Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 954/KH-UBND | Ninh Thuận, ngày 27 tháng 3 năm 2020 |
GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG NGƯỜI LANG THANG, XIN ĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội; Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân toàn tỉnh trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn góp phần đảm bảo an toàn xã hội, tạo mỹ quan đô thị, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, như sau:
- Không để xảy ra tình trạng người lang thang cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn. Góp phần làm cho cảnh quan, môi trường đô thị sạch đẹp, môi trường du lịch văn minh thân thiện và đảm bảo an ninh trật tự; tạo điều kiện trợ giúp người lang thang, xin ăn ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, ngăn chặn tình trạng lợi dụng người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em để tổ chức các hoạt động lang thang, xin ăn để thu lợi.
- Huy động sự tham gia của các cấp, các ngành tập trung mọi nguồn lực, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và xã hội nhằm ngăn chặn tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, vận động nhân dân cùng phát hiện, cùng tham gia tập trung các đối tượng trên địa bàn tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với việc giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang, xin ăn của tỉnh.
- Thực hiện chỉ đạo tổ chức tập trung người lang thang, xin ăn là chủ trương lớn và phải được tổ chức xuyên suốt của các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần phối hợp giải quyết có hiệu quả việc tập trung đưa người lang thang, xin ăn về lại địa phương và lồng ghép vào các chương trình, dự án vay vốn, hỗ trợ học nghề, học văn hóa, thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội, hướng dẫn cách làm ăn để giúp họ ổn định cuộc sống. Đồng thời xử lý triệt để đối với các đối tượng “chăn dắt”, tổ chức xúi dục và thuê trẻ em, người khuyết tật hoặc người cao tuổi đi ăn xin thu lợi bất chính.
- Phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm giữa các xã, huyện, thành phố và tỉnh, thành phố khác trong việc tiếp nhận, quản lý, hỗ trợ, tạo điều kiện để đối tượng ổn định cuộc sống, hạn chế mức tối đa tình trạng đi lang thang, xin ăn nhất là vào các dịp lễ, tết và tại các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.
- Người lang thang, xin ăn;
- Người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, giả khuyết tật để xin ăn tại các điểm tập trung đông người;
- Người bệnh tâm thần đi lang thang;
- Người sống lang thang không có nơi cư trú nhất định, thường sử dụng vỉa hè, công viên, chợ, bến xe,... làm nơi sinh sống.
- Người có hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, lợi dụng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi,... vì mục đích trục lợi cá nhân.
- Phát hiện kịp thời và tập trung 100% số người lang thang, xin ăn, người tâm thần lang thang trên địa bàn tỉnh; phân loại, nuôi dưỡng, giáo dục, chữa bệnh và giải quyết hồi gia, hòa nhập cộng đồng.
- Chuyển giao 100% số người ở tỉnh khác đến Ninh Thuận lang thang, xin ăn về nơi cư trú (đối với các trường hợp có nơi ở ổn định).
3. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn toàn tỉnh.
4.1. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức:
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là công tác tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã, phường, thị trấn nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các đoàn thể và người dân trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn.
b) Tăng cường vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, vui chơi giải trí, các địa điểm du lịch,... cam kết không để đối tượng lang thang, xin ăn trong khuôn viên, địa bàn đơn vị kinh doanh, quản lý.
c) Tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho người lang thang, xin ăn và gia đình; vận động người lang thang, xin ăn hồi gia, hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định và các giải pháp hỗ trợ khác.
4.2. Đẩy mạnh công tác tập trung, giải quyết người lang thang, xin ăn:
a) Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức tập trung người lang thang, xin ăn trên địa bàn địa phương quản lý; Chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn; Trạm Y tế phối hợp chặt chẽ trong việc tập trung, tư vấn đưa người lang thang, xin ăn về với gia đình hoặc đưa vào sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội đối với các đối tượng đủ điều kiện theo quy định. Đồng thời, rà soát các quy trình, đảm bảo tập trung người lang thang, xin ăn đúng quy định; xây dựng cơ chế khuyến khích đối với tổ chức, cá nhân tiếp nhận nuôi dưỡng người lang thang, xin ăn không có nơi cư trú trên địa bàn huyện, thành phố.
b) Công tác tập trung, giải quyết đối tượng sau khi tập trung:
- Đối với người lang thang, xin ăn:
+ Người lang thang, xin ăn có hộ khẩu thuộc địa bàn khác trong tỉnh, UBND huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND xã, phường, thị trấn đề nghị địa phương có đối tượng lang thang, xin ăn tiếp nhận đối tượng về với gia đình, địa phương. Khi bàn giao đối tượng về với gia đình gia đình, địa phương của người lang thang phải có cam kết trong việc chăm sóc, quản lý đối tượng tránh tình trạng tái lang thang, xin ăn.
Lưu ý: Đối với các trường hợp ngoài tỉnh, chưa xác minh được thông tin đối tượng, UBND các huyện, thành phố đề nghị Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tiếp nhận ban đầu vào chăm sóc, nuôi dưỡng để bảo đảm sức khỏe và các vấn đề khác phát sinh trong thời gian chờ xác minh, đưa về nơi cư trú.
+ Người lang thang, xin ăn có hộ khẩu thuộc quản lý của huyện, thành phố thì UBND huyện, thành phố chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn nơi có đối tượng cư trú, tạm trú có trách nhiệm tiếp nhận và biện pháp quản lý, giáo dục tại địa phương, có cam kết quản lý tại gia đình; nắm hoàn cảnh cụ thể của đối tượng để có biện pháp giúp đỡ như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng... cho phù hợp, tránh tình trạng lang thang, xin ăn.
+ Trẻ em mồ côi, người lang thang, xin ăn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có nguồn nuôi dưỡng theo quy định tại khoản 1 - Điều 5 - Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, UBND huyện, thành phố chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND xã, phường, thị trấn làm thủ tục đề nghị Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tiếp nhận nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
+ Người không rõ địa chỉ, quê quán, không còn khả năng lao động, giao cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trong thời gian chờ xác minh, đưa về nơi cư trú hoặc nuôi dưỡng tập trung theo quy định.
- Đối với người tâm thần lang thang:
+ Người tâm thần lang thang trên địa bàn, UBND các huyện, thành phố giao cho địa phương quản lý trong trường hợp biết được nơi cư trú. Đối với người không biết rõ nơi cư trú, UBND huyện, thành phố chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND xã, phường thị trấn làm thủ tục đề nghị Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tiếp nhận nuôi dưỡng trong thời gian chờ xác minh, đưa về nơi cư trú hoặc tiếp nhận nuôi dưỡng tập trung theo quy định.
+ Người tâm thần lang thang có lên cơn kích động, quậy phá có khả năng ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, sẽ được chuyển đến tập trung chữa trị tại Bệnh viện Chuyên khoa Da liễu - Tâm thần tỉnh. Sau khi ổn định tình trạng sức khỏe: nếu có gia đình, người thân thì chuyển về địa phương, gia đình quản lý và tiếp tục theo dõi điều trị tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; nếu người tâm thần không thuyên giảm, không còn gia đình hay người thân thì Bệnh viện Chuyên khoa Da liễu - Tâm thần bàn giao Trung tâm Công tác xã hội để tiếp tục quản lý, nuôi dưỡng hoặc xác minh, đưa về nơi cư trú.
- Người lang thang, xin ăn mắc các bệnh lây nhiễm,... cần tập trung chữa bệnh tại các cơ sở y tế chuyên khoa, khi bệnh ổn định bàn giao về địa phương, nơi cư trú hoặc đưa vào Trung tâm công tác xã hội tỉnh nuôi dưỡng tùy theo từng trường hợp cụ thể.
- Đối với những đối tượng “chăn dắt” người lang thang, xin ăn thu lợi bất chính: UBND các huyện, thành phố chỉ đạo lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các đối tượng tổ chức, xúi dục và thuê trẻ em, người khuyết tật hoặc người cao tuổi đi xin ăn để hưởng lợi.
4.3. Lồng ghép thực hiện chính sách an sinh xã hội, dạy nghề, tạo việc làm và huy động sự tham gia của cộng đồng trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội:
a) Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xóa đói, giảm nghèo, chính sách bảo trợ xã hội; khuyến khích các tổ chức nhân đạo, từ thiện hỗ trợ tại cộng đồng cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là trẻ em thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn không nơi nương tựa, giúp họ khắc phục khó khăn để không phải lang thang, xin ăn kiếm sống.
b) Đối với những đối tượng lang thang, xin ăn đang trong độ tuổi lao động, chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức, hội, đoàn thể vận động, tạo điều kiện để đối tượng tham gia các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm để ổn định cuộc sống. Thông qua các hoạt động phối hợp với các tổ chức xã hội, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Hội Nông dân... nhận hỗ trợ đỡ đầu cho các trẻ em lang thang, giúp đỡ cho gia đình có người tâm thần lang thang.
4.4. Tăng cường công tác quản lý, đăng ký nhân khẩu, hộ khẩu:
a) Tăng cường công tác quản lý về trật tự trị an, kiểm tra, quản lý chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú đối với những đối tượng từ nơi khác đến cư trú tại các nhà nghỉ, nhà trọ, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp phối hợp giải quyết không để phát sinh tình trạng người lang thang, xin ăn.
b) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên trên địa bàn tỉnh, phát hiện và xử lý kịp thời người lang thang, xin ăn tại các nơi công cộng như bến tàu, bến xe, địa điểm du lịch...
c) Thống kê tình hình lao động nhập cư, quản lý đối tượng, có biện pháp giáo dục, răn đe... nhằm ngăn chặn tình trạng lang thang, xin ăn.
d) Thực hiện nghiêm các biện pháp chế tài đã được quy định tại Nghị định số 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
4.5. Gắn tiêu chí xã, phường không có người lang thang, xin ăn với việc đánh giá, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Từ đó sẽ nâng cao được ý thức, trách nhiệm của mỗi đơn vị, cá nhân trong vấn đề giải quyết tình trạng lang thang, xin ăn; góp phần thực hiện “nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
4.6. Kinh phí thực hiện:
Kinh phí thực hiện từ nguồn đảm bảo xã hội của tỉnh; các huyện, thành phố, các đơn vị hoặc nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai Kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh.
- Theo dõi tình hình triển khai thực hiện; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh quá trình triển khai thực hiện và tham mưu, báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhất là các quy trình tiếp nhận đối tượng của các địa phương.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố giải quyết những người lang thang, xin ăn của các tỉnh khác để địa phương lang thang, ăn xin.
- Chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thực hiện tiếp nhận đối tượng lang thang, xin ăn, tâm thần lang thang,... (kể cả ngoài giờ hành chính) do các địa phương tập trung theo đúng quy định, tiến hành phân loại để có biện pháp quản lý và giải quyết phù hợp với từng đối tượng, tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại Trung tâm theo đúng chế độ quy định của Nhà nước, tăng cường việc giáo dục, hướng dẫn lao động phù hợp cho số đối tượng còn sức khỏe, liên hệ các địa phương có người lang thang để bàn giao đối tượng về lại nơi cư trú.
- Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các đoàn thể thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, phát hiện và tập trung đối tượng, lập hồ sơ đối tượng ban đầu theo quy định.
- Tổ chức điều tra, phát hiện và lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định, của pháp luật đối với các đối tượng “chăn dắt”, tổ chức xúi giục và thuê trẻ em, người khuyết tật hoặc người cao tuổi đi xin ăn để hưởng lợi.
- Chỉ đạo Công an xã, phường, thị trấn phối hợp với cán bộ chuyên trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND các xã phường, thị trấn chủ động phát hiện, lập hồ sơ đối với những đối tượng không chấp hành theo quy định và phối hợp với các phòng, ban liên quan đưa người tâm thần về nơi cư trú hoặc vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội.
- Tăng cường công tác đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu trên địa bàn; điều tra xác định nhân thân và tham gia phân loại đối tượng để xử lý có hiệu quả.
- Chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế huyện, thành phố thực hiện tiếp nhận, khám sức khỏe ban đầu cho người lang thang, tâm thần lang thang được cơ quan chức năng chuyển đến. Lập hồ sơ bệnh án những người tâm thần lang thang, người khuyết tật không có địa chỉ sau khi điều trị ổn định chuyển về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định.
- Chỉ đạo Bệnh viện Chuyên khoa Da liễu - Tâm thần tỉnh thực hiện tiếp nhận những người bị bệnh tâm thần lang thang lên cơn, quậy phá cần chữa trị mà chưa rõ người thân để điều trị, chăm sóc ban đầu.
- Phối hợp quản lý và điều trị những trường hợp được tập trung bị mắc bệnh lây nhiễm như: Lao, HIV/AIDS,.. đang sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
- Chỉ đạo cho trạm Y tế xã, phường, thị trấn tạm thời tiếp nhận đối tượng lang thang trên địa bàn do địa phương chuyển đến để chăm sóc, chờ phân loại đối tượng; chuẩn bị dụng cụ, thuốc, phương tiện khi cần thiết đưa các đối tượng lang thang, đối tượng tâm thần về nơi cư trú hoặc đến các cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định.
4. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch:
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các điểm du lịch phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết tốt việc tập trung người lang thang, xin ăn.
- Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Gắn với việc thực hiện giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn khu dân cư.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh; đồng thời hỗ trợ các cơ sở trợ giúp xã hội trong việc dạy văn hóa cho các đối tượng.
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục quan tâm, theo dõi học sinh có hoàn cảnh khó khăn, làm tốt công tác phối hợp với gia đình và chính quyền địa phương kịp thời có giải pháp tích cực động viên, chia sẻ, giúp đỡ, không để học sinh tự ý bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, xin ăn.
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và các đơn vị có liên quan bố trí kinh phí thực hiện công tác giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh theo quy định.
7. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan Báo, Đài tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn các huyện, thành phố.
- Tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin cho Báo, Đài bảo đảm tuyên truyền nhanh kịp thời chính xác.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn quản lý.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết tình trạng lang thang, xin ăn trên địa bàn. Bố trí địa điểm lưu trú tạm thời đối với các đối tượng được tập trung, sau đó phân loại và đưa ra hướng giải quyết theo từng trường hợp cụ thể theo quy định. Lập dự toán kinh phí theo quy định phục vụ công tác tập trung đối tượng lang thang, xin ăn, tâm thần lang thang vào kế hoạch ngân sách của địa phương để tổ chức thực hiện.
- Thành lập Tổ công tác kiêm nhiệm, bố trí đủ nhân lực, phương tiện và công cụ để thực hiện tập trung đối tượng người lang thang, xin ăn trên địa bàn quản lý. Lập đường dây nóng, niêm yết công khai để thường xuyên tiếp nhận thông tin và giải quyết người lang thang, xin ăn.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức tập trung người lang thang, xin ăn trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo các địa phương, gia đình quản lý những người lang thang xin ăn sau khi được hồi gia về địa phương, giúp đỡ, tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống; Yêu cầu gia đình làm cam kết không để họ tái diễn lang thang xin ăn.
- Tập trung các giải pháp giảm nghèo, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, giúp đỡ và không để người dân trên địa bàn phải đi lang thang, xin ăn.
- Chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, lồng ghép kinh phí các chương trình, các đề án có liên quan để thực hiện Kế hoạch.
Yêu cầu các Sở, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực Kế hoạch tập trung đối tượng lang thang, xin ăn trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng và năm, báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh)./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 955/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020
- 2Quyết định 902/QĐ-UBND Kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2017
- 3Quyết định 09/2020/QĐ-UBND quy định về biện pháp giải quyết tình trạng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 4Quyết định 2777/QĐ-UBND năm 2020 về đính chính Quyết định 09/2020/QĐ-UBND quy định biện pháp giải quyết tình trạng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 5Quyết định 389/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án tập trung, giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025
- 1Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
- 2Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em
- 3Quyết định 955/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020
- 4Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập,tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội
- 5Quyết định 902/QĐ-UBND Kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2017
- 6Quyết định 09/2020/QĐ-UBND quy định về biện pháp giải quyết tình trạng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 7Quyết định 2777/QĐ-UBND năm 2020 về đính chính Quyết định 09/2020/QĐ-UBND quy định biện pháp giải quyết tình trạng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 8Quyết định 389/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án tập trung, giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025
Kế hoạch 954/KH-UBND năm 2020 về giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- Số hiệu: 954/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 27/03/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Lê Văn Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/03/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra