Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 952/KH-UBND

Bến Tre, ngày 23 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, TRIỂN KHAI CƠ CHẾ MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG TRONG GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VÀ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN MÔI TRƯỜNG ĐIỆN TỬ NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính; Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre xây dựng Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử năm 2022 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Nắm bắt tình hình triển khai hoạt động kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tại các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn (gọi tắt: cơ quan, đơn vị) để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao hiệu quả hoạt động.

b) Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, sai sót trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết TTHC và báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, có biện pháp xử lý đối với những trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.

c) Đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi sai trái, thực hiện không đúng với chỉ đạo, quy định về công tác kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tại các cơ quan, đơn vị.

d) Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong tham mưu thực hiện công tác kiểm soát TTHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Công tác kiểm tra phải bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch và không gây trở ngại ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị được kiểm tra.

b) Việc kiểm tra phải thực hiện đúng phạm vi, thẩm quyền, quy trình, phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và phù hợp với tình hình thực tế.

c) Có kết luận rõ ràng, cụ thể những vấn đề tổ chức triển khai công tác kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tại cơ quan, đơn vị cũng như những kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo các cấp có liên quan.

II. NỘI DUNG KIỂM TRA

1. Kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC theo nội dung quy định từ Điều 48 đến Điều 55 Thông tư số 02/2017/TT-VPCP, cụ thể được tiến hành tập trung vào các nội dung sau:

- Kiểm tra công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC theo các văn bản của Bộ, ngành Trung ương quy định.

- Kiểm tra việc thực hiện công bố, công khai danh mục TTHC của cấp tỉnh, huyện, xã (đối với các sở, ban ngành) theo văn bản quy phạm pháp luật quy định.

- Kiểm tra việc giải quyết TTHC và việc tuân thủ quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan, đơn vị.

- Kiểm tra việc rà soát, đánh giá TTHC tại cơ quan, đơn vị.

- Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính.

- Kiểm tra công tác truyền thông về hoạt động kiểm soát TTHC và việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát TTHC.

2. Kiểm tra tình hình triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo tinh thần Nghị định số 61/2018/NĐ-CP; Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 2644/KH-UBND ngày 18/5/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; việc giải quyết TTHC theo quy trình nội bộ đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt; việc đánh giá giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông;...

3. Kiểm tra việc triển khai thực hiện TTHC trên môi trường điện tử (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4); việc thiết lập quy trình điện tử trong giải quyết TTHC; việc sử dụng Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh để cập nhật, xử lý hồ sơ TTHC đối với các thủ tục đã được công bố; tình hình triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ngoài ra, thực hiện kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phát sinh theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

III. CÁCH THỨC, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN KIỂM TRA

1. Cách thức kiểm tra

Căn cứ vào tình hình của cơ quan, đơn vị được kiểm tra, Văn phòng UBND tỉnh quyết định việc kiểm tra theo hai hình thức sau:

- Kiểm tra trực tiếp (thành lập đoàn để kiểm tra): Thông qua việc trao đổi, nghe báo cáo và kiểm tra thực tế hồ sơ, sổ sách có liên quan đến hoạt động kiểm soát TTHC tại cơ quan, đơn vị được kiểm tra.

- Kiểm tra gián tiếp: Thông qua việc nghiên cứu báo cáo, văn bản, tài liệu của cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra và thông qua việc trích xuất từ phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến, các hệ thống phần mềm ngành dọc và các hệ thống khác (nếu có).

2. Đối tượng được kiểm tra

- Cấp tỉnh (02 đơn vị): Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng.

- Cấp huyện (04 đơn vị): UBND huyện Thạnh Phú, UBND huyện Mỏ Cày Bắc, UBND huyện Châu Thành và UBND huyện Giồng Trôm.

- Cấp xã: 09 đơn vị thuộc 04 đơn vị cấp huyện được kiểm tra (Đoàn kiểm tra sẽ thông báo danh sách cụ thể sau).

Ngoài các đơn vị được kiểm tra nêu trên, Đoàn kiểm tra có thể thực hiện việc kiểm tra đột xuất tại một số cơ quan, đơn vị có nhiều phản ánh, kiến nghị trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC của cá nhân, tổ chức hoặc qua thông tin báo chí và các kênh thông tin khác.

3. Thời gian kiểm tra

Dự kiến thực hiện trong quý II, III năm 2022 (thời gian, thành phần cụ thể do Đoàn kiểm tra quyết định và thông báo đến các cơ quan, đơn vị được kiểm tra).

IV. THÀNH PHẦN ĐOÀN KIỂM TRA, ĐƠN VỊ ĐƯỢC KIỂM TRA

1. Thành phần Đoàn kiểm tra

- Đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh - Trưởng đoàn.

- Đại diện lãnh đạo Phòng Kiểm soát TTHC - Phó Trưởng đoàn.

- Đại diện các Sở: Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thành viên

- Công chức Phòng Kiểm soát TTHC: Thư ký Đoàn kiểm tra.

2. Thành phần đơn vị được kiểm tra

- Đại diện lãnh đạo đơn vị được kiểm tra.

- Đại diện lãnh đạo Văn phòng Hội đồng nhân nhân và Văn phòng Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham dự (khi Đoàn kiểm tra đến làm việc tại UBND cấp xã trên địa bàn quản lý).

- Công chức làm đầu mối kiểm soát TTHC; công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa và các cán bộ, công chức phòng, ban chuyên môn có liên quan (do Thủ trưởng đơn vị được kiểm tra triệu tập).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Văn phòng UBND tỉnh

a) Tham mưu Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra; thông báo lịch kiểm tra đến đơn vị được kiểm tra và thành viên Đoàn kiểm tra để thực hiện; xây dựng đề cương hướng dẫn báo cáo kiểm tra gửi đơn vị được kiểm tra thực hiện; chủ trì, phối hợp với sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, bảo đảm tiến độ thời gian theo yêu cầu.

b) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị được kiểm tra thực hiện báo cáo để phục vụ công tác kiểm tra.

c) Tổng hợp kết quả, thông báo kết luận sau đợt kiểm tra và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả các đợt kiểm tra; đề xuất giải quyết, xử lý những tồn tại, vướng mắc phát hiện trong quá trình kiểm tra; đề ra các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh.

d) Bố trí kinh phí, đảm bảo các phương tiện và các điều kiện cần thiết khác để phục vụ công tác kiểm tra.

2. Trách nhiệm của sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Các sở, ban, ngành tham gia Đoàn kiểm tra:

- Cử công chức tham gia Đoàn kiểm tra và tạo điều kiện để công chức tham gia Đoàn kiểm tra hoàn thành tốt nhiệm vụ theo Kế hoạch.

- Phối hợp Đoàn kiểm tra hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, đơn vị được kiểm tra các nội dung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành.

b) Các cơ quan, đơn vị được kiểm tra:

- Chuẩn bị đầy đủ báo cáo theo đề cương hướng dẫn; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan theo yêu cầu; gửi báo cáo cho Đoàn kiểm tra (thông qua Văn phòng UBND tỉnh) trước 05 ngày làm việc kể từ ngày Đoàn kiểm tra đến làm việc.

- Phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra trong quá trình thực hiện kiểm tra; giải trình để làm rõ các nội dung có liên quan theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra (nếu có).

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung kết luận của Đoàn kiểm tra; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót (nếu có) trong công tác kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tại cơ quan, đơn vị và báo cáo kết quả thực hiện kết luận kiểm tra chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết luận kiểm tra.

c) Các cơ quan, đơn vị không được kiểm tra:

Chủ động xây dựng kế hoạch và tiến hành tự kiểm tra tại cơ quan, đơn vị theo nội dung tại mục II Kế hoạch này, gửi kế hoạch kiểm tra về UBND tỉnh (thông qua Văn phòng UBND tỉnh) trước ngày 15 tháng 3 năm 2022; đồng thời, báo cáo kết quả kiểm tra tại cơ quan, đơn vị về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Văn phòng UBND tỉnh) trước ngày 30 tháng 9 năm 2022 để theo dõi, chỉ đạo chung.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh (thông qua Văn phòng UBND tỉnh) hướng dẫn, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Cục Kiểm soát TTHC - VPCP;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh, các PCVP UBND tnh;
- Các sở, ban, ngành tnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Phòng: KSTT, HC-TC, TTPVHCC;
- Cổng TTĐT tnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Tam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 952/KH-UBND về kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 952/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 23/02/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Trần Ngọc Tam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản