Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 952/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 12 tháng 4 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH VIỆC LÀM VÀ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG NĂM 2018

Thực hiện Quyết định số 2296/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 tỉnh Cao Bằng. Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Việc làm và xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Thúc đẩy phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung-cầu lao động; đẩy mạnh cung ứng lao động, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, góp phần đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

- Khuyến khích các hình thức phát triển sản xuất kinh doanh tạo ra nhiều chỗ làm việc mới cho người lao động theo quy định của pháp luật.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tư vấn việc làm, học nghề và chính sách pháp luật lao động cho 21.000 lượt người.

b) Tạo việc làm mới cho 10.800 lao động, trong đó:

- Tạo việc làm tại chỗ thông qua dự án vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm: 750 lao động.

- Giới thiệu việc làm trong nước: 5.000 lao động.

- Xuất khẩu lao động: 150 người.

- Tạo việc làm thông qua các chương trình, dự án tại địa phương: 4.900 lao động.

(có phụ biểu 01, 02 kèm theo)

c) Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống 4,0%.

II. NHIỆM VỤ THỰC HIỆN

1. Tạo việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phát huy chính sách việc làm công

- Tạo việc làm thông qua các hoạt động, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phát triển kinh tế đối ngoại về hợp tác quản lý lao động qua biên giới, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn toàn tỉnh với mục tiêu là ổn định số việc làm hiện có và tạo việc làm mới cho người lao động.

- Thực hiện có hiệu quả chính sách việc làm công theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ, thông qua các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp xã, bao gồm: Dự án, hoạt động bảo vệ, quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất, nước, rừng, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Dự án, hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa và du lịch; Dự án, hoạt động xây dựng, cải tạo và bảo dưỡng: đường giao thông, trường học, nhà trẻ, trạm y tế, chợ, công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa, thể thao; công trình thủy lợi, tưới tiêu, đê điều; công trình cung cấp điện, nước sạch, vệ sinh môi trường; Dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng khác. Các dự án, hoạt động khi thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, trong hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu tham gia dự thầu phải đề xuất phương án sử dụng lao động thuộc đối tượng được tham gia chính sách việc làm công. Đối tượng được tham gia chính sách việc làm công theo thứ tự ưu tiên: người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; người chưa có việc làm hoặc thiếu việc làm; người lao động thuộc hộ gia đình hoạt động sản xuất nông nghiệp là chủ yếu; người lao động cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án, hoạt động và tự nguyện tham gia chính sách việc làm công.

- Lồng ghép triển khai các chính sách hỗ trợ tạo việc làm với chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chú trọng triển khai tại 05 xã phấn đấu thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 (xã Minh Thanh- Nguyên Bình); Quang Hán- Trà Lĩnh; Phù Ngọc - Hà Quảng; Bế Triều - Hòa An; Đình Minh- Trùng Khánh).

2. Hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm

- Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay hỗ trợ việc làm; cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả; thủ tục cho vay đơn giản, công khai minh bạch; cho vay với lãi xuất ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm

- Khảo sát, điều tra về cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; nắm nhu cầu vay vốn tạo việc làm của người lao động để đảm bảo cho vay đúng mục đích, sử dụng vốn vay có hiệu quả; ưu tiên cho vay vốn tạo việc làm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động chưa được vay vốn từ các nguồn ưu đãi khác.

- Tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật về cho vay Quỹ quốc gia về việc làm; kiểm tra giám sát, đánh giá tình hình thực hiện và tổng hợp, báo cáo kết quả cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm.

3. Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

- Tổ chức tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; khảo sát nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của người lao động để phân loại tổ chức đào tạo nghề, ngoại ngữ phù hợp với đối tượng và thị trường tiếp nhận lao động; khảo sát nhu cầu việc làm của người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi hoàn thành hợp đồng trở về nước, để tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng; rà soát lại số lao động đang thực hiện hợp đồng làm việc ở nước ngoài, số lao động hết hạn hợp đồng làm việc và đang cư trú bất hợp pháp tại các nước.

- Giới thiệu các doanh nghiệp được Bộ Lao động- TBXH cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động phối hợp với các huyện, Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các chính sách hỗ trợ người lao động.

- Tăng cường công tác tuyên truyền vận động người lao động làm việc ở nước ngoài hoàn thành hợp đồng về nước đúng thời hạn; giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và các nước.

4. Thúc đẩy phát triển thị trường lao động, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động

- Thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động; tổng hợp kết quả thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp tạo việc làm cho người lao động.

- Tiếp tục thực hiện Biên bản ghi nhớ cung ứng lao động và giới thiệu việc làm với các tỉnh bạn; kết nối thông tin việc làm giữa người sử dụng lao động với người lao động; nắm tình hình nhu cầu việc làm, thu nhập các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong nước; định hướng tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong nước có việc làm và thu nhập ổn định.

- Tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm trên cơ sở đề xuất của các huyện, thành phố để phù hợp với từng địa bàn, tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là thanh niên, người khuyết tật, phụ nữ khu vực nông thôn, lao động các xã biên giới để tiếp cận nắm bắt thông tin về việc làm, thị trường lao động từ đó định hướng được nghề nghiệp và lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng và nguyện vọng.

- Thường xuyên thông tin thị trường lao động người tìm việc, việc tìm người trên trang thông tin điện tử Trung tâm Dịch vụ việc làm; hàng quý thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động để phổ biến đến người dân.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác giải quyết việc làm; nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách việc làm; xác định giải quyết việc làm cho người lao động là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và bản thân người lao động.

2. Thực hiện các chương trình dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với chỉ tiêu tạo việc làm; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thực hiện tốt chính sách việc làm công theo quy định của Luật Việc làm, chính quyền cấp xã làm chủ đầu tư có trách nhiệm bố trí nguồn nhân lực địa phương trực tiếp tham gia triển khai thực hiện; tuyên truyền vận động người lao động sang Trung Quốc làm việc theo Thỏa thuận hợp tác quản lý lao động qua biên giới đã ký giữa tỉnh Cao Bằng với Thành phố Sùng Tả và Thành phố Bách Sắc (Trung Quốc), không sang Trung Quốc làm thuê trái phép.

3. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 19/9/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý đối với các đơn vị tư vấn tuyển chọn lao động, nhất là đơn vị tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm đảm bảo lựa chọn, giới thiệu đơn vị, doanh nghiệp có uy tín nhằm tạo sự tin tưởng, thu hút người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

4. Thực hiện tốt việc cập nhật, phân tích dự báo thị trường lao động; phát triển mạng thông tin về việc làm, cơ sở dữ liệu người tìm việc, việc tìm người của Trung tâm Dịch vụ việc làm; thường xuyên trao đổi thông tin, nắm tình trạng việc làm và thu nhập của người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tuyên truyền phổ biến chính sách việc làm, xuất khẩu lao động, thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm phù hợp với người lao động từng địa bàn.

5. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm.

6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện các nội dung hoạt động của chương trình việc làm và xuất khẩu lao động trên địa bàn.

IV. KINH PHÍ

1. Ngân sách cấp tỉnh: bố trí kinh phí thực hiện nội dung chương trình việc làm và xuất khẩu lao động của tỉnh từ nguồn kinh phí đã được giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Quyết định số 2298/QĐ-UBND ngày 12/12/2017 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc giao dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương năm 2018.

2. Ngân sách cấp huyện thành phố: bố trí kinh phí thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động (cung - cầu lao động) và kinh phí thực hiện các hoạt động chương trình việc làm và xuất khẩu lao động của huyện, thành phố để đảm bảo thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu tạo việc làm của địa phương.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công trách nhiệm

1.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình Việc làm và Xuất khẩu lao động.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh.

1.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo có chỉ tiêu tạo việc làm.

1.3. Sở Tài chính: Phân bổ kinh phí thực hiện các nội dung chương trình việc làm và xuất khẩu lao động của tỉnh trong nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động chung và các nhiệm vụ phát sinh của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Hướng dẫn thủ tục thanh toán, quyết toán kinh phí theo quy định.

1.4. Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh: Thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm để duy trì và mở rộng việc làm theo đúng quy định của pháp luật.

1.5. Các sở, ban, ngành có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị có trách nhiệm thực hiện nội dung của kế hoạch; phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan của tỉnh và các địa phương trong tổ chức thực hiện kế hoạch.

1.6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội: Chủ động, phối hợp các ngành tham gia triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch; hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị các huyện, thành phố vận động nhân dân, hội viên tích cực tham gia thực hiện kế hoạch có hiệu quả tại địa phương.

1.7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Việc làm và Xuất khẩu lao động phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương và kế hoạch này, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các Sở, Ngành có liên quan triển khai thực hiện; bố trí kinh phí thực hiện có hiệu quả, đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu tạo việc làm của địa phương.

2. Chế độ thông tin báo cáo

- Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; UBND các huyện, thành phố, định kỳ báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) về tình hình thực hiện Kế hoạch. Báo cáo 06 tháng yêu cầu gửi trước ngày 15/6/2018, báo cáo năm yêu cầu gửi trước ngày 15/12/2018.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp báo cáo chung về kết quả thực hiện Kế hoạch và gửi UBND tỉnh theo định kỳ, báo cáo 06 tháng trước ngày 20/6/2018, báo cáo năm trước ngày 20/12/2018.

Căn cứ kế hoạch này, thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch Chương trình việc làm và xuất khẩu lao động năm 2018./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TBXH;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh,
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Hội LHPN, Tỉnh Đoàn TNCSHCM, Hội Nông dân;
- Các sở, ngành thành viên BCĐ Ch.trình VL&XKLĐ tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX (G).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Hữu Khang

 

PHỤ LỤC 1

CHỈ TIÊU TẠO VIỆC LÀM MỚI NĂM 2018
(Kèm theo Kế hoạch số 952/KH-UBND ngày 12/4/2018 của UBND tỉnh Cao Bằng)

Đơn vị: người

STT

Tên huyện, thành phố

Chỉ tiêu tạo việc làm mới năm 2018

Trong đó

Ghi chú

LĐ đi làm việc tại các DN, KCN trong nước (trong tỉnh và ngoài tỉnh)

Xuất khẩu lao động

Tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm

Tạo việc làm thông qua các chương trình, dự án tại địa phương

1

Thành phố Cao Bằng

1.665

740

20

350

555

 

2

Huyện Hòa An

1.605

800

20

115

670

 

3

Huyện Thạch An

825

500

15

10

300

 

4

Huyện Hà Quảng

765

400

10

5

350

 

5

Huyện Quảng Uyên

925

380

15

80

450

 

6

Huyện Trùng Khánh

920

400

5

65

450

 

7

Huyện Hạ Lang

565

180

5

20

360

 

8

Huyện Trà Lĩnh

530

280

5

30

215

 

9

Huyện Thông Nông

508

230

20

8

250

 

10

Huyện Bảo Lạc

545

220

5

10

310

 

11

Huyện Phục Hòa

647

300

5

42

300

 

12

Huyện Bảo Lâm

595

240

10

5

340

 

13

Huyện Nguyên Bình

705

330

15

10

350

 

 

Toàn tỉnh

10.800

5.000

150

750

4.900

 

 

PHỤ LỤC 2

NGUỒN VỐN CHO VAY TỪ QUỸ QUỐC GIA VỀ VIỆC LÀM ĐẾN HẠN THU HỒI NĂM 2018
(Kèm theo Kế hoạch số 952/KH-UBND ngày 12/4/2018 của UBND tỉnh Cao Bằng)

TT

Tên đơn vị

Tổng dư nợ
(triệu đồng)

Vốn đến hạn thu hồi trong năm 2018
(triệu đồng)

Số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm
(người)

Ghi chú

1

Thành phố Cao Bằng

25.727

7.590

350

 

2

Huyện Hòa An

7.934

2.484

115

 

3

Huyện Thạch An

2.072

243

10

 

4

Huyện Hà Quảng

1.818

107

5

 

5

Huyện Quảng Uyên

4.925

1.915

80

 

6

Huyện Trùng Khánh

3.605

1.389

65

 

7

Huyện Hạ Lang

1.557

433

20

 

8

Huyện Trà Lĩnh

3.720

651

30

 

9

Huyện Thông Nông

1.334

154

8

 

10

Huyện Bảo Lạc

1.086

217

10

 

11

Huyện Phục Hòa

3.974

906

42

 

12

Huyện Bảo Lâm

1.459

100

5

 

13

Huyện Nguyên Bình

2.470

237

10

 

Cộng

61.681

16.426

750

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 952/KH-UBND thực hiện Chương trình Việc làm và xuất khẩu lao động năm 2018 do tỉnh Cao Bằng ban hành

  • Số hiệu: 952/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 12/04/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Người ký: Trịnh Hữu Khang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/04/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản