ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 906/KH-UBND | Tây Ninh, ngày 07 tháng 5 năm 2019 |
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TỈNH TÂY NINH NĂM 2019
Căn cứ Quyết định số 3008/QĐ-UBND ngày 25/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình hành động về Bình đẳng giới tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020; Căn cứ Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 16/6/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh về việc ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030ˮ, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về Bình đẳng giới tỉnh Tây Ninh năm 2019, cụ thể như sau:
1. Mục đích
- Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các ngành chức năng và địa phương triển khai thực hiện Chương trình hành động về bình đẳng giới tỉnh Tây Ninh năm 2019, nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội trong công tác bình đẳng giới và các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới nhằm giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.
2. Yêu cầu
Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch, triển khai thực hiện Chương trình phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế từng đơn vị.
1. Mục tiêu 1: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị
a) Các chỉ tiêu:
- Chỉ tiêu 1: Phấn đấu đạt từ 70% trở lên các sở, ban, ngành đoàn thể và 90% Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
- Chỉ tiêu 2: Phấn đấu đạt 80% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
b) Nhiệm vụ, giải pháp
- Quán triệt thực hiện Quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Thông báo kết luận số 196-TB/TW ngày 16/3/2015 của Ban Bí thư về Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới”.
- Các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc công tác quy hoạch cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ dài hạn, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ, chú ý đến độ tuổi đề bạt, bổ nhiệm. Đảm bảo nâng dần tỷ lệ nữ có đủ điều kiện để tham gia ứng cử, đề cử, đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí quản lý, lãnh đạo.
2. Mục tiêu 2: Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động
a) Các chỉ tiêu
- Chỉ tiêu 1: Hằng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm có ít nhất từ 45% trở lên cho mỗi giới (nam và nữ).
- Chỉ tiêu 2: Phấn đấu tăng tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 35%.
- Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 50%.
- Chỉ tiêu 4: Phấn đấu Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 90%.
b) Nhiệm vụ, giải pháp:
- Đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; thu hút nhiều lao động nữ; nâng cao tay nghề, kỹ năng, cách quản lý, kinh doanh phát triển tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản, thủy, hải sản, sản xuất hàng tiêu dùng... cũng như phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống dân cư ở nông thôn. Có chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là cơ sở thu hút nhiều lao động nữ.
- Bảo đảm các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm thu hút nhiều học viên nữ, hỗ trợ họ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp và chế biến.
- Tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách đối với lao động nữ nhằm đảm bảo tính hiệu quả và công bằng trong chính sách đào tạo nghề, việc làm và thu nhập.
3. Mục tiêu 3: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
a) Các chỉ tiêu
- Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt 95%.
- Chỉ tiêu 2: Phấn đấu tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ thạc sỹ đạt 50%/số lượng cán bộ, công chức có trình độ thạc sỹ hiện có của tỉnh, tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ tiến sỹ đạt 20%/số lượng cán bộ, công chức có trình độ tiến sỹ hiện có của tỉnh
b) Nhiệm vụ, giải pháp:
- Đẩy mạnh chương trình chống tái mù chữ và phổ cập THCS, triển khai có hiệu quả chương trình phổ cập THPT. Có những chính sách đặc thù cho một số nhóm đối tượng: chính sách, chương trình học bổng hỗ trợ trẻ em gái và phụ nữ tham gia học tập nâng cao trình độ, đặc biệt có chính sách khuyến khích đối với trẻ em gái, phụ nữ nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, đối tượng dân nhập cư từ nơi khác đến; chính sách đặc thù cho giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng xa và vùng có điều kiện khó khăn; chính sách thu hút giáo viên tiểu học và mầm non là nam giới.
- Thực hiện lồng ghép giới trong các chính sách, chương trình, kế hoạch của ngành giáo dục; xây dựng cơ sở dữ liệu có tách biệt theo giới tính, dân tộc ở các cấp học, bậc học.
4. Mục tiêu 4: Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe
a) Các chỉ tiêu
- Chỉ tiêu 1: Bảo đảm tỷ số giới tính khi sinh ở mức 107,53 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái.
- Chỉ tiêu 2: Giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống dưới 50/100.000 trẻ đẻ sống.
- Chỉ tiêu 3: Giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ nhiễm HIV sang con xuống dưới 3%.
- Chỉ tiêu 4: Giảm tỷ lệ phá thai xuống 20/100 trẻ đẻ sống.
b) Nhiệm vụ, giải pháp:
- Tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho phụ nữ và nam giới. Vận động sự tham gia của nam giới vào việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Tăng tỷ lệ nữ mang thai được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con. Mở rộng các hoạt động truyền thông đối với người chưa thành niên về sức khỏe tình dục, tránh thai an toàn.
- Tiếp tục chỉ đạo Chiến lược Dân số, sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011- 2020, tích cực triển khai thực hiện đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh.
- Đẩy mạnh triển khai chương trình làm mẹ an toàn; xây dựng và triển khai thực hiện đề án Lồng ghép truyền thông nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và phòng chống HIV/AIDS cho vị thành niên, phụ nữ và nam giới.
- Thực hiện lồng ghép giới trong các chính sách, chương trình, kế hoạch của ngành y tế.
5. Mục tiêu 5: Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin
a) Các chỉ tiêu:
- Chỉ tiêu 1: Phấn đấu giảm 80% sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới. Tăng thời lượng phát sóng các chương trình, chuyên mục và số lượng các sản phẩm tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới.
- Chỉ tiêu 2: Có 100% Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh các huyện, thành phố có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
b) Nhiệm vụ, giải pháp
- Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền trực quan đại chúng về giới và bình đẳng giới với các hình thức đa dạng, linh hoạt (băng rôn, tờ rơi, khẩu hiệu, xe tuyên truyền, đội thông tin lưu động...) phù hợp với từng đối tượng và từng khu vực cụ thể. Xóa bỏ các thông điệp và hình ảnh mang định kiến giới trong các sản phẩm văn hóa, thông tin.
- Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tây Ninh, Đài truyền thanh huyện, thành phố, Trạm truyền thanh xã, phường thị trấn đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tăng cường thời lượng tuyên truyền giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Nêu gương, nhân rộng điển hình người tốt, việc tốt, chống tư tưởng coi thường và các hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm nhân phẩm và xâm hại phụ nữ.
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra các hoạt động và sản phẩm văn hóa, thông tin từ góc độ giới.
6. Mục tiêu 6: Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới
a) Các chỉ tiêu
- Chỉ tiêu 1: Rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 2 lần.
- Chỉ tiêu 2: Đạt 60% trở lên số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình và đạt 85% số người gây bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Chỉ tiêu 3: Có 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về thông qua trao trả, được giải cứu, số nạn nhân bị buôn bán tự trở về được phát hiện được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.
b) Nhiệm vụ, giải pháp
- Đẩy mạnh việc xây dựng gia đình văn hóa, trong đó nhấn mạnh tiêu chí bình đẳng giới trong gia đình.
- Nhân rộng mô hình các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực, thu hút sự tham gia tích cực của nam giới vào các hoạt động này.
- Xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình tư vấn, hỗ trợ phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và buôn bán người; nhân rộng các mô hình thành công.
7. Mục tiêu 7: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới
a) Các chỉ tiêu
- Chỉ tiêu 1: Có 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.
- Chỉ tiêu 2: Có 100% thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới.
- Chỉ tiêu 3: Phấn đấu bố trí cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở cấp tỉnh, huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên ở khu phố, ấp tham gia công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
- Chỉ tiêu 4: Có 100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành được tập huấn nghiệp vụ ít nhất một lần.
b) Nhiệm vụ, giải pháp
- Thường xuyên kiện toàn Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp.
- Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới- vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp. Nâng cao năng lực đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ ở các địa bàn dân cư.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới.
- Các cấp ủy đảng và lãnh đạo chính quyền thường xuyên chỉ đạo đưa vấn đề bình đẳng giới vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện bình đẳng giới từng năm của từng ngành từng lĩnh vực cụ thể.
1. Truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
* Nội dung hoạt động
- Nhân bản các sản phẩm, ấn phẩm truyền thông về bình đẳng giới trong gia đình và vai trò của giới trong gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; xây dựng các phóng sự tuyên truyền về công tác bình đẳng giới trên các phương tiện truyền thông của tỉnh và địa phương như: Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, thành phố, Trạm truyền thanh các xã, phường, thị trấn; in ấn bangrol, Pano, khẩu hiệu, bangrol phướn tuyên truyền.
- Thực hiện các hoạt động truyền thông tại các đợt cao điểm như “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” (01-30/6); hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11); “Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” (15/11-15/12), các sự kiện văn hóa, thể thao có liên quan đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Mở rộng các hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới phù hợp với từng nhóm đối tượng và địa bàn dân cư. Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề trong trường học, các buổi Hội thảo, tọa đàm, tổ chức tuyên truyền kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và ngày thành lập HLHPNVN 20-10.
* Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Sở Tư pháp... Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
2. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo và cơ quan dân cử
* Nội dung hoạt động
- Khảo sát, đánh giá định kỳ về thực trạng tình hình đội ngũ cán bộ, quản lý, nữ lãnh đạo các cấp để kiến nghị kịp thời các biện pháp, chính sách có liên quan đến công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ nữ bao gồm cả đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
- Tổ chức diễn đàn, báo cáo chuyên đề nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa các nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và nữ lãnh đạo quản lý, nữ cán bộ thuộc diện quy hoạch nhiệm kỳ 2016 - 2021
* Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và UBND các huyện, thành phố.
3. Cung cấp dịch vụ về phòng chống bạo lực giới (Thực hiện mô hình: Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng)
* Nội dung hoạt động:
- Tiếp nhận, bố trí nơi tạm lánh khẩn cấp nhằm cách ly và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người có nguy cơ bị bạo lực (và con của họ) khỏi đối tượng gây bạo lực, người có nguy cơ gây bạo lực;
- Chăm sóc y tế ban đầu: sơ cứu trong trường hợp nạn nhân bị thương tích nhẹ, trong trường hợp nặng hỗ trợ đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất;
- Tư vấn ổn định tâm lý cho nạn nhân (và con của họ trong trường hợp cần thiết); tư vấn, có biện pháp can thiệp đối với đối tượng gây bạo lực và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý;
- Kết nối các dịch vụ liên quan phù hợp để hỗ trợ nạn nhân khi có nhu cầu hoặc khi nạn nhân cần được chuyển tuyến.
- Hỗ trợ nạn nhân trở về gia đình sau thời gian tạm lánh khi đã đảm bảo đủ an toàn.
* Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Mô hình.
4. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới
- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cộng tác viên; người dân về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và các văn bản pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý Nhà nước, người cung cấp dịch vụ và đội ngũ cộng tác viên tại cộng đồng về công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
- Tham dự các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo do trung ương triệu tập về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm.
* Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Sở Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và UBND các huyện, thành phố.
- Ngân sách theo dự toán và phân cấp ngân sách
- Xã hội hóa (nếu có)
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, Thành phố tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động theo Kế hoạch.
- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh biên soạn nội dung tài liệu tuyên truyền, xây dựng các phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nội dung tuyên truyền về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Tổ chức nhân bản các loại tờ rơi, sổ tay tuyên truyền để cấp phát cho các cơ quan, ban ngành, cán bộ cơ sở làm công tác bình đẳng giới, học sinh và nhân dân.
- Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới phù hợp với từng nhóm đối tượng và phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức nghiệp vụ về hoạt động bình đẳng giới; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác bình đẳng giới.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ của cộng tác viên về các nội dung của kế hoạch tại các huyện, thành phố, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả triển khai thực hiện.
- Chịu trách nhiệm theo dõi, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện và tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu 2 và mục tiêu 7 của kế hoạch này.
2. Sở Tư pháp
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện hoạt động của Luật bình đẳng giới; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật liên quan tới công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới trong phạm vi điều chỉnh của văn bản.
- Chịu trách nhiệm thực hiện và báo cáo chỉ tiêu 1, mục tiêu 7 của kế hoạch này.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ban ngành liên quan xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện giữa thầy và trò, tăng cường giáo dục lồng ghép các nội dung giới và bình đẳng giới vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa và một số môn học chính khóa.
- Tăng cường công tác bình đẳng giới, duy trì môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện không bạo lực, không phân biệt đối xử.
- Chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu 1 mục tiêu 3 của Kế hoạch này
4. Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ban ngành liên quan, địa phương liên quan tổ chức lồng ghép tuyên truyền nội dung thực hiện bình đẳng giới vào các hoạt động chuyên môn của ngành.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các hoạt động giải trí và các sản phẩm văn hóa đảm bảo không mang định kiến giới.
- Chịu trách nhiệm theo dõi và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu 1,2 mục tiêu 6 của kế hoạch này.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động về thông tin, báo chí, xuất bản (bao gồm xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm), thông tin trên internet về bình đẳng giới và liên quan đến bình đẳng giới, xử lý nghiêm những hành vi xuất bản các ấn phẩm, sản phẩm thông tin có định kiến giới; cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí trong tỉnh về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới.
- Chịu trách nhiệm theo dõi và báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu 5 của kế hoạch này.
6. Sở Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố rà soát lại đội ngũ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, nữ cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp, nữ cán bộ trong diện quy hoạch.
- Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, tạo nguồn tỷ lệ nữ để bổ nhiệm các chức danh trong các cơ quan hành chính.
- Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy theo dõi và tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu 1 của Kế hoạch này.
- Chịu trách nhiệm theo dõi và báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu 2 mục tiêu 3 của Kế hoạch này.
7. Sở Y tế
- Hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh về thực hiện quy định của pháp luật về nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi. Xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cho cán bộ, công chức, viên chức y tế - dân số, người cung cấp dịch vụ y tế có liên quan.
- Chịu trách nhiệm theo dõi và tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu 4 của Kế hoạch này.
8. Công an tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban ngành liên quan xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống tội phạm buôn bán người nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái.
- Chịu trách nhiệm theo dõi và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu 3 mục tiêu 6 của kế hoạch này.
9. Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh: Đẩy tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Nâng cao chất lượng, bố trí tin, bài, chuyên trang, chuyên đề, thời lượng, thời gian quảng bá phù hợp cho các kênh, chương trình, nội dung về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về bình đẳng giới năm 2019 và phân bổ kinh phí hàng năm từ nguồn ngân sách của địa phương, lồng ghép thực hiện có hiệu quả Kế hoạch với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các kế hoạch khác có liên quan của địa phương.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông tại huyện, xã về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương và thực hiện chế độ báo cáo về kết quả triển khai Kế hoạch gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
11. Đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ - Thường trực Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các cơ quan liên quan tham mưu cho Tỉnh Ủy ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về quy hoạch, tạo nguồn, tỷ lệ nữ để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, nhà nước.
- Quan tâm chỉ đạo lồng ghép ghép giới vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức hàng năm.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện Kế hoạch này và báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 03/12/2019./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Kế hoạch 17/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017-2020
- 2Quyết định 411/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Mô hình điểm Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2019
- 3Kế hoạch 1436/KH-UBND thực hiện Chương trình quốc gia bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2019 do tỉnh Hải Dương ban hành
- 4Kế hoạch 3002/KH-UBND năm 2015 về bình đẳng giới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020
- 5Kế hoạch 164/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020
- 6Kế hoạch 309/KH-UBND năm 2019 về kiểm tra liên ngành thực hiện Chương trình hành động về bình đẳng giới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020
- 1Luật Bình đẳng giới 2006
- 2Quyết định 178/QĐ-TTg năm 2016 về Kế hoạch triển khai Thông báo kết luận 196-TB/TW về Đề án Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Kế hoạch 17/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017-2020
- 4Quyết định 411/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Mô hình điểm Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2019
- 5Kế hoạch 1436/KH-UBND thực hiện Chương trình quốc gia bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2019 do tỉnh Hải Dương ban hành
- 6Kế hoạch 3002/KH-UBND năm 2015 về bình đẳng giới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020
- 7Kế hoạch 164/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020
- 8Kế hoạch 309/KH-UBND năm 2019 về kiểm tra liên ngành thực hiện Chương trình hành động về bình đẳng giới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020
Kế hoạch 906/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động về Bình đẳng giới tỉnh Tây Ninh năm 2019
- Số hiệu: 906/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 07/05/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
- Người ký: Nguyễn Thanh Ngọc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/05/2019
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định