phục vụ trung tâm, 10 triệu đồng tổ chức họp mặt thân nhân chủ yếu của liệt sĩ và thương bệnh binh)
+ Hội Cựu Chiến binh thành phố: 10.000.000 đồng
+ Ban Liên lạc Trường Lý Tự Trọng: 10.000.000 đồng
5. Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức họp mặt gia đình liệt sĩ tiêu biểu
(do Thành ủy và Trung ương quản lý): 25.000.000 đồng
6. Quà tặng của Ủy ban nhân dân thành phố cho thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ do quận, huyện quản lý và thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và Công an thành phố: (có hướng dẫn của liên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính).
* Quà tặng gồm 3 mức: (bằng mức chăm lo năm 2008).
a) Mức 1.000.000 đồng/người: gồm bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống (228 mẹ), thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh B, bệnh binh nặng hạng đặc biệt (mù 2 mắt, cụt 2 chân, liệt hoàn toàn v.v…) (184 người).
b) Mức 600.000 đồng/người: thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh B nặng 1/4 (506 người), bệnh binh nặng 1/3 (22 người), bố, mẹ, vợ liệt sĩ, người có công nuôi liệt sĩ hưởng trợ cấp định suất nuôi dưỡng (666 người), thân nhân 2 liệt sĩ (666 người).
c) Mức 400.000 đồng/người: gồm thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh B hạng 2/4, 3/4, 4/4 (16.466 người), bệnh binh 2/3, 3/3 (2.445 người), thân nhân chủ yếu của liệt sĩ đang hưởng trợ cấp cơ bản (12.115 người), thân nhân liệt sĩ hưởng quyền lợi chính trị (23.026 người), diện thờ cúng liệt sĩ được công nhận (9.389 người), thân nhân thờ cúng bà mẹ Việt Nam anh hùng (1.823 người).
7. Quà tặng của Ủy ban nhân dân thành phố cho thương binh, thân nhân chủ yếu của liệt sĩ đang công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và Công an thành phố không hưởng chính sách tại địa phương (300 người).
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ theo nội dung kế hoạch này và chức trách của mình đề ra kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
Kế hoạch số 3539/KH-UBND về việc tổ chức kỷ niệm 62 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2009) do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 3539/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 16/07/2009
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Thị Thu Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra