Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8040/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 13 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 118-KH/TU ngày 07/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai là tập trung các nguồn lực xây dựng du lịch Đồng Nai trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng trọng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

b) Xây dựng thương hiệu du lịch Đồng Nai là du lịch sinh thái.

c) Quản lý, khai thác phát huy tiềm năng phát triển du lịch, lợi thế để xây dựng sản phẩm du lịch; bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.

d) Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển du lịch; thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đồng Nai.

2. Yêu cầu

Triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai một cách đồng bộ, với sự chủ động phối hợp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố để hỗ trợ và tạo thuận lợi cho lĩnh vực du lịch phát triển nhanh và hướng đến phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

II. MỤC TIÊU

1. Giai đoạn 2021 - 2025

a) Tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách tham quan và lưu trú đạt 13%/năm trở lên. Doanh thu từ du lịch đạt 18%/năm trở lên. Đến năm 2025, thu hút khách tham quan và lưu trú khoảng 8.500.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế khoảng 185.000 lượt). Doanh thu từ du lịch khoảng 3800 tỷ đồng.

b) Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch và các kỹ năng liên quan đến hoạt động du lịch cho khoảng 600 - 650 lượt người tham gia.

2. Giai đoạn 2026 - 2030

a) Tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách tham quan và lưu trú đạt từ 8% trở lên. Doanh thu từ du lịch đạt 14%/năm trở lên. Đến năm 2030, thu hút khách tham quan và lưu trú khoảng 12.000.000 lượt (trong đó khách quốc tế khoảng 245.000 lượt). Doanh thu từ du lịch khoảng 7.000 tỷ đồng.

b) Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch và các kỹ năng liên quan đến hoạt động du lịch cho khoảng 700 - 750 lượt người tham gia.

III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao nhận thức về du lịch

a) Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, từ các doanh nghiệp du lịch đến cộng đồng dân cư nhận thức về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang nội dung văn hóa và nhân văn sâu sắc, đóng góp chính vào hội nhập kinh tế, tạo động lực cho các ngành khác phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng.

b) Nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, bảo vệ môi trường du lịch, trong đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch và trong thực hiện xây dựng thương hiệu du lịch Đồng Nai.

2. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

a) Tạo môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng, bình đẳng và đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư; tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình đầu tư để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào các dự án phát triển du lịch, đặc biệt là những nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín để tạo đột phá trong việc xây dựng các khu du lịch trọng điểm; đồng thời có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển du lịch cộng đồng nhằm thu hút đầu tư từ người dân trong tỉnh.

b) Kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp những hạ tầng giao thông còn hạn chế và kiến nghị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giao thông, dự án trọng điểm quốc gia do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và du lịch nói riêng, đặc biệt là hạ tầng giao thông như: tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay quốc tế Long Thành...

c) Ngân sách nhà nước chú trọng và ưu tiên tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch tại các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu du lịch trọng điểm để tạo động lực thu hút đầu tư và thuận lợi cho du khách tham quan du lịch.

d) Đầu tư bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích, di sản để phát huy giá trị khai thác phục vụ du lịch hiệu quả.

e) Khuyến khích đầu tư, hình thành trung tâm tổ chức hội nghị, triển lãm mua sắm, thể thao, giải trí quy mô lớn, hiện đại tạo động lực phát triển du lịch.

3. Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch

3.1. Du lịch sinh thái và xây dựng loại hình du lịch này là thương hiệu của du lịch Đồng Nai

a) Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có và phát triển sản phẩm du lịch mới tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Thác Mai - Bàu Nước nóng, núi Chứa Chan và các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trở thành các khu (điểm) du lịch trọng điểm có sức hấp dẫn và có sức cạnh tranh cao để tạo thương hiệu cho du lịch Đồng Nai.

Trước mắt, tập trung tạo mọi điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án: Thác Mai - Bàu nước nóng, tuyến du lịch đường sông, hồ Trị An, hồ Đa Tôn, Công viên Safari... sớm được triển khai; đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện cho dự án khu du lịch Sơn Tiên với quy mô lớn nhất về du lịch của tỉnh hiện nay đi vào hoạt động để tạo “cú hích” cho du lịch Đồng Nai phát triển mạnh.

b) Huy động các nguồn lực của xã hội nâng cấp sản phẩm du lịch đường sông, xây dựng các bến thủy phục vụ vận chuyển du lịch, mua sắm trang thiết bị mới, đồng thời liên kết ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh để phát triển tuyến du lịch nay, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch để phục vụ người dân và du khách.

3.2. Phát triển du lịch tâm linh, văn hóa lịch sử

a) Ưu tiên trùng tu, tôn tạo các di tích có khả năng kết nối du lịch; lựa chọn các di tích văn hóa lịch sử, hệ thống chùa có khả năng khai thác gắn kết du lịch như: Thiền viện Thường Chiếu, Chùa Ông, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Mộ cự thạch Hàng Gòn, địa đạo Nhơn Trạch, Nhà lao Tân Hiệp... để xây dựng và phát triển các tuyến du lịch tâm linh, văn hóa lịch sử. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển dịch vụ phục vụ khách du lịch tại các khu di tích.

b) Nghiên cứu xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống (đờn ca tài tử, rối nước, nghệ thuật cải lương...) và xây dựng Lễ hội mừng lúa mới (Lễ hội Sayangva) của đồng bào dân tộc Choro thành sản phẩm du lịch, trong đó, chú trọng tổ chức nhiều hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương gắn với các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa lưu niệm, các món ẩm thực, đặc sản của Đồng Nai để quảng bá, thu hút và phục vụ khách du lịch.

3.3. Phát triển loại hình du lịch vui chơi, giải trí, mua sắm

Mời gọi các tổ chức, cá nhân có năng lực đầu tư phát triển các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như: Khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí tại các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch và các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp.

3.4. Phát triển loại hình du lịch thể thao

a) Phát triển loại hình du lịch thể thao gắn với Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, núi Chứa Chan (đua xe đạp thể thao, các môn thể thao phối hợp, thuyền buồm, dù lượn...).

b) Tổ chức và phối hợp tổ chức các sự kiện thể thao lớn với kế hoạch cụ thể để tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

3.5. Phát triển du lịch cộng đồng

Khảo sát, rà soát, lựa chọn, các địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng; gắn phát triển du lịch với nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư địa phương để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo cho người dân.

3.6. Phát triển sản phẩm du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE)

Phát huy thế mạnh là tỉnh có nhiều khu công nghiệp và có nhiều tuyến giao thông thuận lợi, sản phẩm du lịch ngày càng được cải thiện nên hàng năm sẽ có nhiều hội nghị, hội thảo giữa các đối tác trong và ngoài nước. Là điều kiện để du lịch Đồng Nai xây dựng và phát triển loại hình du lịch MICE.

3.7. Phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm đặc trưng

a) Các địa phương chủ động rà soát, đánh giá tiềm năng và định hướng đầu tư phát triển theo hướng liên kết các địa phương với các tua, tuyến, điểm du lịch đặc thù, hướng vào chiều sâu và bền vững. Chú trọng lợi ích của người dân, cộng đồng dân cư, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm đặc trưng (bưởi, chôm chôm, sầu riêng...) để phát triển loại hình du lịch nông thôn.

b) Đối với các địa phương có điều kiện, tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút khách du lịch và tăng mức chi tiêu của du khách.

c) Xây dựng các sản phẩm OCOP gắn kết với hoạt động du lịch, tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của người dân và du khách.

3.8. Liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng

a) Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương để khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch, xúc tiến du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, tránh trùng lặp.

b) Kết nối sản phẩm du lịch sinh thái, các tour, tuyến với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ - Tây Nguyên để phục vụ khách du lịch, trong đó chú trọng các tuyến du lịch:

- Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Lâm Đồng.

- Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Thuận.

- Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.

- Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Dương.

- Các tỉnh miền Tây Nam bộ - Đồng Nai - Bình Thuận (Lâm Đồng).

4. Phát triển nguồn nhân lực du lịch

a) Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo về du lịch tại các trường trên địa bàn, quan tâm đến đào tạo kỹ năng nghề du lịch, kỹ năng mềm trong hoạt động du lịch. Khuyến khích các trường nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị giảng dạy được trang bị đồng bộ. Đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

b) Tăng cường liên kết, hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Khuyến khích đào tạo tại chỗ, tự đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.

c) Ưu tiên đầu tư phát triển nhân lực du lịch vùng sâu, vùng xa để từng bước tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng dân cư địa phương cho phát triển du lịch.

d) Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng như: Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm để người lao động tự tin, chủ động phát huy được khả năng của mình trong môi trường hội nhập.

e) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch của địa phương.

g) Xây dựng lộ trình đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có khả năng nắm bắt và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành nhằm đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển du lịch.

5. Phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch

a) Quan tâm, tạo thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng tại địa phương; thúc đẩy thị trường khách đi du lịch kết hợp tìm hiểu văn hóa, lịch sử, giáo dục truyền thống và sinh thái.

b) Đẩy mạnh phát triển thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cuối tuần gắn với sinh thái, trải nghiệm văn hóa dân tộc, tìm hiểu văn hóa, lịch sử.

c) Phát triển thị trường khách quốc tế phù hợp với sản phẩm du lịch sinh thái như thị trường Châu Úc, Châu Âu, Bắc Mỹ, Tây Âu...

d) Phát triển thị trường khách là các chuyên gia đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

6. Quảng bá, xúc tiến du lịch

a) Tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá thông qua nhiều hình thức như: Các phương tiện thông tin đại chúng, internet, liên kết các doanh nghiệp lữ hành, hội thảo, hội chợ, khảo sát cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các ấn phẩm du lịch, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến, quảng bá. Gắn hoạt động xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và ngoại giao.

b) Đăng cai các sự kiện cấp quốc gia và quốc tế để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Đồng Nai đến bạn bè đến từ các vùng miền của đất nước và quốc tế.

c) Chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu, từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu của Đồng Nai là du lịch sinh thái; liên kết xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch với các địa phương để thu hút khách đến Đồng Nai.

d) Liên kết công - tư trong việc huy động kinh phí để tăng cường đầu tư cho xúc tiến, quảng bá điểm đến, phát triển thương hiệu điểm đến.

7. Bảo vệ tài nguyên và môi trường trong phát triển du lịch

a) Phát huy trách nhiệm các cấp chính quyền, các đơn vị được nhà nước giao quản lý tài nguyên có biện pháp quản lý và khai thác tài nguyên đảm bảo tuân thủ các yêu cầu đặt ra đối với việc sử dụng tài nguyên; kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng tài nguyên, tránh việc sử dụng quá mức gây suy giảm hoặc xuống cấp tài nguyên.

b) Khuyến khích thu hút vốn đầu tư vào các hoạt động bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch và các dự án đầu tư về du lịch có những cam kết về bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch.

c) Đối với các tài nguyên văn hóa tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn du khách tôn trọng và có thái độ ứng xử văn hóa, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống, môi trường xã hội trong hoạt động du lịch.

d) Triển khai các chương trình giáo dục cộng đồng, tăng cường thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của dân cư về ứng xử văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch nhằm xây dựng môi trường xã hội an toàn, thân thiện đối với du khách.

e) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường, xây dựng ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan thiên nhiên của người dân và du khách.

g) Đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch đề nghị các nhà đầu tư rà soát, thực hiện các thủ tục môi trường theo quy định, đảm bảo thực hiện các biện pháp, công trình thu gom, xử lý chất thải phát sinh từ các hoạt động của dự án theo quy chuẩn cho phép. Mặt khác khi triển khai các dự án, các chủ đầu tư rà soát, xác định hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ.

h) Khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm thiểu phát thải nhà kính.

8. Quản lý nhà nước về du lịch

a) Tăng cường phối hợp giữa các Sở, ngành và địa phương trong quản lý và hỗ trợ phát triển du lịch. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho khách du lịch; tạo dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện.

b) Thực hiện các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

c) Tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng dịch vụ và quản lý điểm đến; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về du lịch.

d) Ưu tiên nguồn lực cho công tác lập quy hoạch, đào tạo nhân lực, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm du lịch; phát triển du lịch cộng đồng; bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.

e) Chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng, các địa phương có ngành du lịch phát triển nhằm phát triển sản phẩm, liên kết tuyến du lịch, quảng bá hình ảnh, trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý...

g) Mở rộng hợp tác các địa phương thuộc các quốc gia, các tổ chức quốc tế có quan hệ hữu nghị với tỉnh Đồng Nai để tranh thủ các cơ hội, nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.

h) Tiếp tục tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra để hướng dẫn, nhắc nhở các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh doanh dịch vụ du lịch, đồng thời xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm và có hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.

i) Khuyến khích, khen thưởng các thành phần kinh tế đầu tư nâng cấp, xây dựng các cơ sở du lịch, dịch vụ du lịch, những mô hình, sản phẩm du lịch có chất lượng tốt, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của tỉnh.

9. Ứng dụng khoa học và công nghệ

a) Phát triển du lịch thông minh, tăng cường ứng dụng công nghệ số để quảng bá hình ảnh, thương hiệu và xúc tiến du lịch.

b) Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch.

c) Ứng dụng công nghệ số để quản lý khách du lịch và hoạt động du lịch, khuyến khích sử dụng công nghệ xanh, sạch trong hoạt động kinh doanh.

d) Ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt; khuyến khích khách du lịch sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trên các thiết bị du lịch thông minh.

e) Ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện hệ thống thống kê du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch, đảm bảo kết nối và liên thông với hệ thống dữ liệu quốc gia.

Trong các nhiệm vụ và nhóm giải pháp nêu trên thì nhóm nhiệm vụ và giải pháp “huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch” là nhiệm vụ và nhóm giải pháp trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để tạo đột phá cho du lịch Đồng Nai phát triển trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng của tỉnh trong những năm tiếp theo.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế đảm bảo theo quy định.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này.

b) Đầu mối tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch nêu trên, định kỳ hàng năm báo cáo (lồng ghép vào báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 118-KH/TU ngày 07/7/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn).

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời gọi các doanh nghiệp để huy động các nguồn lực đầu tư vào các địa bàn có điều kiện phát triển du lịch.

b) Hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục quyết định chủ trương đầu tư để triển khai các dự án: Tuyến du lịch đường sông, dự án du lịch tại hồ Đa Tôn, dự án du lịch sinh thái Thác Mai - Bàu nước sôi, dự án mở rộng khu du lịch Suối Mơ... cho các nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và các quy định khác liên quan.

c) Tham mưu, trình UBND tỉnh bổ sung vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn cho công tác đầu tư hạ tầng du lịch, đặc biệt là các tuyến đường giao thông kết nối với các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh theo Luật Đầu tư công.

d) Tổ chức kiểm tra, giám sát, đề xuất xử lý các dự án du lịch được cấp quyết định chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư có năng lực để thực hiện các dự án về du lịch.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Định hướng các cơ quan báo chí tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền, phổ biến Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển du lịch; truyền thông, quảng bá, đất nước con người và du lịch Đồng Nai.

b) Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá về đất nước con người và du lịch Đồng Nai; phát triển du lịch thông minh.

4. Sở Giao thông Vận tải

a) Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá đầu tư đầu tư và đề xuất danh mục đầu tư công trung hạn đối với các dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các khu du lịch trọng điểm.

b) Phối hợp các cơ quan liên quan rà soát các bến thủy nội địa phục vụ du lịch đang hoạt động, đề xuất cấp giấy phép những bến thủy nội địa đảm bảo các quy định và các quy định liên quan; đề xuất, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bến thủy nội địa phục vụ du lịch trong các trường hợp cần thiết, đảm bảo các quy định, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.

c) Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phối hợp các Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện các công việc có liên quan tại các dự án giao thông do Trung ương quản lý đi qua địa bàn tỉnh.

5. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Đồng Nai trong đó ưu tiên thiết kế các sản phẩm làm quà tặng du lịch, đồng thời thực hiện các giải pháp để kết nối các sản phẩm lưu niệm đến các khu, điểm du lịch, các Trung tâm thương mại, siêu thị nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép các nội dung của phát triển du lịch vào Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, các mô hình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch.

b) Chủ trì, phối hợp sở, ngành và UBND các huyện, thành phố liên quan hướng dẫn hoặc tham mưu giải quyết kịp thời các dự án du lịch liên quan đến đất rừng và thuê môi trường rừng.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Giải quyết hoặc tham mưu, đề xuất giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về đất đai đối với các dự án phát triển du lịch, nhất là các dự án trọng điểm về du lịch.

b) Theo dõi, giám sát việc sử dụng đất, sử dụng nguồn nước, khoáng sản và công tác bảo vệ môi trường của các dự án du lịch theo quy định.

8. Sở Ngoại vụ

a) Thực hiện công tác tuyên truyền đối ngoại về các hoạt động giới thiệu và quảng bá các sự kiện chính trị đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch và các hoạt động đối ngoại của tỉnh.

b) Phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện công tác ngoại giao văn hóa, xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa; tổ chức các sự kiện văn hóa đối ngoại trên địa bàn tỉnh và giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người, văn hóa và tiềm năng đầu tư, kinh doanh về phát triển du lịch.

9. Công an tỉnh

a) Triển khai công tác đảm bảo an ninh kinh tế du lịch. Tham gia ý kiến về mặt an ninh đối với các chương trình, dự án trọng điểm về du lịch; việc lập các văn phòng đại diện du lịch nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; việc mở các tour du lịch quốc tế, nhân sự khách du lịch trọng điểm đến tỉnh Đồng Nai; việc cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế. Thanh tra, kiểm tra, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý các vi phạm liên quan đến các hoạt động du lịch.

b) Thực hiện công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị du lịch. Tham mưu, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị du lịch phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và xây dựng lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; phối hợp các cơ quan này thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh du lịch”.

10. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các chương trình, đề tài và đề án ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển du lịch; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh du lịch; hướng dẫn các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong hoạt động kinh doanh du lịch.

11. Sở Tài chính

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, hàng năm các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa lập kế hoạch và dự trù kinh phí gửi về Sở Tài chính tổng hợp. Tùy theo điều kiện và khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định.

12. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, quản lý quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch

13. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện các nhiệm vụ có liên quan nhằm phát huy sức mạnh để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch.

14. Hiệp hội Du lịch Đồng Nai

Chủ động phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan, góp phần hoàn thành mục tiêu của kế hoạch.

15. Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng Nai

Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động tuyên truyền về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch; thực hiện chuyên trang chuyên mục, bài viết, phóng sự quảng bá hình ảnh du lịch Đồng Nai.

16. UBND các huyện, thành phố

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, vận động nhân dân tự giác, tích cực tham gia xây dựng phong trào ứng xử văn minh, giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh môi trường gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cam kết không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi xâm hại khách tại các khu, điểm du lịch.

b) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch phù hợp với điều kiện, phát triển du lịch của mỗi địa phương để giới thiệu hình ảnh du lịch đến với người dân và du khách.

c) Rà soát các khu vực có điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn cập nhật vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để định hướng phát triển; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia phát triển cộng đồng, du lịch gắn với nông thôn, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.

d) Phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát và đề xuất ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông kết nối các khu, điểm du lịch trọng điểm để tạo động lực thu hút đầu tư và thuận lợi cho du khách tham quan du lịch.

e) Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách tại các khu, điểm du lịch; ngăn chặn và xử lý các đối tượng đeo bám gây phiền hà cho khách du lịch.

e) Có lộ trình xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn du lịch tại các địa điểm tập trung nhiều người dân và du khách đến tham quan vui chơi giải trí như: Công viên, chợ đêm nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp triển khai thực hiện để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Trong quá trình thực hiện nếu khó khăn, vướng mắc, các ngành và địa phương báo cáo đề xuất UBND tỉnh (đồng gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp) để kịp thời xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- UBMTTQ VN tỉnh, các đoàn thể tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Công an tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Hiệp hội Du lịch Đồng Nai;
- Báo Đồng Nai, Đài PTTH ĐN;
- Chánh, các PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.
th.dl.kehoachchienluoc

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hòa Hiệp