Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 79/KH-UBND

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 116/2021/NĐ-CP NGÀY 21/12/2021 CỦA CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (sau đây viết tắt là Nghị định số 116/2021/NĐ-CP), Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP đúng quy định của pháp luật, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ngành của Thành phố và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc tổ chức thực hiện Nghị định kịp thời và hiệu quả.

2. Yêu cầu

- Quá trình triển khai phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở, ngành của Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP và các cấp chính quyền từ quận, huyện, thị xã đến các phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Các cơ quan phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong việc triển khai và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

1. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy về trình tự, thủ tục đăng ký cai nghiện, lập hồ sơ cai nghiện đối với người cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc và quản lý sau cai nghiện ma túy. Tuyên truyền, phổ biến cho các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên về chính sách pháp luật trong công tác phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

2. Rà soát, thống kê, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người cai nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy tại các địa phương, đơn vị.

3. Xây dựng hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Lựa chọn đơn vị đủ điều kiện để đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

4. Thực hiện tốt công tác đăng ký, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và tại các cơ sở cai nghiện ma túy; đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc.

5. Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ, chuyên môn điều trị, cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện nhằm đáp ứng nhu cầu đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện.

6. Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ đối với người cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc và quản lý sau cai nghiện ma túy, chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia công tác cai nghiện ma túy tự nguyện trên địa bàn.

7. Rà soát, bổ sung đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; bổ sung nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị cai nghiện bắt buộc cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện đảm bảo theo quy định của pháp luật.

8. Tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú đảm bảo việc lập hồ sơ, tổ chức quản lý người sau khi hoàn thành cai nghiện tự nguyện, hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, chấp hành xong biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đúng theo quy định pháp luật.

9. Tổ chức hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự và tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy ở cộng đồng và các cơ sở cai nghiện ma túy.

10. Rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy không còn phù hợp, đề xuất Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản mới để thay thế, đảm bảo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội

- Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; trực tiếp quản lý, chỉ đạo, điều hành hệ thống các cơ sở cai nghiện ma túy công lập hoạt động hiệu quả, các giải pháp nâng cao chất lượng công tác điều trị cho người nghiện ma túy, duy trì ổn định an ninh, trật tự tại các cơ sở cai nghiện ma túy.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy; chỉ đạo các cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận đối tượng không xác định được nơi cư trú là người chưa thành niên hoặc người ốm yếu không còn khả năng lao động khi chấp hành xong biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã và các cơ sở cai nghiện ma túy công lập phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện ma túy tự nguyện; cai nghiện ma túy bắt buộc và quản lý người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ trong công tác cai nghiện ma túy, chính sách thu hút người vào làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia công tác cai nghiện ma túy tự nguyện.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy không còn phù hợp, đề xuất Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản mới để thay thế, đảm bảo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đáp ứng nhu cầu về điều trị, cai nghiện của người nghiện ma túy; bổ sung nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị cai nghiện bắt buộc cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; thực hiện việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện trên địa bàn Thành phố.

- Phối hợp với Tòa án nhân dân Thành phố, Công an Thành phố, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (quản lý người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy, mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện); triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

- Thực hiện chế độ thống kê, thông tin, báo cáo về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.

2. Công an Thành phố

- Chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã rà soát, thống kê, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn; phối hợp với cơ sở y tế xác định tình trạng nghiện ma túy.

- Hướng dẫn, chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy; thẩm định hồ sơ đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tổ chức đưa người đã có quyết định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; truy tìm đối tượng bỏ trốn; lập hồ sơ quản lý sau cai nghiện ma túy đối với người hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện, hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, chấp hành xong biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc và phối hợp thực hiện công tác quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn về công tác bảo vệ, sử dụng công cụ hỗ trợ, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm quy chế, nội quy của người cai nghiện, cấp giấy chứng nhận cho lực lượng bảo vệ của các cơ sở cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn.

3. Sở Y tế

- Hướng dẫn, chỉ đạo y tế địa phương về cung cấp dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, xác định tình trạng nghiện ma túy.

- Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn công tác phòng, chống dịch, bệnh, khám sức khỏe định kỳ cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tổ chức kiểm tra các hoạt động chuyên môn về công tác điều trị, cắt cơn, phục hồi sức khỏe, phòng, chống HIV/AIDS và điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại các cơ sở cai nghiện ma túy.

- Chỉ đạo tổ chức tập huấn cấp chứng chỉ cho cán bộ y tế các cấp về xác định tình trạng nghiện ma túy, chẩn đoán người nghiện ma túy, điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy.

- Hướng dẫn các cơ sở cai nghiện ma túy hoàn thiện các thủ tục đủ điều kiện và cấp phép khám chữa bệnh theo quy định của Luật Khám chữa bệnh; thực hiện công tác hướng dẫn, cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế đủ điều kiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn Thành phố theo đúng quy định.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan như Công an Thành phố, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên trên địa bàn Thành phố; kiểm tra, kịp thời phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, người nghiện ma túy trong học sinh các trường phổ thông, sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn.

5. Sở Tài chính

Hàng năm, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, đơn vị và khả năng cân đối ngân sách, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí kinh phí thường xuyên từ nguồn ngân sách Thành phố cấp cho các cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, kinh phí hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy theo quy định.

6. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy và hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; rà soát, điều chỉnh đề án vị trí việc làm, xây dựng định mức biên chế công chức, số lượng người làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, cai nghiện ma túy tại các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ chuyên ngành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

7. Đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cấp huyện tăng cường công tác thụ lý hồ sơ, kịp thời mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên; xem xét, quyết định những trường hợp miễn, hoãn, giảm thời hạn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

8. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức tiếp nhận, thẩm định và công bố tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; quyết định đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Niêm yết công khai danh sách các đơn vị được lựa chọn cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn.

- Chỉ đạo phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an cấp huyện, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy đảm bảo đúng quy định; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở cai nghiện ma túy hoạt động trên địa bàn và có chính sách hỗ trợ đối với người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tìm việc làm, sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

- Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn các văn bản mới trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy cho cán bộ làm công tác cai nghiện cấp huyện, cấp xã để triển khai thực hiện.

- Chỉ đạo phòng Nội vụ cấp huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và đơn vị liên quan về cai nghiện ma túy hướng dẫn, tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động cai nghiện ma túy.

- Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phối hợp với các cơ sở cai nghiện ma túy tổ chức dạy học cho học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy; hướng dẫn, kiểm tra chất lượng học tập, tổ chức thi và cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp tương ứng với chương trình học cho người cai nghiện; thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với người sau cai nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi khi tiếp tục đi học ở các bậc học phổ thông tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

- Xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh đối với người có sai phạm trong tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.

- Hàng năm, bố trí kinh phí cho việc tổ chức thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ được bố trí từ ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố, yêu cầu các Sở, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc, kịp thời thông báo về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, chỉ đạo. Định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Trung ương và Thành phố theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Phó Chủ tịch UBND Thành phố:
Lê Hồng Sơn, Chử Xuân Dũng;
- Cục Phòng, chống TNXH- Bộ LĐTB&XH;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Các cơ quan báo, đài của Hà Nội;
- VPUB: CVP, PCVP P.T.T.Huyền,
Phòng KGVX, NC, TKBT;
- Lưu: VT, KGVX(Ngọc).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Chử Xuân Dũng