Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1018/KH-BLĐTBXH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2019

 

KẾ HOẠCH PHỐI HỢP

GIỮA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI VÀ BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VỀ CÔNG TÁC DỰ PHÒNG, CAI NGHIỆN MA TÚY ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 07/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Chương trình công tác năm 2018 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ công tác dự phòng nghiện ma túy đối với học sinh, sinh viên đến năm 2020; Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất Kế hoạch phối hợp như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao nhận thức của nhà giáo và học sinh, sinh viên (gọi tắt là HSSV) về ma túy và tác hại của ma túy; từ đó, xây dựng các chương trình dự phòng nghiện ma túy phù hợp, biện pháp can thiệp hiệu quả đối với những HSSV sử dụng, lạm dụng và nghiện ma túy.

2. Yêu cầu

a. Tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các chương trình dự phòng nghiện ma túy đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và bảo đảm khoa học, phù hợp với các cấp học, bậc học khác nhau;

b. Đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của mỗi cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật;

c. Phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị và đề cao sự chủ động trong việc gắn các hoạt động phối hợp với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi cơ quan, đơn vị;

d. Bảo đảm tính thống nhất, thường xuyên và hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy nói chung và công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV theo quy định của pháp luật và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tập huấn chuyên sâu các văn bản quy phạm pháp luật

a) Phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tập huấn chuyên sâu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV;

b) Xây dựng kế hoạch, nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức tập huấn chuyên sâu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV do hai cơ quan, đơn vị thống nhất triển khai thực hiện.

2. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật

a) Khi phát sinh những vấn đề mới trong thực tiễn hoặc những vướng mắc, bất cập từ quy định của pháp luật về dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV. Hai cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp nghiên cứu, tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra;

b) Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản chủ động lấy ý kiến của cơ quan phối hợp để nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục quy định. Phối hợp xin ý kiến bằng văn bản; cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo văn bản; mời tham gia Hội nghị, Hội thảo, tham gia Hội đồng tư vấn thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, tham gia biên soạn tài liệu; báo cáo, tuyên truyền các nội dung chuyên đề tập huấn theo kế hoạch đề ra;

c) Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm tham gia vào văn bản dự thảo và trả lời cơ quan lấy ý kiến đúng thời gian, tiến độ quy định hoặc cử cán bộ đại diện cơ quan, đơn vị tham gia các Hội nghị, Hội thảo, tập huấn và chịu trách nhiệm về nội dung tham gia này.

3. Trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ yêu cầu công tác

a) Phạm vi thông tin, tài liệu được hai cơ quan, đơn vị trao đổi, cung cấp: Chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước; văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV; báo cáo đánh giá thường xuyên và đột xuất về tình hình, kết quả công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV theo chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan, đơn vị và thông tin, tài liệu khác có liên quan;

b) Hình thức trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu: Tùy từng nội dung thông tin, tài liệu trao đổi, việc phối hợp được thực hiện bằng hình thức trao đổi trực tiếp, qua đường công văn, điện thoại, fax, mạng Internet hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm. Trường hợp có yêu cầu cung cấp thông tin đột xuất, cơ quan có nhu cầu cung cấp thông tin gửi văn bản đề nghị cơ quan phối hợp cung cấp thông tin. Cơ quan, đơn vị nhận được đề nghị có trách nhiệm trả lời bằng văn bản các nội dung thông tin được yêu cầu;

c) Yêu cầu việc trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu: Thông tin, tài liệu trao đổi liên quan đến hoạt động phối hợp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Nghiên cứu, khảo sát tình hình, đánh giá kết quả triển khai thực hiện ở các đơn vị, địa phương và tham vấn về chuyên môn, nghiệp vụ

a) Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, khảo sát về tình hình hoạt động dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV;

b) Tham vấn về chuyên môn, nghiệp vụ các nội dung liên quan đến công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV.

5. Tổ chức các hội nghị, hội thảo và trao đổi, học tập kinh nghiệm

a) Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế (nếu có) liên quan đến công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV;

b) Tham mưu, đề xuất việc tổ chức các đoàn công tác nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và nước ngoài (nếu có) đối với những hoạt động liên quan đến nội dung đang phối hợp và đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao;

c) Cơ quan chủ trì tổ chức có trách nhiệm mời đại diện của cơ quan phối hợp tham dự các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế (nếu có) liên quan đến công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV;

Trường hợp không có đại diện tham gia phối hợp được thì có văn bản trao đổi, xác nhận lại.

6. Phối hợp tổ chức thí điểm các mô hình dự phòng nghiện ma túy

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch, khảo sát, xây dựng các mô hình dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV;

b) Phối hợp tổ chức lựa chọn một số trường đại học, cao đẳng Sư phạm, trung cấp Sư phạm, trường phổ thông tổ chức thí điểm mô hình dự phòng nghiện ma túy phù hợp với các vùng, miền, cấp học, bậc học khác nhau;

c) Phối hợp kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí cho các trường được lựa chọn tham gia mô hình thí điểm;

d) Tổng kết, đánh giá và báo cáo cấp có thẩm quyền nhân rộng mô hình dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV.

7. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác dự phòng nghiện ma túy

a) Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, hai cơ quan có văn bản đề nghị phối hợp, cử cán bộ trực tiếp tham gia phối hợp để hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV ở các đơn vị, địa phương;

b) Nội dung hướng dẫn, kiểm tra tập trung vào việc thực hiện các chính sách pháp luật, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác phòng, chống ma túy đối với HSSV tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là tại các nhà trường;

c) Việc đề nghị phối hợp hướng dẫn, kiểm tra phải thể hiện bằng văn bản và cần nêu rõ: đơn vị được yêu cầu phối hợp hướng dẫn kiểm tra; phạm vi, nội dung hướng dẫn, kiểm tra; thông tin cá nhân của cán bộ tham gia phối hợp; dự kiến thời gian hoàn thành và các điều kiện đảm bảo việc thực hiện.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công trách nhiệm

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo giao Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho lãnh đạo hai cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện;

b) Định kỳ Quý IV hàng năm, hai cơ quan, đơn vị luân phiên chủ trì tổ chức giao ban, đánh giá tình hình, kết quả phối hợp và đề ra phương hướng, nhiệm vụ của năm tiếp theo; đồng thời tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm sau khi kết thúc chương trình phối hợp này vào cuối năm 2020.

2. Kinh phí tổ chức thực hiện

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bố trí từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2018 - 2020 để thực hiện chương trình này;

b) Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí nguồn kinh phí từ Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 do Bộ Tài chính giao (thực hiện Quyết định số 1236/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2020”);

c) Các hoạt động phối hợp thường xuyên, mỗi cơ quan, đơn vị tự đảm bảo kinh phí thực hiện. Đối với những hoạt động phối hợp có quy mô, phạm vi hoạt động lớn liên quan đến nhiều cơ quan, hai cơ quan, đơn vị cùng bàn bạc thống nhất yêu cầu Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định.

d) Chi tiết liên hệ

- Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Phòng Chính sách cai nghiện ma túy) số 3, ngố 7, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội;

- Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, 35 Đại Cồ Việt, Hà Nội.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nghiên cứu, trao đổi để thống nhất phối hợp báo cáo, đề xuất, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Hà


Nơi nhận:
- PTTgCP Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH (để báo cáo);
- Bộ trưởng Bộ GDĐT (để báo cáo);
- Bộ trưởng Bộ Công an (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX);
- Sở GĐĐT, Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm (để thực hiện);
- Lưu: VT, CPCTNXH, GDCTHSSV.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch phối hợp 1018/KH-BLĐTBXH-BGDĐT về công tác dự phòng, cai nghiện ma túy đối với học sinh sinh viên đến năm 2020 giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo

  • Số hiệu: 1018/KH-BLĐTBXH-BGDĐT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/03/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Thị Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản