Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2407/2007/KH-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 04 năm 2007 

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ NGƯỜI CAO TUỔI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Quyết định số 301/2005/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010.

Căn cứ tình hình thực tế người cao tuổi trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:

I.- MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH NGƯỜI CAO TUỔI THÀNH PHỐ

1. Dân số thành phố có 6.109.493 người (số liệu của Cục Thống kê thành phố về cuộc điều tra dân số ngày 01 tháng 10 năm 2004). Trong đó: 422.560 người từ 60 tuổi trở lên, chiếm tỷ lệ 6,92% so dân số (nữ 256.928 người).

2. Về độ tuổi:

+ Từ 60 đến 74 tuổi có 310.659 người, chiếm tỷ lệ 73,52% so với tổng số người cao tuổi thành phố.

+ Từ 75 tuổi trở lên có 110.818 người, chiếm tỷ lệ 26,23% so với tổng số người cao tuổi thành phố trong đó có 313 người 100 tuổi trở lên.

+ Số người không xác định được độ tuổi 1.083, chiếm tỷ lệ 0,25% so với tổng số người cao tuổi thành phố.

3. Tổ chức Hội người cao tuổi thành phố có Ban đại diện Hội người cao tuổi thành phố, Ban đại diện Hội người cao tuổi 24 quận - huyện và 322 phường - xã, thị trấn, dưới cấp phường - xã có các tổ chức chi hội, tổ hội. Số lượng hội viên người cao tuổi cuối năm 2005 là 297.073, chiếm tỷ lệ 70,3% so với tổng số người cao tuổi thành phố.

4. Thực trạng việc chăm lo, phụng dưỡng người cao tuổi trong thời gian qua:

Được sự lãnh đạo của Cấp ủy Đảng, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền, các Sở, ban ngành chức năng, mặt trận và đoàn thể thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện các chế độ chính sách quy định và các hoạt động chăm lo thiết thực cho người cao tuổi thành phố như: cán bộ hưu trí, người có công với cách mạng, người cao tuổi diện hộ nghèo, người cô đơn, không nơi nương tựa, không nguồn thu nhập… Nhìn chung, tình hình đời sống người cao tuổi thành phố được cải thiện theo sự tăng trưởng kinh tế của thành phố; người cao tuổi trong diện hộ nghèo được cấp miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế; người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập được trợ cấp xã hội hàng tháng; người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội được hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng, đồng thời được cấp miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế theo Nghị định số 120/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2003 của chính phủ; cuộc vận động “Vì người nghèo” đã giúp nhiều hộ nghèo có người cao tuổi xây dựng nhà tình thương, ủng hộ kinh phí chống dột. Tổ chức Hội người cao tuổi cơ sở thường xuyên thăm viếng tặng quà khi người cao tuổi ốm đau, tổ chức khám bệnh miễn phí, tổ chức mừng thọ, phúng viếng khi người cao tuổi qua đời… tại một số phường - xã, Hội người cao tuổi đã đề xuất và được chính quyền cho vận động “Quỹ chăm sóc người cao tuổi” tạo điều kiện thuận lợi cho Hội người cao tuổi cơ sở có nguồn kinh phí để chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi một cách thiết thực.

II.- MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát:

Tạo sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của các Cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, gia đình và cộng đồng xã hội về phát huy vai trò người cao tuổi thành phố (chú trọng hơn 300 ngàn người từ 60 đến 74 tuổi) tham gia các lĩnh vực đời sống xã hội, các phong trào, các cuộc vận động của địa phương; nâng cao chất lượng các hoạt động chăm sóc người cao tuổi, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi về vật chất, tinh thần và sức khỏe, coi việc trợ giúp người cao tuổi vừa là đạo lý, vừa là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mọi gia đình và cộng đồng xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, chiến đấu của lớp người cao tuổi trong xã hội và gia đình. Xây dựng gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia các hoạt động về kinh tế, sinh hoạt chính trị, văn hóa - giáo dục, văn học - nghệ thuật, thể dục - thể thao và các hoạt động xã hội khác phù hợp với sức khỏe, khả năng, nhu cầu sở thích của người cao tuổi; thực hiện bình đẳng trong thụ hưởng những thành quả của quá trình phát triển thành phố.

- Nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi về sức khỏe, về nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nhu cầu được thông tin… nhằm nâng cao thể chất và tinh thần người cao tuổi.

- Xây dựng môi trường thuận lợi và điều kiện vật chất cho sinh hoạt người cao tuổi ở mỗi cấp, phát triển mạng lưới an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội) phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố;thực hiện tốt các chính sách Nhà nước ban hành đối với người cao tuổi, đặc biệt chú trọng đối với người cô đơn, tàn tật, dân tộc ít người, người cao tuổi thuộc diện nghèo, phụ nữ, người trên 90 tuổi.

III.- CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN TỪ 2006 ĐẾN NĂM 2010

1- 95% người cao tuổi được cải thiện đời sống cả vật chất và tinh thần.

2- 100% người cao tuổi khi ốm đau được khám, chữa bệnh và được hưởng chăm sóc của gia đình; nếu thuộc diện nghèo thì được trợ cấp xã hội và cấp miễn phí thẻ Bảo hiểm Y tế.

3- 100% người cao tuổi cô đơn, không có nguồn thu nhập được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và được khám chữa bệnh miễn phí.

4- 100% người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên, không có lương hưu và các khoản trợ cấp xã hội khác được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và được cấp miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế theo quy định của thành phố.

5- 100% người cao tuổi không phải sống trong nhà tạm.

6- Phấn đấu 100% số xã - phường, thị trấn có Quỹ chăm sóc người cao tuổi và hoạt động có hiệu quả.

7- Phấn đấu vận động 90% người cao tuổi tự nguyện tham gia vào tổ chức hội.

IV.- NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Phát huy vai trò của người cao tuổi:

Chính quyền các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng có trách nhiệm tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy trong việc rèn luyện sức khỏe, tham gia sinh hoạt, học tập nâng cao trình độ, đóng góp kinh nghiệm và hiểu biết của mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của thành phố với các nội dung:

- Tạo môi trường và điều kiện để người cao tuổi phát huy tài năng, trí tuệ, kinh nghiệm và phẩm chất tốt đẹp tham gia xây dựng và phát triển văn hóa góp phần giữ gìn nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và truyền thống cách mạng Việt Nam.

- Khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy khả năng, kinh nghiệm, nguồn vốn… tham gia các hoạt động kinh tế như: sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các ngành tiểu - thủ công nghiệp, nghề truyền thống; truyền đạt kinh nghiệm, nghề nghiệp… giúp cho nhiều người biết làm kinh tế ở cộng đồng dân cư.

- Tạo môi trường thuận lợi cho người cao tuổi tham gia học tập suốt đời, phát huy người cao tuổi có khả năng truyền thụ những kiến thức văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ, gương mẫu đi đầu và làm nòng cốt trong phong trào xây dựng xã hội học tập; xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học.

- Phát huy vai trò người cao tuổi được tham gia đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chính trị, xây dựng chính sách, pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến người cao tuổi; người có khả năng tư vấn chuyên môn, kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ; tham gia giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ở cộng đồng dân cư.

- Phát huy người cao tuổi tham gia phong trào thi đua “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của người cao tuổi do Trung ương Hội phát động.

2. Tiếp tục đẩy mạnh các hình thức hoạt động tuyên truyền, giáo dục về công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi:

- Việc chăm sóc vật chất và tinh thần người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, thể hiện đạo lý dân tộc Việt Nam. Các cơ quan thông tin đại chúng của thành phố cần đưa chương trình chăm sóc người cao tuổi vào kế hoạch tuyên truyền thường xuyên, tạo thành các chuyên mục, chuyên đề với nội dung thông tin về người cao tuổi, nêu gương sáng trong phong trào thi đua người cao tuổi, đặc biệt tuyên truyền Pháp lệnh người cao tuổi sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức, quan điểm, trách nhiệm trong Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân.

- Tuyên truyền giáo dục truyền thống “kính lão đắc thọ”, thể hiện sự biết ơn, sự kính trọng người cao tuổi khi giao tiếp, ứng xử trong gia đình và xã hội.

- Tăng cường các hình thức phổ biến, truyền đạt những thông tin, kiến thức khoa học nhằm hạn chế các nguy cơ gây bệnh ở người cao tuổi, cách phòng bệnh và sử dụng thuốc…

- Tuyên truyền cho người cao tuổi và gia đình có ý thức tiết kiệm lo cho tuổi già như: tham gia bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, tự nguyện đóng góp Quỹ chăm sóc người cao tuổi, Quỹ bảo thọ…

3. Hoạt động nâng cao đời sống vật chất:

- Chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện vật chất cho người cao tuổi thăm viếng khi ốm đau, khám chữa bệnh, tổ chức mừng thọ, tham quan, giúp đỡ người cao tuổi khi khó khăn trong cuộc sống, phúng viếng khi người cao tuổi qua đời.

- Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có điều kiện tổ chức nhà nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi cô đơn, không nguồn thu nhập có nơi sống ổn định; nâng cao chất lượng các cơ sở bảo trợ, chăm sóc người cao tuổi hiện có của thành phố, vận động cộng đồng và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi sống cô đơn trên địa bàn dân cư.

- Người cao tuổi trong diện hộ nghèo thành phố được ưu tiên xét cấp nhà tình thương hoặc hỗ trợ kinh phí chống dột, ưu tiên xét tái định cư đối với diện bị giải tỏa, không để người cao tuổi ở nhà tạm bợ.

4. Hoạt động nâng cao sức khỏe:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho mỗi gia đình, xã hội và cho bản thân và người cao tuổi (tuổi già thường đi đôi với sức khỏe và bệnh tật).

- Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã có trách nhiệm đảm bảo chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại địa phương theo tinh thần Thông tư số 02/2004/TT-BYT ngày 20 tháng 01 năm 2004 của Bộ Y tế và tổ chức chăm sóc sức khỏe ban đầu, có sự ưu tiên khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế đối với người cao tuổi.

- Các bệnh viện của thành phố có Khoa Lão khoa và có giường bệnh dành riêng cho người cao tuổi.

- Khuyến khích các hình thức hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và khám chữa bệnh miễn phí…

5. Hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần:

- Phát triển các hình thức Câu lạc bộ sở thích của người cao tuổi về các lĩnh vực văn học - nghệ thuật, thể dục - thể thao… tạo môi trường vui chơi giải trí, hưởng thụ văn hóa phù hợp với người cao tuổi.

- Hằng năm có các hình thức hội diễn, hội thi các loại hình Câu lạc bộ tạo thành phong trào hoạt động thường xuyên của người cao tuổi ở cơ sở.

- Tổ chức các hình thức thông tin về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, chế độ chính sách, luật pháp… đối với người cao tuổi.

- Tạo điều kiện vật chất để hỗ trợ các hoạt động nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần người cao tuổi phù hợp với sự phát triển của địa phương.

V.- PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ: nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Ban công tác người cao tuổi của thành phố, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn việc thành lập Quỹ chăm sóc người cao tuổi các cấp, ban hành thống nhất chế độ tiền lương, phụ cấp cán bộ hoạt động chuyên trách, bán chuyên trách Hội người cao tuổi các cấp phù hợp điều kiện của thành phố.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: phối hợp với tổ chức Hội Người cao tuổi thành phố và Viện Kinh tế tiếp tục khảo sát, thống kê cập nhật số lượng và danh sách người cao tuổi thành phố để các quận - huyện, phường- xã thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách Nhà nước quy định; đồng thời nghiên cứu đề xuất về chế độ trợ cấp xã hội đối với người trên 90 tuổi và trên 100 tuổi và về chính sách hỗ trợ những cơ sở từ thiện, tôn giáo có nuôi người cao tuổi ở địa bàn quận - huyện của thành phố.

3. Sở Văn hóa và Thông tin: có trách nhiệm phối hợp các cơ quan báo chí, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình thành phố xây dựng chuyên mục về người cao tuổi, thường xuyên có các chương trình thời sự, phóng sự, tuyên truyền về Pháp lệnh người cao tuổi, chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi; nêu những gương sáng cá nhân, tập thể trong phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng” hiến kế vì quê hương đất nước của người cao tuổi gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; chỉ đạo hướng dẫn các trung tâm, nhà văn hóa quận - huyện, phường - xã tạo điều kiện tổ chức hình thành các Câu lạc bộ văn học, nghệ thuật, Câu lạc bộ thơ ca, Câu lạc bộ Ông Bà cháu của người cao tuổi tại địa phương. Định kỳ hàng năm có hình thức tổ chức hội diễn hoặc liên hoan tiếng hát người cao tuổi thành phố.

4. Sở Thể dục - Thể thao: chịu trách nhiệm tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các loại hình thể dục dưỡng sinh và các bộ môn khác phù hợp với người cao tuổi; hướng dẫn tổ chức các câu lạc bộ thể dục thể thao người cao tuổi thường xuyên tập luyện nâng cao thể lực và sức khỏe; tổ chức thi đấu các bộ môn thích hợp với người cao tuổi.

5. Sở Y tế: có trách nhiệm tổ chức thông tin, hướng dẫn các chuyên đề về tâm - sinh lý, dinh dưỡng, phòng chữa bệnh để giữ gìn sức khỏe người cao tuổi; chỉ đạo các Bệnh viện quận - huyện, Trạm y tế phường - xã, tổ chức chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi theo Thông tư số 02/2004/TT-BYT ngày 20 tháng 01 năm 2004 của Bộ Y tế; tổ chức các đợt khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi ở những vùng khó khăn của thành phố; hướng dẫn các Bệnh viện có quy định độ tuổi ưu tiên khi người cao tuổi khám bệnh; nghiên cứu hình thức khám bệnh tại nhà đối với người trên 90 tuổi; quy định các bệnh viện có Khoa lão, bác sĩ lão khoa và có gường bệnh khi người cao tuổi nằm viện.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo: quan tâm, tạo điều kiện để phát huy các nhà giáo lão thành tham gia góp ý kiến về lĩnh vực quản lý, giáo dục - đào tạo, người có khả năng, kinh nghiệm tham gia giảng dạy và có các hình thức tổ chức để tạo điều kiện cho Người cao tuổi được học tập nâng thêm hiểu biết như: tin học, ngoại ngữ…

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư: quan tâm đối với các dự án đầu tư phát triển, thành phố cần dành điều kiện sinh hoạt vui chơi, giải trí, tập luyện cho người cao tuổi.

8. Sở Tài chính: có kế hoạch bố trí kinh phí hợp lý cho hoạt động người cao tuổi hằng năm và kinh phí phục vụ chương trình; phối hợp với Sở Nội vụ sớm có hướng dẫn thực hiện Quyết định số 47/2006/QĐ-BTC ngày 13 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tài chính ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tài chính Quỹ chăm sóc người cao tuổi các cấp. Trước mắt hướng dẫn cấp phường - xã thành lập “Quỹ chăm sóc người cao tuổi” trong những năm đầu thực hiện chương trình.

9. Sở Giao thông - Công chính: có quy định ưu tiên dành chỗ trên các phương tiện công cộng đối với người cao tuổi.

10. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: có kế hoạch phối hợp với tổ chức Hội người cao tuổi trồng cây nhớ Bác, nhân kỷ niệm ngày sinh nhật 19/5 hằng năm; hướng dẫn, hỗ trợ giúp người cao tuổi nuôi, trồng các loại cây, con thích hợp, đặc biệt đối với các vùng ven và ngoại thành.

11. Viện Kinh tế: phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, người cao tuổi thành phố khảo sát, thống kê số cơ sở bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng người già, nghiên cứu đề xuất các tiêu chí cho một cơ sở xã hội hóa nuôi người già đạt chuẩn để ban hành thành quy định chung trên địa bàn thành phố vào năm 2008.

12. Ban vận động vì người nghèo thành phố: xem xét hỗ trợ xây nhà tình thương, chống dột đối với người cao tuổi khó khăn về nhà ở và các hỗ trợ khác đối với người cao tuổi nghèo.

13. Hội người cao tuổi thành phố: có trách nhiệm vận động người cao tuổi tham gia sinh hoạt Hội, phấn đấu đạt tỷ lệ 85% so với người cao tuổi; phát huy vai trò người cao tuổi nêu gương sáng: Tham gia phát triển kinh tế, tạo việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo; xây dựng xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài; cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh góp phần sự nghiệp ổn định chính trị, phát triển xã hội; phối hợp với các ngành chức năng chăm lo, phụng dưỡng về đời sống vật chất - tinh thần người cao tuổi theo các mục tiêu đề ra; hướng dẫn Hội người cao tuổi thực hiện Quyết định số 47/2006/QĐ-BTC ngày 13 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tài chính ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tài chính Quỹ chăm sóc người cao tuổi. Nghiên cứu đề xuất những vấn đề liên quan việc chăm lo, phụng duỡng và phát huy vai trò người cao tuổi thành phố.

14. Ủy ban nhân dân các quận - huyện: thực hiện việc thành lập “Quỹ chăm sóc người cao tuổi” theo tinh thần Quyết định số 47/2006/QĐ-BTC ngày 13 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tài chính, ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tài chính Quỹ chăm sóc nguời cao tuổi.

Kiện toàn tổ chức Hội người cao tuổi các cấp, nâng cao chất lượng hoạt động, phấn đấu phát triển hội viên đạt tỷ lệ 90%, có chính sách, chế độ phụ cấp cán bộ hoạt động chuyên trách hoặc kiêm nhiệm Hội người cao tuổi các cấp một cách hợp lý.

 Trong quan hệ hợp tác quốc tế và các tổ chức phi chính phủ, chính quyền các cấp quan tâm đến việc trợ giúp người cao tuổi.

15. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố quan tâm lồng ghép các nội dung, chỉ tiêu kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi của thành phố giai đoạn 2006 - 2010 vào Chương trình phối

hợp hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố hằng năm trong các phong trào và các cuộc vận động chung của thành phố, đặc biệt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”

16. Ban Đại diện người cao tuổi thành phố là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố điều hành chương trình, đôn đốc nhắc nhở, kiểm tra tiến độ tổ chức thực hiện, tổng hợp báo cáo cho Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, tổ chức sơ tổng kết, xét biểu dương, đề nghị khen thưởng cá nhân tập thể có thành tích thực hiện chương trình.

17. Căn cứ nội dung, mục tiêu chương trình và phân công trách nhiệm nêu trên, các sở - ngành, quận - huyện xây dựng chương trình cụ thể trong từng giai đoạn từ nay đến năm 2010, dự trù kinh phí thực hiện chương trình và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Tài chính) duyệt cấp kinh phí.

Việc tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về người cao tuổi có ý nghĩa chính trị sâu sắc trong xã hội, thể hiện quan điểm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội chăm lo, phụng dưỡng người cao tuổi. Các ngành, các cấp thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phối hợp tổ chức có hiệu quả chương trình từ nay đến năm 2010./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
 và các Đoàn thể thành phố;
- Văn phòng Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Các Ban Hội đồng nhân dân thành phố;
- Các Sở - ngành thành phố;
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện;
- VPHĐ-UB: CPVP, các Tổ NCTH;
- Lưu:VT, (VX-LC)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thành Tài

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch số 2407/2007/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2006 - 2010 của thành phố Hồ Chí Minh do Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 2407/2007/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 25/04/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thành Tài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/05/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản