Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - CỤC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM, BỘ Y TẾ - CỤC QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG Y TẾ, BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - CỤC ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA VN, BỘ CÔNG AN - CỤC CẢNH SÁT ĐƯỜNG THUỶ, BỘ VĂN HÓA THỂ THAO DU LỊCH-TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO, BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - VỤ CÔNG TÁC HỌC SINH SINH VIÊN, TRUNG ƯƠNG ĐOÀN TNCSHCM-HỘI ĐỒNG ĐỘI TRUNG ƯƠNG, HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM - ĐOÀN CHỦ TỊCH, TRUNG ƯƠNG HỘI NÔNG DÂN - TRUNG TÂM DSGĐTE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 176KHLT/BVCSTE-MT-CĐTNĐ-C68-TCTDTT-CTHSSV-HĐĐTW-ĐCT-DSGĐTE

Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

PHỐI HỢP LIÊN TỊCH PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

Kết quả khảo sát về tai nạn thương tích Việt Nam (VNIS) năm 2010 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trường Đại học Y tế Công cộng (ĐHYTCC) tiến hành và thống kê tử vong của ngành y tế trong vòng 5 năm trở lại đây cho thấy, đuối nước là một trong năm nguyên nhân hàng đầu trong số các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em có liên quan đến tai nạn thương tích.

Nguyên nhân của tỷ lệ chết vì đuối nước ở trẻ em cao chủ yếu là do nhận thức của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ em về phòng chống đuối nước còn hạn chế; môi trường sống trong gia đình và cộng đồng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn đuối nước trẻ em; việc chấp hành các quy định về an toàn đường thủy chưa nghiêm túc và do vậy hiệu lực, hiệu quả của luật pháp chính sách về vấn đề này còn hạn chế.

Trong giai đoạn 2009-2010 các đơn vị chức năng của 9 Bộ, ngành đã cùng xây dựng và cam kết thực hiện Kế hoạch phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em. Nhiều giải pháp đã được triển khai như tuyên truyền nâng cao nhận thức, tổ chức dạy bơi cho trẻ em, xây dựng các mô hình an toàn cho trẻ em, tăng cường kiểm tra, giám sát các quy định của luật pháp về an toàn giao thông đường thủy... Kế hoạch này đã đem lại nhiều kết quả tích cực, số trẻ em chết vì đuối nước bước đầu đã giảm.

Tuy nhiên, số lượng trẻ em chết vì đuối nước vẫn còn cao. Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình hàng năm trong giai đoạn 2005-2010 vẫn còn khoảng 3.500 trẻ em chết vì nguyên nhân này. Điều đó đòi hỏi sự cam kết và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Nhằm đảm bảo quyền sống còn của trẻ em như quy định tại Công ước về Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam phê chuẩn, và thực hiện Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 1 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em”, trong đó có công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn Hóa thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công An, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng và ký kết Kế hoạch liên tịch phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012-2015.

Phần I

THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ EM VÀ KẾT QUẢ CAN THIỆP

1. Thực trạng

Ở Việt Nam đuối nước là nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em cao nhất, vượt xa những nguyên nhân tử vong khác. Theo kết quả giám sát của Bộ Y tế trong 6 năm 2005-2010 cho thấy mỗi năm có trung bình 3.500 trẻ em vả vị thành niên (0-18 tuổi) tử vong do đuối nước.

Bảng 1- Số lượng và tỷ lệ trẻ em chết do đuối nước giai đoạn 2005-20101

 

2005

2006

2007

2008

2009

2010

Tổng số trẻ em tử vong trong năm trong đó, số tử vong do đuối nước

6.938

7.198

7.894

7.020

7.327

7.460

3.564

3.662

3.786

3.523

3.330

2.411

Tỷ suất tử vong chung của trẻ em

(1/100.000 trẻ em)

Tỷ suất tử vong trẻ em do đui nước (1/100.000 trẻ em)

25,8

26,3

26,4

24,4

25,5

24,5

13,3

13,5

10,4

12,26

12,13

8,1

Số liệu thống kê của ngành lao động-thương binh và xã hội trong 2 năm 2009-2010 cũng cho thấy tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm tỷ lệ cao nhất (trên 50%) trong số trẻ em tử vong vì tai nạn thương tích. Các số liệu cũng cho thấy số ca đuối nước tại nhà chiếm khoảng 30%, đuối nước ngoài gia đình chiếm khoảng 70%, trong đó có 1% đuối nước tại trường học. Số trẻ em bị tử vong do đuối nước thường tăng cao vào dịp hè và trong mùa mưa lũ hàng năm. Đuối nước không trừ một nhóm tuổi nào, và tỷ lệ tử vong do đuối nước ở các nhóm tuổi đều cao2.

Các biện pháp can thiệp đối với đuối nước ở trẻ em tại 15 tỉnh có số tử vong do đuối nước cao nhất năm 2008 đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Sau hai năm triển khai (2009-2010) đã có 7/15 tỉnh đã giảm rõ rệt số ca trẻ em chết đuối, 3/15 tỉnh giảm nhẹ, và 5 tỉnh chưa giảm.3 Như vậy, việc phối hợp liên ngành và vào cuộc của toàn xã hội trong triển khai các giải pháp can thiệp, nếu thực hiện nghiêm túc và quyết liệt sẽ giảm được số lượng trẻ em chết vì nguyên nhân đuối nước.còn lại là tăng cao hơn (bảng 2).

2. Nguyên nhân gây đuối nước ở trẻ em

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước ở trẻ em, trong đó nổi lên các nguyên nhân chính sau đây:

2.1. Nhận thức và hiểu biết chung về tai nạn chết đuối trẻ em còn thấp. Mặc dù chết đuối là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho nhóm trẻ em và vị thành niên (từ 0-19 tuổi) nhưng nhận thức của xã hội và người dân về vấn đề này vẫn còn hạn chế, thể hiện qua việc coi thường sự nguy hiểm đuối nước với trẻ em và cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng phòng chống đuối nước chưa được chú trọng, mà cụ thể là gần đây thì phương tiện thông tin đại chúng mới chú ý tới vấn đề này.

2.2. Trẻ em thiếu sự quan tâm, giám sát đầy đủ của người lớn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ đuối nước cao ở trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ đó là thiếu sự giám sát đầy đủ của người lớn. Nhiều trường hợp trẻ em bị rơi xuống, sông, hồ, ao, giếng hay bể nước chỉ vì sự thiếu quan sát của cha mẹ, người giữ trẻ trong một khoảng thời gian ngắn do bận làm việc khác. Đối với nhóm học sinh ở lứa tuổi tiểu học, hầu hết các em không có được sự giám sát thường xuyên của người lớn, đặc biệt trong kỳ nghỉ hè vì cha mẹ các em còn bận đi làm. Ngoài ra trẻ em còn bị chết đuối tại các bãi biển, khu vui chơi giải trí, bể bơi mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu sự giám sát của người lớn.

2.3. Nhiều trẻ em không biết bơi, không có kỹ năng ứng phó khi có nguy cơ bị đuối nước. Nhiều cuộc khảo sát tại Việt Nam cho thấy hầu hết trẻ em bị đuối nước là do không biết bơi. Theo kết quả đánh giá nhanh của UNICEF ở một trường phổ thông cơ sở tại tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 5 năm 2007, cho thấy chỉ dưới 10% học sinh trong trường có thể bơi được khoảng 25 m chiều dài. Không biết bơi nhưng rất nhiều trẻ em thường hay chơi đùa gần hay trong sông, hồ, suối. Các bậc phụ huynh cũng không dạy hoặc không cho các em đi học bơi vì bận bịu với công việc hàng ngày; hoặc lo ngại con em mình có thể bị đuối nước khi biết bơi. Quan niệm thứ hai này ngược lại với bằng chứng trên toàn cầu cho thấy tỷ lệ đuối nước giảm khi trẻ biết bơi.

2.4. Môi trường sống xung quanh trẻ em còn tiềm ẩn nhưng nguy cơ không an toàn. Việt Nam có bờ biển dài, hệ thống ao hồ, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Tuy vậy, cho đến nay chưa có nhiều hoạt động để giảm thiểu nguy cơ đuối nước do môi trường sống, vẫn còn nhiều ngôi nhà gần sông ngòi, ao hồ không có rào chắn. Đa số các giếng khơi và bể nước không có nắp đậy, nhiều công trình xây dựng không có rào chắn tại các hố nước hoặc không lấp bỏ các hố nước sau khi kết thúc xây dựng. Nhiều tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có rất nhiều ngôi nhà được xây nổi trên sông cùng với nhà vệ sinh hoặc rất gần mặt nước điều đó đã tạo ra các nguy cơ đuối nước, đặc biệt đối với nhóm trẻ nhỏ rất dễ bị ngã xuống nước.

2.5. Ý thức chấp hành các quy định an toàn trong vận tải đường thủy của người dân còn chưa cao.

Hiện nay, trên cả nước có hơn 2.300 bến khách ngang sông, dọc tuyến với hơn 5.000 phương tiện hoạt động, vận chuyển khoảng hơn 80 triệu lượt hành khách hàng năm, chiếm hơn 20% tổng vận tải hành khách của cả ngành giao thông. Luật Giao thông đường thủy nội địa được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, tuy nhiên, việc thực thi Luật trong thực tế vẫn còn nhiều bất cập như: vẫn có người điều khiển phương tiện ở một số bến chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn; chất lượng phương tiện giao thông đường thủy không được đảm bảo, thiếu thiết bị an toàn nhất là phao cứu sinh; chở quả tải theo quy định, việc sử dụng áo phao cho người tham gia giao thông đường thủy nội địa, nhất là trẻ em còn chiếm tỷ lệ rất thấp... đặc biệt hay gặp ở một số phương tiện chở khách ngang sông (đò ngang), việc quản lý, điều hành hoạt động của bến khách ngang sông của chính quyền ở một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức. Trong năm 2010, cảnh sát đường thủy đã lập biên bản xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm, tước bằng chứng chỉ chuyên môn 224 trường hợp, đình chỉ hoạt động 751 phương tiện vi phạm. Những yếu tố trên là một trong những nguyên nhân của những vụ tai nạn gây hậu quả rất nghiêm trọng làm mất đi cuộc sống của nhiều trẻ em và cũng có nhiều trẻ em bị mồ côi từ đó4.

2.6. Nghèo đói được coi là một yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cao gây đuối nước.

Năm 2003, một nghiên cứu về đuối nước trẻ em tại Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long do Liên minh cứu trợ trẻ em hỗ trợ cho thấy những khu vực thường xảy ra đuối nước là những khu vực nghèo và hầu hết đuối nước thường xảy ra ở những gia đình không có người giám sát trẻ do đó điều này cũng khẳng định những phát hiện trước đây cho rằng phần đa các trường hợp đuối nước xảy ra với nhóm trẻ dưới sáu tuổi. Hầu hết các trường hợp đuối nước xảy ra ngay tại nhà hay khu vực xung quanh nhà của các em. Nhìn chung, các gia đình có trẻ bị đuối nước thường không có đất hoặc cộ rất ít đất, điều này khiến các bậc phụ huynh phải đi làm ăn xa nhà không có điều kiện để chăm sóc con cái, trẻ em sống lênh đênh cùng gia đình ở các làng vạn chài. Tại một số tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long như Long An, Đồng Tháp cha mẹ đã phải đưa trẻ theo khi họ làm việc ngoài đồng hay khi đi đánh cá...và các em thường bị rơi xuống nước khi cha mẹ đang bận rộn với công việc kiếm sống hàng ngày.

3. Kết quả thực hiện Kế hoạch liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2009-2010

Ngày 19 tháng 10 năm 2009 đại diện 9 Bộ, ngành đã ký cam kết thực hiện kế hoạch liên ngành số 570/KHLN-BVCSTE-CSTE. Sau gần 2 năm nỗ lực thực hiện các hoạt động theo 7 cam kết, đã đạt được một số kết quả tích cực.

3.1. Công tác phòng chống tai nạn thương tích nói chung và phòng chống đuối nước trẻ em nói riêng đã được chỉ đạo tích cực. Các Bộ, ngành đã ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương, cụ thể: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH ngày 6/5/2011 về tiêu chí Ngôi nhà an toàn và chỉ đạo địa phương thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trên toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai Quyết định số 170/QĐ-BYT ngày 17/01/2006 và Thông tư số 13/TT-GDĐT về hướng dẫn xây dựng cộng đồng an toàn, nhà trẻ mẫu giáo an toàn phòng, chống tai nạn thương tích.

3.2. Các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em được triển khai đồng bộ. Đặc biệt công tác truyền thông phòng chống đuối nước trẻ em đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn quốc. Năm 2010 đã phát động Chiến dịch truyền thông phòng chống đuối nước trẻ em, trong đó xây dựng được cam kết 7 điểm nhằm giảm tử vong do đuối nước tại 15 tỉnh có tỷ lệ đuối nước cao nhất trong năm 2008. Sau lễ ký cam kết các ngành tham gia đã chỉ đạo ngành dọc triển khai thực hiện cam kết trên theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành.

3.3. Các văn bản chính sách liên quan đến phòng, chống đuối nước trẻ em đã được rà soát. Bộ Giao thông vận tải đã rà soát các văn bản liên quan đến an toàn giao đường thủy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UNICEF và các ngành tiến hành nghiên cứu rà soát các văn bản luật pháp, chính sách liên quan đến phòng chống đuối nước trẻ em, xây dựng các quy định về phòng, chống đuối nước trẻ em và hiện nay đang tiến hành xây dựng Kế hoạch liên tịch phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012-2015 giữa 9 Bộ, ngành và Thông tư liên tịch giữa 4 Bộ, ngành về phòng chống đuối nước trẻ em.

3.4. Tăng cường công tác dạy bơi và cứu đuối: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức một số lớp huấn luyện giáo viên dạy bơi tại các tỉnh trọng điểm như An Giang, Đồng Tháp, tổ chức hội thi bơi cứu đuối; Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai các hoạt động chuẩn bị cho việc đưa môn bơi vào trường tiểu học; đồng thời đã có công văn hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em trong nhà trường, chỉ đạo các trường tổ chức dạy bơi cho trẻ em tiểu học, thí điểm mở lớp huấn luyện giảng viên dạy bơi cho giáo viên thể dục của các trường tiểu học và cán bộ ngành thể dục thể thao tại một số tỉnh. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động “Tuần lễ dạy bơi cho trẻ em” và tổ chức Hội thi tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

3.5. Việc sử dụng các trang thiết bị an toàn để phòng chống đuối nước cho trẻ em được đy mạnh. Cụ thể, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Vụ An toàn giao thông đã triển khai Cuộc vận động người đi đò mặc áo phao do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động; chủ trì phối hợp với các Cục quản lý chuyên ngành, Ban An toàn giao thông địa phương tổ chức lễ phát động hưởng ứng cuộc vận động ở hơn 20 tỉnh, thành và hỗ trợ hàng ngàn áo phao cho các bến đò.

3.6. Công tác đảm bảo trật tự an toàn đường thủy được tăng cường. Cục cảnh sát đường thủy đã có văn bản chỉ đạo lực lượng, cảnh sát đường thủy tại các địa phương tăng cường kiểm tra, tuần tra xử lý các vụ việc vi phạm an toàn đường thủy. Đồng thời xây dựng các tài liệu truyền thông, các phóng sự phát trên truyền hình và phát tờ rơi cho các chủ tàu, người quản lý bến bãi về thực hiện an toàn giao thông đường thủy.

3.7. Các hoạt động loại bỏ nguy cơ gây đuối nước trẻ em được triển khai mạnh mẽ thông qua thực hiện các mô hình an toàn, Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em trong gia đình, trường học và trong cộng đồng. Kết quả sau gần 2 năm thực hiện, theo báo cáo của Bộ Y tế và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì tỷ lệ tử vong do đuối nước tại 10/15 tỉnh trọng điểm đã giảm. Tuy nhiên, theo báo cáo giám sát của Bộ Y tế năm 2009, số trẻ em bị chết đuối trên toàn quốc chưa giảm, tập trung vào các tỉnh đồng bằng Sông Hồng và Bắc miền Trung.

4. Những thách thức trong phòng chống đuối nước ở trẻ em

Công tác phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian tới còn nhiều thách thức, trong đó nổi lên là:

Nhận thức của cộng đồng về các nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn chưa cao. Công tác tuyên truyền cho cộng đồng về các kiến thức phòng, chống đuối nước trẻ em, tuyên truyền các quy định của luật pháp, chính sách liên quan đến an toàn giao thông đường thủy cho người tham gia giao thông đường thủy, các chủ phương tiện, bến bãi, các cán bộ làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn trật tự đường thủy vẫn còn hạn chế. Thiếu các tài liệu hướng dẫn bơi cho trẻ em, hướng dẫn các kỹ năng an toàn ở trong môi trường nước.

Các văn bản, chính sách liên quan đến các quy định về phòng, chống đuối nước trẻ em còn chưa đầy đủ và việc thực thi còn nhiều hạn chế.

Vẫn còn nhiều nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em chưa được loại bỏ tại gia đình, cộng đồng; việc chấp hành các quy định về giao thông đường thủy, trong đó có quy định sử dụng áo phao cho người dân và trẻ em trên các phương tiện vận chuyển khách qua sông, còn chưa được thực hiện nghiêm túc.

Việc dạy bơi cho trẻ em chưa được triển khai rộng rãi tại các địa phương. Các cán bộ thể dục thể thao, giáo viên thể dục trong trường học được tập huấn các kỹ năng dạy bơi cho trẻ em còn ít, chưa thành chương trình đào tạo cụ thể. Các trường học không đủ điều kiện, cơ sở vật chất dạy bơi cho trẻ em tiểu học.

Thiếu nguồn lực để triển khai các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em tại các ngành và địa phương.

Phần II

KẾ HOẠCH PHỐI HỢP LIÊN TỊCH PHÒNG CHỐNG ĐUỐI NƯỚC TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2012-2015

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

Đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành nhằm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị tử vong và tàn tật do đuối nước gây ra, đặc biệt tại các tỉnh có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao. Đến năm 2015, giảm được 1/4 số trẻ em bị tử vong đuối nước so với năm 2010.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015

2.1. Kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối cho trẻ em của mọi người dân và bản thân trẻ em được ngày một nâng cao thông qua các hoạt động truyền thông giáo dục.

2.2. Xây dựng môi trường sống an toàn tại gia đình, trường học và cộng đồng nhằm giảm nguy cơ đuối nước cho trẻ em.

2.3. Tăng số lượng trẻ em biết bơi an toàn thông qua các hoạt động dạy bơi và giáo dục kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em.

2.4. Xây dựng môi trường pháp lý để tăng cường việc thực hiện phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

2.5. Kiện toàn mạng lưới thu thập thông tin, số liệu về tai nạn thương tích trẻ em nói chung và đuối nước trẻ em nói riêng.

2.6. Phổ cập kỹ năng sơ cấp cứu trẻ em bị đuối nước cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên phòng chống TNTT tại cộng đồng.

II. Nội dung hoạt động

1. Truyền thông nâng cao nhận thức

- Xây dựng các thông điệp, tài liệu truyền thông phòng, chống đuối nước trẻ em phù hợp với cộng đồng đặc biệt là trẻ em.

- Triển khai tuyên truyền về phòng, chống đuối nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt chú ý tới việc tuyên truyền giáo dục về các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật, các quy định của nhà nước về phòng, chống đuối nước trẻ em.

- Tuyên truyền tại các làng, xóm, thôn, bản, ấp, trường học ven sông, khu tắm biển, khu vui chơi giải trí.

- Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em kỹ năng sơ cấp cứu các trường hợp khi bị đuối nước cho cán bộ, cộng tác viên tại cộng đồng.

- Triển khai các hoạt động tuyên truyền tại địa phương thông qua đội ngũ cộng tác viên của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, y tế thôn bản, các cán bộ các tổ chức quần chúng (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân) cho các bậc cha mẹ, trẻ em và thanh niên về các nguy cơ đuối nước và biện pháp phòng tránh.

- Lồng ghép tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường.

- Triển khai các nghiên cứu về vấn đề đuối nước trẻ em như các nguyên nhân, hoàn cảnh xảy ra đuối nước ở các vùng, miền, địa phương; kiến thức, thái độ và hành vi của người dân về vấn đề đuối nước trẻ em.

2. Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em

Nhằm thực hiện quyết định của lãnh đạo các bộ đã ban hành về việc xây dựng môi trường an toàn phòng, chống tai nạn thương tích. Theo chức năng, nhiệm vụ, các cộ, ngành chỉ đạo triển khai các hoạt động nhằm xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em như các mô hình Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, nhà trẻ, mẫu giáo an toàn, Cộng đồng an toàn, khu Du lịch an toàn, Cảng, bến thủy văn hóa - an toàn phòng tránh tai nạn đuối nước trẻ em v.v.

3. Triển khai các hoạt động dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước

- Phát động phong trào học bơi dạy bơi trên toàn quốc đặc biệt là tại một số địa phương có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao và có nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Tổ chức dạy bơi cho trẻ em trong dịp hè và cấp chứng chỉ đã qua lớp học bơi cơ bản.

- Tổ chức tập huấn cho trẻ em các kiến thức kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

- Tổ chức tập huấn về sơ cấp cứu, kỹ thuật cứu đuối cho cộng tác viên tại cộng đồng, cán bộ y tế thôn bản, cán bộ của các ban ngành đoàn thể tham gia công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại cộng đồng.

- Tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên dạy bơi cho trẻ em.

- Nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho toàn bộ trẻ em lứa tuổi tiểu học được phổ cập bơi.

4. Rà soát, chỉnh sửa, ban hành và thực hiện các văn bản, quy định có liên quan đến phòng chống đuối nước trẻ em

- Rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống đuối nước và xác định những khoảng trống cần hoàn thiện.

- Xây dựng văn bản hướng dẫn, thông tư liên tịch về phòng, chống đuối nước trẻ em.

- Củng cố việc thực thi pháp luật và các quy định liên quan đến phòng, chống đuối nước trẻ em như: thực thi các quy định về chất lượng phương tiện chuyên chở hành khách bằng đường thủy, quy định về tàu/thuyền chở khách đúng trọng tải quy định, việc mặc áo phao khi đi thuyền đò, không uống rượu khi lái thuyền/đò hay ở những sông hồ lớn, quy định cấp phép giám sát cho các đơn vị, địa điểm du lịch, bể bơi, quy định trẻ em khi đi bơi, tắm tại bể bơi, sông, hồ, biển phải có người lớn đi kèm và có áo phao phù hợp với lứa tuổi.

- Các quy định về sơ cấp cứu tại các nơi vui chơi du lịch.

5. Theo dõi, giám sát, thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu về tình hình đuối nước trẻ em.

- Xây dựng hệ thống giám sát điểm đuối nước tại một số tỉnh triển khai mô hình lựa chọn các tỉnh có nguy cơ đuối nước trẻ em cao.

- Tăng cường chất lượng giám sát Tai nạn thương tích trẻ em đặc biệt là đối với đuối nước trẻ em.

III. Các giải pháp phòng chống đuối nước trẻ em

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung, đặc biệt tập trung phòng chống đuối nước cho trẻ em.

2. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công tác viên về các kiến thức kỹ năng, phòng chống đuối nước trẻ em như: loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em, sơ cấp cứu các trường hợp bị đuối nước, tổ chức các lớp tập huấn về dậy bơi trẻ em cho cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, giáo viên, cán bộ đoàn...

3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các quy định về phòng, chống đuối nước trẻ em tại cộng đồng, các quy định về ngôi nhà an toàn, làm biển báo nơi nguy hiểm có thể gây đuối nước, quy định về mặc áo phao khi đi tàu, thuyền, đò và chất lượng cũng như quy định của các phương tiện chở khách, phương tiện giao thông đường thủy.

Tăng cường công tác đào tạo tập huấn kỹ năng tổ chức hoạt động đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa cho Thanh tra giao thông đường thủy, Cảng vụ đường thủy nội địa.

4. Tăng cường các thiết chế luật pháp và các chế tài về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung và phòng chống đuối nước nói riêng.

5. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành: các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và đào tạo, Cảnh sát đường thủy, Cục đường thủy nội địa Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... triển khai đồng bộ công tác phòng, chống đuối nước tại địa phương, phối hợp đưa nội dung giáo dục phòng, chống đuối nước vào chương trình giảng dạy ngoại khóa của cấp tiểu học, tổ chức các lớp đào tạo sơ cấp cứu cho các cộng tác viên, học sinh trong trường phổ thông.

IV. Tổ chức thực hiện và trách nhiệm của các Bộ, ngành

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao cho Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em thực hiện.

- Là đầu mối chủ trì triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống đuối nước trẻ em bao gồm: Triển khai chiến dịch truyền thông phòng, chống đuối nước vào những tháng trước khi học sinh nghỉ hè; Xây dựng và chia sẻ tài liệu truyền thông phòng chống đuối nước trẻ em; Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng Thông tư liên tịch về phòng, chống đuối nước trẻ em.

- Triển khai xây dựng Ngôi nhà an toàn (5 triệu Hộ gia đình đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” vào năm 2015)

- Phối hợp với các cơ quan đoàn thể khác để triển khai các hoạt động dạy bơi cho trẻ em tại cộng đồng trong dịp hè. Tổ chức các hoạt động giám sát liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em.

2. Bộ y tế giao cho Cục Quản lý Môi trường y tế thực hiện.

- Tăng cường các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và huy động cộng đồng tham gia thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích.

- Cải thiện hệ thống sơ cấp cứu trước khi đến bệnh viện, chăm sóc chấn thương thiết yếu và phục hồi chức năng.

- Nâng cao năng lực phòng chống tai nạn thương tích cho cán bộ y tế các tuyến.

- Triển khai xây dựng mô hình Cộng đồng an toàn do Bộ Y tế là cơ quan chủ trì (200 xã phường đạt tiêu chuẩn “Cộng đồng an toàn” vào năm 2015).

- Thiết lập hệ thống giám sát thương tích quốc gia tạo cơ sở cho việc triển khai kế hoạch và đánh giá hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Vụ Công tác học sinh sinh viên thực hiện.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai sâu, rộng, thường xuyên và hiệu quả về việc xây dựng trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích.

- Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh về phòng chống tai nạn thương tích trong đó chú trọng đến phòng chống đuối nước trẻ em.

- Triển khai xây dựng các mô hình “Trường học an toàn, nhà trẻ mẫu giáo an toàn” phòng tránh TNTT (10 nghìn trường học đạt tiêu chuẩn “Trường học an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích vào năm 2015)

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền và đào tạo giáo viên dạy bơi cho các địa phương, triển khai các mô hình thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học từ đó nhân rộng trong toàn quốc.

- Nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho toàn bộ trẻ em lứa tuổi tiểu học được phổ cập bơi.

4. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch giao cho Tổng Cục Thể dục thể thao thực hiện.

- Tiếp tục phát triển sâu, rộng và nâng cao chất lượng phong trào phổ cập bơi, phòng, chống tai nạn cho trẻ em trên toàn quốc, nhất là công tác phổ cập bơi cho học sinh các trường tiểu học. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên bơi lặn, hướng dẫn viên cứu đuối.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về sự cần thiết phổ cập bơi, cứu đuối và đặc biệt là các phương pháp phòng, chống tai nạn trên sông nước.

- Xây dựng khu Du lịch an toàn phòng, chống tai nạn thương tích.

5. Bộ Công An giao cho Cục Cảnh sát đường thủy thực hiện.

- Tăng cường truyền thông phòng ngừa tai nạn đối với phương tiện chở khách ngang sông, phương tiện, bến dân sinh; phương tiện thủy nội địa phục vụ hoạt động du lịch trên toàn quốc. Tập trung đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa đối với bến, phương tiện chở khách ngang sông có nhiều học sinh đi học tại 5 địa phương trọng điểm về tai nạn đuối nước trẻ em.

- Tăng cường công tác đào tạo tập huấn kỹ năng tổ chức hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa. Tiếp tục xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội tự quản về an ninh trật tự trong tổ chức, hướng dẫn trẻ em qua, lại trên các phương tiện chở khách, những nơi trẻ em phải đến trường bằng phương tiện thủy.

- Tiếp tục thực hiện trao đổi thông tin về tình hình trẻ em bị đuối nước.

6. Bộ Giao thông Vận tải giao cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện.

- Chỉ đạo triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa cũng như phòng, chống đuối nước trẻ em. Đặc biệt là mở một chuyên trang riêng trên Tạp chí Đường thủy nội địa để tuyên truyền về việc phòng, chống đuối nước trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy nội địa để tuyên truyền tới các xã, phường, trường học ven sông.

- Tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em trên phương tiện thủy nội địa, trong đó có việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người đi đò mặc áo phao”.

- Xây dựng Cảng, bến thủy văn hóa - an toàn phòng, tránh tai nạn đuối nước trẻ em do Bộ Giao thông vận tải chủ trì.

- Chỉ đạo các lực lượng mà đặc biệt là Thanh tra giao thông đường thủy, Cảng vụ đường thủy nội địa phối hợp với cảnh sát đường thủy tăng cường công tác kiểm tra; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy nội địa tại 5 địa phương trọng điểm.

7. Trung ương đoàn TNCSHCM giao cho Hội đồng đội Trung ương thực hiện

- Tăng cường công tác truyền thông, phát huy vai trò các cơ quan báo chí của Trung ương Đoàn, các tờ tin, website của các tỉnh, thành Đoàn trong tuyên truyền phòng, chống đuối nước; nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên, trẻ em và cộng đồng về phòng chống đuối nước.

- Tăng cường hoạt động dạy bơi gắn với các mô hình giáo dục kỹ năng cho trẻ em như Học kỳ quân đội, Trại hè xanh... nhân rộng mô hình trên khắp các tỉnh, thành, phối kết hợp với các hoạt động trong nhà trường.

- Lồng ghép nội dung phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em vào hoạt động của các Cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hướng dẫn hoạt động thanh thiếu niên các tỉnh/thành, hướng dẫn thanh thiếu nhi vui chơi giải trí an toàn do Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì.

- Tổ chức dạy, học và thi bơi trong các Cung, Nhà thiếu nhi giai đoạn 2012-2015 tổ chức giải thi bơi thiếu nhi trong Liên hoan các Cung, Nhà thiếu nhi toàn quốc với sự tham dự của 100 các Cung, Nhà thiếu nhi toàn quốc.

8. Hội Nông dân Việt Nam giao cho Trung tâm DSGĐTE thực hiện các hoạt động sau:

- Tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân 15 tỉnh, thành xây dựng kế hoạch Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; phối hợp với các ngành chức năng trong công tác truyền thông, giáo dục, vận động Hội viên, nông dân, đặc biệt là các gia đình có con ở độ tuổi dễ bị tai nạn đuối nước tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích đặc biệt phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em. Hội Nông dân 15 tỉnh, thành có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao tiếp tục có những cam kết nhằm giảm tỷ lệ trẻ em đuối nước, duy trì và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”

- Đưa nội dung Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong đó có nội dung phòng, chống đuối nước trẻ em vào làm tài liệu giảng dạy tại Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy của nhà trường và giúp cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của Hội Nông dân các cấp có tài liệu tuyên truyền vận động về truyền thông phòng, chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em

- Đưa nội dung phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có nội dung phòng, chống đuối nước vào chương trình tập huấn cho cán bộ Hội chủ chốt các cấp, tuyên truyền viên cộng đồng, các ông bố có con dưới 16 tuổi trong triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt giai đoạn 2010 - 2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện ngày 19 tháng 5 năm 2010 mà trong đó Hội Nông dân được giao thực hiện mục tiêu “Có ít nhất 2 triệu ông bố trong gia đình có con dưới 16 tuổi được tiếp cận với các thông tin về nuôi, dạy con, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình thông qua tư vấn, sinh hoạt câu lạc bộ, hội họp, các sự kiện truyền thông tại cộng đồng”.

9. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam giao cho Ban gia đình xã hội thực hiện các hoạt động sau:

- Tiếp tục đưa nội dung hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt phòng, chống đuối nước trẻ em là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” gắn với thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.

- Chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch “Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em” hàng năm; phối hợp với các ngành chức năng trong công tác truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ, đặc biệt cho các bà mẹ có con ở độ tuổi trẻ em tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt phòng chống, đuối nước ở trẻ em; Hội Hội Liên hiệp phụ nữ 15 tỉnh/thành phố có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao tiếp tục có những cam kết nhằm giảm tỷ lệ trẻ em đuối nước; duy trì và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”

- Lồng ghép nội dung phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em vào các hoạt động “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” và hoạt động “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”. Trong đó tập trung nội dung tai nạn thương tích trẻ em do đuối nước vào chương trình tập huấn cho cán bộ Hội chủ chốt các cấp, tuyên truyền viên cộng đồng và bà mẹ có con dưới 16 tuổi trong triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt giai đoạn 2010 - 2015” vừa được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định phê duyệt thực hiện ngày 19/5/2010.

V. Cơ chế phối hợp thực hiện kế hoạch:

1. Cấp trung ương:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định thành lập Ban điều phối liên Bộ triển khai thực hiện Kế hoạch liên tịch này. Thành viên gồm đại diện Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Vụ An toàn giao thông và Cục đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Vụ Thể dục thể thao quần chúng - Tổng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn Hóa thể thao du lịch), Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), Cục Cảnh sát đường thủy (Bộ Công An), Hội Đồng đội Trung ương (Trung ương đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh), Ban Gia đình xã hội (Hội Hội Liên hiệp phụ nữ Việt nam), Ban Dân số gia đình trẻ em (Hội Nông Dân Việt Nam).

Ban điều phối có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm của bộ, ngành; tham mưu cho lãnh đạo các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch liên tịch. Định kỳ 6 tháng/ 1 năm báo cáo liên bộ, ngành kết quả thực hiện.

Hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Sở Giao thông vận tải; Sở Công An; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành phố; Hội Nông dân tỉnh, thành phố; Đoàn TNCSHCM tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai kế hoạch liên tịch trình Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phê duyệt và báo cáo định kỳ theo quy định.

V. Kinh phí thực hiện:

Kinh phí thực hiện Kế hoạch phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2011-2015 được huy động từ các nguồn vốn (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, viện trợ Quốc tế, vốn huy động cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác); được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em của các Bộ, ngành có liên quan theo quy định hiện hành.

Lãnh đạo các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Trung ương đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân đã phân công các đơn vị quản lý thuộc Bộ ký kết “Kế hoạch liên liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012-2015”./.

 

BỘ Y TẾ
Cục Quản lý Môi trường y tế
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Thị Ngọc Lan

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em




CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Hải Hữu

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TL.BỘ TRƯỞNG
KT.VỤ TRƯỞNG VỤ CTHSSV
PHÓ VỤ TRƯỞNG




PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ CÔNG TÁC HSSV
Lê Mạnh Hùng

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Cục đường thủy nội địa Việt Nam





KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Hoàng Minh Toàn

BỘ CÔNG AN
Cục Cảnh sát đường thủy
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Đại tá: Nguyễn Anh Thắng

BỘ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Tổng cục Thể dục thể thao
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Lê Hồng Diệp Chi

TRUNG ƯƠNG ĐOÀN TNCSHCM
Hội đồng đội Trung ương




PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Phú Trường

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM
Ban Gia đình Xã hội





Nguyễn Thị Tuyết Mai

 

HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
Trung tâm DS-GĐ-TE




Giám đốc TT
Trần Ngọc Thanh


Nơi nhận:
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế;
- Vụ Công tác học sinh, sinh viên - Bộ GD&ĐT;
- Tổng cục Thể dục thể thao - Bộ VHTTDL
- Cục cảnh sát đường thủy - Bộ Công An;
- Cục đường thủy nội địa Việt Nam - Bộ GTVT;
- Hội đồng đội Trung ương;
- Trung tâm DSGĐTE - Hội Nông dân;
- Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam;
- Lưu: VT, BVCSTE.

 

 



1 Bộ Y tế- Báo cáo tai nạn thương tích năm 2011

2 Chỉ tính riêng trong năm 2008 đã có 3.523 trẻ em từ 0-19 tuổi bị chết đuối, chủ yếu xảy ra ở trẻ từ 0-14 tuổi (2.968 em) chiếm 83,6%, trong đó lứa tuổi bị tử vong do đuối nước cao nhất là 5-14 (1.811 em).

3 Các tỉnh giảm rõ rệt là Hà Nội, Tiền Giang, Nam Định Bắc Giang, Quảng Bình, An Giang và Sơn La; các tỉnh giảm nhẹ là Nghệ An, Thanh Hoá, Đồng Tháp; các tỉnh chưa giảm là Đắc Lắc, Lâm Đồng, Hải Phòng, Long An và Thái Bình

4 Đặc biệt trong những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ đắm tàu, thuyền nghiêm trọng như vụ đắm đò ở Cà Tang tỉnh Quảng Nam, ở bến đò Chôm Lôm tỉnh Nghệ An, chìm Nhà hàng du lịch Dìn Ký ở sông Sài Gòn.v.v.. đã cướp đi sinh mạng của nhiều em học sinh.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch phối hợp liên tịch 176KHLT/BVCSTE-MT-CĐTNĐ-C68-TCTDTT-CTHSSV-HĐĐTW-ĐCT-DSGĐTE NĂM 2012 về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012-2015 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân ban hành

  • Số hiệu: 176KHLT/BVCSTE-MT-CĐTNĐ-C68-TCTDTT-CTHSSV-HĐĐTW-ĐCT-DSGĐTE
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 26/04/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ văn hóa thể thao du lịch
  • Người ký: Lê Mạnh Hùng, Nguyễn Hải Hữu, Trần Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trần Ngọc Thanh, Hoàng Minh Toàn, Nguyễn Anh Thắng, Lê Hồng Diệp Chi, Nguyễn Phú Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/04/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản