Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO – BỘ CÔNG AN – BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI – TW ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH – ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 9337/KHLT/BGDĐT-BCA-BGTVT-TWĐTN-ĐTHVN

Hà Nội, ngày 04 tháng 09 năm 2007

 

KẾ HOẠCH LIÊN TỊCH

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC, XỬ LÝ CÁC VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRONG HỌC SINH, SINH VIÊN

Tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt đã gây ra nhiều thiệt hại to lớn về người và tài sản. Đây là vấn đề hết sức bức xúc, nghiêm trọng của toàn xã hội, đòi hỏi các ngành, các cấp chính quyền cùng nỗ lực giải quyết.

Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP và Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; nhằm tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp đồng bộ từ trung ương đến địa phương, các nhà trường trong công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, Liên ngành: Giáo dục và Đào tạo, Công an, Giao thông Vận tải, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam thống nhất ban hành kế hoạch liên tịch về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, xử lý các vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên với các nội dung cơ bản sau đây:

I. MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU 

1. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông; hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là việc vi phạm các quy định về độ tuổi lái xe mô tô, xe gắn máy và giấy phép lái xe trong học sinh, sinh viên.

2. Nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh, sinh viên trong việc tuyên truyền, vận động gia đình, bè bạn nghiêm túc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

3. Việc tuyên truyền, giáo dục phải đảm bảo sâu, rộng, thường xuyên, hiệu quả theo chương trình, kế hoạch cụ thể; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, kiên quyết trong việc xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông có liên quan đến học sinh, sinh viên.

II. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP

1. Đối với ngành giáo dục

a) Chủ trì, phối hợp với ngành Công an, Giao thông vận tải, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Truyền hình Việt Nam triển khai cuộc vận động: “Học sinh, sinh viên giương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc luật giao thông” trong toàn thể học sinh, sinh viên:

- Thời gian: bắt đầu từ năm 2007 – 2008; Lễ phát động được tổ chức vào đầu tháng 9/2007.

- Nội dung cuộc vận động nhằm nâng cao ý thức tự giác, gương mẫu thực hiện của học sinh, sinh viên đồng thời còn là những tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động gia đình và bè bạn nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

- Cuộc vận động được thực hiện sâu rộng trong học sinh, sinh viên từ bậc tiểu học đến cao đẳng, đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường trong việc triển khai cuộc vận động.

b) Thực hiện giáo dục an toàn giao thông trong chương trình chính khóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Đối với các trường phổ thông: Ngoài các tiết dạy về luật giao thông, các trường cần chủ động lồng ghép nội dung giáo dục trật tự an toàn giao thông trong chương trình khóa với các môn học khác, đảm bảo về nội dung, thời lượng, giáo viên và phương pháp giảng dạy phù hợp với từng cấp học.

- Đối với các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp: Trong “Tuần sinh hoạt công dân - HSSV” đầu khóa, cuối khóa và đầu năm học, dành ít nhất một buổi chuyên đề về giáo dục trật tự an toàn giao thông để học sinh, sinh viên hiểu và thực hiện nghiêm túc luật giao thông. Cuối khóa học có hình thức kiểm tra, đánh giá mức độ tiếp thu của người học.

c) Tăng cường giáo dục, tuyên truyền về an toàn giao thông thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp

- Tiếp tục tổ chức các cuộc thi tìm hiểu quy định về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là Luật Giao thông đường bộ và lái xe an toàn từ cấp trường, sở, khu vực đến cấp toàn quốc; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn phù hợp với lứa tuổi, cấp học của học sinh, sinh viên.

- Thường xuyên nhắc nhở, đưa thông tin liên quan đến trật tự an toàn giao thông vào nội dung các buổi sinh hoạt lớp, Lễ chào cờ, trên hệ thống thông tin của nhà trường.

- Mở đợt cao điểm về giáo dục trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên nhân Tháng An toàn giao thông quốc gia (tháng 9 hàng năm).

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng trong học sinh, sinh viên quy định của Chính phủ về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển phương tiện mô tô, xe gắn máy.

d) Rà soát, sửa đổi, bổ sung nguồn tài liệu giáo dục an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên.

- Rà soát, sửa đổi và tiếp tục in, cấp phát đến các trường “Tài liệu giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp”.

- Rà soát chương trình giáo dục an toàn giao thông trong các môn học chính khóa ở bậc phổ thông; nghiên cứu, sửa đổi nội dung, chương trình phù hợp với các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

- Biên soạn, in tài liệu phục vụ công tác giáo dục an toàn giao thông dưới dạng đĩa VCD.

đ) Xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông

- Căn cứ nội quy của nhà trường, quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, gửi kết quả xử lý về cơ quan công an ra thông báo vi phạm, gia đình học sinh, sinh viên và cơ quan quản lý trực tiếp.

- Xử lý dứt điểm trường hợp học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi quy định, không có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Các trường phổ thông phối hợp với Hội Cha mẹ học sinh tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm, có sự chứng kiến của cha mẹ học sinh. Trường hợp cố tình vi phạm, tùy theo mức độ, nhà trường xử lý kỷ luật học sinh từ mức độ trừ bậc hạnh kiểm, ghi vào sổ học bạ đến buộc thôi học.

e) Các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường tổ chức đánh giá việc giáo dục trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên trong thời gian qua và báo cáo, đề xuất các giải pháp thiết thực với cơ quan quản lý cấp trên; rà soát lại chương trình, nội dung, thời lượng giảng dạy về an toàn giao thông đang thực hiện và đề xuất kiến nghị sửa đổi.

2. Đối với ngành công an

a) Kiên quyết xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông có liên quan đến học sinh, sinh viên:

Lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng khác thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm khắc các đối tượng là học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các trường hợp học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển mô tô, xe gắn máy. Tạm giữ mô tô, xe gắn máy 30 ngày trở lên nếu người điều khiển vi phạm một trong các quy định sau: chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông.

- Lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại khu vực trường học, đặc biệt là các giờ học sinh tan học, tránh ùn tắc giao thông.

b) Thông báo danh sách học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông

Theo định kỳ, cơ quan công an gửi thông báo danh sách học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến các nhà trường nơi học sinh, sinh viên đang học và cơ quan quản lý giáo dục để phối hợp xử lý.

c) Tham mưu, giúp các nhà trường trong công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên

Lực lượng Cảnh sát giao thông tham mưu cho các nhà trường đóng trên địa bàn quản lý các biện pháp để giáo dục, ngăn chặn, kiềm chế vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên. Tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hiện các quy định về trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên.

3. Đối với ngành giao thông vận tải

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương tổ chức kiểm tra các trường học dọc hai bên quốc lộ mở cổng đấu nối trực tiếp ra quốc lộ gây mất an toàn giao thông để có kế hoạch đề nghị các địa phương có phương án cụ thể để giải quyết các vi phạm này.

b) Chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc tại các khu vực cổng trường học hiện đang tồn tại trên hệ thống quốc lộ để hạn chế tai nạn giao thông; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để quy hoạch đường gom cho các trường học đang có cổng đấu nối trực tiếp vào quốc lộ.

c) Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông tại khu vực trường học theo thẩm quyền.

d) Chỉ đạo các cơ quan quản lý đường thủy nội địa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra các điều kiện an toàn giao thông của các bến đò ngang, phương tiện thủy đưa đón học sinh, sinh viên qua sông; xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các bến đò không có giấy phép hoạt động, các phương tiện không trang bị phao, áo phao hoặc không an toàn; tiếp tục cuộc vận động học sinh, sinh viên chủ động mặc áo phao khi đi đò qua sông.

đ) Chỉ đạo ngành đường sắt phối hợp với chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua có biện pháp kiên quyết để phòng chống và xử lý các hành vi ném đất đá lên tàu của học sinh, sinh viên; thông báo về gia đình, nhà trường để phối hợp xử lý các trường hợp học sinh, sinh viên ném đất đá lên tàu.

e) Các Sở giao thông vận tải (Giao thông công chính) tham gia báo cáo các chuyên đề về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy cho học sinh, sinh viên các trường đóng trên địa bàn và phối hợp với các trường tổ chức dạy luật giao thông, lái xe an toàn, tổ chức thi và cấp giấy phép lái xe cho học sinh, sinh viên có đủ điều kiện.

4. Đối với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

a) Chỉ đạo tổ chức Đoàn trong các nhà trường thường xuyên đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các buổi sinh hoạt thường kỳ, biểu dương người tốt, việc tốt, phê phán các cá nhân vi phạm.

b) Nâng cao vai trò của Đoàn viên – Học sinh, sinh viên trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tổ chức các Đội tự quản, Đội cờ đỏ, Thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu vực trọng điểm, vào các giờ cao điểm để nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác của học sinh, sinh viên.

c) Tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện các phong trào: “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt”, “Em yêu đường sắt quê em” và phối hợp chỉ đạo thực hiện cuộc vận động Học sinh, sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc luật giao thông trong toàn thể đội viên, đoàn viên, thanh niên – học sinh, sinh viên.

5. Đối với Đài Truyền hình Việt Nam

a) Xây dựng và phát sóng các chương trình tuyên truyền về an toàn giao thông phù hợp với lứa tuổi học sinh, sinh viên, gắn với các chương trình giải trí cho lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.

b) Chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong chấp hành các quy định về an toàn giao thông của học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục, đào tạo.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cơ sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp chủ trì phối hợp với công an, ngành giao thông vận tải (giao thông công chính), tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình ở địa phương lập kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung của Kế hoạch liên tịch này bắt đầu từ năm hoạc 2007 – 2008. Hàng quý, tổ chức họp giao ban liên ngành để trao đổi thông tin, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức thực hiện và báo cáo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Đài Truyền hình Việt Nam và Ban Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

2. Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan chủ quản các trường phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này.

3. Giao cho Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt (C26, Bộ Công an), Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), Ban Thanh niên trường học (TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), Ban Thời sự (Đài Truyền hình Việt Nam) làm đầu mối thường trực, giúp lãnh đạo liên ngành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch, định kỳ 6 tháng tổ chức họp giao ban, tổng hợp tình hình, báo cáo lãnh đạo liên ngành.

4. Kế hoạch liên tịch này được áp dụng thống nhất trong toàn ngành Giáo dục, ngành Công an, ngành Giao thông vận tải, các tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngành Truyền hình và có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Trường

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG




Trần Đại Quang

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Phạm Vũ Luận

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Trần Bình Minh

KT. BAN BÍ THƯ
TW ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
BÍ THƯ




Lâm Phương Thanh

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ; Các PTTg: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thiện Nhân (để báo cáo);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; các bộ, ngành, cơ quan quản lý trường (để phối hợp);
- Các Sở GD&ĐT, đại học, học viện trường ĐH, CĐ và TCCN; Sở Công an, Sở GTGT (GTCC) các tỉnh, thành phố; Các tỉnh Đoàn, thành Đoàn (để thực hiện);
- Lưu VT, Vụ CT HSSV, C26, Vụ VT, Ban TNTH, ĐTHVN.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch liên tịch 9337/KHLT/BGDĐT-BCA-BGTVT-TWDTN-ĐTHVN về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 9337/KHLT/BGDĐT-BCA-BGTVT-TWĐTN-ĐTHVN
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 04/09/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Đài truyền hình Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
  • Người ký: Phạm Vũ Luận, Nguyễn Hồng Trường, Trần Đại Quang, Lâm Phương Thanh, Trần Bình Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/09/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản