Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8583/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 30 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 CHO TRẺ EM TỪ 12 ĐẾN DƯỚI 18 TUỔI TẠI TỈNH QUẢNG NAM

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007;

Căn cứ Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

Căn cứ Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;

Căn cứ Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

Căn cứ Quyết định số 5002/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đối với trẻ em;

Căn cứ Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID- 19 năm 2021-2022;

Căn cứ Công văn số 8688/BYT-DP ngày 14/10/2021 của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi;

Căn cứ Công điện số 1675/CĐ-BYT ngày 22/10/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19;

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phòng, chống dịch COVID-19 chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng cho trẻ em.

2. Mục tiêu cụ thể:

a. Trên 90% trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19.

b. 100% số liều vắc xin phòng COVID-19 được cấp được sử dụng tiêm miễn phí cho đối tượng trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh.

c. Đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

d. Tiếp nhận, điều phối, cung ứng kịp thời cho các đơn vị thực hiện tiêm chủng.

III. NGUYÊN TẮC, THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ HÌNH THỨC TRIỂN KHAI

1. Nguyên tắc

- Chiến dịch triển khai tại tất cả trường học, xã, phường, thị trấn trên phạm vi toàn tỉnh.

- Sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin được phép sử dụng cho trẻ em từ nguồn vắc xin được Bộ Y tế phân bổ cho địa phương.

- Đảm bảo tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn sử dụng tránh để lãng phí trong tiêm vắc xin.

- Huy động tối đa các lực lượng trong ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể (Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ...) hỗ trợ triển khai tiêm chủng.

- Đảm bảo tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vắc xin cao cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (đạt trên 90%).

- Đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

2. Thời gian thực hiện: Căn cứ vào thời gian cung ứng vắc xin của Bộ Y tế, dự kiến thời gian triển khai:

- Mũi 1: Đầu tháng 12/2021.

- Mũi 2: Cuối tháng 12/2021.

3. Đối tượng tiêm

Toàn bộ trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi (là trẻ đủ 12 tuổi đến đủ 17 tuổi 11 tháng 29 ngày tính từ ngày sinh đến ngày tiêm chủng) bao gồm: Trẻ em đi học tại các trường học và trẻ em không đi học, có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ Y tế.

Dự kiến tổng số trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi thuộc diện tiêm phòng vắc xin COVID-19 là 140.387 trẻ (Chi tiết Phụ lục 1 đính kèm).

4. Phạm vi triển khai: Trên quy mô toàn tỉnh, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng tại các huyện, thị xã, thành phố đang có dịch; các địa phương đang có dịch ưu tiên tiêm chủng trước cho các xã, phường, thị trấn đang có dịch; địa phương có mật độ dân cư đông; lộ trình theo lứa tuổi từ cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo lộ trình cung ứng vắc xin của Bộ Y tế trên phạm vi toàn tỉnh.

5. Địa điểm tiêm chủng, hình thức triển khai

Tổ chức theo hình thức tiêm chủng chiến dịch, điểm tiêm tại các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến, tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động (các trường học, Trạm Y tế tuyến xã, Trung tâm Y tế tuyến huyện...)

IV. NỘI DUNG

1. Rà soát, lập danh sách đối tượng

1.1. Điều tra, lập danh sách đối tượng

Ủy ban nhân dân/Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cấp huyện chịu trách nhiệm trong công tác rà soát và lập danh sách đối tượng cần tiêm chủng trên địa bàn.

1.2. Đăng ký đối tượng

- Trên cơ sở danh sách đối tượng đã được điều tra, thông báo/gửi giấy mời cho từng đối tượng, phụ huynh học sinh từ 2 - 3 ngày trước ngày triển khai chiến dịch, bao gồm đầy đủ thông tin ngày, giờ, địa điểm tiêm vắc xin.

- Hướng dẫn cha/mẹ/phụ huynh/người giám hộ đọc kỹ thông tin dành cho các bậc cha mẹ và ký vào phiếu đồng ý tiêm chủng và chủ động thông báo cho giáo viên, cán bộ y tế tình trạng sức khỏe của trẻ như: đang ốm, sốt, tiền sử dị ứng, dị tật bẩm sinh...

2. Thông tin vắc xin sử dụng, tiếp nhận, cấp phát và phân bổ vắc xin, vật tư tiêm chủng

a) Thông tin về vắc xin Corminaty của hãng Pfizer - BioNTech

* Tên vắc xin:

- Comirnaty.

- Tên khác: Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine.

+ Thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng: Mỗi liều 0,3ml chứa 30 mcg vắc xin mRNA Covid-19 (được bọc trong các hạt nano lipid).

+ Dạng bào chế: Lọ vắc xin chứa 0,45 ml vắc xin dạng hỗn dịch đậm đặc, tương đương 6 liều vắc xin sau pha loãng với dung dịch pha.

+ Dung dịch dùng để pha loãng vắc xin là dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. (NaCl 9‰)

- Quy cách đóng gói:

+ 1 khay chứa 195 lọ; mỗi lọ chứa 6 liều.

+ 1 khay chứa 25 lọ; mỗi lọ chứa 6 liều.

Theo kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy vắc xin Comirnaty của Pfizer - BioNTech có hiệu quả chống lại nhiễm trùng SARS-CoV-2 có triệu chứng là 95%.

* Lịch tiêm chủng:

Vắc xin Comimaty của Pfizer - BioNTech được chỉ định tiêm phòng cho người từ 12 tuổi trở lên;

Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa mũi 2 và mũi 1 từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày).

* Phản ứng sau tiêm chủng:

- Phản ứng rất phổ biến (≥10%): đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm.

- Phản ứng phổ biến (từ 1/100 đến dưới 1/10): Buồn nôn, mẩn đỏ chỗ tiêm

- Không phổ biến (≥1/1.000 đến □1/100): Nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa chỗ tiêm.

- Hiếm gặp (≥1/10.000 đến □ 1/1.000): Bell’s palsy (liệt mặt ngoại biên cấp tính).

- Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim: là biến chứng hiếm gặp được ghi nhận ở một số quốc gia.

b) Tổ chức tiếp nhận, cấp phát và phân bổ vắc xin, vật tư tiêm chủng

- Vắc xin sử dụng cho chiến dịch tiêm chủng là vắc xin được Bộ Y tế được cấp phép sử dụng và phân bổ về tỉnh Quảng Nam;

- Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức tiếp nhận, bảo quản vắc xin từ Viện VSDT/Viện Pasteurs cung cấp; phối hợp với đơn vị của Quân khu 5 trực thuộc Bộ Quốc phòng phân bổ, cấp phát vắc xin và vật tư tiêm chủng cho TTYT tuyến huyện;

- Trung tâm Y tế tuyến huyện tổ chức tiếp nhận, bảo quản vắc xin và vật tư tiêm chủng từ tuyến trên cung cấp; sau đó, cấp phát ngay vắc xin cho các điểm tiêm chủng trên địa bàn theo kế hoạch.

3. Tổ chức đào tạo, tập huấn

Sở Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến cho cán bộ y tế tại Trung tâm y tế cấp huyện trong công tác bảo quản, vận chuyển, sử dụng vắc xin, khám sàng lọc, xử trí phản ứng sau tiêm chủng, cụ thể:

- Mục đích, yêu cầu, đối tượng tiêm chủng;

- Hướng dẫn điều tra, lập danh sách trẻ trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi theo trường học và trẻ tại cộng đồng;

- Truyền thông, thông báo tới các bậc cha mẹ;

- Bố trí điểm tiêm chủng phù hợp;

- Thực hành tiêm chủng an toàn: thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng và hướng dẫn theo dõi phản ứng sau tiêm chủng đối với nhóm tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi;

- Các biểu mẫu ghi chép, báo cáo chiến dịch;

- Các yêu cầu và kế hoạch kiểm tra giám sát trước, trong và sau chiến dịch.

4. Tiếp nhận, bảo quản vắc xin và vật tư tiêm chủng

4.1. Tiếp nhận, bảo quản vắc xin (bảo quản từ 2°C đến 8°C):

- Sử dụng hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có của hệ thống tiêm chủng mở rộng để bảo quản vắc xin tại các tuyến.

- Sở Y tế phối hợp với Quân khu 5 để có phương án cụ thể vận chuyển vắc xin, điều chỉnh và cập nhật lịch vận chuyển vắc xin cho phù hợp với tốc độ tiêm chủng (nếu cần thiết).

4.2. Nhu cầu vắc xin

Dự kiến nhu cầu vắc xin tiêm đủ liều cho trẻ (loại 2 liều): 280.774 liều.

5. Tổ chức tiêm chủng

a) Hình thức tiêm chủng

- Tổ chức theo hình thức chiến dịch trong thời gian ngắn nhất. Đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo đúng quy định tại Nghị định số 104/2016/ NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế;

- Triển khai các điểm tiêm tại từng điểm trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở: tiêm cho các đối tượng tiêm chủng trong độ tuổi 12 đến dưới 18 tuổi đang đi học;

- Tổ chức các điểm tiêm chủng tại các TTYT huyện, thị xã, thành phố; các Bệnh viện công, tư; các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn hoặc các điểm tiêm theo cụm: tiêm cho các đối tượng tiêm chủng trong độ tuổi 12 đến dưới 18 tuổi nhưng không đi học;

- Bố trí các điểm tiêm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, an toàn cho nhân viên y tế và người đến tiêm, tuân thủ theo các nội dung tại Công văn số 2251/BYT-DP ngày 22/4/2020 của Bộ Y tế;

- Các cơ sở tiêm chủng hoàn thiện báo cáo tiêm chủng hằng ngày, báo cáo định kỳ và đột xuất theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

b) Tổ chức tiêm chủng: Thực hiện theo đúng Quyết định số 3588/QĐ- BYT ngày ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

* Lưu ý: Cung cấp phiếu đồng ý tiêm chủng cho phụ huynh của trẻ xác nhận đồng ý trước khi thực hiện tiêm chủng.

c) Giám sát và xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng

- Tư vấn cho phụ huynh hoặc người giám hộ của trẻ về những bất lợi có thể gặp trong quá trình tiêm chủng. Hướng dẫn phụ huynh các cách theo dõi sức khỏe sau tiêm chủng.

- Các cơ sở tiêm chủng: thực hiện giám sát chủ động các sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo quy định Bộ Y tế. Khi có xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, quy trình điều tra, báo cáo và thông báo kết quả điều tra, xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng theo quy định.

- Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh trong việc tiếp tục/dừng tiêm chủng cho trẻ em khi có xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng tại tỉnh.

6. Truyền thông

- Truyền thông cần được thực hiện trước khi triển khai chiến dịch tiêm chủng để đảm bảo các bậc cha mẹ biết cụ thể về ý nghĩa, sự cần thiết của việc tiêm vắc xin COVID-19 cho đối tượng trẻ em, tính an toàn của vắc xin, các phản ứng sau tiêm có thể gặp và cách xử trí, địa điểm và ngày giờ được tổ chức ở địa phương;

- Nên áp dụng nhiều hình thức và phương tiện truyền thông đa dạng như các bài đăng trên báo địa phương, hệ thống loa truyền thanh của xã/ phường/thị trấn, trang mạng xã hội (zalo, facebook...) của trường học, Trạm Y tế, TTYT.... và truyền thông trực tiếp hộ gia đình khi tiến hành điều tra, đăng ký và phát giấy mời tiêm cho trẻ;

- Thông báo cho các thầy cô giáo về công tác tổ chức triển khai, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng và liên hệ với cán bộ y tế khi cần thiết;

- Phối hợp với nhà trường/các thầy cô giáo trong truyền thông cho các bậc phụ huynh. Giấy mời hay thông báo gửi đến các bậc cha mẹ/phụ huynh/người giám hộ gồm các thông tin cơ bản về tiêm chủng (loại vắc xin, phản ứng sau tiêm...), địa điểm và thời gian tiêm chủng trong chiến dịch.

- Trong thời gian triển khai tại các điểm tiêm chủng nên có băng rôn, khẩu hiệu để giúp mọi người có thể dễ dàng nhận biết thông tin về chiến dịch. Hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, phát thanh cần được duy trì liên tục trong suốt thời gian chiến dịch.

- Huy động xã hội bao gồm việc hỗ trợ nguồn lực, nhân lực của các Ban, ngành đoàn thể xã hội và đặc biệt là các bậc cha mẹ, gia đình để đưa con em trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc điều tra, lập danh sách đối tượng tiêm chủng, tổ chức điểm tiêm chủng, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi triển khai chiến dịch;

- Khuyến khích sự tham gia của các bố mẹ hoặc người giám hộ của trẻ trong quá trình triển khai chiến dịch.

7. Quản lý bơm kim tiêm, vỏ lọ vắc xin và rác thải y tế sau tiêm chủng

- Xử lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau buổi tiêm chủng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế; Công văn số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 của Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Công văn số 5679/BYT-MT ngày 16/7/2021 của Bộ Y tế về việc tiếp tục quản lý xử lý vỏ lọ vắc xin COVID-19 và Công văn số 1321/SYT-NVY ngày 22/7/2021 của Sở Y tế về việc quản lý, xử lý vỏ lọ vắc xin COVID-19.

- Các cơ sở tiêm chủng có phương án thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định. Lọ vắc xin sau khi sử dụng phải được hủy bỏ và ghi chép, báo cáo.

8. Cập nhật dữ liệu Hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

- Trong quá trình tiêm chủng, tổ (đội) công nghệ thông tin phòng chống dịch COVID-19 thực hiện cập nhật dữ liệu tiêm chủng lên Hệ thống Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại đường link https://tiemchungcovid19.moh.gov.vn.

- Cuối mỗi buổi tiêm, tổ công nghệ thông tin phối hợp với ngành Y tế rà soát lại số lượng tiêm và số hồ sơ cập nhật lên Hệ thống để cập nhật, bổ sung, đảm bảo 100% các mũi tiêm được thực hiện trong ngày được cập nhật kịp thời lên Hệ thống.

9. Kiểm tra, giám sát và báo cáo các hoạt động tiêm chủng

a) Kiểm tra trước, trong và sau chiến dịch: Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan.

b) Báo cáo kết quả tiêm chủng hằng ngày và báo cáo kết thúc chiến dịch, tình hình sử dụng vắc xin: các cơ sở tiêm chủng, Sở Y tế, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố.

V. NGUỒN KINH PHÍ

1. Nguồn kinh phí: Từ nguồn kinh phí Trung ương; nguồn kinh phí địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.

2. Nội dung và mức chi: Thực hiện theo các quy định tài chính hiện hành của Nhà nước.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cấp tỉnh

- Triển khai chiến dịch đảm bảo tiêm chủng theo đúng số lượng vắc xin được cấp, không được để lãng phí bất cứ nguồn vắc xin nào;

- Chỉ đạo các đơn vị quân đội, công an, y tế, giao thông vận tải... phối hợp trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng;

- Chỉ đạo các Tiểu ban và Văn phòng thường trực triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 thực hiện đúng theo nhiệm vụ được phân công.

2. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan, các địa phương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.

- Căn cứ theo tiến độ cung ứng vắc xin và diễn biến tình hình dịch bệnh để xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện cho từng đợt tiêm chủng theo đúng số lượng vắc xin được cấp, không được để lãng phí vắc xin.

- Tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế tại tất cả cơ sở tiêm chủng được huy động.

- Phân bổ vắc xin, vật tư, trang thiết bị triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đơn vị.

- Chỉ đạo đảm bảo các điều kiện an toàn trong buổi tiêm chủng: Bố trí sẵn sàng các đội cấp cứu lưu động, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, đảm bảo cấp cứu, xử trí các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng (nếu có)...

- Phân công cán bộ giám sát, hỗ trợ chuyên môn cho các điểm tiêm chủng, đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để xảy ra sai sót khi triển khai tiêm chủng.

- Trong quá trình triển khai thực hiện, căn cứ các quy định của Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc, của Bộ Y tế và tình hình thực tế, chủ động điều chỉnh các phương án bố trí nhân lực, địa điểm tiêm chủng, bảo quản, vận chuyển vắc xin và các nội dung theo chuyên môn để đảm bảo Chiến dịch tiêm chủng được tổ chức an toàn, hiệu quả, đúng quy định. Những nội dung vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo, giải quyết.

- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế tiến độ và kết quả triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong quá trình tổ chức tiêm; chỉ đạo các trường bố trí giáo viên, cán bộ phụ trách phối hợp với ngành y để thống kê, lập danh sách học sinh trong độ tuổi theo từng nhóm tuổi, từng trường, lớp.

- Lập danh sách đối tượng được tiêm chủng theo hướng dẫn tại Kế hoạch này và gửi về đơn vị phụ trách tiêm chủng; phân bổ danh sách đối tượng tiêm chủng theo lịch tiêm chủng.

- Phối hợp với các đơn vị được giao phụ trách tiêm chủng cho các đối tượng thuộc đơn vị bố trí điểm tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế và đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Thông tin về kế hoạch tiêm chủng, thời gian, địa điểm tiêm chủng và cung cấp giấy đồng ý tiêm chủng cho phụ huynh học sinh trước khi triển khai.

- Thông tin các nội dung, truyền thông cho học sinh, các bậc phụ huynh về lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Chỉ đạo việc lấy ý kiến phụ huynh/người giám hộ của học sinh THPT thông qua phiếu đồng ý tham gia; vận động cha mẹ, người giám hộ trẻ em đến tiêm chủng đầy đủ, đúng thời gian.

- Bố trí cán bộ hỗ trợ với ngành Y tế trong công tác triển khai tiêm chủng.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Cổng thông tin điện tử Quảng Nam

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở thực hiện các hoạt động truyền thông tới người dân về lợi ích tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em.

- Tổ chức giám sát việc thực hiện công tác truyền thông.

- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tổ công nghệ thông tin phòng, chống dịch COVID-19 phối hợp Viettel Quảng Nam cập nhật dữ liệu tiêm chủng theo quy định.

5. Công an tỉnh

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí lực lượng trực tiếp tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại các buổi tiêm và hỗ trợ công tác triển khai trước, trong và sau buổi tiêm tại tất cả các điểm tiêm chủng đảm bảo an toàn tiêm chủng, an ninh trật tự và phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV-2.

- Chỉ đạo Công an địa phương phối hợp với các đơn vị lập danh sách và cơ sở tiêm chủng cung cấp Mã định danh công dân nếu đối tượng được tiêm chưa có Căn cước công dân để sử dụng “Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19” theo nội dung Thông báo số 1689/TB-BYT ngày 24/10/2021 của Bộ Y tế kết luận Hội nghị quán triệt một số nội dung về tiêm chủng vắc xin phòng COVID- 19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư và Công văn số 7765/UBND-KGVX ngày 03/11/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai Thông báo số 1689/TB-BYT ngày 24/10/2021 của Bộ Y tế.

6. Sở Tài chính

Thẩm định kinh phí theo đề nghị của Sở Y tế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức triển khai các hoạt động tiêm chủng. Hướng dẫn sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo quy định.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường

Triển khai việc thu gom, xử lý rác thải phát sinh tại các điểm tiêm chủng trong thời gian diễn ra chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.

8. Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Quảng Nam

Chủ động phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị liên quan khẩn trương sử dụng “Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID- 19” vào triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh.

9. Các Sở, Ban, ngành của tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp tốt với ngành Y tế tích cực tham gia tuyên truyền, vận động để Nhân dân tham gia và hưởng ứng hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn. Trưởng Ban chỉ đạo cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh việc triển khai thực hiện tiêm vắc xin tại địa phương mình.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan (quân sự, công an, giáo dục...) cử cán bộ phối hợp với ngành y tế tham gia việc triển khai Chiến dịch tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn. Huy động lực lượng và đảm bảo máy tính, mạng internet cho việc nhập liệu tại điểm tiêm chủng.

- Chịu trách nhiệm quản lý đối tượng tiêm chủng trên địa bàn.

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện thông tin, tuyên truyền tới người dân về đối tượng tiêm chủng, loại vắc xin phòng COVID-19, lợi ích của tiêm vắc xin và theo dõi phản ứng sau tiêm chủng bằng nhiều hình thức. Trong đó tăng cường truyền thông trên loa phát thanh xã, truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, bố trí cán bộ thực hiện tư vấn, truyền thông trực tiếp cho cha mẹ/người giám hộ, đối tượng tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng khi đến lượt.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các đơn vị trên địa bàn.

- Báo cáo tiến độ và kết quả triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh.

11. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

- Chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông về Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, tập trung về các nội dung liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước về tiêm chủng vắc xin, các quy định của Trung ương, của tỉnh có liên quan, tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự ủng hộ của người dân.

- Kịp thời phát hiện và tổ chức đấu tranh ngăn chặn, phản bác xử lý thông tin xấu, không chính xác theo quy định.

12. Đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh

Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân về các quy định có liên quan đến tiêm chủng vắc xin, lợi ích, tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin.

13. Đề nghị Quân khu 5

Chỉ đạo Cục Hậu cần tiếp tục hỗ trợ công tác vận chuyển vắc xin, vật tư phục vụ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, đúng quy trình và kịp tiến độ triển khai tiêm chiến dịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Trên đây là Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; đề nghị các Sở, Ban, ngành liên quan của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai thực hiện đạt kết quả đề ra./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Cục Y tế Dự phòng;
- Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương;
- Viện Pasteur Nha Trang;
- Quân khu 5;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- BVĐK TW Quảng Nam;
- Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam;
- Viettel Quảng Nam;
- Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KgVx (Hạnh).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tân

 

PHỤ LỤC

THỐNG KÊ SỐ LƯỢNG TRẺ EM TỪ 12 ĐẾN DƯỚI 18 TUỔI TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 8583/KH-UBND ngày 30/11/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam)

STT

Huyện

Số đối tượng (Trẻ từ 12 đến 17 tuổi)

1

Tam Kỳ

12.619

2

Phú Ninh

6.866

3

Điện Bàn

18.667

4

Hội An

7.820

5

Duy Xuyên

10.732

6

Thăng Bình

15.530

7

Đại Lộc

11.925

8

Quế Sơn

6.931

9

Núi Thành

13.647

10

Hiệp Đức

4.179

11

Tiên Phước

6.016

12

Đông Giang

2.871

13

Tây Giang

2.388

14

Nam Giang

3.115

15

Bắc Trà My

4.887

16

Nam Trà My

6.434

17

Phước Sơn

3.379

18

Nông Sơn

2.381

Tổng

140.387

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 8583/KH-UBND năm 2021 triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tại tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 8583/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 30/11/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Trần Văn Tân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản