Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 86/KH-UBND | Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2013 |
KẾ HOẠCH TRUYỀN THÔNG
QUẢN LÝ Ô NHIỄM CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2015
Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Chương trình số 07-CTr/TU ngày 18/10/2011 của Thành ủy Hà Nội về tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2011 – 2015, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch truyền thông quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2015 với các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục đích:
- Hỗ trợ thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 22/5/2012 về quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp của Thành phố đến năm 2015 thông qua các hoạt động truyền thông.
- Hỗ trợ nâng cao kiến thức, năng lực về quản lý ô nhiễm công nghiệp đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có lien quan để triển khai hiệu quả nhiệm vụ quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố.
- Nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội vào công tác kiểm soát ô nhiễm công nghiệp hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội bền vững.
- Hình thành mạng lưới cán bộ truyền thông về quản lý ô nhiễm công nghiệp giữa các cấp, ngành, tăng cường sự phối hợp về truyền thông giữa các tổ chức trong nước và các chương trình hợp tác quốc tế.
2. Yêu cầu:
- Công tác truyền thông phải được thực hiện thường xuyên, đa dạng về loại hình và sử dụng nhiều kênh truyền thông.
- Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về quản lý ô nhiễm công nghiệp tập trung trọng tâm vào các hoạt động phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, xử lý chất thải và cải thiện chất lượng môi trường, cập nhật các ứng dụng về khoa học và công nghệ, cung cấp thông tin đầy đủ về các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường.
- Xây dựng các tài liệu truyền thông đa dạng, thông tin dễ tiếp cận đáp ứng được nhu cầu của đối tượng được truyền thông cũng như việc triển khai thực hiện của các cán bộ truyền thông về quản lý ô nhiễm công nghiệp của các ngành, các cấp và các cơ quan có lien quan trên địa bàn Thành phố.
- Tăng cường kiến thức và kỹ năng truyền thông về quản lý ô nhiễm công nghiệp trong và sau khi triển khai Kế hoạch truyền thông đối với cán bộ các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể của Thành phố.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Các nhiệm vụ truyền thông chính:
1.1. Tuyên truyền thực hiện hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật về quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
- Thực hiện tuyên truyền về chính sách, pháp luật, các quy định hiện hành về quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn Thành phố;
- Biên tập tài liệu hướng dẫn, kết hợp với các khóa đào tạo ngắn hạn cho các phóng viên báo chí đã được đào tạo và am hiểu về lĩnh vực môi trường để duy trì mạng lưới cộng tác viên viết bài về vấn đề quản lý ô nhiễm công nghiệp.
- Tư vấn kỹ thuật cho các nhà sản xuất các sản phẩm truyền thông truyền tải được nội dung các giải pháp kỹ thuật, phương án lựa chọn kinh tế và thân thiện với môi trường:
- Tổ chức các cuộc thi cấp Thành phố đối với các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn về thực hiện các biện pháp quản lý ô nhiễm công nghiệp.
- Tổ chức hàng năm các cuộc thi “Sáng kiến truyền thông quản lý ô nhiễm công nghiệp” và hỗ trợ triển khai thực hiện các sáng kiến được lựa chọn;
- Tổ chức thăm quan học tập, trao đổi kinh nghiệm cho lãnh đạo tại các địa phương trong nước hay quốc tế có mô hình thành công liên quan đến nội dung quản lý ô nhiễm công nghiệp. Các chuyến thăm quan yêu cầu phải gắn kết với các nội dung cụ thể sẽ thực hiện tại địa phương.
1.2. Huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp của thành phố Hà Nội
- Đào tạo có lựa chọn các “cán bộ nòng cốt” trong các nhóm, mạng lưới truyền thông môi trường có năng lực để tham gia vào công tác truyền thông quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn Thành phố;
- Hỗ trợ các mạng lưới, các hiệp hội có liên quan nhằm thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin, nâng cao kỹ năng truyền thông thông qua các sản phẩm truyền thông;
- Hỗ trợ thực hiện các sáng kiến truyền thông phù hợp do các nhóm khởi xướng và đề xuất;
- Tăng cường các chương trình phối hợp giữa các Sở, ban, nghành, các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể trong lĩnh vực quản lý ô nhiễm công nghiệp của thành phố Hà Nội.
1.3. Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về kiểm soát ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn thành phố
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, truyền hình lựa chọn những mô hình quản lý ô nhiễm công nghiệp thành công; Xây dựng các phóng sự, tin bài trên các kênh truyền thông, làm tài liệu tuyên truyền tại các khóa đào tạo, hội thảo và phát trên các trang Web được giới trẻ quan tâm.
- Biên tập và viết các tin, bài trên các báo hoặc tạp chí có số lượng phát hành lớn, có uy tín với cộng đồng, doanh nghiệp, người dân để đưa các tin bài phổ biến, nâng cao nhận thức về pháp luật về quản lý ô nhiễm công nghiệp;
- Lập diễn đàn trên cổng thông tin và các website về môi trường cho doanh nghiệp, thanh niên, các tổ chức có liên quan tham gia thảo luận và trao đổi các câu hỏi và giải đáp liên quan đến lựa chọn công nghệ, xử lý chất thải, quy định pháp luật…trong quản lý ô nhiễm công nghiệp;
- Xây dựng mô hình truyền thông bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng dân cư, người lao động tại các làng nghề, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp để tuyên truyền về các biện pháp bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn lao động; Thông qua truyền thông tạo sự đồng thuận, hợp tác với doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước các hoạt động giám sát, phát hiện ô nhiễm, quản lý ô nhiễm công nghiệp;
- Tổ chức hội thảo về những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp của cơ quan quản lý, từ đố đề xuất những việc cần làm ngay hoặc biện pháp khả thi để cải thiện tình hình ô nhiễm; Lồng ghép nội dung quản lý ô nhiễm công nghiệp trong những sự kiện có sự tham gia của đông đảo cộng đồng như: Chiến dịch Giờ Trái đất, Ngày Môi trường Thế giới; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…
- Tổ chức các buổi triển lãm ảnh hoặc phim ngắn về các chủ đề liên quan đến giải pháp giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp;
- In ấn tờ rơi, ấn phẩm truyền thông để tuyên truyền tại các Trung tâm Y tế về các vấn đề liên quan giữa sức khỏe, các hoạt động trong sản xuất, và xử lý chất thải; tuyên truyền, phổ biến các tài liệu liên quan đến kiến thức pháp luật về quản lý ô nhiễm công nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước.
2. Chủ đề thông điệp cho các hoạt động truyền thông:
- Xây dựng và sử dụng các thông điệp truyền thông xoay quanh các vấn đề cụ thể nhằm giải quyết các khó khăn, thách thức trong quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Xây dựng các thông điệp đa dạng về hình thức và nội dung (có thể ngắn gọn, mang tính hướng dẫn về nội dung hoạt động cũng như phương thức tiến hành, có thể chuyên sâu về nội dung cần truyền thông).
- Xác định các thông điệp truyền thông cho từng nhóm đối tượng khác nhau (theo ngành hoặc theo cấp) và hướng tới các hoạt động cụ thể cần thay đổi để cải thiện được công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp, đặc biệt cần thay đổi những thái độ tiêu cực, quan niệm sai lầm trong đầu tư sản xuất và xử lý chất thải công nghiệp.
3. Hình thức truyền thông:
3.1. Truyền thông đại chúng:
Xây dựng và phát song các thông điệp ngắn, đơn giản (các đoạn hội thoại ngắn, phóng sự ngắn) và các thông điệp chuyên sâu (các bài viết, phóng sự, tọa đàm và phim tài liệu) trên các đài phát thanh và truyền hình nhằm nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin về thực trạng quản lý môi trường và khuyến khích sự tương tác, phản hồi từ phía người xem.
3.2. Mạng Internet và truyền thông xã hội:
Tăng cường đăng tải các nội dung liên quan đến giải pháp công nghệ, giải pháp xử lý chất thải, quản lý môi trường trên các trang web, cổng thông tin của các Sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan.
3.3. Truyền thông trực tiếp:
Thông qua các cuộc họp, các lớp tập huấn, tổ chức các sự kiện, với sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ truyền thông. Hoạt động truyền thông trực tiếp sẽ tăng cường sự tương tác giữa các nhóm, mạng lưới cộng tác viên tham gia hoạt động truyền thông, tạo điều kiện cho các cá nhân, các nhóm tham gia trao đổi, tiếp thu thêm nguồn thông tin để tự tra cứu và tìm hiểu vấn đề liên quan đến quản lý ô nhiễm công nghiệp, đóng góp kinh nghiệm thông qua thảo luận, làm cơ sở để cộng đồng chủ động có chính kiến của mình đối với cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức thực hiện, đánh giá công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
3.4. Các sản phẩm truyền thông:
- Thiết kế, in ấn, phát hành các tờ rơi, áp phích, các sản phẩm truyền thông thiết thực với các nội dung và thông điệp phong phú, phù hợp với các đối tượng khác nhau, hỗ trợ cho hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức trên địa bàn Thành phố.
- Biên soạn và in ấn các tài liệu truyền thông giúp cung cấp thông tin và kiến thức, tăng cường năng lực về quản lý ô nhiễm công nghiệp cho cán bộ truyền thông môi trường và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
- Các sản phẩm khác có thông điệp bảo vệ môi trường tùy thuộc vào các chương trình, hoạt động cụ thể.
3.5. Các sự kiện, triển lãm và cuộc vận động:
Hàng năm tổ chức các triển lãm, sự kiện về sức khỏe, môi trường, các cuộc vận động sáng kiến về cải thiện ô nhiễm môi trường nhằm thu hút chú ý, quan tâm và tham gia của cộng đồng về vấn đề ô nhiễm môi trường công nghiệp trên địa bàn Thành phố.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
Là cơ quan đầu mối phối hợp với các Sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cơ quan có liên quan thực hiện Kế hoạch truyền thông quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2015; Giúp Ủy ban nhân dân Thành phố điều phối các hoạt động, đảm bảo không bị trùng lặp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn cho các địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện hiệu quả Kế hoạch truyền thông quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2015.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
Phói hợp, hỗ trợ chuyên môn, phương tiện và nhân lực với Sở Tài nguyên và Môi trường để triển khai kế hoạch; Lồng ghép các nhiệm vụ, hoạt động chuyên môn thường xuyên vào các hoạt động của kế hoạch truyền thông; Thống nhất với Sở Tài nguyên và Môi trường để xây dựng các chương trình ưu tiên, lập dự toán kinh phí thực hiện trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
3. Sở Công thương, Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lồng ghép nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên với các hoạt động của kế hoạch truyền thông; Thống nhất với Sở Tài nguyên và Môi trường để xây dựng các chương trình ưu tiên, lập dự toán kinh phí thực hiện trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát nội dung kế hoạch chi tiết của các cơ quan, đơn vị có liên quan được giao nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch để thẩm định, bố trí, phân bổ, trình phê duyệt kinh phí thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
5. Công an Thành phố
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lồng ghép các nội dung truyền thông của Kế hoạch vào nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện.
6. UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố
Căn cứ nội dung Kế hoạch của UBND Thành phố, chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở có liên quan để chỉ đạo các phòng, ban chức năng và các đơn vị có liên quan của địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết phù hợp với tìn hình thực tế của địa phương mình để tổ chức thực hiện; đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
7. Các tổ chức chính trị xã hội,đoàn thể, và các cơ quan, tổ chức liên quan
Tham gia phối hợp triển khai các hoạt động theo kế hoạch và dưới sự điều phối của Sở Tài nguyên và Môi trường
8. Các cơ quan báo chí, đài truyền thanh, truyền hình trực thuộc Thành phố
Phối hợp hỗ trợ chuyên môn, phương tiện và nhân lực, lồng ghép các nhiệm vụ, hoạt động liên quan của mình với các hoạt động của chương trình truyền thông kiểm soát ô nhiễm công nghiệp.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí để thực hiện Kế hoạch truyền thông quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2015 sẽ được trích từ nguồn kinh phí sjw nghiệp môi trường. Khuyến khích, thu hút và khai thác tối đa các nguồn vốn hỗ trợ khác thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế; các hoạt động phối hợp có nguồn vốn từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Căn cứ vào kế hoạch chung này, các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã được phân công thực hiện sẽ chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết dài hạn (3 năm) và ngắn hạn (1 năm), thống nhất nội dung chuyên môn với Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ sở để Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính bố trí, phân bổ nguồn kinh phí thực hiện, trình UBND Thành phố phê duyệt.
V. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN THÔNG
Hàng năm, các cơ quan thực hiện kế hoạch có trách nhiệm báo cáo về kết quả thực hiện gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 15/12.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu với UBND Thành phố tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, ý nghĩa và tác động của Kế hoạch truyền thông quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp trên địa bàn Thành phố để làm cơ sở cho việc xây dựng Kế hoạch truyền thông về quản lý ô nhiễm môi trường của Thành phố giai đoạn 2015 - 2020./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Công văn số 435/UB-CNN về việc điều chỉnh, bổ sung Qui chế quản lý Quỹ hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 206/QĐ-UBND năm 2010 phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 1Công văn số 435/UB-CNN về việc điều chỉnh, bổ sung Qui chế quản lý Quỹ hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Chỉ thị 29-CT/TW năm 2009 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW năm 2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) do Ban Bí thư Trung ương ban hành
- 3Kế hoạch 75/KH-UBND quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2015
- 4Quyết định 206/QĐ-UBND năm 2010 phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Bình Định
Kế hoạch 86/KH-UBND về truyền thông quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2015
- Số hiệu: 86/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 28/05/2013
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Vũ Hồng Khanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra