Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 962/KH-UBND | Phú Nhuận, ngày 25 tháng 11 năm 2016 |
TRIỂN KHAI THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS NĂM 2016 TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN PHÚ NHUẬN
Thực hiện Kế hoạch số 6462/KH-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về triển khai Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;
Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận xây dựng kế hoạch triển khai Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 như sau:
- Tăng cường sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các ban ngành, đoàn thể trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS tại quận giai đoạn 2016-2020, thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, hướng tới các mục tiêu 90-90-901 để kết thúc dịch AIDS ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2030.
- Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao...về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
- Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
- Các ban ngành, đoàn thể thuộc quận và Ủy ban nhân dân 15 phường tổ chức triển khai Tháng hành động đảm bảo chất lượng, hiệu quả trên tinh thần tiết kiệm.
- Đa dạng hóa về nội dung, phương thức thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng.
- Đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư.
- Tiếp tục quảng bá các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.
III. CHỦ ĐỀ, NỘI DUNG VÀ KHẨU HIỆU:
1. Chủ đề của tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và hưởng ứng chiến dịch phòng chống HIV/AIDS năm 2016 trên địa bàn quận là “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Thành phố Hồ Chí Minh”.
2. Nội dung: Vận động và truyền thông để thực hiện mục tiêu 90-90-90, qua đó có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, hướng đến kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào những năm 2030 như mục tiêu Liên Hiệp quốc đề ra.
3. Khẩu hiệu: (đính kèm)
1. Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (01/12):
1.1. Đối tượng truyền thông:
- Lãnh đạo các phòng ban, đơn vị thuộc quận.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ y tế và người dân trên địa bàn.
- Người nhiễm HIV, người thân của họ và các đối tượng nguy cơ cao.
1.2. Hình thức tổ chức:
a) Truyền thông đại chúng: Xây dựng các cụm panô, khẩu hiệu, treo gắn tại các trục đường giao thông chính, cổng các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện; Phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS như áp phích, tranh gấp, sách về phòng, chống HIV/AIDS.
b) Truyền thông trực tiếp trên từng nhóm đối tượng khác nhau như tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn, truyền thông cá nhân, nhóm, thăm hỏi gia đình người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao, tổ chức sinh hoạt nhóm giáo dục đồng đẳng (lưu ý cần huy động sự tham gia của người nhiễm HIV).
1.3. Nội dung truyền thông:
a) Đối với lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể quận và Ủy ban nhân dân 15 phường:
Cung cấp các thông tin về chiến lược, chính sách, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của quận giai đoạn 2016-2020, của quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, mục tiêu 90-90-90 tại quận và thành phố Hồ Chí Minh.
b) Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ y tế tại các cơ quan, đơn vị:
- Tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản pháp luật liên quan đến HIV/AIDS.
- Truyền thông giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và người thân của họ, đồng thời để cán bộ y tế hiểu rằng việc bảo mật theo hướng bình thường hóa chính là góp phần giảm kỳ thị phân biệt đối xử của cộng đồng.
- Tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của bảo hiểm y tế, qua đó vận động và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế.
- Giới thiệu điểm điều trị Methadone tại quận.
c) Đối với người dân:
- Tiếp tục truyền tải thông điệp “AIDS là bệnh mạn tính có thể kiểm soát được”, qua đó thay đổi thái độ, hành vi để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
- Truyền thông về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV; khuyến khích những người có hành vi nguy cơ cao thực hiện sớm xét nghiệm HIV.
- Truyền thông lợi ích điều trị ARV, qua đó khuyến khích người nhiễm HIV tham gia điều trị sớm ARV ngay khi biết mình nhiễm để ổn định sức khỏe, dự phòng lây nhiễm HIV.
- Tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản pháp luật liên quan đến HIV/AIDS.
- Giới thiệu, quảng bá các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các chương trình điều trị dự phòng HIV/AIDS trên địa bàn quận và Thành phố như: cung cấp các vật phẩm giảm tác hại (bao cao su, bơm kim tiêm, ...), chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, chương trình chăm sóc điều trị bệnh nhân AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...
d) Đối với người nhiễm HIV, người thân của họ, các đối tượng nguy cơ cao:
- Truyền thông thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV.
- Truyền thông, khuyến khích những người có hành vi nguy cơ cao thực hiện sớm xét nghiệm HIV.
- Truyền thông lợi ích của điều trị ARV, qua đó khuyến khích người nhiễm HIV tham gia điều trị sớm ARV ngay khi biết mình nhiễm để ổn định sức khỏe, dự phòng lây nhiễm HIV.
- Tuyên truyền, phổ biến lợi ích của bảo hiểm y tế, vận động người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế.
- Truyền thông để những người nhiễm HIV là người thân của họ hiểu rằng việc bảo mật theo hướng bình thường hóa chính là góp phần giảm kỳ thị phân biệt đối xử của cộng đồng.
- Truyền thông, quảng bá điểm điều trị ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone của quận tại Khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng (số 72/6 Huỳnh Văn Bánh, phường 15).
2. Tổ chức Mittinh Ngày Thế giới phòng chống AIDS (01/12/2016):
Lễ mittinh nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12) được tổ chức tại 04 phường 4, 7, 9, 12. Các phường xây dựng kế hoạch tổ chức lễ đảm bảo đúng mục đích, tạo điều kiện cho người dân tham gia nhằm tăng cường sự tham gia, hỗ trợ của mọi người trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và hướng tới mục tiêu 90-90-90.
3. Triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác:
- Giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại quận, bao gồm các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để người dân được biết, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
- Đa dạng hóa các loại hình truyền thông. Tăng cường các hình thức truyền thông trực tiếp thông qua giáo dục đồng đẳng và hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội.
- Huy động và sử dụng đội ngũ các cộng tác viên tuyến phường, tuyên truyền viên của các ban ngành, đoàn thể thực hiện tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn.
- Truyền thông về phòng chống HIV/AIDS, tập trung vào nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông vận động đưa trẻ nhiễm HIV đến trường học chung với trẻ không nhiễm HIV và chống kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ nhiễm HIV.
- Tổ chức hội thi tìm hiểu lợi ích của việc xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV cho các đối tượng nguy cơ cao.
- Tổ chức vận động các doanh nghiệp tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
- Tổ chức các chương trình vận động tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại quận.
- Cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho mọi người dân có nhu cầu tại cộng đồng.
- Rà soát, chấn chỉnh, giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là các dịch vụ can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV.
1. Phòng Y tế:
- Xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 trên địa bàn.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân quận giải quyết các vướng mắc (nếu có) liên quan đến việc triển khai Kế hoạch của các đơn vị.
- Chỉ đạo cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số 15 phường, tăng cường phối hợp lồng ghép các nội dung tư vấn, tuyên truyền, truyền thông nhóm về phòng, chống HIV/AIDS và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
- Phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo cho Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thành phố, Ủy ban nhân dân quận về kết quả thực hiện Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 theo quy định.
2. Trung tâm Y tế dự phòng quận:
- Triển khai đến 15 Trạm y tế phường tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS đặc biệt các hoạt động truyền thông trực tiếp như tư vấn, truyền thông nhóm, treo băng rôn, khẩu hiệu...
- In ấn và tiếp nhận tài liệu truyền thông từ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Thành phố cấp phát cho 15 Trạm y tế phường và các cơ quan đơn vị trực thuộc quận.
- Vận động và hướng dẫn bệnh nhân tham gia mua bảo hiểm y tế, khám điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, điều trị ARV cho bệnh nhân AIDS, tham vấn và xét nghiệm HIV cho các đối tượng có nguy cơ tự nguyện miễn phí, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
- Tổ chức hội thi tìm hiểu lợi ích của việc xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV cho các đối tượng nguy cơ cao.
- Thực hiện treo 03 băng rôn tại Trung tâm Y tế dự phòng, khoa lao và khoa tham vấn và hỗ trợ cộng đồng theo khẩu hiệu của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống AIDS năm 2016.
3. Bệnh viện quận phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng:
- Thực hiện tốt công tác vô trùng phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.
- Rà soát và đảm bảo đủ sinh phẩm xét nghiệm HIV, thuốc ARV cho người nhiễm HIV và cấp phát thuốc định kỳ cho các bệnh nhân đang điều trị tại quận.
- Tăng cường công tác sàng lọc HIV/AIDS cho các đối tượng nghi và mắc bệnh lao.
- Tăng cường cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho các đối tượng có nguy cơ cao.
- Triển khai tư vấn xét nghiệm cho vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV.
4. Phòng Văn hóa và Thông tin:
Phối hợp với Phòng Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng quận đẩy mạnh các hoạt động truyền thông Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 trên địa bàn.
5. Phòng Giáo dục và Đào tạo:
Triển khai đến các trường tổ chức các hoạt động tuyên truyền nội dung Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2016 cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quận:
Vận động đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.
7. Giao Ủy ban nhân dân 15 phường:
- Thực hiện truyền thông nói chuyện chuyên đề cho các đối tượng ma túy về các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Phân phối tài liệu truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân và các đối tượng người nhiễm HIV, người thân của họ, các đối tượng nguy cơ cao.
- Tổ chức mitting hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS tại 04 phường 4, 7, 9, 12 theo kế hoạch cụ thể của từng phường.
- Đôn đốc, chỉ đạo Trạm y tế phường thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn như tư vấn, cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su... cho người nhiễm, gia đình người nhiễm và các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao.
Trên đây là kế hoạch triển khai Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn quận năm 2016. Đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường nghiêm túc triển khai thực hiện./.
| KT. CHỦ TỊCH |
KHẨU HIỆU CỦA THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG AIDS NĂM 2016
1. Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2016.
2. Hãy hành động vì “Mục tiêu 90-90-90 để hướng tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”.
3. Hãy xét nghiệm HIV sớm để bảo vệ chính mình và người thân.
4. Tiếp cận sớm các dịch vụ điều trị HIV/AIDS là quyền lợi của người nhiễm HIV.
5. Tham gia bảo hiểm y tế giúp người nhiễm HIV giảm gánh nặng chi phí điều trị.
6. Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị liên tục suốt đời.
7. Chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS là góp phần phòng, chống HIV/AIDS.
8. Hãy chia sẻ và chăm sóc người nhiễm HIV để giúp họ tiếp tục sống khỏe, sống có ích.
9. Phụ nữ mang thai cần tư vấn và xét nghiệm HIV trong 3 tháng đầu để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
10. Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
11. Hãy dùng riêng bơm kim tiêm sạch để phòng tránh lây nhiễm HIV.
12. Hãy sử dụng bao cao su để bảo vệ cho bạn và gia đình.
13. Phòng, chống HIV/AIDS là bảo vệ chính bạn và gia đình bạn.
14. Người nghiện ma túy hãy đến các cơ sở điều trị Methadone để được khám và điều trị.
15. Điều trị ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV cho người khác.
16. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016.
CHỦ ĐỀ NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG AIDS NĂM 2016
(Tài liệu giải thích chủ đề)
“Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tai Việt Nam”
Mục tiêu 90-90-90
Tại hội nghị AIDS toàn cầu ở Australia tháng 7 năm 2014, Liên Hợp quốc đã đưa ra các mục tiêu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Ba mục tiêu này được gọi là Mục tiêu 90 - 90 - 90 của Liên hợp quốc.
Các mục tiêu 90-90-90 là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030 bởi vì:
- 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình: Nếu một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây nhiễm HIV cho người thân và cho người khác trong cộng đồng. Hơn nữa nếu chúng ta không biết được thì không thể tiếp cận và cung cấp được các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS cho họ. Không biết được số người nhiễm HIV thực tế trong cộng đồng cũng sẽ gây khó khăn trong việc lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS.
- 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV: Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội. Hơn nữa, việc điều trị sớm bằng thuốc ARV và đúng sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.
- 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác: Việc kiểm soát tải lượng vi rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng liên quan đến chất lượng và tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng HIV.
Như vậy, các mục tiêu này có liên quan mật thiết với nhau. Từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Khi một người được chẩn đoán nhiễm HIV cần được kết nối với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị. Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Tại sao năm 2016, Việt Nam lại tiếp tục chọn chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”?
Năm 2014, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm đã cam kết và hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc đã đề ra. Như đã đề cập ở trên, mỗi mục tiêu là một dấu mốc hết sức quan trọng để khẳng định những kết quả của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Nếu 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình như vậy công tác giám sát và xét nghiệm của chúng ta đã được làm tốt. Chúng ta có thể tiếp cận, quản lý, tư vấn cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phần lớn người nhiễm HIV. Nếu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục thì không những chúng ta đã làm tốt công tác điều trị sớm chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định tức là tải lượng vi rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng đánh giá chất lượng điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị tốt của bệnh nhân. Như vậy, nếu chúng ta đạt dược 3 mục tiêu 90 - 90 - 90 thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 như Liên Hợp quốc đề ra.
Năm 2016 là năm thứ ba liên tiếp, Việt Nam tiếp tục theo đuổi và thực hiện mục tiêu này. Mặc dù trong những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong phòng, chống HIV/AIDS như 8 năm liền dịch HIV được kiểm soát ở cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV hàng năm; giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam đã tiếp tục kiểm soát được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,3%. Tuy nhiên theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với các mục tiêu 90-90-90 mà Liên Hợp quốc đề ra. Với mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình thì Việt Nam đã đạt được khoảng gần 80%. Tuy nhiên, mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV thì còn quá xa so với mục tiêu của Liên hợp quốc và mới chỉ đạt khoảng gần 50%. Với mục tiêu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định, Việt Nam hiện đang mở rộng xét nghiệm tải lượng vi rút theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới tiến tới như là xét nghiệm thường quy. Điều này đòi hỏi cần sự cam kết và nỗ lực lớn hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa của mỗi người lãnh đạo, mỗi người dân trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS. Nó cũng đòi hỏi chương trình phòng, chống HIV/AIDS cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới. Đây là những mục tiêu hết sức tham vọng và rất thách thức nhất là trong giai đoạn tới khi nguồn lực viện trợ quốc tế cho Việt Nam giảm nhanh nhưng đây là những mục tiêu quan trọng. Thực hiện được những mục tiêu này không chỉ là bảo vệ sức khỏe tính mạng của con người mà còn là sự ổn định và phát triển của quốc gia. Trong bối cảnh dịch HIV mang tính toàn cầu và tác động toàn cầu, nếu Việt Nam làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và thực hiện thắng lợi các mục tiêu 90-90-90 thì nó không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người dân Việt Nam mà cả với cộng đồng quốc tế và điều quan trọng đó là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030./.
1 90% người nhiễm biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% người nhiễm được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định.
- 1Kế hoạch 367/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 do tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 2Kế hoạch 55/KH-UBND về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023
- 3Kế hoạch 44/KH-UBND về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2023
- 1Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006
- 2Kế hoạch 367/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 do tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 3Kế hoạch 55/KH-UBND về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023
- 4Kế hoạch 44/KH-UBND về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2023
Kế hoạch 962/KH-UBND triển khai Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 trên địa bàn quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 962/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 25/11/2016
- Nơi ban hành: Quận Phú Nhuận
- Người ký: Nguyễn Đông Tùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/11/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra