Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 99/KH-UBND

Sóc Trăng, ngày 15 tháng 9 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LẬP LẠI TRẬT TỰ HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG

Căn cứ Luật giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 64/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông;

Căn cứ Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ; đường sắt;

Căn cứ Công văn số 413-CV/TU ngày 19/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông,

Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh, với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của lòng lề đường vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông và góp phần xây dựng văn minh đô thị và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

- Tuyên truyền, phổ biến những quy định liên quan đến hành lang an toàn đường bộ, vỉa hè, công tác quản lý, xây dựng vỉa hè và thực hiện nếp sống văn minh đô thị đến mọi người dân, gia đình, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường công tác quản lý không để phát sinh thêm các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh; đảm bảo và duy trì “đường thông - hè thoáng” trên tất cả các tuyến đường.

- Tổ chức xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh gắn với chỉnh trang đô thị từ năm 2017 - 2018, đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật.

- Quá trình triển khai thực hiện phải tiến hành đồng bộ, thống nhất, chú trọng đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng, phương tiện tham gia giải tỏa; không để xảy ra sai sót và phát sinh các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

- Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và công tác quản lý lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị.

- Các hộ dân sống ven các trục đường, phố phải chấp hành những quy định về hành lang an toàn đường bộ; tự tháo dỡ các công trình vi phạm, tái vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ trả lại mặt bằng đường, vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

II. NỘI DUNG

1. Thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông, trọng tâm là tuyên truyền các quy định về quản lý, bảo vệ lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ, ranh giới của hành lang an toàn đường bộ để các hộ dân ở hai bên các tuyến đường nắm và hiểu rõ pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

2. Tổ chức kiểm tra, thống kê, phân loại các trường hợp vi phạm hành lang đường bộ thuộc các tuyến Quốc lộ, Đường tỉnh, Đường huyện, để có giải pháp phù hợp với từng đối tượng và từng tuyến đường. Hoàn thành trong tháng 10/2017.

3. Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, tổ chức và cá nhân vi phạm lòng lề đường, vỉa hè hành lang an toàn đường bộ; tự giác tháo dỡ, di dời công trình, vật kiến trúc biển quảng cáo, panô áp phích, mái che, lều quán,… vi phạm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ. Hoàn thành trong quý IV/2017.

4. Sau khi thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, trường hợp các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân không chấp hành tự tháo dỡ thì cơ quan chức năng thực hiện cưỡng chế, giải tỏa các công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo, panô áp phích, mái che, lều quán,... vi phạm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ theo quy định. Hoàn thành trong quý II/2018.

5. Bàn giao cho Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn quản lý và bảo vệ tốt phần lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ đã thực hiện giải tỏa, bảo vệ mốc lộ giới đã giao cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định. Hoàn thành trong quý III/2018.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải

a) Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tháng cao điểm tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân thực hiện quy định pháp luật và xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ; tập trung tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ, khắc phục vi phạm hành lang, lòng lề đường, vỉa hè; thực hiện quyết liệt theo phương châm bình đẳng, không có vùng cấm. Sau đợt thực hiện cao điểm, tiếp tục duy trì công tác kiểm tra để ngăn chặn vi phạm tái diễn.

b) Phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ tuyến Quốc lộ, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, rà soát, thống kê, phân loại tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ, trong đó nêu cụ thể tuyến đường nào đã đền bù, chưa đền bù giải phóng mặt bằng phần hành lang an toàn đường bộ.

c) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ; các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ thương mại chỉ đấu nối vào quốc lộ tại các điểm nằm trong quy hoạch đấu nối đã được Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận, ưu tiên đầu tư xây dựng đường gom để kết nối giao thông vào quốc lộ tại các điểm đấu nối được quy hoạch.

d) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường công tác bảo vệ hành lang an toàn đường bộ được phân cấp quản lý nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ.

e) Phối hợp các địa phương rà soát, làm gờ giảm tốc và cắm biển báo nguy hiểm trên tất cả các điểm giao cắt đường bộ trên Đường tỉnh, Đường huyện, Đường nông thôn từ nguồn kinh phí quỹ bảo trì đường bộ địa phương và nguồn vốn xây dựng giao thông nông thôn; chấm dứt việc để phát sinh đường ngang dân sinh trái phép; tham mưu xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan nếu để phát sinh đường ngang dân sinh trái phép từ sau ngày 01/10/2017.

g) Rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền; nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

h) Chấn chỉnh công tác quản lý, thực hiện quy hoạch đấu nối đường nhánh vào quốc lộ; trường hợp cần điều chỉnh thì tham mưu UBND tỉnh thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đấu nối vào quốc lộ; hạn chế thỏa thuận đấu nối đơn lẻ.

2. Sở Xây dựng

a) Chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp rà soát các quy định về công tác quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng và xử lý vi phạm trật tự xây dựng, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kịp thời, phù hợp với quy định và điều kiện thực tế của địa phương

b) Chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng; kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng sai quy hoạch, vi phạm pháp luật về xây dựng trên địa bàn.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì phối hợp Sở Xây dựng hướng dẫn các địa phương quản lý, sử dụng đất đúng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, xử lý hoặc đề xuất xử lý các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì phối hợp Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn việc lắp đặt các cổng chào, quảng cáo ngoài trời và treo băng rôn đúng theo quy định, không để xảy ra trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, cản trở giao thông, ảnh hưởng đến các công trình công cộng, gây bức xúc dư luận.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền về quy định sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền an toàn giao thông phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng

6. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Sóc Trăng

Dành thời lượng và nâng cao chất lượng các chuyên mục, chương trình để tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp Nhân dân hiểu, chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị và thông tin kịp thời nội dung này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính, xã hội, đoàn thể cấp tỉnh

a) Tích cực hưởng ứng, tham gia, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm trật tự đô thị, quản lý và sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ theo quy định.

b) Phối hợp vận động các cơ quan, đơn vị, hội viên, đoàn viên, sinh viên, học sinh, cán bộ công nhân viên, người lao động và nhân dân gương mẫu chấp hành các quy định về quản lý và sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ; lồng ghép tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Chỉ thị với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị” trên địa bàn tỉnh.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Tăng cường quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định; xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ. Phối hợp cơ quan chức năng liên quan rà soát, thống kê, phân loại tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ, trong đó nêu cụ thể tuyến đường nào đã đền bù, chưa đền bù giải phóng mặt bằng phần hành lang an toàn đường bộ. Sau khi có kết quả rà soát, thống kê hiện trạng vi phạm, xây dựng kế hoạch và tổ chức vận động tự giải tỏa và cưỡng chế (đối với các đối tượng không tự giác tự giải tỏa) các vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn quản lý theo quy định.

b) Giải tỏa triệt để các trường hợp lắp đặt mái che, biển quảng cáo, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, các điểm trông giữ phương tiện không phép, trái phép, để phương tiện không đúng nơi quy định ảnh hưởng đến trật tự đô thị, an toàn giao thông, làm mất mỹ quan đô thị. Bố trí các khu vực kinh doanh buôn bán, khu vực dừng đỗ xe, bãi đỗ xe, nhất là tại các cổng trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa, các chợ, trung tâm thương mại,... bảo đảm thông thoáng, tránh ùn tắc, mất mỹ quan đô thị. Mỗi huyện, thị xã, thành phố cần lựa chọn một số tuyến, khu vực để chỉnh trang vỉa hè, lòng lề đường; vận động Nhân dân tự giác thực hiện nếp sống văn minh đô thị; sắp xếp cửa hàng, cửa hiệu, xe máy, xe đạp gọn gàng, đúng nơi quy định.

c) Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự đô thị, quản lý và sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông theo quy định; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh bằng cách lồng ghép vào trong các buổi họp, sơ kết, tổng kết, trên hệ thống loa truyền thanh địa phương.

d) Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiên quyết không để phát sinh các trường hợp xây dựng các công trình trái phép, họp chợ, mua bán trên hành lang an toàn đường bộ. Tổ chức quản lý chặt chẽ địa bàn sau giải tỏa, bàn giao, kiên quyết không để tái lấn chiếm.

e) Nghiên cứu, thực hiện và nhân rộng những mô hình quản lý hiệu quả trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại địa phương.

g) Chấm dứt việc để phát sinh đường ngang dân sinh trái phép trong phạm vi quản lý của địa phương, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương liên quan nếu để phát sinh đường ngang dân sinh trái phép từ sau ngày 01/10/2017. Đồng thời, xây dựng quy định gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền xã, phường, thị trấn nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ gây ách tắc giao thông, làm mất trật tự đô thị và an toàn giao thông tại địa phương.

9. Công an tỉnh

a) Xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ, vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

b) Chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông, không lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ.

c) Chủ trì phối hợp với các lực lượng, các địa phương liên quan tổ chức xử lý vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ; bảo vệ trật tự an toàn đối với hoạt động cưỡng chế các hộ không tự di dời ra khỏi lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ; có giải pháp quản lý hiệu quả địa bàn sau giải tỏa, không để tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ.

IV. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO

1. Định kỳ quý, cuối năm các cơ quan, đơn vị tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch này về Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh.

2. Giao Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các Cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện, đồng thời đề xuất UBND tỉnh xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- TT. TU; TT. HĐND tỉnh;
- Thường trực UBMTTQVN tỉnh;
- CT và các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành;
- Các cơ quan TW tại tỉnh;
- Các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh;
- Các đoàn thể tỉnh;
- BQL các KCN;
- BQL DA 1;
- BQL DA 2;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: TH, KT, XD, VX, NC, HC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thành Trí

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 99/KH-UBND năm 2017 về thực hiện lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

  • Số hiệu: 99/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/09/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Lê Thành Trí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản